Hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa: Cần nhưng chưa đủ!
- Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2014 | 2:27:28 PM
YBĐT - Nhằm đưa chăn nuôi trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, từ năm 2009, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, ngành chăn nuôi vẫn chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ và bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục.
Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn 4, xã Văn Lãng (Yên Bình) phát huy hiệu quả.
|
Những cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi
Là một tỉnh miền núi, Yên Bái lại nằm sâu trong nội địa, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp thì chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc giữ vai trò, vị trí quan trọng. Chăn nuôi không chỉ cung cấp một lượng lớn thực phẩm cho thị trường mà còn lấy phân bón phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng nông thôn. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, từng bước hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cũng như hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, từ năm 2008 - 2010, tỉnh có chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ có quy mô chăn nuôi 100 con lợn thịt, 15 con lợn nái và 10 triệu đồng/hộ có quy mô chăn nuôi 1.000 con gia cầm trở lên. Trong ba năm, đã có 541 cơ sở chăn nuôi được thụ hưởng, trong đó có 200 cơ sở nuôi lợn thịt, 112 cơ sở nuôi lợn nái, 109 cơ sở nuôi gia cầm và 104 cơ sở nuôi ba ba… với tổng vốn hỗ trợ trên 12.718 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa như một làn gió mát đối với người chăn nuôi, góp phần tạo bước đột phá trong chăn nuôi. Từ một địa phương chăn nuôi nông hộ là chính, Yên Bái qua chính sách hỗ trợ đã hình thành được các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn, tập trung mang tính hàng hóa.
Tiếp bước cho phát triển, từ năm 2011, Yên Bái tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa với mức 20 triệu đồng/cơ sở và giảm quy mô từ 100 con lợn thịt xuống 50 con, nái từ 20 con xuống 10 con. Trong 3 năm, từ 2011 - 2013, đã có 612 cơ sở hộ gia đình được hỗ trợ, trong đó có 572 cơ sở chăn nuôi lợn thịt và lợn nái, tổng số vốn hỗ trợ là trên 12 tỷ đồng.
Nói về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa, ông Đàm Duy Đức - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: "Đây là một chính sách có nhiều ý nghĩa, người chăn nuôi rất phấn khởi, chỉ tiếc rằng nguồn vốn hỗ trợ không được nhiều, mới đáp ứng 50%. Tuy vậy, chính sách đã tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng sản lượng và giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sản lượng thịt hàng năm tăng mạnh, chỉ tính riêng trong năm 2013 đạt trên 30.000 tấn, trong đó lượng thịt hơi đạt 26.500 tấn, riêng lợn đạt 24.000 tấn, giá trị thu gần 90 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ ở một tỉnh có nền chăn nuôi nông hộ là chính. Quan trọng hơn cả là đã thay đổi tư duy nông dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang quy mô lớn theo hướng hàng hóa, thị trường và đó là nền tảng để chăn nuôi phát triển bền vững".
Chính sách đi vào cuộc sống
Để hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa, chúng tôi về Yên Bình để được xem, được nghe chính những người được thụ hưởng chính sách này. Trong hơn 5 năm qua, huyện Yên Bình đã có 304 cơ sở hộ gia đình được thụ hưởng với số tiền hỗ trợ gần 6 tỷ đồng.
Gia đình ông Nguyễn Mạnh Thắng ở xã Văn Lãng là một trong hàng trăm hộ chăn nuôi được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng từ chương trình năm 2012 cho biết: "Chăn nuôi là một nghề không thể thiếu đối với các hộ dân nông thôn. Gia đình tôi đã nuôi lợn từ hàng chục năm nay nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa 10 - 15 con. Từ năm 2012, thấy xã thông báo tỉnh có chương trình hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa, gia đình đăng ký và được hỗ trợ 20 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn đối với một hộ chăn nuôi có quy mô lớn nhưng đó là số vốn rất có ý nghĩa, như một động lực khuyến khích chúng tôi đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi".
Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, gia đình ông Thắng đã trở thành một mô hình điểm của xã Văn Lãng với quy mô chăn nuôi khép kín, mang lại hiệu quả cao. Với 6 con lợn nái, gia đình hoàn toàn chủ động về con giống cũng như chất lượng giống. Nái đẻ, ông chuyển qua nuôi lợn thịt. Với 70m2 chuồng, ông ngăn làm 4 ô để nuôi gối. Bên cạnh đó, ông xây một hầm bi-ô-ga vừa sạch chuồng lại vừa cung cấp đủ chất đốt cho gia đình.
"Chăn nuôi lợn không khó, cứ giống tốt, tiêm phòng đúng kỳ, cho ăn cân đối là lợn phát triển rất ổn định. Tuy nhiên, cái khó nhất của người chăn nuôi hiện nay là đầu ra cho sản phẩm" - ông Thắng nói - "Không doanh nghiệp, không cơ sở nào thu mua, vất vả nuôi mấy tháng trời nhưng giá bán đều phụ thuộc vào các thương lái. Giá cả ổn định như mấy năm trước thì với quy mô chăn nuôi như gia đình tôi cũng lãi được gần trăm triệu đồng. Nhưng từ đầu năm 2014 trở lại đây, giá cả lên xuống thất thường, nếu chủ động được con giống, phòng dịch bệnh tốt thì may ra hòa, còn đi mua giống thì mỗi con lợn sau nuôi 4 tháng lỗ trên dưới 100.000 đồng".
Cũng như gia đình ông Thắng, gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn 4, xã Văn Lãng được nhận 20 triệu đồng hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa trong năm 2013. Sau khi nhận số tiền 20 triệu đồng cùng với số vốn tích cóp được sau bao năm lam lũ nơi ruộng đồng, anh Hải đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín với diện tích xây dựng hơn 60m2. Không đầu tư như nhiều gia đình khác mà anh Hải chọn hướng nuôi gối lứa. Tháng đầu, anh mua 30 con lợn giống về nuôi, gần hai tháng sau mua tiếp 30 con giống nữa, hai tháng kế tiếp nuôi thêm 30 con. Từ đó đến nay, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có trên 100 đầu lợn.
Lý giải về cách nuôi gối lứa, anh Hải cho biết: "Đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh, khi giá lên cao, khi giá xuống thấp, mình nuôi gối lứa để bù trừ cho nhau, tuy lãi không cao nhưng thu nhập ổn định. Kết thúc năm 2013, sau trừ chi phí, gia đình cũng lãi hơn 40 triệu đồng".
Qua đó cho thấy, chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa có tác động rất tốt đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi nào được hỗ trợ cũng phát triển tốt. Trong tổng số 304 mô hình mà Yên Bình được hỗ trợ trong hơn 5 năm qua cũng có 35 mô hình đã phá sản, một số hộ chỉ còn chăn nuôi cầm chừng.
Gia đình ông Tạ Văn Lịch ở xã Bạch Hà được hỗ trợ 30 triệu đồng năm 2008 nhưng chỉ sau hơn hai năm duy trì nay cũng đã bỏ chuồng. Hay như gia đình ông Nguyễn Viết Trí ở xã Yên Bình nuôi từ năm 2008 nay cũng đã bỏ nuôi lợn chuyển sang nghề khác. Qua tìm hiểu, phần lớn các hộ bỏ chuồng là do giá cả bấp bênh, dịch bệnh dẫn đến thua lỗ; một số hộ vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư, khi giá lợn hơi xuống thấp không đủ sức cầm cự dẫn tới phá sản.
Cần các giải pháp đồng bộ
Việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân song để chăn nuôi thực sự phát triển thì cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/mô hình chăn nuôi từ 50 con lợn thịt, 10 con lợn nái và 10 triệu đồng/mô hình chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con chỉ phù hợp với các hộ đã chăn nuôi lớn. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì rất khó khăn bởi với mức hỗ trợ như vậy thực sự khó để các hộ đạt được tiêu chí, nếu cố vay mượn và cố làm sẽ quá sức, dẫn đến khó phát triển bền vững.
Như năm 2008, khi bắt đầu thực hiện chương trình hỗ trợ với quy mô 100 con lợn thịt, nhiều hộ gia đình đã cố gắng đầu tư cho đạt tiêu chí để lấy tiền hỗ trợ nhưng chỉ một, hai năm sau là phá sản. Theo thống kê của huyện Yên Bình, năm 2008, có 36 mô hình thì đến nay chỉ còn 14 mô hình tiếp tục chăn nuôi, 22 mô hình đã ngừng chăn nuôi.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân chủ yếu thuần nông, nhà nào cũng chăn nuôi lợn, gà nhưng quy mô nhỏ lẻ, không chỉ vậy mà công tác phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Từ các yếu tố đó, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng với quy mô nhỏ hơn để nhà nhà đều làm được. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ con giống chất lượng bởi nguồn giống hiện nay rất thiếu và khó kiểm soát.
Song song là tăng cường dịch vụ thú y về cơ sở cũng như hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn. Những việc tưởng như nhỏ đó nhưng sẽ tạo đà cho chăn nuôi nông hộ phát triển và nếu làm tốt sẽ giải quyết được những tồn tại trong thời gian vừa qua. Một vấn đề mấu chốt mà người chăn nuôi rất cần hiện nay là thị trường đầu ra ổn định.
Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý thị trường, các hộ liên kết lại tạo ra khối lượng hàng hóa bởi thực tế, nhu cầu tiêu thụ thịt trong tỉnh là vẫn chưa đủ, chẳng qua chúng ta buông lỏng công tác quản lý và thiếu sự liên kết, dẫn đến bị tư thương ép giá.
Chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, liên kết các hộ, nhóm hộ hay các hợp tác xã chăn nuôi cùng với những chính sách hỗ trợ, tạo chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm chắc chắn sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Trải qua nhiều giai đoạn thịnh - suy nhưng sau gần 55 năm hình thành và phát triển, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Yên Bái đã có nhiều đóng góp trong quá trình, bảo vệ và xây dựng đất nước.
YBĐT - Những địa phương như thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình nằm trong địa bàn quy hoạch thu gom rác thải của Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân vi sinh hữu cơ tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cần khai thác triệt để lợi thế của Nhà máy này.
YBĐT - Chẳng ai trong số những dân nghèo nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước cười lên được. Đúng là bà con có khó khăn mới nhận gạo cứu đói, hỗ trợ giáp hạt, không ai cố len vào nhận gạo làm gì cả. Còn có những người khác không nhận gạo, chúng tôi thấy họ cũng không cười, đó là những cán bộ địa phương.
YBĐT - Nhà báo Ecetera Nguyễn bước vào công viên, anh gặp một cụ già và hỏi thăm về khu mộ Nguyễn Thái Học thì cụ già này chỉ đúng vị trí phía góc công viên. Ngược lại, đi thêm một đoạn nữa thì gặp một thanh niên và vẫn câu hỏi dành cho cụ già trước đó thì anh thanh niên chỉ tay sang quả gò bên kia hồ và nói rằng mộ của ông Nguyễn Thái Học ở phía bên đó chứ ở đây chỉ là tượng đài.