Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới:

Bài 2: Tái cấu trúc vấn đề sống còn

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2014 | 9:19:57 AM

YBĐT - Khi ngành nông nghiệp đang từng bước tiến tới xây dựng nền sản xuất hàng hóa thì nhu cầu liên kết các "mắt xích" trong chuỗi sản xuất này đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp phải "vững tay chèo, chắc tay lái" vượt qua sóng gió trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình nuôi gà giống của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà (Mai Sơn, Lục Yên) đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Mô hình nuôi gà giống của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Hà (Mai Sơn, Lục Yên) đang ngày càng phát huy hiệu quả.

Muốn vậy, đã đến lúc nhiều HTX nông nghiệp cần đổi mới cách nghĩ, cách làm thật cụ thể, đặc biệt gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và phải coi đây là cuộc cách mạng trên mặt trận nông nghiệp.

>> Bài 1: Những gam màu sáng - tối

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh có 152 xã bắt tay vào thực hiện. Đến hết năm 2013, đã có 60 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên và 10 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Trong đó, riêng tiêu chí số 13 (có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả) mới chỉ có 47 xã đạt. Như vậy là mới chỉ có 47 xã có HTX, tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhưng đây cũng chỉ là báo cáo của các địa phương chứ chưa có sự đánh giá chính thức của ban chỉ đạo các cấp về xây dựng NTM.

Mặc dù vậy, nhìn vào thực trạng hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp hiện nay, để hoàn thành tiêu chí số 13 nói riêng và các tiêu chí trong xây dựng NTM nói chung, thiết nghĩ đã đến lúc phải mạnh dạn tái cấu trúc toàn diện các HTX nông nghiệp này. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và hoàn thành việc xây dựng NTM.

Ông Hoàng Văn Toàn-Trưởng phòng Kinh tế tập thể, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: "Muốn tiến lên sản xuất hàng hóa thì quá trình sản xuất phải diễn ra theo một chu trình khép kín. Để làm được điều này, nhất thiết phải có các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhưng thực tế lâu nay cho thấy, các HTX nông nghiệp yếu kém mới chỉ thực hiện một vài khâu đầu vào của sản xuất, chưa làm ra sản phẩm cuối cùng; nếu có sản phẩm thì chất lượng cũng chưa cao, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, nghèo nàn, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường... Do vậy, hiệu quả kinh tế thấp, nếu không muốn nói là chưa có gì".

Để xóa bỏ thực trạng này, tiến tới nâng cao hiệu quả của các HTX nông nghiệp, việc nên làm lúc này, theo nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Bởi lâu nay nhiều HTX nông nghiệp mới chỉ chú trọng cho công tác cung ứng đầu vào như: phân bón, giống... để rồi "phó mặc" đầu ra cho xã viên. Vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần mất uy tín. Chính vì vậy, đã đến lúc các HTX nông nghiệp phải tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổng hợp; phải vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ và mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế với tổ hợp tác, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhà nước.

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Thay đổi hình thức tổ chức sản xuất gắn liền với thay đổi cách nghĩ, cách làm của HTX. HTX phải hướng dẫn, định hướng cho xã viên về việc trồng cây gì, nuôi con gì theo cơ cấu mùa vụ ra sao, đồng thời phải có các tổ làm dịch vụ về thú y, phun thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, điều quan trọng là HTX phải làm sao ký kết hợp đồng với nhiều đối tác để bao tiêu sản phẩm cho xã viên và người lao động. Có như vậy, hiệu quả sản xuất mới được nâng lên".

Cũng theo ông Đạo, tùy vào điều kiện thực tế của HTX và địa phương, các HTX cũng có thể chuyển đổi thành các tổ hợp tác nông nghiệp, hoạt động theo qui mô nhỏ hơn nhưng sẽ tạo nên những thay đổi, sức sống mới trong sản xuất nông nghiệp ở từng địa bàn. Trên thực tế, đã có nhiều HTX nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất. Khoan nói đến lợi nhuận nhiều hay ít nhưng nhờ chuyển đổi, HTX đã dần làm ăn hiệu quả, nâng cao đời sống xã viên và góp phần vào xây dựng địa phương. Tiêu biểu trong số này phải kể đến: HTX Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), HTX Đại Phác (huyện Văn Yên), HTX dâu tằm Tân Đồng (huyện Trấn Yên)...

 

Nuôi dâu tằm của nông hộ ở Tân Đồng, Trấn Yên.

Nhận thức rõ những hạn chế trong việc tổ chức hình thức sản xuất của các HTX nông nghiệp yếu kém là chậm chuyển đổi, chậm thích ứng với thị trường nên ngành nông nghiệp cũng đang có những động thái chuyển đổi, xây dựng các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp theo hướng tập trung vào một lĩnh vực chuyên canh dựa trên tiềm năng, tình hình thực tế của địa phương.

Theo ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Yên Bái có nhiều điều kiện để hình thành các vùng chuyên canh chè, lúa, cam, rau màu... Mỗi HTX, tổ hợp tác nông nghiệp muốn hoạt động hiệu quả thì phải tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh chuyên về một mặt hàng nào đó, từ trồng trọt đến chăn nuôi gắn với nhu cầu thực tế của địa phương.

Cải tổ bộ máy quản lý

Đi liền với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, các HTX nông nghiệp cũng cần phải mạnh dạn "cải tổ" bộ máy quản lý. Bài học "bình mới, rượu cũ" từ những lần chuyển đổi trước đây đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Làm được điều này, trước mắt cần nhanh chóng kiện toàn, củng cố HTX nông nghiệp - dịch vụ hiện có và xây dựng phát triển mô hình HTX mới.

Cụ thể, đối với các HTX trung bình, cần cấu trúc lại bộ máy quản lý; bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế cán bộ HTX; tư vấn hỗ trợ HTX xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn và sáp nhập hoặc hợp nhất các HTX nông nghiệp vừa và nhỏ với nhau nhằm mở rộng quy mô hoạt động; cung cấp thông tin thị trường, các dự án tại địa phương và giúp các HTX liên kết hợp tác.

Đối với các HTX yếu kém, ngưng hoạt động, cần tạo cơ chế cho các HTX sáp nhập hoặc giải thể tự nguyện nếu không thể kiện toàn, củng cố. Tuy nhiên, dù củng cố hay giải thể thì giải pháp quan trọng và nên làm là đào tạo và thu hút các cán bộ có năng lực, trình độ và nhiệt huyết với hoạt động của kinh tế tập thể, bởi họ sẽ là những người "chèo lái" đưa con thuyền HTX nông nghiệp vượt qua khó khăn, trở ngại.

Theo đó, các địa phương cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động trẻ ở lại xây dựng nông thôn. Hiện nay, tại nhiều địa phương, số thanh niên trẻ tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm khá nhiều. Nếu động viên được lực lượng này tham gia vào bộ máy lãnh đạo các HTX nông nghiệp sẽ vừa phát huy được năng lực của họ vừa phát huy được nguồn lực chất xám tại chỗ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển NTM hiện nay. Đặc biệt, việc giới thiệu các trí thức trẻ ở địa phương tham gia ban quản trị của các HTX sẽ dần làm chuyển biến về chất trong các HTX nông nghiệp hiện nay...

 

Bãi khai thác cát sỏi của Hợp tác xã Báo Đáp, Trấn Yên

Cùng với thu hút trí thức trẻ, các HTX cần tăng cường mở các lớp đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ và ban giám đốc; tiến hành đào tạo nghề cho xã viên và người lao động; phát huy quyền làm chủ của xã viên; huy động mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó quan trọng là vốn đóng góp của các xã viên HTX; chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho xã viên, người lao động.

Tuy nhiên, để mỗi HTX, tổ hợp tác nông nghiệp sau tái cấu trúc hoạt động hiệu quả, góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng NTM, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ tìm đầu ra cho nông dân và các HTX; hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở, nhà kho, khu chế biến, đóng gói và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo cho biết: "Một HTX nông nghiệp phát triển ổn định cũng cần có riêng chính sách vay vốn với lãi xuất thấp cho dịch vụ sản xuất, kinh doanh. Do vậy, rất cần có chính sách và cơ chế ưu đãi về vốn, về thuế, về đất đai, về thị trường…". Về phía Liên minh HTX tỉnh, theo ông Đạo, Liên minh sẽ tăng cường công tác tư vấn hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho HTX nông nghiệp, tổ hợp tác nông nghiệp về kế hoạch sản xuất, dịch vụ, công tác kế toán, xây dựng đề án, phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật một cách cụ thể; giúp các giám đốc HTX mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp…". 

Tùy vào điều kiện thực tế của HTX và địa phương, các HTX cũng có thể chuyển đổi thành các tổ hợp tác nông nghiệp, hoạt động theo qui mô nhỏ hơn nhưng sẽ tạo nên những thay đổi, sức sống mới trong sản xuất nông nghiệp ở từng địa bàn.
Cùng với những hỗ trợ trên, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở cấp xã phải tăng cường sự lãnh đạo, giám sát đối với hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn; phải củng cố hệ thống chuyên trách và kiêm nhiệm theo dõi chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể.

Kinh tế tập thể là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế, điều này càng đúng khi Yên Bái đang đẩy mạnh xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Vì thế, phát triển HTX nông nghiệp, trước hết phải đổi mới tư duy, phải đồng bộ vận hành, phải liên kết hợp tác lại với nhau, nhất là cần gắn kết giữa các HTX trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và với các thành phần kinh tế khác. Vì thế, việc cần phải làm gấp, làm ngay là tự thân các HTX nông nghiệp, nhất là các HTX hoạt động chưa hiệu quả phải làm cuộc cách mạng triệt để dưới hình thức "tái cấu trúc HTX".

Hùng Cường

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Hải ở thôn 4, xã Văn Lãng (Yên Bình) phát huy hiệu quả.

YBĐT - Nhằm đưa chăn nuôi trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, từ năm 2009, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, ngành chăn nuôi vẫn chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ và bộc lộ những điểm yếu cần khắc phục.

Người dân mua phân bón tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa An (thị xã nghĩa Lộ).

YBĐT - Trải qua nhiều giai đoạn thịnh - suy nhưng sau gần 55 năm hình thành và phát triển, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã (HTX) ở Yên Bái đã có nhiều đóng góp trong quá trình, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Rác thải vứt bừa bãi ở khu chợ xã Minh Quân (Trấn Yên).

YBĐT - Những địa phương như thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình nằm trong địa bàn quy hoạch thu gom rác thải của Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân vi sinh hữu cơ tại xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cần khai thác triệt để lợi thế của Nhà máy này.

Gạo cứu trợ đã về tới gia đình bà Đinh Thị Mong, thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương.
(Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Chẳng ai trong số những dân nghèo nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước cười lên được. Đúng là bà con có khó khăn mới nhận gạo cứu đói, hỗ trợ giáp hạt, không ai cố len vào nhận gạo làm gì cả. Còn có những người khác không nhận gạo, chúng tôi thấy họ cũng không cười, đó là những cán bộ địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục