Thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp: Chặng đường ngược dốc
- Cập nhật: Thứ hai, 9/6/2014 | 9:40:29 AM
YBĐT - Tính đến ngày 22/4/2014, trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.600 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký kinh doanh, song số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 125. Nhiều chủ sử dụng lao động đã dựa vào việc "thành lập trên cơ sở tự nguyện" tìm mọi cách để không thành lập tổ chức công đoàn, dù người lao động vẫn thiết tha mong mỏi.
Các doanh nghiệp ngành xây dựng thường thu hút đông lao động thời vụ, ngắn hạn nên càng đòi hỏi phải thành lập tổ chức công đoàn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ảnh: Công nhân thi công dầm sàn tầng 1 công trình Bệnh viện Đa khoa 500 giường.
(Ảnh: Linh Chi)
|
Tính đến ngày 22/4/2014, trên địa toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 125. Liệu quyền và lợi ích chính đáng của người lao động có được đảm bảo không khi nhiều doanh nghiệp đang cố lách các kẽ hở để không thành lập tổ chức công đoàn?
Muôn vàn cách “né”
Những năm qua, công tác phát triển đoàn viên, vận động thành lập và nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn huyện Văn Chấn đều ở mức “kém thể trạng”. Đến nay, toàn huyện có 118 doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép đăng ký kinh doanh, song trong số này chỉ có 8 đơn vị thành lập được tổ chức công đoàn.
Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Văn Chấn có 80% các doanh nghiệp nhỏ, lẻ hoạt động theo quy mô gia đình (chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chè, chế biến gỗ, xây dựng, thương mại - dịch vụ...) nên việc làm và lao động không ổn định. Đây là những doanh nghiệp có dưới 10 lao động. Số còn lại, khoảng 20% doanh nghiệp có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở nhưng hơn một nửa trong số đó không thành lập. Cá biệt có nhiều doanh nghiệp sử dụng trên 50 công nhân, dù đã được cán bộ của Liên đoàn Lao động huyện đến tuyên truyền, vận động nhưng chủ doanh nghiệp vẫn nhất quyết không.
Sau nhiều lần hẹn hò, cuối cùng, tôi và chị Hà Thị Lệ Hoài - một cán bộ của Liên đoàn Lao động huyện cũng gặp được lãnh đạo của Công ty Vân Anh – doanh nghiệp chuyên thiết kế, san lắp mặt bằng, vật liệu xây dựng. Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Vương - Giám đốc Công ty cho biết: "Hiện tại doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, công nhân ít, một số người lao động không muốn tham gia vào tổ chức công đoàn vì phải đóng kinh phí".
Chị Hoài cho biết thêm: “Hôm nay anh em mình may còn gặp được lãnh đạo doanh nghiệp, chứ nhiều doanh nghiệp khác dù bọn em đã hẹn, thậm chí "phục" ở cổng công ty để tuyên truyền, vận động nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để "trốn", vì vậy việc thành lập công đoàn cơ sở ở Văn Chấn còn nhiều khó khăn lắm”.
Cùng “những chặng đường ngược dốc” như huyện Văn Chấn, toàn huyện Yên Bình có 111 doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép đăng ký kinh doanh nhưng đến nay mới 3 đơn vị có tổ chức công đoàn.
Ông Lê Văn Tĩnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện cho biết: "Cái khó ở đây là hầu hết các doanh nghiệp đều dưới dạng công ty gia đình, số lượng công nhân đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít, người lao động không ổn định, chủ yếu là hợp đồng theo thời vụ nên nhiều doanh nghiệp vin vào đó để không thành lập".
Mặc khác, ở một số doanh nghiệp có nhiều lao động nhưng chỉ thực hiện kí kết hợp đồng lao động với một số chức danh chủ chốt như: kế toán, trợ lý giám đốc... còn lao động phổ thông thì chỉ ký kết lao động hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng, theo thời vụ, thậm chí có doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động. Đây là cách doanh nghiệp "né" luật để không phải thành lập tổ chức công đoàn, điều đó đồng nghĩa với việc không phải đóng các khoản tiền thực hiện các chế độ như: BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)... cho người lao động.
Có tổ chức công đoàn, người lao động không những được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng mà còn được quan tâm, hỗ trợ trong cuộc sống.
Ảnh: Công nhân lao động nghèo nhận hỗ trợ làm nhà “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh do đồng chí Dương Văn Thống – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao tại lễ phát động “Tháng công nhân” 2014.
Quyền và lợi ích chính đáng của người lao động có được đảm bảo?
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ công đoàn luôn được các cấp quan tâm, chú trọng. Nhờ vậy mà việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được đảm bảo, đúng với quy định của Nhà nước.
Chị Nguyễn Thị Thi - công nhân ở Công ty Cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho biết: "Là công nhân lao động, mình luôn được Công ty quan tâm và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng; gia đình có chuyện vui hay buồn thì tổ chức công đoàn đều đến thăm hỏi, động viên kịp thời". Đó là đối với những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, còn những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn, liệu các quyền và lợi ích của người lao động có được đảm bảo?
Qua khảo sát thực tế ở nhiều doanh nghiệp, hầu hết người lao động đều có nhu cầu chính đáng tham gia vào tổ chức công đoàn, tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà chủ sử dụng lao động luôn tìm mọi cách để không thành lập. Tính đến ngày 22/4/2014, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.600 doanh nghiệp và hợp tác xã đăng ký kinh doanh, song số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới dừng lại ở con số 125.
Theo Luật Công đoàn cũ thì doanh nghiệp sau 6 tháng thành lập phải có tổ chức công đoàn nhưng từ trước đến nay, trên địa bàn Yên Bái, ngoài các doanh nghiệp nhà nước luôn thực hiện việc thành lập tổ chức công đoàn đúng luật thì các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phần lớn không chấp hành các quy định của Nhà nước đã ban hành.
Đặc biệt, khi Luật Công đoàn được sửa đổi bổ sung, theo Điều 1, Chương I, Luật Công đoàn năm 2012 thì "công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện...", nhiều chủ sử dụng lao động đã dựa vào việc "thành lập trên cơ sở tự nguyện" nên luôn tìm mọi cách để không thành lập tổ chức công đoàn, dù người lao động vẫn thiết tha mong mỏi.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi hiện nay do suy thoái kinh tế tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu thành lập tổ chức công đoàn thì doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương đóng BHXH. Điều quan trọng nữa, nếu thành lập công đoàn tức là đặt chủ sử dụng lao động và người lao động trong trạng thái luôn "đối đầu" với nhau (một bên đòi hỏi quyền lợi chính đáng, còn chủ sử dụng lao động tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận) khiến chủ sử dụng lao động khó “né” trách nhiệm điều mà họ mong muốn là càng ít thì càng tốt. Cùng đó, công tác tuyên tuyền về luật, chính sách đến người sử dụng lao động và công nhân lao động còn nhiều hạn chế và chưa có chế tài để xử lý những doanh nghiệp cố ý không thành lập tổ chức công đoàn nên vô tình người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi.
Giải pháp
Vậy làm gì để công nhân đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp phải bảo đảm quyền và lợi chính đáng cho người lao động? Hơn bao giờ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các địa phương cần xây dựng chương trình hành động về Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Ngoài ra, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh phải luôn chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn, đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; kịp thời nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng, các chế độ chính sách mà chủ sử dụng lao động chưa kịp thời triển khai đến người lao động để có giải pháp tháo gỡ cùng chung tay đồng hành với doanh nghiệp. Hơn nữa, người lao động cần phải nắm bắt một cách đầy đủ về Luật Công đoàn để có hiểu biết cần thiết đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Người ta thường nói, nước Nậm Đông chính bắt nguồn ở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Người thì bảo, dòng Nậm Đông có nước chảy xuống từ Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La. Nhưng dẫu sao, sự thẩm thấu, gom góp từng giọt vào mạch nhỏ đến nhánh lớn chắc hẳn lâu lắm. Tất thảy đã tụ dòng ở Pá Khoang thành nguồn "than trắng" cho hai nhà máy thủy điện trên dòng Nậm Đông hung dữ xưa kia.
YBĐT - Trong cuộc sống, ai cũng muốn chọn cho mình một công việc, nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và không quá vất vả. Tuy nhiên, ước mơ chính đáng này không dễ gì thực hiện được với nhiều người bởi việc làm đang là vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay. Để duy trì cuộc sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, không ít lao động tự do đã chấp nhận làm những công việc thật vất vả, nguy hiểm mà vẫn chịu nhiều thiệt thòi.
YBĐT - Trong những tháng đầu năm 2014, tình hình an ninh trật tự (ANTT) và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn 9 phường, 8 xã của thành phố Yên Bái khá ổn định, không xảy ra án đặc biệt nghiêm trọng, không có điểm nóng về ANTT hay tội phạm sử dụng vũ khí.
YBĐT - Khi ngành nông nghiệp đang từng bước tiến tới xây dựng nền sản xuất hàng hóa thì nhu cầu liên kết các "mắt xích" trong chuỗi sản xuất này đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp phải "vững tay chèo, chắc tay lái" vượt qua sóng gió trong bối cảnh hiện nay.