Nhìn từ Di tích nhà ông Trần Đình Khánh
- Cập nhật: Thứ hai, 23/6/2014 | 2:41:16 PM
YBĐT - Chúng tôi đến thăm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh - Trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Đây là một trong 4 điểm di tích nằm trong Cụm di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.
Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên giới thiệu với khách tham quan về Khu di tích lịch sử Nhà ông Trần Đình Khánh.
|
Giàu truyền thống cách mạng
Trò chuyện với anh Trần Anh Sơn - cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên, là 1 trong 2 cán bộ của Trung tâm được giao trông coi, bảo quản điểm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh từ tháng 3 năm 2014 đến nay, tôi được biết, anh Sơn vừa tốt nghiệp chuyên ngành bảo tồn - bảo tàng tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc nên cũng có chuyên môn vững về lĩnh vực này. C
hất giọng trầm ấm, truyền cảm, anh giới thiệu cho chúng tôi nghe về lịch sử khu Di tích Chiến khu Vần và điểm Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh. Ông Trần Đình Khánh là một quan chức của chính quyền thời Pháp nhưng có lòng yêu nước thương dân, bất mãn với chế độ bóc lột của thực dân Pháp. Được giác ngộ cách mạng, ông đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội du kích Âu Cơ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho kháng chiến.
Nhà ông Trần Đình Khánh trở thành địa điểm tiếp nhận sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân cho kháng chiến, là nơi tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Đội du kích Âu Cơ và căn cứ địa cách mạng. Tháng 9/1945, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Yên Bái được thành lập, trụ sở đầu tiên đặt tại nhà ông Trần Đình Khánh. Với công lao to lớn cho cách mạng, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Yên Bái.
Năm 1946, ông vinh dự được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh là một trong 4 điểm di tích nằm trong cụm Di tích lịch sử Quốc gia Chiến khu Vần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia ngày 4/9/1995.
Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng quốc gia ngày 4/9/1995.
Nhớ lại truyền thống yêu nước kiên trung của gia đình, ông Trần Đình Quát - con trai của ông Trần Đình Khánh, năm nay đã 84 tuổi không giấu được sự xúc động khi nói về người cha kính yêu của mình và truyền thống yêu nước của người dân vùng chiến khu. Để ghi nhận công lao và những đóng góp to lớn của ông Trần Đình Khánh cho cách mạng, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất. Vợ ông Trần Đình Khánh được Nhà nước tặng thưởng một đồng tiền vàng.
Được biết, ngay sau khi được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia, UBND huyện Trấn Yên giao cho UBND xã Việt Hồng quản lý và khai thác 3 điểm, trong đó có Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh. Ông Phạm Xuân Cánh - Bí thư Đảng ủy xã Việt Hồng cho biết: “Trong thời gian này, xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân địa phương để bảo vệ Di tích theo Luật Di sản và các quy định pháp luật của Nhà nước nên không có hiện tượng người dân xâm hại, lấn chiếm diện tích đất của Khu di tích. Tuy nhiên, do cấp xã không có cán bộ có chuyên môn và kinh phí nên công tác nghiên cứu, sưu tầm ảnh tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích này còn yếu”.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hoạt động thu hút nhân dân đến thăm quan, giáo dục truyền thống tại Khu di tích còn rất hạn chế. Trước giá trị về mặt lịch sử của Di tích, ngày 29/9/2008, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Chiến khu Vần, trong đó có Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh trị giá gần 8 tỷ đồng, sau đó có Quyết định điều chỉnh bổ sung vốn vào năm 2009 lên mức 12,7 tỷ đồng.
Nhà ông Trần Đình Khánh được phục dựng do các nghệ nhân có tay nghề cao của Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương thực hiện, được khởi công từ 9/2009 và hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2011. Công trình là nhà sàn, có nhà bếp và nhà chính.
Trong đó, nhà chính gồm 5 gian, 2 chái, nhà bếp là nhà sàn 3 gian, 2 chái, phần mái được thiết kế theo kiểu chồng bồn kề chuyền, mái lợp cọ, có hành lang phía trước, sàn nhà và ván lịa bằng gỗ. Ông Trần Đình Quát - con trai ông Trần Đình Khánh cũng là người trực tiếp tham gia vào thiết kế việc phục dựng lại Di tích này theo trí nhớ của ông về ngôi nhà của mình trước khi bị thực dân Pháp phá hoại.
Ông Quát khẳng định: “Nếu Đảng và Nhà nước không quan tâm đầu tư, phục dựng lại di tích này thì các thế hệ con cháu sẽ không thể hình dung được trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.
Chưa phát huy được giá trị Di tích
Sau khi giai đoạn 1 của việc trùng tu tôn tạo Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh hoàn thành với giá trị gần 7 tỷ đồng (giai đoạn 2 tạm thời bị dừng lại do khó khăn về kinh phí), UBND xã Việt Hồng đã thuê ông Trần Đình Địch - một người dân ở gần đó làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ di tích với thù lao 200 nghìn đồng/tháng. Vì không có chuyên môn và tiền thù lao ít nên ông Địch chỉ làm nhiệm vụ trông coi không cho người dân thả trâu vào ăn cỏ tại đây và quét dọn Di tích khi có đoàn khách đến thăm quan theo yêu cầu của UBND xã. Do vậy, Di tích chưa phát huy được giá trị lịch sử của nó và có nguy cơ bị hư hỏng theo thời gian.
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Yên Bái về việc Ban hành Quy chế phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, UBND huyện Trấn Yên đã có Quyết định về việc chuyển giao công tác quản lý và tổ chức hoạt động Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Chiến khu Vần từ UBND xã Việt Hồng sang Trung tâm Văn hóa huyện tiếp nhận, quản lý từ tháng 8/2013.
Tình trạng mối xông gây ảnh hưởng tới Khu di tích lịch sử Nhà ông Trần Đình Khánh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên cho biết: “Do công tác quản lý của cấp xã còn nhiều hạn chế nên phần mái của nhà chính một số chỗ đã bị dột nát, ván lịa bị bung 5 chỗ, hiên nhà bếp xập xệ, phần máng nước giữa nhà chính và nhà bếp bị hỏng, đường dây điện không đảm bảo an toàn cháy nổ và cung cấp ánh sáng, không có đường trục dẫn điện, cổng sắt và hệ thống cấp nước bị hư hỏng, cột và xà nhà nhiều chỗ bị mối, mọt tấn công, không có hồ sơ đất di tích và không có công trình vệ sinh. Tuy nhiên, từ khi bàn giao sang Trung tâm quản lý thì Trung tâm không được cấp kinh phí để duy trì hoạt động và khắc phục sửa chữa những hư hỏng”.
Vừa qua, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh Yên Bái đã thực hiện chương trình giám sát về việc bảo tồn di sản tại huyện Trấn Yên, trong đó có Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh. Sau giám sát, bà Lê Thị Liêm - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh cho biết: “Mặc dù Di tích được giao cho UBND xã quản lý và sau này là Trung tâm Văn hóa huyện Trấn Yên nhưng các cơ quan quản lý nhà nước lại không giao kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên cho đơn vị quản lý di tích; việc đầu tư lại không đồng bộ, chưa hoàn thiện nên chưa phát huy được giá trị của Di tích. Bên cạnh đó, Di tích lại nằm ở vùng khó khăn, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều vất vả nên việc huy động nguồn xã hội hóa đảm bảo duy tu, bảo dưỡng bằng tiền là không có, dẫn đến tình trạng một số hạng mục đang bị xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời”.
Theo báo cáo của Trung tâm, chi khác của Trung tâm chỉ có gần 40 triệu đồng nhưng hiện nay cơ quan này đã phải chi hơn 10 triệu đồng vào đây để khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Ông Sơn chia sẻ: “Dù không có kinh phí nhưng anh em văn hóa Trấn Yên đang làm bằng tâm huyết nghề nghiệp và trách nhiệm với các bậc tiền bối để phát huy được giá trị của Di tích. Ngay sau khi tiếp nhận, Trung tâm đã huy động cán bộ vào dọn dẹp xung quanh, trồng hoa, trồng cây cảnh tại di tích; trích một phần kinh phí chi thường xuyên của cơ quan để đầu tư kéo đường điện mới, lắp đường nước sinh hoạt; mua thuốc mối diệt mối tại các cột bị mối xông.
Tới đây, Trung tâm sẽ phối hợp với Ban quản lý di tích để xây dựng Đề án đầu tư các hiện vật để trưng bày trong Di tích. Tuy nhiên, cái khó của Trung tâm là không thể đầu tư mua mới được các hiện vật đó mà phải sưu tầm lại trong nhân dân. Chẳng hạn, hiện nay tại Di tích còn một chiếc cối đá nhưng không có chày (chày giã chân), nếu đẽo một chiếc chày mới thì có thể thuê người làm xong chỉ trong một ngày nhưng như thế sẽ không phù hợp mà phải mua lại chiếc chày cũ ở trong dân. Bên trong ngôi nhà của Di tích, Trung tâm sẽ liên hệ với các cụ cao tuổi trong làng để tư vấn về cách trang trí, để đồ nội thất khi được đầu tư”.
Khơi dậy truyền thống yêu nước
Để phát huy giá trị to lớn về lịch sử văn hóa của di tích cấp Quốc gia, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái cũng như khơi dậy niềm tự hào của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng, ông Sơn đề nghị UBND huyện Trấn Yên hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cổng, tường rào và kinh phí xây dựng công trình vệ sinh phục vụ các hoạt động của Di tích; đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ Trung tâm lập dự án nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật và phục dựng nội thất Nhà ông Trần Đình Khánh để phục vụ công tác tham quan giáo dục truyền thống.
Vừa qua, Chi bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 3 quần chúng ưu tú ngay tại khu Di tích này. Với các đảng viên mới, lễ kết nạp càng thêm ý nghĩa. Không chỉ vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, các đồng chí còn được hiểu hơn về truyền thống lịch sử của quê hương, thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Được biết, đây là lần thứ hai việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Nhà ông Trần Đình Khánh.
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại Khu di tích Nhà ông Trần Đình Khánh.
Ông Nguyễn Văn Kiên - Phó bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Trấn Yên cho biết: “Qua việc tổ chức kết nạp Đảng của Chi bộ Phòng Văn hóa huyện Trấn Yên, mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ sẽ là một tuyên truyền viên tích cực quảng bá về Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà ông Trần Đình Khánh nói riêng và Khu di tích cách mạng Chiến khu Vần nói chung, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị di tích này”. Việc tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới tại Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh là cơ sở để Huyện ủy Trấn Yên nhân rộng hoạt động ý nghĩa này nhằm giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong lớp thế hệ trẻ.
Cùng với việc phát huy giá trị của Di tích, Ban quản lý Di tích cũng đề nghị Trung ương và tỉnh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của Dự án. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh - bà Lê Thị Liêm đề nghị, trong quá trình khai thác du lịch của địa phương, tỉnh cần xác định đây là một điểm đến du lịch để đưa khách đến tham quan.
Có một thực tế là 90% di tích tâm linh trên địa bàn huyện Trấn Yên được tu bổ, phục dựng từ nguồn xã hội hóa, trong khi đó tại khu di tích lịch sử cách mạng lại không có được nguồn thu này, do vậy các cơ quan quản lý nhà nước nên bố trí một biên chế làm công tác bảo tồn tại Di tích này, bố trí nguồn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, tránh xuống cấp và hỗ trợ kinh phí cho cán bộ sưu tầm, lưu giữ hiện vật của di tích, huy động các nguồn lực để tham gia bảo tồn di tích.
Đồng thời, nên có văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng nguồn ngân sách xã hội hoá cho phù hợp theo Thông tư 07 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép các tỉnh, thành lập quỹ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa bằng việc xây dựng các công trình hay ủng hộ các tư liệu và hiện vật lịch sử.
Thực tế cho thấy, những hiểu biết về các giá trị lịch sử, nhất là các di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái của người dân, nhất là thế hệ trẻ còn hạn chế, do vậy việc giáo dục lịch sử, khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngay tại di tích lịch sử cách mạng là một việc làm rất ý nghĩa, không chỉ giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương mà còn giúp các bạn trẻ thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Do vậy, việc làm này không chỉ được thực hiện tại Di tích Nhà ông Trần Đình Khánh mà nên được tổ chức thường xuyên tại các di tích lịch sử cấp quốc gia khác của tỉnh Yên Bái như: đèo Lũng Lô, bến Âu Lâu hay Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ.
Hà Anh - Hoài Văn
Các tin khác
YBĐT - Dường như chưa bao giờ những vụ án với các tội danh giết người, cố ý gây thương tích lại xảy ra liên tục và để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng như thời gian gần đây. Cho dù ở địa bàn nào, các vụ án đều mang dáng dấp của sự bất nhân, tàn bạo đến ghê rợn cả về cách hành động và các loại vũ khí sát thương.
YBĐT - Phóng sự truyền hình mang tên “Ước mơ của Cha” do Báo Yên Bái điện tử thực hiện sau khi đăng tải (tháng 7/2012), chỉ trong thời gian ngắn, gia đình Cha và cá nhân em đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2013, điều kỳ diệu nhất đã đến với cô bé Cha...
YBĐT - Là nơi giao thương hàng hóa, trao đổi thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hơn thế còn nét văn hóa truyền thống ở các địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa do đây là nơi giao lưu, gặp gỡ của người dân, vì vậy chợ nông thôn có vai trò hết sức quan trọng.
YBĐT - Bao nhiêu năm xúc tiến phát triển du lịch nhưng đến nay Yên Bái vẫn chưa có lấy một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn...