Kỳ II: Con đường no ấm hôm nay
- Cập nhật: Thứ năm, 26/6/2014 | 8:48:50 AM
YBĐT - Trở lại với “đường Tà” của ngày hôm nay, khi trên 70% chiều dài đã được cứng hóa bằng những lớp bê tông dày, mặt đường đã được “là” phẳng nhẵn, xe máy, ô tô đã có thể lên tới tận trung tâm xã. >> Kỳ I: Chuyện kể mười năm trước…
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái cùng các chỉ huy công trường năm xưa thăm lại con đường Tà Xi Láng huyền thoại.
|
Qua cầu Tà – cây cầu vắt vẻo lưng chừng trời và đã trở thành một trong những hình ảnh bất tử làm nên huyền thoại đường Tà, đã không còn cảnh ngổn ngang đá chắn đường, cũng không còn cảnh lấy gỗ độc mộc bắc ngang làm lối đi. Giờ đây, cầu Tà đã được xây dựng kiên cố có thể chịu được tải trọng đến 13 tấn, nối liền huyết mạch toàn tuyến.
Khi biết ý định lên thăm xã của tôi, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng Vàng Nỏ Dia đi xe máy hơn 3km xuống đón tận chân cầu tươi cười: “Nhà báo thấy đường đến cơ sở thế nào, có khó đi quá không? Nói thật so với đường thành phố thì còn kém lắm nhưng đây đã là mơ ước của chúng tôi rồi đấy. Có đường là có tất cả. Mời nhà báo lên xe”. Ấn tượng đầu tiên của tôi về con người “xã Tà” là như thế, tuy mới gặp mặt nhưng họ thật mộc mạc, xởi lởi, chân tình và rất đỗi thân thiện.
Trụ sở UBND xã Tà Xi Láng hoàn toàn khác so với tưởng tượng của tôi lúc trước. Ngôi nhà khang trang, bề thế được xây 2 tầng kiên cố nằm gọn trên một quả đồi đã được san phẳng. Quanh đó là các trường học, trạm y tế xã, khu ở nội trú cho giáo viên và học sinh; lại còn có cả các công trình xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện… Tất cả đều được “kiên cố hóa”. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Bí thư Dia cười: “Nhà báo lạ vì thấy toàn nhà xây, đúng không? Tất cả là từ việc có đường đấy. Trước kia có nằm mơ chúng tôi cũng không bao giờ dám nghĩ đến việc xây nhà trên núi như thế này, đến chuyện nhìn thấy xe xuất hiện tại xã còn không có nữa là…”.
Quả thực, theo tôi được biết, trước đây, khi đường Tà chưa được làm, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng lên xã gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”, bởi ngoài giá cước vận chuyển quá cao, còn liên quan đến việc không phải loại xe nào cũng “bò” lên được; nếu muốn xây nhà hồi đó, giá thành đội lên gấp 15 – 20 lần bình thường. Nay có đường, tuy giá thành vẫn cao hơn vùng thấp nhưng việc xây dựng nhà cửa trên núi đã không còn là chuyện “không tưởng”, “không thể” như trước.
Câu chuyện đổi mới kể từ khi có đường còn được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân nhắc đi nhắc lại với tôi trong những lần đi bản, những bữa cơm thân mật với chén rượu ngô men lá thơm nồng. Có con đường ấy, người già được đưa đi chữa bệnh ở bệnh viện, trẻ nhỏ được gửi xuống các trường học dưới huyện, giao thông đi lại tiện lợi, hàng hóa nông lâm sản thông thương…
Con em đồng bào Mông của xã hôm nay đã được đến lớp, tiếp cận với kiến thức, hòa nhập xã hội văn minh.
Già làng Sùng Chông Tu nay đã 93 tuổi, ở thôn Xá Nhù, nguyên là Chủ tịch UBND xã thời kì đầu mới thành lập ngước đôi mắt đã không còn đủ tinh anh nhưng tinh thần vẫn hết sức minh mẫn nhìn về ngọn núi phía xa xa, trầm tư: “Đúng là con người luôn làm nên những điều kỳ diệu. Tôi nhớ hồi còn trẻ, tham gia chống thực dân, chúng tôi cùng bộ đội phải trèo núi, vượt rừng đến mấy ngày mới ra được đường lớn. Vùng này ngày ấy hoang vu lắm, không ai dám mơ đến chuyện có đường đất chứ đừng nói là đường bê tông như bây giờ. Đến như tôi ngần này tuổi đầu, già rồi, cả đời gắn bó với mảnh đất này, giờ đây cũng thấy vui vì lớp lớp con cháu sau này sẽ đỡ khổ, đỡ vất vả”.
Đúng vậy, con đường Tà trở thành huyền thoại không chỉ ở cái cách mà nó hình thành, nó còn là huyền thoại cả trong cách nghĩ, cách gắn mình với cuộc sống hàng ngày của người Mông vùng núi cao này.
Bộ mặt của địa phương từ ngày có đường đã thay đổi hẳn. Trước đây, người Mông Tà Xi Láng chỉ biết tự cung tự cấp, cũng du canh di cư, đốt rừng, phá nương làm rẫy, đêm ngày gắn với sự “điều hành” của thiên nhiên theo kiểu “Giàng cho thì hưởng”…
Hôm nay, họ đã được tiếp cận với điện thắp sáng, biết thế nào là điện thoại và sóng điện thoại di động, thậm chí còn biết cả Internet; hàng hóa nông lâm sản đã được đưa xuống chợ huyện bán lấy tiền mua vải, mua quần áo, mua đồ trang sức; những ngày lễ tết như hội Gầu tào truyền thống của dân tộc, người Mông Tà Xi Láng đã có thể sang chơi với bà con, đồng bào các xã láng giềng, hay xuống tận trung tâm huyện mua sắm, cả đi và về chỉ mất nửa ngày… Có đường, sự giao thoa văn hóa tiến bộ, sự phát triển đi lên của nền kinh tế được thể hiện rõ rệt.
Nhờ có đường, các công trình công cộng khu trung tâm xã Tà Xi Láng đã được kiên cố hóa.
Năm 2013 vừa qua, tổng sản lượng lương thực có hạt của Tà Xi Láng đạt 1.778,86 tấn, trong đó các loại nông sản như ngô, lúa nương… đã trở thành hàng hóa, được các tiểu thương mua về vùng xuôi rất nhiều. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo đã được giảm hàng năm, đến nay còn 79,4% (giảm trên 3% so với năm 2012 và đã giảm rất nhiều so với các năm trước); tỉ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 80%, phổ cập THCS đạt 74%, xóa mù đạt 89% bậc tiểu học và bậc THCS là 78%. Công tác chống tái mù chữ thường xuyên được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã chú trọng, giải quyết dứt điểm theo phương châm “Quyết tâm không để tái mù chữ”…
Và mới đây nhất, đầu năm 2014 này, Dự án trồng 200ha sơn tra đã được triển khai tại các thôn Sá Nhù và Tà Cao, đây là một trong những chủ trương đúng và trúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa loại cây hàng hóa vào phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sơn tra là cây trồng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường với sức tiêu thụ rất mạnh, từ việc có đường vận chuyển sản phẩm, bán quả sơn tra sẽ giúp đồng bào người Mông Tà Xi Láng có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững.
Rời Tà Xi Láng, ngược trở lại con đường đã làm nên lịch sử của tuổi trẻ Yên Bái ngày ấy, nhìn những đám mây cuối chiều bảng lảng dưới chân mình, tôi không khỏi bồi hồi tự nhủ: “Có đường tốt rồi, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về với bà con dân bản đã nhanh hơn, người dân nơi đây đã không còn phải sống trong cảnh bị cô lập về không gian địa lí, không còn thiếu các giá trị văn hóa tinh thần khi có nhu cầu nữa. Hôm nay rồi mai sau, con đường này chính là nhịp cầu nối liền cuộc sống văn minh, là niềm hy vọng đổi thay của bản làng”…
Nhắc đến chuyện sức trẻ tình nguyện làm nên con đường Tà huyền thoại, tôi lại chợt nhớ đến hôm nay, khi triệu triệu trái tim của đồng bào cả nước đang hướng về Trường Sa, hướng về vùng biển đảo nước nhà. Chúng tôi, những người cầm bút, cùng biết bao thế hệ trẻ hôm nay, trên bất cứ cương vị nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn đau đáu dõi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sẵn sàng tình nguyện góp sức mình gìn giữ nền độc lập chủ quyền của dân tộc mà cha ông ta đã bao đời đấu tranh, gìn giữ và dựng xây. Và hơn bao giờ hết, tinh thần tình nguyện ấy sẽ không bao giờ tắt, song hành cùng ý chí vươn lên, không chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách, cũng như không bao giờ lùi bước trước sự ngang ngược của kẻ thù.
Con đường Tà huyền thoại sẽ còn mãi sức sống mãnh liệt trong tâm trí của những người một thời trẻ trai, một thời thanh niên sôi nổi gắn bó với núi rừng.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Huyền thoại - không phải lúc nào người ta cũng có thể sử dụng danh từ ấy để tôn vinh một sự vật, một hiện tượng, một con người. Nhưng với tôi, con đường gập ghềnh dẫn lên Tà Xi Láng ấy, với những câu chuyện về lịch sử hình thành của nó, với sự giải tỏa niềm ước ao bao đời nay của người Mông sống trên vùng núi cao đầy nắng gió ấy thì đúng là cả một huyền thoại - huyền thoại đúng nghĩa đen từ vựng và đúng cả về tính nhân văn…
YBĐT - Nạn tảo hôn vốn không xa lạ ở vùng cao - nơi người ta cho rằng sự phát triển đỉnh điểm của con người là từ 14 đến 16 tuổi. Xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn - nơi có tỷ lệ tảo hôn 45% (năm 2013) và những bé gái 15, 16 tuổi hát câu ầu ơ còn vụng về, những câu chuyện buồn lại được viết ra, cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng. Hơn cả, những đứa trẻ sinh ra bởi "giống" chưa đủ ngày, đủ tháng luôn đau yếu, còi cọc khiến chất lượng dân số đi xuống.
YBĐT - Từ cuối tháng 3 năm 2014, sợi dây cáp và hai chiếc ròng rọc đã nối hai bờ suối Lao để bà con vận chuyển xe máy và hàng hóa qua lại.
YBĐT - Gói thầu A6 (từ xã An thịnh đến Châu Quế Thượng) có 39 điểm, gói A5 (từ An Thịnh trở ra) có 22 điểm đề nghị được làm đường gom dân sinh, song hiện tại rất nhiều điểm nhà thầu chỉ san gạt qua loa.