Phát triển kinh tế trang trại: “Cái khó bó cái khôn”

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/6/2014 | 3:04:27 PM

YBĐT - Từ lâu, kinh tế trang trại đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. So với kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại đã có những bước tiến mạnh và vững chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách.

Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.
Rừng trồng trên đảo hồ Thác Bà.

Nhiều vấn đề bất cập

Yên Bái là một tỉnh miền núi với 80% dân số làm nông nghiệp, có tiềm năng lớn về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại. Khai thác lợi thế đó, đã có thời điểm tại Yên Bái có hàng nghìn trang trại, địa phương nào cũng có những trang trại từ trồng trọt đến chăn nuôi và phát triển kinh tế tổng hợp.

Đánh giá về vai trò của kinh tế trang trại, ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trang trại là hình thức sản xuất có tính chất quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất lớn, thu hút được nhiều lao động, dễ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trang trại đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới”.

Định nghĩa về trang trại đã có thay đổi so với trước. Theo Thông tư số 27/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/4/2011, tiêu chí về kinh tế trang trại được xác định cơ bản bởi yếu tố diện tích và giá trị sản lượng hàng hóa. Các cá nhân, gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản muốn đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp cần 2,1ha trở lên, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Như vậy, so với các tiêu chí cũ, để đạt được tiêu chí trang trại đúng chuẩn như hiện nay không phải điều dễ dàng đối với Yên Bái. Qua cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản từ hàng nghìn trang trại thì đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 14 trang trại.

Tuy nhiên, Thông tư trên đã có hiệu lực từ hơn 3 năm trước nhưng cho đến nay, việc áp dụng vào thực tế vẫn "dậm chân tại chỗ" và chưa có bất cứ giấy chứng nhận trang trại nào được cấp. Chính người dân cũng đang mập mờ về thông tin và các chính sách dành cho trang trại. Nằm trong danh sách những trang trại thông qua cuộc tổng điều tra nhưng bà Trần Kim Liên  ở thôn 8, xã Việt Thành (Trấn Yên) vẫn chưa có giấy chứng nhận trang trại.

Bà cho biết: “Tôi chưa được biết đến việc làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại, lâu nay chỉ thấy các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn thịt, lợn nái thôi”. Điều đó cũng có nghĩa nhiều chủ trang trại không hề biết thủ tục xin cấp giấy chứng nhận chứ chưa nói đến những quyền lợi, ưu đãi mà trang trại có thể được hưởng.

Ngoài vấn đề thủ tục hành chính, nhiều trang trại đang thiếu vốn sản xuất. Đã phát triển kinh tế đương nhiên cần vốn, đặc biệt khi phát triển kinh tế trang trại, nguồn vốn càng cần thiết. Hiện nay, các chủ trang trại đang sử dụng vốn tự có chiếm 70%, vốn vay ngân hàng chiếm 23%, còn lại là các nguồn khác.

Theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” thì đối tượng là chủ trang trại được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản mức tối đa 500 triệu đồng. "Chiếc giấy thông hành để tiếp cận được nguồn vốn này là cấp giấy chứng nhận trang trại thì chưa chủ trang trại nào có. Mà có rồi thì xem ra đường cũng còn xa vì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Đã là doanh nghiệp cần phải tính toán đến rủi ro, không dễ gì ngân hàng cho vay nửa tỷ đồng dễ dàng như vậy" - ông Mai Mộng Tuân cho biết thêm.

Hiện nay, 23% nguồn vốn vay ngân hàng, các trang trại đang sử dụng đều do thế chấp tài sản. Trang trại của anh Bồ Xuân Tân ở xã Việt Cường (Trấn Yên) có 27ha rừng kinh tế, 1ha mặt nước và thường xuyên nuôi 50 con lợn thịt, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 15 - 20 lao động thời vụ. Vừa là chủ trang trại quy mô vừa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía Bắc, anh Tân hiểu nguồn vốn có ý nghĩa thế nào đối với phát triển kinh tế trang trại.

Anh cho biết: "Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vốn. Mỗi chu kỳ trồng rừng cần ít nhất 7 năm, số vốn bỏ ra để đầu tư trồng, chăm sóc không phải là nhỏ. Chỉ đối với việc nuôi lợn thịt, mỗi trang trại quy mô 100 con cần ít nhất 3 triệu đồng tiền cám mỗi ngày, mỗi tháng gần 100 triệu đồng chưa kể các chi phí khác. Mỗi lần cần vốn để đầu tư, tôi lại dùng “sổ đỏ” ra ngân hàng thế chấp, quay vòng vốn. Nếu có vốn, tôi tin các chủ trang trại sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn, mở rộng quy mô sản xuất. Như gia đình tôi, tôi sẽ đầu tư một xưởng chế biến gỗ rừng trồng, nâng cao giá trị hàng hóa do chính mình làm ra”.

Chế biến gắn với vùng nguyên liệu sẽ giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các trang trại.

Không chỉ nguồn vốn chưa được khơi thông, lao động tại các trang trại hiện nay đa phần vẫn là lao động phổ thông, chất lượng chưa cao. Theo điều tra của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trung bình mỗi trang trại đang sử dụng khoảng 7 lao động. Số lao động trong gia đình là chính, chủ yếu là lao động phổ thông chưa được qua đào tạo và bồi dưỡng về kỹ thuật chuyên môn nên hiệu quả sử dụng lao động chưa cao, dẫn đến thu nhập của người lao động còn thấp. Người lao động vẫn theo phương thức “lấy công làm lãi”, tự giải quyết việc làm tại chỗ.

Xét về một khía cạnh nào đó, doanh thu của các trang trại đã đạt từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm tức là đòi hỏi khả năng hạch toán kinh tế bài bản của các ông chủ trang trại. Tuy nhiên, những chủ trang trại này đều xuất phát từ nông dân chính gốc, chưa hề có kinh nghiệm tổ chức quản lý, quy hoạch, đại đa số làm theo hướng tự phát và dựa trên kinh nghiệm sản xuất là chính, chưa có thiết kế quy hoạch cho trang trại của mình một cách khoa học.

Nhưng quan trọng nhất hiện nay vẫn là giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các trang trại vì tiêu thụ sản phẩm tốt mới kích thích được sản xuất và nông dân mới có vốn để tái đầu tư. So với kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại đã có một bước tiến đáng kể nhưng việc tiêu thụ sản phẩm giữa hai loại hình kinh tế này vẫn không khác gì nhau. Sản xuất nông nghiệp cần phải gắn với chế biến nhưng ở địa phương chưa làm được điều này. Các trang trại hiện nay phát triển chủ yếu đều mang tính tự phát, thiếu định hướng, không được thiết kế quy hoạch, phân tán, manh mún, chưa gắn với quy hoạch các vùng sản xuất và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh đó, trình độ quản lý chuyên môn của các trang trại còn nhiều hạn chế, phần lớn các chủ trang trại quen với mô hình sản xuất nhỏ, kỹ thuật sản xuất thấp nên việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về thị trường nên hiệu quả kinh tế không cao.

Cũng là chủ một trang trại, ông Trần Văn Bắc ở thôn 8, xã Việt Thành (Trấn Yên) cho biết: “Tất cả lợn sản xuất ra đều bán cho tư thương cả, giá cả đều phụ thuộc vào thị trường, lúc lên lúc xuống. Lúc giá lên, chúng tôi tái đàn nhiều, lúc xuống lại dừng lại, thậm chí có hộ bỏ trống chuồng”.

Như để minh chứng cho những gì mình nói, ông Bắc dẫn chúng tôi thăm chuồng trại với 30 ô chuồng rộng rãi nhưng nhiều ô cvẫn chưa vào lứa lợn mới. Ông bảo: "Có lúc nhiều, tôi nuôi đến 150 con nhưng giờ chỉ còn 60 con. Mùa nóng còn đầu tư cả quạt cho lợn mát nhưng giờ thì không mặn mà mấy".

Giải pháp tháo gỡ

Bản chất, trang trại đã có những điều kiện cơ bản về đất đai, chuồng trại, cái mà chủ trang trại cần là được giúp về cơ chế chính sách, tiếp cận được nguồn vốn vay. Chính quyền địa phương các xã, huyện cần đẩy mạnh việc tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền, thẩm định các trang trại đủ tiêu chuẩn, cấp giấy chứng nhận trang trại. Khi đã có giấy chứng nhận, những trang trại này cần được vay vốn theo Nghị định số 41 của Chính phủ nếu có nhu cầu để tái đầu tư sản xuất và mở rộng quy mô. Trong quy hoạch sử dụng đất cần phải bố trí hợp lý, phù hợp cho việc phát triển mô hình trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản.

Ngoài biện pháp về vốn, để trang trại phát triển bền vững, các cơ quan chuyên môn cần nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh và khoa học kỹ thuật, chuyên môn cho các chủ trang trại, cho các cá nhân là chủ hộ gia đình bằng các hình thức cụ thể, thường xuyên thông qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; bồi dưỡng về công tác quản lý, thiết kế quy hoạch trang trại; trao đổi kinh nghiệm, cách làm giàu từ phát triển kinh tế trang trại không chỉ cho các chủ trang trại mà còn cho những người có khả năng và nguyện vọng trở thành các chủ trang trại.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch phát triển lâu dài cần xây dựng các cơ sở chế biến gắn liền với phát triển nông nghiệp như đặt các xưởng chế biến gỗ rừng trồng tại vùng cây nguyên liệu, các nhà máy chế biến thực phẩm tại các vùng chăn nuôi lớn. Trước mắt, cần tạo ra liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Ngành công thương cần tạo điều kiện cho nông dân tham gia quảng bá sản phẩm nông sản thông qua các hội chợ, triển lãm, đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ngoài những trang trại lớn đáp ứng đủ các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những trang trại nhỏ cũng cần được khuyến khích phát triển.

Kinh tế hộ gia đình là tiền đề cho kinh tế trang trại và vẫn giữ vai trò chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy cần tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển bằng cách tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây, con phù hợp vào canh tác và sản xuất... Ngoài ra, bản thân các chủ trang trại cũng cần nỗ lực trong tìm kiếm nguồn vốn, thị trường tiêu thụ, tìm hiểu khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất.

 Hồng Khanh 

Các tin khác
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư  Thành ủy Yên Bái cùng các chỉ huy công trường năm xưa thăm lại con đường Tà Xi Láng huyền thoại.

YBĐT - Trở lại với “đường Tà” của ngày hôm nay, khi trên 70% chiều dài đã được cứng hóa bằng những lớp bê tông dày, mặt đường đã được “là” phẳng nhẵn, xe máy, ô tô đã có thể lên tới tận trung tâm xã. >> Kỳ I: Chuyện kể mười năm trước…

Cầu Tà - một trong những ký ức không thể nào quên của những người thi công “đường Tà” huyền thoại về độ cao và sự hiểm trở của nó.

YBĐT - Huyền thoại - không phải lúc nào người ta cũng có thể sử dụng danh từ ấy để tôn vinh một sự vật, một hiện tượng, một con người. Nhưng với tôi, con đường gập ghềnh dẫn lên Tà Xi Láng ấy, với những câu chuyện về lịch sử hình thành của nó, với sự giải tỏa niềm ước ao bao đời nay của người Mông sống trên vùng núi cao đầy nắng gió ấy thì đúng là cả một huyền thoại - huyền thoại đúng nghĩa đen từ vựng và đúng cả về tính nhân văn…

Những đứa trẻ sinh ra bởi “giống” đủ ngày sẽ khỏe mạnh hơn những trẻ sinh ra bởi bố mẹ tảo hôn.

YBĐT - Nạn tảo hôn vốn không xa lạ ở vùng cao - nơi người ta cho rằng sự phát triển đỉnh điểm của con người là từ 14 đến 16 tuổi. Xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn - nơi có tỷ lệ tảo hôn 45% (năm 2013) và những bé gái 15, 16 tuổi hát câu ầu ơ còn vụng về, những câu chuyện buồn lại được viết ra, cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng. Hơn cả, những đứa trẻ sinh ra bởi "giống" chưa đủ ngày, đủ tháng luôn đau yếu, còi cọc khiến chất lượng dân số đi xuống.

Một chiếc xe máy đang “bay” qua suối.

YBĐT - Từ cuối tháng 3 năm 2014, sợi dây cáp và hai chiếc ròng rọc đã nối hai bờ suối Lao để bà con vận chuyển xe máy và hàng hóa qua lại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục