Nguy cơ nợ xấu tăng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 8/7/2014 | 9:00:45 AM
YBĐT - Cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay tiền để đi học chuyên nghiệp (cho vay học sinh, sinh viên) là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích sẽ phát huy hiệu quả đồng vốn, chính sách, nâng cao năng lực xóa đói giảm nghèo.
|
Từ chính sách này, rất nhiều em không phải nghỉ học vì không có tiền ăn, thiếu tiền đóng học phí và hoàn thành chương trình học tập, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, trả được tiền gốc và lãi vay. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp với nhiều lý do khác nhau vay tiền đi học mà chẳng mang lại kết quả, hậu quả là gia đình phải cõng thêm khoản nợ.
Chủ trương đúng
“Không để con em hộ nghèo thất học vì không có tiền đóng học phí” là phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã làm cho rất nhiều học sinh nghèo, hiếu học và những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã, đang và sẽ nuôi con đi học chuyên nghiệp hết sức xúc động. Quan điểm đó được cụ thể hóa bằng Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
Là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc sinh sống, Yên Bái chưa thực sự phát triển về kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn rất lớn và nguy cơ tái nghèo cao nhưng truyền thống quý báu của người dân Yên Bái là rất hiếu học. Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ra đời thực sự là giải pháp giúp cho nhiều hộ gia đình đã, đang và chuẩn bị nuôi con học chuyên nghiệp. Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các tổ chức đoàn thể để thực hiện hiệu quả chương trình này.
Ông Vàng A Cổng ở thôn Nà Nọi, xã Sùng Đô (Văn Chấn) đã được vay tổng cộng 16 triệu đồng cho con là Vàng A Lù đi học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau 4 năm học, Lù ra trường, tìm được việc làm và đã trả được tiền vay.
Ông Cổng tâm sự: “Không có khoản tiền ấy, nhà cũng không biết lấy đâu ra tiền để cho con đi học. Giờ nó có việc làm rồi, tôi cũng trả xong tiền gốc và lãi vay. Gia đình rất cảm ơn Đảng và Chính phủ!”. Trường hợp của gia đình ông Cổng chỉ là một trong số hàng nghìn hộ dân ở Yên Bái vay vốn ngân hàng cho con đi học. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái, hiện nay, toàn tỉnh có 10.103 hộ vay vốn cho con đi học với tổng số tiền 172,025 tỷ đồng.
Học theo phong trào
Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn mong muốn được đi học chuyên nghiệp là một nguyện vọng, một ước mơ hoàn toàn đúng đắn và chính đáng. Hiện nay, nước ta có rất nhiều trường đại học. Ngoài các trường công lập, chính quy có uy tín, bảo đảm năng lực đào tạo là hệ thống các trường dân lập, tư thục, liên kết trong nước, liên kết quốc tế... mà trong đó chắc chắn không ít cơ sở chưa bảo đảm năng lực. Trong bối cảnh đó cộng thêm việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn hạn chế, tính dự báo về nhu cầu nghề nghiệp chưa tốt, dẫn đến học sinh ồ ạt thi vào các trường khối ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin... để rồi ra trường không thể kiếm được việc làm do cung vượt quá cầu. Điều ấy đã cuốn theo cả học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên... của Yên Bái.
Câu chuyện của chị Lương Thị Luyến ở xã Lương Thịnh (Trấn Yên) là một thí dụ. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng chị Luyến vẫn cố lo cho cậu con trai đi học. Hết lớp 12, cháu cũng đi thi đại học như chúng bạn và chọn Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng với lực học trung bình nên thi trượt. Điều đáng nói là dù cháu thi trượt nhưng nhà vẫn nhận được tới ba cái giấy nhập học, lại toàn gọi vào các chuyên ngành rất “hot” gồm: quản trị kinh doanh, kế toán tài chính, công nghệ thông tin. Con trai chị chọn theo học hệ cao đẳng công nghệ thông tin của một trường dân lập mà ngay đến cán bộ xã khi xác nhận hồ sơ cho cháu đi học cũng ngơ ngác vì tên trường nghe quá mới và lạ. Ngành nghề, trường lớp đã xong, riêng tiền đóng học thì đã có Ngân hàng Chính sách Xã hội “gánh” đỡ.
Mọi thủ tục vay vốn rất nhanh gọn, chị Luyến cơ bản có tiền lo cho con đi học nghề “làm máy vi tính ở Hà Nội”. Chị cứ đều đặn lĩnh tiền và gửi cho con. Món nợ cũng theo đó mà lớn dần. Rồi con chị cũng đến ngày ra trường nhưng tấm bằng cao đẳng ấy cùng kiến thức tiếp thu trong nhà trường không đủ cho cháu xin được vào làm ở một cửa hàng bán máy tính ngoài phố chứ chưa nói đến thi tuyển vào các ngân hàng hay cơ quan quản lý Nhà nước. Loanh quanh xin việc mãi không xong, cuối cùng cháu chấp nhận đi làm rừng thuê để lấy tiền trả nợ giúp mẹ.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái kể lại: “Ngày còn công tác tại Trấn Yên, quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn cho một chị ở xã Báo Đáp, thấy con của chị đi học đại học liên kết gì đó, tôi đã khuyên chị rằng tuy gia đình thuộc diện được vay vốn nhưng cũng nên xem xét cẩn thận. Có nghĩa là phải biết cho con đi học như thế có hiệu quả không, cháu có theo học nổi không và nhất là khi ra trường có kiếm được việc làm hay không. Nghe tôi khuyên, chị ấy đã không cho con đi học trường đó nữa và cháu đi học nghề lái máy xúc. Giờ nghe nói cháu có tay nghề khá, tìm được việc làm và đã lập gia đình. Thật đáng tiếc khi còn rất nhiều hộ khác cho con đi học mà không nghĩ đến chất lượng học tập của con cũng như không lo tới đầu ra”.
Một buổi giao dịch của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Bình tại cơ sở.
Nguy cơ nợ xấu tăng cao
Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, nước ta có khoảng hơn 20.000 cử nhân ra trường nhưng thất nghiệp; hàng loạt cử nhân, thạc sỹ đang phải làm trái nghề. Tại Yên Bái, dù chưa đơn vị nào điều tra, thống kê số liệu này nhưng chắc chắn học sinh, sinh viên Yên Bái ra trường chưa tìm được việc làm cũng không ít. Có bằng cử nhân, cao đẳng nhưng không trình độ không đáp ứng công việc hoặc ngành nghề không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng... nên không có việc làm là lý do cơ bản nhất. Lệch lạc trong vấn đề đào tạo nghề đã để lại hậu quả to lớn cho nền kinh tế và cho xã hội. Nếu chỉ tính riêng chuyện vay vốn của các hộ gia đình cho con đi học chuyên nghiệp thì cũng đã để lại hậu quả đáng buồn. Vay là phải trả nhưng nhà nghèo, phải vay tiền cho con đi học, nay con học xong nhưng chưa có việc làm nên khó trả nợ là chuyện đương nhiên.
Theo thống kê, hiện nay, số nợ xấu của hệ thống ngân hàng chính sách xã hội Yên Bái khoảng trên 4 tỷ đồng, riêng nợ xấu cho vay học sinh, sinh viên là hơn 600 triệu đồng. Nếu đem so sánh với tổng dư nợ 1.658 tỷ đồng thì số nợ xấu như vậy là thấp nhưng rất nhiều cán bộ ngân hàng chính sách xã hội và cán bộ đoàn thể nhận ủy thác tại cơ sở đều thừa nhận: nguy cơ nợ xấu tăng từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên là rất cao. Ngoài lý do ra trường không có việc làm còn ở chỗ: theo quy định, học sinh còn đi học 4 năm thì 8 năm sau mới phải trả gốc và lãi; còn học 3 năm thì 6 năm nữa mới phải trả gốc và lãi... bên cạnh đó là quy định, hộ gia đình nào có nhu cầu thì ngân hàng sẽ ân hạn thêm 1 năm. Như vậy, thời điểm trả nợ vốn vay của rất nhiều hộ gia đình còn chưa đến hạn.
Một lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đã xác định được những khó khăn từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Những nguyên tắc cho vay và thu nợ vẫn được tổ chức thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ phải xem xét cụ thể trước khi quyết định vay vốn cho con đi học chuyên nghiệp, quyết tâm không để nợ xấu phát sinh, không để các chương trình ưu đãi của Chính phủ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo bị ảnh hưởng”.
Ngân hàng có các biện pháp nghiệp vụ, chính quyền có các phương pháp quản lý, còn các hộ gia đình cũng nên cẩn trọng khi vay vốn cho con đi học chuyên nghiệp, phải tính toán đầu vào và đầu ra phù hợp, học để tìm được việc làm chứ không học theo phong trào. Điều quan trọng nữa, người dân khi vay vốn phải nghĩ tới chuyện trả nợ.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Sau 10 năm cổ phần hóa, từ một doanh nghiệp hàng đầu trong “làng” chè thì nay Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân không có việc làm vùng chè nguyên liệu đã gần hết, nhà xưởng, máy móc không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, hoang tàn.
YBĐT - Tháng Sáu Âm lịch, mưa xuống rồi nắng lên, đây là thời điểm chè rộ búp. Ông Nguyễn Văn Ân nhìn qua khung cửa, hướng mắt về phía khu đồi Yên Định - nơi mà xưa kia là vùng chè tốt tươi, giờ kín đặc quế, keo, bồ đề, chép miệng rồi buông một câu: “Tiếc, tiếc thật! Nhưng thôi, cây chè đã kết thúc sứ mệnh lịch sử ở xã Hưng Thịnh này rồi”!
YBĐT - Gắn liền với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ven hồ, hình ảnh những chiếc thuyền nan ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đã trở nên rất đỗi quen thuộc với cư dân vùng sông nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn chứa trên những chiếc thuyền nan tròng trành ấy là sự bất an, mất an toàn và cả những hiểm họa khôn lường.
YBĐT - Khảo sát tại 15 xã của tỉnh Yên Bái tham gia mô hình trong 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 1.550 cặp kết hôn vẫn còn có tới gần 700 trường hợp không đăng ký kết hôn, có trên 360 trường hợp tảo hôn, kéo theo gần 1.000 trẻ em sinh ra không có đăng ký khai sinh...