Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/7/2014 | 9:02:42 AM

YBĐT - Ngay sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị thực hiện theo Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức (CVCC)” của tỉnh Yên Bái, các đơn vị được sắp xếp bước đầu đã hoạt động ổn định, khẳng định tính hiệu quả trong thực hiện Đề án.

Cán bộ công chức phường Nam Cường, thành phố Yên Bái giái quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn cho người dân.
Cán bộ công chức phường Nam Cường, thành phố Yên Bái giái quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn cho người dân.

Cấp thiết phải sắp xếp lại

Ngày 18/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1557 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ CVCC. Mục tiêu của Đề án là xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2015 với 70% các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch. Đẩy mạnh cải cách chế độ CVCC phải gắn với quá trình thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2012, phù hợp với đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần xây dựng một nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả...

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng năm, phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phân công quản lý và hoàn thiện bộ máy tổ chức công vụ gọn nhẹ, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đổi mới đánh giá cán bộ, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch...

Theo ông Hoàng Văn Thuyên - Giám đốc Sở Nội vụ, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức thực chất là một nội dung của cải cách hành chính Nhà nước. Việc kiện toàn bộ máy, tổ chức phải vừa phù hợp với hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương vừa phải phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt.

Là đơn vị có số lượng cán bộ công chức, viên chức lớn của tỉnh, theo Đề án, ngành y tế sáp nhập Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng vào Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ở các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Trạm Tấu sáp nhập bệnh viện đa khoa vào trung tâm y tế thành trung tâm y tế tuyến huyện. 3 đơn vị gồm thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn sẽ tiến hành sáp nhập sau khi đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Bác sĩ Bạch Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho biết: “Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Trung tâm đã tiến hành rà soát cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ để sắp xếp phù hợp với chức năng và trình độ chuyên môn của từng người ở các khoa, phòng, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã.  Đến ngày 31/5/ 2014, Trung tâm có 253 cán bộ (251 biên chế, 2 hợp đồng theo Nghị định 68). Việc sáp nhập 2 đơn vị đã giúp công tác quản lý cấp trên giảm đầu mối, quản lý tốt hơn, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn, huy động được nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, dễ dàng hỗ trợ cho các hoạt động của đơn vị khi cần thiết phải huy động cán bộ, giải quyết được bài toán khó khăn về nguồn nhân lực... Ví dụ, các hoạt động về phòng chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân, chất lượng hoạt động của Trung tâm cũng được nâng cao do tập trung được đội ngũ cán bộ. Bộ máy cán bộ quản lý tinh gọn và có sự thống nhất cao trong chỉ đạo điều hành các hoạt động, đồng thời giảm các chi phí về tài chính và hành chính đối với đơn vị…”.

Ngoài các đơn vị của ngành y tế, UBND tỉnh đã thành lập Sở Ngoại vụ từ tháng 9/2013, chấm dứt hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, giảm 10 phòng chuyên môn trực thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành lập 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở: công thương (Trung tâm Xúc tiến thương mại), thông tin và truyền thông (Trung tâm Cổng thông tin điện tử), ngoại vụ (Trung tâm Dịch vụ đối ngoại), Ban quản lý các khu công nghiệp (Trung tâm Tư vấn, đầu tư và dịch vụ công nghiệp), thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường  - Chất lượng tỉnh Yên Bái, sáp nhập văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với trung tâm phát triển quỹ đất ở 8 huyện, thị xã; sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề của 7 địa phương gồm: Trấn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, thành phố Yên Bái, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái.

Khó khăn cần tháo gỡ

Việc triển khai các nội dung cải cách chế độ CVCC của tỉnh đã và đang được tiến hành ở tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, các đơn vị đã được rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc để thống nhất thực hiện. Một số đơn vị đã xây dựng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình.

Ông Hoàng Văn Thuyên - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm: “Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, Sở đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các phương án sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc của các cơ quan, đơn vị thực hiện theo nội dung của Đề án. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động, phối hợp với Sở Nội vụ trong thực hiện các nội dung của Đề án cũng như xây dựng, triển khai xác định vị trí việc làm”.

Tuy nhiên, còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động đề xuất phương án giải quyết khó khăn, bất cập của đơn vị mình lên các cấp có thẩm quyền. Chẳng hạn, tại huyện vùng cao Trạm Tấu, việc sáp nhập giữa 2 đơn vị trong ngành y tế gặp không ít khó khăn do đặc thù của một huyện vùng cao. Cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp nghiêm trọng, khối dự phòng đang mượn cơ sở vật chất của Trạm Y tế thị trấn. Sau khi sáp nhập không có đủ các phòng làm việc nên đơn vị vẫn phải làm việc ở hai cơ sở cách xa nhau 3 km, gây khó khăn cho điều hành thực hiện nhiệm vụ. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, bộ máy lãnh đạo của đơn vị và các phòng, ban chuyên môn chưa được kiện toàn ngay nên gặp không ít khó khăn trong chỉ đạo, tư tưởng của cán bộ trong đơn vị cũng có nhiều băn khoăn lo lắng về vị trí việc làm của mình, các chế độ được hưởng như thế nào và không biết mô hình mới có ổn định lâu dài hay không?

 

Sắp xếp bộ máy cán bộ công chức phù hợp, đúng chuyên môn sẽ phát huy được khả năng của từng người trong công việc.

Làm thế nào để bộ máy tổ gọn nhẹ, phù hợp với hoạt động thực tiễn, tránh chồng chéo, tránh “đầu voi đuôi chuột”? Nếu sắp xếp cán bộ, công chức không phù hợp, đúng với chức năng nhiệm vụ chuyên môn được đào tạo dễ xảy ra tình trạng “bình mới, rượu cũ”, làm “quả bóng” biên chế ngày càng phình to.

Tỉnh Yên Bái có trên 22.000 công chức, viên chức, trình độ chuyên môn không đồng đều và việc bố trí cán bộ tại một số phòng, ban thuộc các cơ quan đơn vị chưa hợp lý nên hiệu quả công việc chưa cao, cần thiết phải sắp xếp lại. Do vậy, thực hiện Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ CVCC cần tránh chồng chéo, phải đảm bảo công việc cho người lao động, cán bộ, công chức, bố trí chỗ thừa sang chỗ thiếu nhưng phải phù hợp và nâng cao hiệu quả công việc.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang tích cực triển khai, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục các bước tiếp theo rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện theo kết luận tại buổi làm việc ngày 10/4/2014 của đồng chí Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với ngành nội vụ.

Trong đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tiến hành rà soát, kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế của các sở, ban, ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp, thực hiện theo đúng hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Trước mắt, rà soát cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện (trừ những cơ quan đã tiến hành rà soát trước) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định có thể tiến hành sáp nhập hoặc giải thể.

Đối với các đơn vị sự nghiệp cần tiếp tục rà soát, kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành, chi cục cấp tỉnh; rà soát, sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp cấp huyện để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn (như sự nghiệp kinh tế mới, các trạm thủy nông, các công ty và đội vệ sinh môi trường...), phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Lục Yên, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu chuyển giao các trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh về UBND huyện quản lý, phối hợp với Sở Y tế kiện toàn tổ chức, hoạt động của Trung tâm Pháp y theo quy định tại Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/07/2013 của Chính phủ, tiến hành giao chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ngay sau khi thực hiện xong các bước tiếp theo về rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, các tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ CVCC, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao, cùng hướng tới những mục tiêu chung của công cuộc cải cách, tạo chuyển biến rõ nét cho chế độ CVCC. Từ đó, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phòng, chống tham nhũng và bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện. Sự hài lòng của người dân với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức sẽ là thước đo chính xác nhất để đánh giá hiệu quả của Đề án.

Hà Anh 

Các tin khác
Một lò sản xuất “rượu quê” trong thành phố Yên Bái.  (ảnh minh họa)

YBĐT - “Cũng còn một “chiêu” rất độc mà mọi người nói với nhau là khi chưng cất rượu, đáng ra 10kg gạo được khoảng 10 lít rượu với nồng độ khoảng 35o nhưng người nấu lại lấy 12 lít và để tăng nồng độ, họ sẽ nhúng đầu đũa vào thuốc sâu sau đó nhúng tiếp vào can rượu”, chị Nguyệt cho biết thêm.

Làm đường giao thông nông thôn là bài toán khó của Làng Nhì.

YBĐT - Khi được đặt vấn đề lên xã Làng Nhì tìm hiểu về công cuộc xây dựng nông thôn mới, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu – bà Lê Thị Thu Hà không ngần ngại nói luôn: “Khó khăn lắm nhà báo ạ. Cố gắng lắm 3 năm mới đạt được 2 tiêu chí, còn những tiêu chí khác, không biết đến bao giờ mới đạt”.

Những giống dâu mới cho năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào trồng ở Trấn Yên.

YBĐT - Tháng 7 về, sông Hồng đón những cơn lũ đầu tiên của mùa mưa, nước dâng cao, đục ngầu. Nhưng cũng chính cái thứ màu nước giống như tên gọi của con sông ấy đang ngày đêm bồi đắp cho những ruộng lúa, bờ ngô thêm màu mỡ. Tháng 7 về, chúng tôi đến với Việt Thành - một vùng đất ven sông Hồng thơ mộng để được nghe câu chuyện về cây dâu, con tằm trên đất Trấn Yên.

YBĐT - Chuyên gia Benjamin Franklin đã viết: "Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến. Hóa đơn sẽ đến sau đó". Cho đến giờ nhiều người vẫn tự hỏi, chiến tranh sống ở đâu và điều gì khiến nó trở nên ghê sợ như vậy. Câu trả lời nằm trong dáng hình của người mẹ, người vợ, người cha, người thân của các anh hùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục