"Mây khói tan rồi, còn lại mẹ tôi"…

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/12/2014 | 9:37:32 AM

YBĐT - Tiễn con lên đường nhập ngũ để rồi khóc thầm lặng lẽ suốt cuộc đời, bởi những người con của các mẹ đã không bao giờ trở về. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hy sinh vì sự bình yên cho Tổ quốc. Việc mất đi giọt máu mang nặng, đẻ đau đã xé nát ruột, gan, bóp nghẹt trái tim của những người phụ nữ, những người mẹ.

Mẹ Bùi Thị Mận bên bàn thờ hai liệt sỹ Hoàng Văn Hải và Hoàng Minh Sang.
Mẹ Bùi Thị Mận bên bàn thờ hai liệt sỹ Hoàng Văn Hải và Hoàng Minh Sang.

Hoà bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Song, các mẹ vẫn kiên trung, vượt qua mọi đau đớn về tinh thần để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến bởi đó là những "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"…

Theo chân những cán bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên, qua con đường làng thẳng tắp đã được bê tông hóa, chúng tôi đến nhà mẹ Bùi Thị Mận (thôn 7, xã Việt Thành) đúng vào dịp quân và dân cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Mẹ Mận là một trong 41 bà mẹ của huyện sẽ được nhận Quyết định xét tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (trong đó chỉ có sáu mẹ còn sống) tại Lễ vinh danh do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức vào trung tuần tháng 12 này, theo Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mẹ có hai người con trai là liệt sỹ: anh Hoàng Văn Hải hy sinh năm 1968 và anh Hoàng Minh Sang hy sinh năm 1977. Đã sang tuổi 91, trải qua đôi lần tai biến, mẹ yếu hẳn đi. Tuy vậy, gương mặt khắc khổ với mái tóc đã bạc trắng ấy vẫn không giấu đi được nét kiên nghị của người phụ nữ đã chịu nhiều mất mát.

Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, ký ức về những năm tháng tuổi thơ của hai người con trai và ngày tiễn các anh lên đường nhập ngũ của mẹ lại ùa về. Trong tiếng nấc nghẹn ngào và những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, mẹ kể: "Hồi ấy, trong 10 đứa con (7 nam, 3 nữ), Hải và Sang là hai đứa con rất hiếu thảo, lễ phép, thường giúp đỡ mẹ làm mọi việc trong nhà. Thương mẹ vất vả nên các anh luôn bảo nhau cáng đáng hết mọi công việc để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Làm lụng quần quật cả ngày ngoài đồng nhưng bữa cơm của gia đình cũng chỉ có rau, muối và cơm độn ngô. Cuộc sống tuy khổ cực nhưng mọi người trong gia đình rất thương yêu nhau. Ngày tiễn các con lên đường nhập ngũ, mẹ con khóc rất nhiều và hai đứa hứa sẽ về khi đất nước hòa bình. Nhưng tôi không ngờ, hôm đó là ngày cuối cùng tôi nhìn thấy mặt các con".

Năm tháng đã qua đi, đất nước đã thống nhất nhưng mỗi khi nhớ đến ngày tháng đau buồn ấy, lòng mẹ lại quặn đau. Đêm nhớ đêm, ngày nhớ ngày, hình ảnh những người con trai cứ như còn lẩn khuất đâu đây, song mẹ Mận vẫn gắng sức gánh vác mọi việc, tần tảo nuôi các con, rồi các cháu trưởng thành. Giọng mẹ chùng xuống: "Hai đứa hy sinh, mỗi đứa nằm một nơi, gia đình làm nông nghiệp không có điều kiện đến thăm nom, hương khói cho phần mộ của chúng nó thường xuyên nơi đất khách, quê người". Xót xa lắm! Nhưng mẹ coi đây là niềm tự hào bởi con của mẹ đã hy sinh thân mình cho công cuộc bảo vệ và giải phóng đất nước. Mẹ bảo, thật may mắn khi đến giờ, mẹ vẫn còn chút sức khỏe và có 7 người con, 15 người cháu và có đến 11 đứa chắt, hầu hết đều đã lớn khôn, trưởng thành. Mẹ cũng nói, mẹ dạy các con, cháu, chắt rằng, điều quan trọng nhất là phải học cách sống đàng hoàng, "không được nhênh nhang", phải biết kính trên, nhường dưới và trọn đạo làm người, cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội... Giờ đây, mỗi ngày, căn nhà nhỏ của mẹ thật ấm áp khi luôn có sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm…

Anh Hoàng Trung Cao - người con trai út, hiện đang sống cùng và chăm sóc mẹ tâm sự: "Đối với chúng tôi, mẹ thật vĩ đại và đáng nể phục. Con cháu chúng tôi luôn thực hiện lời mẹ dạy bảo, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế. Gia đình tuy thuần nông nhưng nhờ mẹ dạy dỗ, chỉ dẫn kinh nghiệm, với 6 sào ruộng, hơn 1 mẫu trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm, trừ chi phí chúng tôi cũng tiết kiệm được từ 50 - 60 triệu đồng trang trải cuộc sống".

"Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con… Lần lượt ra đi... đi mãi mãi... Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng. Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang"… Nỗi ám ảnh chiến tranh, nỗi đau giằng xé trong lòng khi chứng kiến hình ảnh những người mẹ mất con, người vợ mất chồng… đã thôi thúc nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác nên một trong những ca khúc bất hủ về mẹ - Người mẹ của tôi. Ở đó, tình cảm đối với những "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đã được thể hiện với tất cả niềm kính trọng và yêu thương. Đây cũng chính là những điều mà chúng ta đều muốn nói với các mẹ, để tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc với những mất mát, hi sinh của các mẹ. Mẹ Mận, cũng như biết bao bà mẹ khác có chồng, con đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đều xứng đáng được trân trọng và kính yêu.

Bà Đỗ Thị Bích Ngọc - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trấn Yên cho biết: "Theo Pháp lệnh số 05 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam", huyện có 49 mẹ được đề nghị tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (chia làm hai đợt). Công tác chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng luôn được Phòng, địa phương đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tiến hành rà soát, làm thủ tục đúng trình tự, đúng thời gian và quy định để nhanh chóng đưa chính sách về với người dân. Ngoài chính sách theo quy định, các mẹ còn được xây tặng nhà tình nghĩa, các phương tiện sinh hoạt, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám, chữa bệnh tại nhà".

Thiên Cầm

Các tin khác
Lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi nhằm nâng cao trình độ thâm canh cho người dân tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình.

YBĐT - Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Yên Bái, năm 2015, sẽ phấn đấu có từ 3 - 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở thực tế thực hiện các tiêu chí tại các địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên chỉ đạo 11 xã có khả năng đạt chuẩn NTM vào năm sau. >> Bài 1: Khởi sắc nông thôn mới

Nông dân An Thịnh (Văn Yên) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao; người nông dân có thêm niềm tin, tích cực lao động, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển quê hương giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

YBĐT - Trong tiến trình 52 năm phát triển, Báo Yên Bái đã khẳng định được vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái, diễn đàn của nhân dân. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ tuyên truyền, để phù hợp với xu hướng bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ và nhu cầu thông tin của công chúng, Báo Yên Bái điện tử đã ra mắt bạn đọc và trở thành một kênh thông tin quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Điểm trường Làng Mảnh trên đỉnh núi Pu Kha.

YBĐT - Bản Làng Mảnh thuộc xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu nằm chênh vênh trên ngọn núi Pu Kha hùng vĩ. Theo tiếng Tày, Pu Kha có nghĩa là "Núi Gianh" nhưng 100% dân cư ở đây lại là đồng bào Mông. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ để đi xe máy từ trung tâm huyện qua thị xã Nghĩa Lộ, qua trung tâm xã Đồng Khê (Văn Chấn) rồi rẽ vào thôn Văn Tứ 1 của Đồng Khê. Từ đây lại phải mất thêm 4 giờ đồng hồ đi bộ, vượt qua những con dốc thẳng đứng mới đến được Làng Mảnh. Trên đỉnh trời này, chuyện dạy và học chữ của thầy và trò còn nhiều điều khó nói thành lời…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục