Hin Trạng - Sau bão trời lại sáng

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/12/2014 | 10:11:16 AM

YBĐT - Bức tranh Hin Trạng hôm nay không còn là những mảng đối lập sáng - tối của cuộc kiếm tìm đá đỏ, lo toan của ngày “bão” AIDS... mà đã tươi sáng hơn với màu xanh của lúa, sự sôi động của những xưởng đá, xưởng gỗ... làm nên sắc màu nông thôn mới.

Cơ sở chế tác đá của vợ chồng chị Trần Thị T giải quyết việc làm cho 3, 4 lao động.
Cơ sở chế tác đá của vợ chồng chị Trần Thị T giải quyết việc làm cho 3, 4 lao động.

Một nhà có 9 người con cả trai, cả gái, cả dâu, cả rể đều bị chết vì HIV/AIDS, có năm ra đi tới 3 người con - tang tóc ấy không chỉ riêng ở gia đình ông Đ.V.N mà bao trùm toàn thôn Hin Trạng, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên cách đây chỉ vài năm. “Cơn bão” AIDS quét qua Hin Trạng để lại những mái nhà lơ thơ, nhiều bà mẹ mắt nhòa vì khóc con, bao người vợ cùng con trẻ bơ vơ... Nỗi đau ấỳ quá lớn!

"Do đá quý mà ra...”

“Do đá quý mà ra cả...” - Trưởng thôn Hoàng Văn Vọ khẳng định như thế khi chúng tôi bắt đầu câu chuyện về HIV/AIDS ở Hin Trạng. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, ông Vọ rít điếu thuốc lào rồi nhả một vùng khói ra khoảng không như thể bước qua hiện tại để quay về cái thời không thể quên ấy... "Khoảng từ năm 1989 đến năm 1995, cả vùng đất Lục Yên này cực kỳ sôi động. Vốn dân bản địa chẳng mấy người biết đến giá trị của những viên đá đỏ nhưng rất nhiều người từ nơi khác đã đến đây để đào bới, tìm kiếm. Họ đến và mang theo tệ nạn, mang theo ma túy - một chất màu đen gây nghiện. Họ kháo nhau rằng, thứ ấy có thể làm tan biến mệt mỏi, có thể làm dai sức hơn để tiếp tục đào bới. Những người dân địa phương rồi cũng bị cuốn theo cuộc kiếm tìm đá đỏ và khi được một tí đá thì đã “dính” luôn ma túy".

Vừa nói ông vừa di di ngón tay xù xì xuống chiếc chiếu đan theo kiểu truyền thống của người Tày, Nùng Lục Yên... "Khi ấy, hầu hết đàn ông, thanh niên trong làng đều “bập” vào ma túy. Còn những người đàn bà cứ đêm hôm mò mẫm đi tìm chồng, tìm con kéo về. Người kéo được, người chả thấy chồng đâu.

Tôi cũng nằm trong số phụ nữ ấy" - chị Mông Thị Tự - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn chia sẻ. Ông Vọ nhấp ngụm trà chát xít: "Ngày đó, tôi cũng dùng thử ma túy. Nếu ông bố không tìm và đánh cho đến sắp què chân thì có lẽ giờ cũng không biết còn sống mà ngồi nói chuyện với anh chị không, còn sống để mà làm Trưởng thôn không nữa...".

"Mình kiếm được chút đá đỏ thì cuộc sống có khá hơn không ạ?" - chúng tôi thắc mắc. Ông Vọ cười chua chát: "Thì cũng kiếm được chút, có những người đã từng có tới vài trăm triệu đồng... Tưởng chừng như không thể tiêu được hết tiền nhưng tất cả đều đốt hết theo khói thuốc...". Mất hơn chục năm để người ta đi tìm đá quý với mong ước “đổi đời”, có được một cuộc sống khá giả chứ không bao giờ nghĩ "đổi đời" lại đúng nghĩa đen là "đổi luôn cả mạng sống"! 

“Bão” AIDS đến

Điều gì đến cũng đã đến với Hin Trạng. Chỉ một thời gian sau “cơn lốc đá đỏ” là bão “AIDS”. Không khí tang tóc bao trùm cả làng. 20 người chết vì AIDS, vì ma túy. Riêng gia đình ông Đ.V.N có 9 người con cả trai, cả gái, cả dâu, cả rể đều chết vì HIV/AIDS. Có năm, gia đình ông chứng kiến 3 người con ra đi do AIDS. Ông Vọ ngồi nhẩm tính những người đã chết vì AIDS rồi dừng ngón tay đang bấm bấm: "Tay mình đã từng chôn rất nhiều người bị "ết" mà".

Chúng tôi chợt lạnh người không phải vì đôi bàn tay của ông Trưởng thôn chôn cất những người qua đời vì AIDS mà vì đôi bàn tay ấy không đủ để đếm những người trong thôn do AIDS mà chết. "Cả 9 người trong nhà ông N một tay tôi lo cả. Gia đình ấy đúng là bi đát nhất!" - ông Vọ tiếp lời đang dở dang. Câu chuyện nhà ông N khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng và ngỏ ý muốn tới thăm. Đồng ý ngay và đứng dậy vội mặc chiếc áo sơ mi, ông Vọ thêm thông tin: "Ông N mất rồi! Sau sự ra đi của những đứa con, ông hóa điên. Bà D.T.L - vợ ông đang ở cùng người con dâu cũng có chồng đã chết vì AIDS".

Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với bà L, chúng tôi gượng nhẹ vì thật sự không muốn làm đau hơn nỗi đau của người mẹ này. Bà nghẹn lời: "Tôi suy sụp lắm khi cứ lần lượt chứng kiến những đứa con ra đi trong đau đớn bởi cái con "ết" ấy mà bất lực, không thể làm gì được. Đau lắm, ông nhà tôi phát điên cũng vì lẽ đó. Tôi bấy giờ chỉ còn có 40 cân chứ không được khỏe mạnh như hiện tại.

Mọi điều đau khổ dường như cứ dồn nhau đổ ụp cùng một lúc xuống gia đình". Có nỗi đau nào như nỗi đau “đầu bạc đưa tiễn đầu xanh” mà bà thì tới 9 lần chết ở trong lòng? Đưa bàn tay hằn vết thời gian cùng bao khổ cực giụi khóe mắt, bà xúc động: "Bà con hàng xóm đã động viên và giúp đỡ rất nhiều để tôi có thể vượt qua được cái đận ấy". Chia tay bà, chúng tôi thêm hiểu về cơn bão “AIDS” đã qua ở Hin Trạng và cảm phục sức chịu đựng của một người mẹ...

Sau bão, trời lại sáng
 
"Dồn dập nhất là khoảng 3 năm trước, người chết vì AIDS liên tục. Cả làng hoang mang lắm!” - chị Tự tiếp thêm câu chuyện của bà L - “9 người đàn bà góa chồng vì AIDS thì có 2 người bị lây chéo đang phải chống chọi với bệnh tật, cuộc sống khó khăn, còn dăm bảy người cũng đã "theo" chồng vì con "ết". Chính quyền xã, thôn, hàng xóm láng giềng đã cùng nhau giúp đỡ họ rất nhiều". Tình người cần hơn bao giờ hết trong thời điểm đó.

Câu lạc bộ "Chúng ta là bạn” ra đời đã minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần không phân biệt kỳ thị người nhiễm HIV ở Hin Trạng. Chỉ có 14/31 thành viên là người nhiễm HIV, còn hơn một nửa số thành viên không nhiễm “H” tham gia để chia sẻ, động viên, giúp đỡ những người bệnh xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Đó là tinh thần mà chúng tôi cảm nhận được khi gặp những thành viên Câu lạc bộ “Chúng ta là bạn”.

Bà D.T.L: "Tôi suy sụp lắm khi cứ lần lượt chứng kiến những đứa con ra đi trong đau đớn bởi cái con "ết" ấy mà bất lực, không thể làm gì được. Đau lắm, ông nhà tôi phát điên cũng vì lẽ đó. Tôi bấy giờ chỉ còn có 40 cân chứ không được khỏe mạnh như hiện tại. Mọi điều đau khổ dường như cứ dồn nhau đổ ụp cùng một lúc xuống gia đình. Bà con hàng xóm đã động viên và giúp đỡ rất nhiều để tôi có thể vượt qua được cái đận ấy".

Được động viên, được giúp đỡ, những người có “H” đã vươn lên, sống tích cực và sống có ích. Dù có lúc hoang mang, chán chường, bế tắc nhưng sâu thẳm nơi họ vẫn là khát khao được sống và sống thật ý nghĩa. Câu chuyện của vợ chồng chị Trần Thị T là điển hình của niềm khát khao ấy. Ông Trưởng thôn đưa chúng tôi tới thăm cơ sở chế tác đá của vợ chồng chị. Gặp người phụ nữ nhanh nhẹn, rắn rỏi, khỏe mạnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Chị cởi mở: "Vợ chồng tôi phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2011 trong một lần chồng tôi bị ốm phải đi viện. Lúc đầu, tôi suy sụp lắm! Nhìn hai đứa con, tôi quyết không những phải tiếp tục sống mà phải sống thật có ích và nuôi con cái trưởng thành. Tham gia Câu lạc bộ “Chúng ta là bạn”, tôi thấy thoải mái lắm, yêu đời lắm!".

Cơ sở chế tác đá của gia đình anh chị có 3 - 4 công nhân và chị không giấu diếm bệnh tật với những người xung quanh: "Tôi không muốn giấu bệnh. Khi các cháu đến làm, tôi cũng nói rõ với các cháu là cô chú bị bệnh như thế nên trong khi làm việc, các cháu phải để ý và cẩn thận hơn. Tôi cũng bảo với chồng là mình bị bệnh nên trong khi làm việc, nếu bị đứt tay, chảy máu thì tự mình vệ sinh, cầm máu, không để ảnh hưởng tới người khác". Thật nể phục ý chí, nghị lực và trách nhiệm của người phụ nữ này!

“Bão” AIDS qua, Hin Trạng hôm nay đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới với sự góp sức của tất cả người dân, trong đó có vợ chồng chị T. Họ đã và đang chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, không những làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ, giải quyết việc làm cho người dân trong thôn.

Ông Vọ phấn khởi: "Thôn không có đối tượng ma túy và nhiễm HIV mới và cũng từ khi có thuốc ARV nên tình trạng chết vì AIDS đã giảm đi trông thấy. Năm 2013, Hin Trạng có 70% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa và năm 2014 đạt tỷ lệ 78%. Trong thôn không còn tụ điểm ma túy. Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể và người dân đều cam kết phòng, chống tệ nạn xã hội". Rồi ông lại nói thêm: "Cái lúc “bão” AIDS ấy, có ai nghĩ được có một ngày lại tươi sáng hơn đâu?".

Người dân Hin Trạng bây giờ luôn tin tưởng về một tương lai tốt đẹp. Xây dựng nông thôn mới, thôn đã có những thay đổi rõ rệt. Các gia đình đều đã xây dựng nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh và tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Đặc biệt, năm 2013, nhân dân đã nhiệt tình hiến đất làm đường để mở 1km đường nội thôn.

Bức tranh Hin Trạng hôm nay không còn là những mảng đối lập sáng - tối của cuộc kiếm tìm đá đỏ, lo toan của ngày “bão” AIDS... mà đã tươi sáng hơn với màu xanh của lúa, sự sôi động của những xưởng đá, xưởng gỗ... làm nên sắc màu nông thôn mới.

Hoàng Nhâm - Thanh Ba

Các tin khác
Mẹ Bùi Thị Mận bên bàn thờ hai liệt sỹ Hoàng Văn Hải và Hoàng Minh Sang.

YBĐT - Tiễn con lên đường nhập ngũ để rồi khóc thầm lặng lẽ suốt cuộc đời, bởi những người con của các mẹ đã không bao giờ trở về. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hy sinh vì sự bình yên cho Tổ quốc. Việc mất đi giọt máu mang nặng, đẻ đau đã xé nát ruột, gan, bóp nghẹt trái tim của những người phụ nữ, những người mẹ.

Lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc bưởi nhằm nâng cao trình độ thâm canh cho người dân tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình.

YBĐT - Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Yên Bái, năm 2015, sẽ phấn đấu có từ 3 - 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trên cơ sở thực tế thực hiện các tiêu chí tại các địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên chỉ đạo 11 xã có khả năng đạt chuẩn NTM vào năm sau. >> Bài 1: Khởi sắc nông thôn mới

Nông dân An Thịnh (Văn Yên) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao; người nông dân có thêm niềm tin, tích cực lao động, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển quê hương giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

YBĐT - Trong tiến trình 52 năm phát triển, Báo Yên Bái đã khẳng định được vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái, diễn đàn của nhân dân. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ tuyên truyền, để phù hợp với xu hướng bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ và nhu cầu thông tin của công chúng, Báo Yên Bái điện tử đã ra mắt bạn đọc và trở thành một kênh thông tin quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục