Một vùng bờ bãi tằm dâu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/5/2015 | 9:08:54 AM

YênBái - YBĐT - Mấy lần ngược xuôi trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Lai, đã thấy vùng đất chạy dài bên bờ sông Hồng ở huyện Trấn Yên, những bãi dâu xanh mướt mát xen lẫn với màu vàng xơ xác của đám ngô cuối vụ và những ruộng mía trổ cờ như những bờ lau. Bẵng đi một thời gian, cũng trên chuyến tàu ngược Trái Hút lại thấy những bãi dâu tằm như mới tràn ra lấn mất cái màu vàng quen t

Nông dân xã Việt Thành cho tằm ăn.
(Ảnh: Thu Trang)
Nông dân xã Việt Thành cho tằm ăn. (Ảnh: Thu Trang)

Cứ dọc theo bờ sông chạy ngược lên phía thượng lưu đến xã Việt Thành là đã gặp những bãi dâu non. Từ Việt Thành, dâu tràn ra bát ngát cả một vùng bờ bãi ven sông. Thật tài tình, không hiểu sao dâu tằm lại len lỏi vào cả vùng đất ngay dưới chân những ngọn núi, ngọn đồi thuộc dãy núi Con Voi, trên bãi bồi ven suối.

Trước khi đến Việt Thành, Bí thư Huyện ủy Triệu Tiến Thịnh (nay đã chuyển về làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy) giới thiệu với tôi về tiềm năng, thế mạnh và cả những thách thức huyện Trấn Yên phải vượt.  Thuộc như lòng bàn tay, anh kể ra rất chi tiết về bước đi của Trấn Yên mấy năm gần đây. Những vùng kinh tế hàng hóa của Trấn Yên đã hình thành, đó là: vùng lúa chất lượng cao 1.500ha, vùng tre Bát Độ lấy măng 1.500ha, vùng chè Bát Tiên 450ha, vùng rừng nguyên liệu 28.000ha, vùng đặc sản quế 7.000ha, vùng dâu tằm 170ha. Nhiều xã của Trấn Yên là vùng bán sơn địa một bên là sông, một bên là núi, là đồi. Đồng đất nơi đây không lên ngôi cây lúa. Một năm hai vụ lúa, một vụ màu. Cây lúa chỉ bảo đảm an ninh lương thực. Còn giàu lên là nhờ cậy vào cây dâu, cây rừng, cây chè, cây măng tre. Sản phẩm từ dâu tằm, từ măng tre, từ cây chè đã là hàng hóa đi khắp nơi trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài. Đó là niềm vui trông đợi bao đời.

Thì ra, cây dâu tằm mà lãnh đạo huyện đang trân trọng là một trong số cây mũi nhọn trong chiến lược làm giàu cho dân là đây. Cây dâu tằm có mặt ở gần 10 xã trong huyện nhưng nhiều hơn, tập trung hơn vẫn là Báo Đáp, Việt Thành, Tân Đồng. Nhưng nói đến vùng dâu tằm Trấn Yên người ta cứ hay nhắc đến tên Việt Thành trước Báo Đáp, Tân Đồng… Nhắc đến Việt Thành như thế là phải, bởi Việt Thành chính là nơi khởi xướng ra nghề trồng dâu, nuôi tằm ở vùng miền núi Trấn Yên, còn nghề tằm dâu canh cửi đã có ở xứ mình từ ngày xửa, ngày xưa.

Sau nhiều lần trăn trở, nghĩ suy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ trồng ngô, trồng mía, trồng màu lấy thôn Lan Đình làm điểm nhưng vẫn không đem lại kết quả như mong muốn, Việt Thành quyết định đưa cây dâu tằm vào trồng thí điểm. Có cây dâu thì có nghề nuôi tằm; có nghề nuôi tằm rồi cũng sẽ có nghề ươm tơ, dệt lụa - bài toán lao động nông thôn được giải quyết. Xã mời Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ lên khảo sát giúp đất đai, thổ nhưỡng khí hậu xem nơi đây có trồng được dâu, nuôi được tằm không. Đã làm, phải làm cho chắc, đừng có bốc đồng lấy cái miếng ăn hàng ngày của dân làm vật thử nghiệm.

Giáo sư Hà Phúc - Giám đốc Trung tâm phóng tầm nhìn một vùng đất đai, nhìn sông, nhìn nước rồi nhặt một cục đất đặt vào lòng bàn tay. Mấy anh cán bộ xã và thôn Lan Đình ngó xem, chờ câu trả lời của giáo sư. “Đất sa bồi của sông Hồng, chính là đất trồng dâu đây” - chỉ nhìn vào bờ bãi ven sông đặc quánh phù sa, ông giáo sư đã biết bờ bãi này là bờ bãi của dâu tằm. Mà thật, những vùng tằm dâu nổi tiếng ở nước ta một kén tằm cho tới 900m tơ. Thế mà kén tằm ở Việt Thành, Báo Đáp và cả Tân Đồng cho tới trên 1.000m tơ. Có lứa tằm ở Việt Thành, mỗi cái kén kéo ra được tới gần 1.100m tơ. Thế có kỳ lạ không.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở ta đã có từ thuở hồng hoang dựng nước, cho nên cái nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên là sự hồi sinh những gì đã có từ xưa được bồi đắp những kiến thức mới và cả tầm nhìn trí tuệ. Cây dâu tằm được định vị trên đất Trấn Yên là trăn trở, nghĩ suy của ít nhất một hai thế hệ cán bộ có trọng trách trước đời sống của dân ở đây.

Chả biết chuyện ấy đã xảy ra cách đây bao nhiêu năm, chợt nhớ lại khi nhìn thấy một vùng bãi bờ xanh ngắt tằm dâu. Ông Kiều Việt Nguyên – lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy, người của Việt Thành cùng đoàn cán bộ về kiểm tra công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng ở Việt Thành. Cuộc họp diễn ra trên đất Lan Đình nhìn ra phía bờ sông chỗ thì ngô, chỗ thì mía. Không biết có phải vì ông là người Việt Thành mà những cán bộ lãnh đạo xã ngồi ở đây đều là hàng xóm, láng giềng cũng có thể là anh em, con cháu, hay là để việc kiểm tra thật khách quan, ông bảo đoàn: “Các ông cứ kiểm tra theo đúng nội dung yêu cầu, tôi chỉ là người ngồi nghe, không hỏi gì đâu nhé”.

Phó bí thư Tỉnh ủy đã có ý kiến, đoàn cán bộ kiểm tra hết nội dung này đến nội dung khác. Tưởng ông cứ ngồi nghe cho đến khi đoàn kết luận, nào ngờ ông lại bật đứng dậy: “Tôi hỏi các đồng chí, Đảng bộ đây đoàn kết, trong sạch vững mạnh, đảng viên gương mẫu mà cớ làm sao dân vẫn nghèo, vẫn khó khăn, vẫn không thoát ra khỏi cái cảnh “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta”. Năm được mùa dân no, năm mất mùa dân đói. Cứ luẩn quẩn trong cái vòng kim cô ấy sao?” Lãnh đạo xã báo cáo là địa phương rất trăn trở điều đó, có lúc vùng soi bãi trồng lúa năng suất thấp đã quyết định chuyển sang trồng màu, trồng ngô, rồi trồng mía nhưng cũng chưa được cải thiện bao nhiêu.

Nhìn gương mặt ông, nghe cách nói, cách hỏi của ông thì biết rằng không phải ông chỉ hỏi Đảng bộ, chính quyền xã mà đó là câu hỏi đặt ra cho chính bản thân ông. Nhớ câu ông bảo, ông sẽ không nói nhưng rồi lại nói, nói rất quyết liệt là: “Tôi cùng với các đồng chí ở Tỉnh ủy, Huyện ủy và các đồng chí phải tìm cho được câu trả lời: Đảng mạnh thì dân phải giàu, đảng bộ đoàn kết, đảng viên gương mẫu thì đời sống của dân phải được giàu lên. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ không phải cái gì chung chung mà được biểu hiện ở đời sống mọi mặt của dân”.

Phải chăng cây dâu tằm, cây măng tre Bát Độ, cây chè Bát Tiên, vùng rừng nguyên liệu, ra đời bắt nguồn từ câu hỏi ám ảnh từ năm nảo năm nào về trước. Việt Thành đã quy hoạch và hình thành ba vùng kinh tế rõ nét: vùng Đồng Phúc là vùng kinh tế đồi, rừng; vùng Phú Thọ là vùng tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; vùng Lan Đình là vùng kinh tế trọng điểm của xã lấy trồng dâu nuôi tằm, phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trồng lúa chất lượng cao là chủ yếu. Thế vẫn là vùng Lan Đình nơi mà năm nào Đảng ủy đã đặt lên bàn nghị sự câu hỏi là: Đảng mạnh thì dân phải giàu, cớ làm sao vẫn còn nghèo. Năm 2015 này vừa tổng kết thu nhập bình quân đầu người đạt được 22 triệu đồng một năm. Trong đó cây dâu, con tằm, cây chè, cây măng đóng góp một phần xứng đáng. Con số ấy chưa phải là giàu nhưng rất đáng ghi nhận.

Nhiều cánh đồng ở Trấn Yên tháng Năm, tháng Mười xôn xao liềm hái. Riêng ở Lan Đình, Việt Thành đến vụ hái dâu, chăn tằm xóm thôn nhộn nhịp, tất bật vào ra. Phải chăng những bãi bờ trồng dâu, những nong tằm, bồ kén đã góp phần làm khởi sắc làng quê. Cái kén, nén tơ, củ măng Bát Độ, búp chè Bát Tiên đã là hàng hóa có mặt khắp nơi. Đó là niềm vui trông đợi và sẽ vui hơn khi mà công nghệ chế biến nông phẩm về làng. Đường bê tông dẫn đến từng thôn cùng, ngõ hẻm. Điện lưới quốc gia kéo đến từng nhà. Đêm đêm ngõ, xóm, đường làng ánh sáng lung linh. Điện thoại di động phủ sóng từng nhà.

Lần theo “dấu vết” dâu tằm, tôi phóng xe đến Tân Đồng cũng là xã có tiếng về trồng dâu nuôi tằm. Trên đường rẽ vào xã thấy rất nhiều dâu. Không giống vùng soi bãi Việt Thành, ở đây dâu trồng quanh nhà, trên những thửa ruộng cao không đủ nước cho cây lúa, dâu được trồng cả những bãi bồi ven suối, ở những bãi đất phẳng chân đồi.

Tân Đồng là xã mới được rút ra khỏi danh sách xã nghèo, có nhiều khó khăn của huyện vậy mà bây giờ đường sá thênh thang. Khu trung tâm xã hè được lát vỉa bê tông cứ như đường đô thị. Nhà cửa san sát khang trang. Tôi để ý đến một ngôi biệt thự bề thế kiến trúc đẹp, hiện đại nằm ngay bên đường. Người ta bảo tôi đây là ngôi biệt thự của một gia đình được xây lên bằng tiền trồng dâu, nuôi tằm. Liền với ngôi biệt thự là nhà tằm, trong nhà tằm có khu nuôi tằm giống dịch vụ cho bà con trong xã, có khu nuôi tằm kén. Chao ôi, tằm đang ăn rỗi, cứ rào rào như mưa trên nong. Gần một héc ta dâu lá cứ to như bàn tay xòe xanh non mơn mởn tựa hồ như vẫn không đủ cho những cái máy nghiền lá tẻo teo kia hoạt động hết công suất. Nhà chị cũng đã phải qua cái cầu thất bại muốn nhổ dâu đi để quay lại trồng màu. Bây giờ thì khác rồi, mỗi tháng thu về vài chục triệu tiền tằm, tiền kén và rồi lại trở thành nơi bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng. Thế là cây dâu Việt Thành đã lan tới Tân Đồng, Báo Đáp rồi cả sáu, bảy xã trong vùng. Đảng định hướng cho dân; cơ chế thị trường thúc cho cây dâu, con tằm phát triển với tốc độ khó lường.

Đúng ra thì tằm dâu Báo Đáp chả kém gì Việt Thành, mỗi nơi xấp xỉ 50 héc ta dâu như nhau. Trên đường trở về tôi lại qua Báo Đáp. Muốn thăm lại cái vùng bờ bãi mà ngày nào Báo Đáp đã làm một cuộc cách mạng động trời, chuyển nhà vào đồi xây dựng làng kiểu mẫu, mỗi gia đình có một ngôi nhà xây, có cái giếng thơi, làng có đường, có điện, dành vùng soi bãi cho cây lúa, cây màu. Nay thì vùng bờ bãi đã là dâu là tằm. Đành hẹn một ngày nào đấy lại đến Báo Đáp, nơi có bí thư Cốc nổi tiếng một thời.

Chạy dọc vùng bờ bãi, dâu tằm cứ trải ra ngút ngát. Hình như cái định hướng duy trì ổn định 170ha dâu tằm của Trấn Yên đang bị phá vỡ, người ta đã nghĩ tới vùng dâu có vài ba trăm héc ta, nghĩ tới nhà máy ươm tơ, dệt lụa. Thực tiễn đã tự vận động, đi xa hơn, bỏ xa hơn lý thuyết một khoảng cách bất ngờ. Nơi đây đang thầm lặng thực hiện bước đi đầu tiên trong chiến lược “Ly nông bất ly hương” mà ông cha ta từng mơ ước bao đời.

Hải Đường

Các tin khác
Cán bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ thực hiện kỹ thuật chụp CT - Scanner cho bệnh nhân.

YBĐT - Với 8/33 chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh, đến hết năm 2014, đã có 7 chỉ tiêu ngành y tế đã vượt và 1 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Rõ nét nhất là những kết quả trong đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Một chuyến đò xuất phát từ bến đò Chăn Nuôi, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên.

YBĐT - Ngày 8/5/2012, UBND xã Xuân Ái đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-UBND thành lập Tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa bến đò thôn Chăn Nuôi. Tổ tự quản có 6 thành viên, do Trưởng thôn làm Tổ trưởng, Tổ phó là chủ đò, các thành viên gồm: công an viên, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Thôn đội trưởng và thuyền viên.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn kiểm tra giống lúa Séng Cù trồng tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ.

YBĐT - Những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có những bước đi vững chắc, trong đó lựa chọn giải pháp sản xuất nông nghiệp chất lượng cao làm trọng tâm nhằm nâng giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, gắn với chuyển dịch cơ cấu mùa vụ thích hợp cho từng vùng miền.

Tỷ lệ bé trai hiện nay cao hơn so với bé gái.
Ảnh: Cô và trò Trường mầm non xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trong giờ học. (Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Những năm gần đây, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Yên Bái đã đến mức báo động. Vậy, tình trạng này hiện như thế nào ? Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào nhằm khống chế và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục