Đường mở từ “ý Đảng, lòng dân”

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/5/2015 | 2:46:46 PM

YênBái - YBĐT - 425km đường bê tông nông thôn và 829km đường đất được mở mới với tổng mức kinh phí trên 650 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 260 tỷ đồng là thành quả sau hơn 3 năm triển khai Đề án kiên cố hoá đường giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Yên Bái.

Người dân thôn Đầu Cầu xã Xà Hồ tham gia kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn Đầu Cầu xã Xà Hồ tham gia kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn.

Nhờ có những con đường được mở từ “ý Đảng, lòng dân” mà bộ mặt nông thôn miền núi ở Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Điểm sáng Báo Đáp

Trên con đường thảm bê tông phẳng lỳ, chúng tôi vào thôn Long Chu, xã Báo Đáp (Trấn Yên). Ông Trần Văn Thịnh - Bí thư Chi bộ thôn hồ hởi cho biết: “Trước đây, tuyến đường này rộng chưa đầy 2m, theo tiêu chí của đường GTNT mới quy định nền đường phải rộng 4m thì nhiều hộ gia đình trong thôn sẽ phải mất đi một phần đất sản xuất để làm đường. Với phương châm đảng viên đi trước, Chi bộ đã vận động các gia đình đảng viên gương mẫu chấp hành, tự nguyện tham gia hiến đất làm đường trước. Từ một vài hộ gia đình đảng viên hiến đất, phong trào đã thu hút được nhiều người dân trong thôn tham gia. Chình vì vậy mà tuyến đường này đã nhanh chóng được khởi công hoàn thành và đưa vào sử dụng”. 

 Được biết, thôn Long Chu có 40 hộ dân thì có 13 hộ tham gia hiến đất với diện tích gần 500m2. Không chỉ người dân ủng hộ cao mà các đảng viên trong chi bộ thôn Long Chu đều đi đầu trong việc tham gia đóng góp ngày công, tiền mặt và hiến đất để làm đường. Trong quá trình tham gia làm đường, nhân dân trong thôn bầu ra một tiểu ban giám sát việc làm đường, trong tiểu ban có đến 80 - 90% đảng viên tham gia. Long Chu được đánh giá có phong trào làm đường giao thông sôi nổi nhất xã.

Được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn của huyện Trấn Yên với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Báo Đáp đã huy động các nguồn lực trong dân xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có đường giao thông nhằm làm thay đổi diện mạo nông thôn. Việc làm đầu tiên của xã là tích cực tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ những con đường. Trong quá trình thực hiện, mọi công việc từ quy hoạch, thiết kế đến triển khai, xây dựng, Đảng ủy xã đều đưa ra bàn bạc dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Người dân tự nguyện dỡ bỏ công trình, tài sản, cây cối làm hàng rào mở đường để Báo Đáp trở thành điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường.

Chỉ sau 2 đợt vận động, toàn xã có 180 hộ ở các thôn tự nguyện hiến trên 10.000m2 đất làm đường giao thông và 837m tường rào. Nghĩa cử cao đẹp ấy lan tỏa sâu rộng, góp phần cổ vũ phong trào lớn hiến đất làm đường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Báo Đáp cũng là xã đầu tiên của huyện hoàn thành bê tông hóa tất cả đường liên thôn, 100% các thôn có nhà văn hoá. Từ 6,8km năm 2010 đến nay, Báo Đáp đã bê tông hóa được 20km đường giao thông liên thôn và trên 10km đường nội thôn, trị giá 17 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,8 tỷ đồng, ngoài ra người dân còn tự nguyện hiến trên 2ha đất và nhiều cây cối hoa mầu, vật dụng kiến trúc để làm đường.

Về xã nông thôn mới Báo Đáp nghe chuyện dân hiến đất làm đường, chúng tôi nhận thấy các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở địa phương muốn được triển khai thực hiện nhanh chóng phải nhận được sự đồng tình, ủng hộ, sự  tham gia tích cực của nhân dân. Có những cụ cao tuổi ở Báo Đáp không đủ sức khỏe để tham gia làm những công việc nặng thì tự nguyện ngày nào cũng đun nước chè tươi, pha nước chanh đường để động viên những người dân tham gia làm đường. Có hộ gia đình tự nguyện tặng cả con lợn nặng gần tạ để mổ "khao" thôn khi tuyến đường giao thông vừa hoàn thành. Những việc làm và những nghĩa cử cao đẹp ấy đã khích lệ tinh thần hăng say lao động của nhân dân để cho những con đường được mở từ lòng dân cứ nối dài, thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm đường GTNT ở Báo Đáp, Chủ tịch UBND xã Trần Quang Trung cho biết: “Trong các biện pháp đã được triển khai, quan trọng nhất là phát huy tinh thần công khai, dân chủ ngay tại cơ sở, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền để vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của việc cứng hóa đường GTNT và người dân được tham gia, góp ý, kiểm tra, giám sát, trực tiếp tham gia vào quá trình làm đường nên các tuyến đường có chất lượng cao”. Ghi nhận những thành tích đó, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân xã Báo Đáp vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn miền núi giai đoạn 2008 – 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn ở Báo Đáp đã được bê tông hóa.

Hiệu quả từ những con đường

Không chỉ ở Báo  Đáp, Việt Thành hay Tân Đồng ở Trấn Yên mà nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái được mở mới và kiên cố hóa bằng bê tông đã đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Chính những con đường của “ý Đảng lòng dân” đã trở thành “sợi dây” liên kết, củng cố vững chắc thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đi tới đâu, từ các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đến Lục Yên, Văn Yên hay thành phố Yên Bái, chúng tôi cũng thấy được diện mạo nông thôn đang được thay da đổi thịt từng ngày. Những con đường đá lởm chởm, đường đất lầy lội sau mỗi trận mưa được thay bằng những con đường được làm bằng bê tông xi măng trải dài khắp các ngõ, xóm, thôn, bản. Những con đường này cứ nối dài và vươn xa hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền trong tỉnh.

Tại xã vùng cao Xà Hồ của huyện Trạm Tấu nơi có trên 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, đường giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ và dùng ngựa thồ. Người dân muốn bán ngô, thóc, con lợn, con gà để lấy tiền cũng rất khó khăn. Trẻ em thì không muốn đến trường đi học. Mùa mưa thì không ai muốn ra khỏi bản vì đường thường lầy lội, cầu treo qua suối thì chưa có, lại hay xảy ra lũ ống, lũ quét nên việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân bị hạn chế.

Thực hiện Đề án phát triển đường giao thông nông thôn của tỉnh Yên Bái, nhiều con đường đã được mở từ “ý Đảng, lòng dân” theo phương châm hỗ trợ 70/30; 60/40. Người dân cũng được tham gia bàn bạc, thống nhất để chọn những công trình nào cần thiết mà dân có thể làm được để báo cáo xã để làm. Từ năm 2012 đến nay, xã Xà Hồ mở mới được 28,5km đường giao thông, nhân dân trong xã tham gia đóng góp trên 8.000 ngày công lao động làm đường.

Ông Chớ A  Páo – Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ cho biết: “Đến nay, các thôn, bản trong xã đều có đường giao thông đi lại thuận lợi. Lúa, ngô làm ra nhiều, bà con dùng xe máy chở một buổi về nhà là xong hết, không phải làm lán để ở nương ruộng như trước đây. Có đường thì cái gì cũng dễ bán, có người lên tận bản để mua hoặc có thể mang xuống chợ huyện bán cũng dễ dàng nên bà con cũng học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho người nông dân”.

Được biết, năm 2012 là năm đầu tiên tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Đề án Phát triển GTNT. Theo mục tiêu của Đề án thì trong giai đoạn 2012 – 2015, toàn tỉnh phấn đấu kiên cố hoá 400km đường GTNT và mở mới 500km đường liên thôn, bản theo phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ là 271 tỷ đồng, còn lại vốn do nhân dân tham gia đóng góp bằng ngày công lao động và hiến đất làm đường.

Để có được những con đường của "ý Đảng, lòng dân" nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Từ đó, những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở Yên Bái. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được trên 425km đường bê tông nông thôn (đạt trên 106, 25% mục tiêu Đề án); mở mới đường đất với tổng chiều dài trên 829km (đạt 165, 8% mục tiêu Đề án). Tổng mức kinh phí thực hiện trên 650 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 390 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 260 tỷ đồng. Đề án đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi gắn với việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Mạnh Cường

Các tin khác
Một buổi giao ban của lãnh đạo Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Trạm Tấu với Công an xã Trạm Tấu tại bản Tấu Dưới.

YBĐT - Tăng cường cơ sở bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” là một chương trình công tác trọng tâm mà Công an tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo, thực hiện có kết quả trong những năm qua, đặc biệt là ở vùng cao, đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ y tế xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã.

YBĐT - Những năm qua, công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (TCQGVYT) đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự tham gia của các ban, ngành, chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động và bố trí các nguồn lực cho Đề án xây dựng xã đạt “TCQGVYT” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2015.

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Khó khăn của ngành y tế Yên Bái không chỉ gói gọn ở vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh (KCB) mà đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao cũng là một bài toán rất khó và gần như chưa có lời giải.

Nông dân xã Việt Thành cho tằm ăn.
(Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Mấy lần ngược xuôi trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Lai, đã thấy vùng đất chạy dài bên bờ sông Hồng ở huyện Trấn Yên, những bãi dâu xanh mướt mát xen lẫn với màu vàng xơ xác của đám ngô cuối vụ và những ruộng mía trổ cờ như những bờ lau. Bẵng đi một thời gian, cũng trên chuyến tàu ngược Trái Hút lại thấy những bãi dâu tằm như mới tràn ra lấn mất cái màu vàng quen thuộc của ngô, của mía. Giờ thì không phải ngồi trên tàu, mà ngồi trên xe máy tự tay mình lái chạy ro ro trên con đường trải nhựa phẳng lỳ đến với vùng dâu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục