Giữ lấy vùng chè Báo Đáp

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2015 | 10:02:21 AM

YênBái - YBĐT - Trong tiềm thức của biết bao người Trấn Yên, Báo Đáp là một vùng chè xanh tốt, tuy không lớn bằng các xã: Thịnh Hưng (Yên Bình), Tân Thịnh (thành phố Yên Bái), thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn)… nhưng diện tích chè ở Báo Đáp cũng lên tới cả trăm héc-ta. Điều đáng quý hơn nữa là cây chè Báo Đáp được trồng rồi phát triển mạnh trên những lưng đồi hoang hóa, lau lách, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, sản lượng khá cao.

Vùng chè Báo Đáp bị hoang hóa.
Vùng chè Báo Đáp bị hoang hóa.

Công ty chè Trấn Yên khi ấy có một nhà máy chế biến cỡ nhỏ, đặt ngay thôn Phố Hóp, đủ sức thu mua, chế biến toàn bộ nguyên liệu chè trong xã Báo Đáp và các xã: Tân Đồng, Đào Thịnh, Việt Thành, Yên Hưng. Rồi cây chè Báo Đáp long đong, lận đận khi gắn liền với các công ty chè khác nhau, để đến hôm nay phần lớn diện tích bỏ hoang hóa, người làm chè không còn mặn mà, rất nhiều diện tích chè đã được chuyển mục đích sử dụng trái phép.

Cuối những năm 80, đầu những năm 90, những khu đồi ở Báo Đáp không khác một nông trường, bởi cả trăm lao động nón lá, áo vải sớm chiều lên đồi phát luống, vỡ đất đánh rạch hoặc chăm sóc chè bầu trong các vườn ươm. Sức người bỏ xuống, cây chè mọc lên với những nương chè uốn lượn theo các sườn đồi thuộc các thôn: Phố Hóp, Nhân Nghĩa, Tân Nga. Sau kỳ kiến thiết cơ bản, chè đã cho thu hoạch và do được trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, sản lượng chè khá cao, gắn liền với nhà máy chế biến quy mô vừa của Công ty chè Trấn Yên, mở ra cơ hội cho người dân và hy vọng vùng chè Báo Đáp tiếp tục duy trì đà phát triển. Nhưng đúng vào lúc cây chè cho năng suất, sản lượng cao và ổn định thì Công ty chè Trấn Yên  giải thể bởi rất nhiều lý do. Nhà máy chế biến ngừng sản xuất; ban giám đốc, đội ngũ công nhân mỗi người mỗi phương, chỉ có cây chè là vẫn đứng đó, phó mặc để trời cho uống, đất cho ăn.

Thực hiện Quyết định số 341//QĐ-UBND ngày 26/12/2002 của UBND tỉnh về việc xử lý những tồn tại về tài sản, tài chính của Công ty chè Trấn Yên, diện tích đất và chè của Công ty chè Trấn Yên đã bàn giao cho Công ty chè Yên Ninh, nay là Công ty cổ phần chè Minh Thịnh (gọi tắt là Công ty Minh Thịnh) với diện tích là 246.172,3m2. Đáng tiếc, khối tài sản lớn ấy đã được giao cho một đơn vị “không đủ sức”. Thay vì tổ chức sản xuất, đầu tư thâm canh cho vùng nguyên liệu và khôi phục cơ sở chế biến  thì Công ty Yên Ninh mà sau này là Công ty Minh Thịnh lại cho thuê bằng hình thức giao khoán gần như toàn bộ diện tích, trong đó gồm đất chè, đất trồng cây lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lúa cho các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, nhiều diện tích đã bị Công ty thanh lý tài sản trên đất và giao đất cho rất nhiều hộ dân mà không có hồ sơ hay thủ tục gì. Kết quả kiểm tra của Sở Tài Nguyên và Môi trường theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1738 /UBND-TNMT cho thấy, hiện nay, Công ty Minh Thịnh chỉ còn quản lý 1.185,5m2; Công ty Minh Thịnh đã sử dụng đất được giao quản lý (chưa làm thủ tục thuê đất) để bán quyền sử dụng đất cho người lao động của Công ty dưới hình thức “nộp tiền bảo hiểm xã hội”. Hàng loạt các sai phạm về Luật Đất đai của Công ty cổ phần Minh Thịnh đã bị phơi bày, hậu quả là hàng trăm héc-ta đất của Nhà nước giao cho Công ty quản lý đã bị chiếm dụng, bị sử dụng sai mục đích và Nhà nước thất thu ngân sách. Những sai phạm ấy chắc chắn sẽ bị xử lý, tập thể, cá nhân có liên quan chắc chắn phải chịu trách nhiệm, cho dù việc xử lý dứt điểm vụ việc rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức!

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến diện tích chè đã hình thành, đang trong giai đoạn kinh doanh ở khu vực Báo Đáp. Với diện tích hiện có, nếu tổ chức sản xuất được, chắc chắn đây là thế mạnh của Báo Đáp. Nó sẽ giúp hàng trăm hộ dân ổn định cuộc sống và mở ra cơ hội cho nhà đầu tư làm nghề kinh doanh, chế biến chè. Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp xót xa nói: “Xã có trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, nhưng chủ sở hữu thực sự diện tích chè ấy là ai? Đang ở đâu? Chúng tôi không thể biết. Về lý thì Công ty Minh Thịnh vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Công ty chè Tân Thành (một phần diện tích chè đã được tỉnh cho phép chuyển đổi từ Công ty Minh Thịnh sang Công ty Tân Thành, hiện nay Công ty Tân Thành đang dùng diện tích ấy làm tài sản bảo đảm vay vốn tại BIDV Yên Bái - PV) nhưng cả hai công ty đều bỏ bê khối tài tài sản này từ rất lâu, ảnh hưởng rất lớn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, giải quyết tranh chấp. Cách đây chưa lâu, tỉnh giải phóng mặt bằng thi công đường Yên Bái - Khe Sang, chủ đất thật là Công ty Minh Thịnh và Công ty Tân Thành không thấy đến, trong khi có quá nhiều cá nhân tự nhận đất đó, cây đó là của mình! Một thí dụ nhỏ đã cho thấy, tình hình quản lý đất đai ở Báo Đáp đang khó khăn đến thế nào.

Đi dọc tuyến đường Yên Bái -  Khe Sang từ trung tâm xã lên đến giáp xã Tân Đồng và Yên Hưng, người ta mới thấy buồn cho một vùng nguyên liệu lớn hoặc đang bị bỏ hoang hóa hoặc đã được trồng xen cây lâm nghiệp, không ít diện tích đã bị chuyển mục đích sử dụng trái phép. Một phần diện tích còn lại (chủ yếu là gần đường, tiện chăm sóc và thu hái) vẫn được người dân giữ lại chăm bón, thu hái, dù năng suất, chất lượng búp không cao. Cô Hoa – một người dân ở Báo Đáp cho biết: “Chè làm ra chỉ bán cho những người ở thành phố lên thu mua và giá cả, phương thức thu mua, lúc thế này, lúc thế khác nên chẳng ai yên tâm đầu tư, vì thế búp rất kém”.

Anh Hùng, nhà ở gần đó cho biết thêm: “Vụ này giá chè từ 3.200 đồng đến 3.400 đồng/kg thì ai đầu tư, ai đi hái làm gì. Cứ để cho mọc, đến lứa thì cắt, bán được bao nhiêu thì tùy”. Anh Hùng cho biết thêm: “Giá mà đầu tư cẩn thận, giá bán cao, thu hái đúng phẩm cấp thì cũng có ăn đấy nhưng ai làm trước, ai thu mua, ai bảo đảm? Từng ấy câu hỏi chưa trả lời được thì chè cứ thế này rồi cây lâm nghiệp dần dần lấn chiếm hết diện tích”.

Buồn cho cây chè Báo Đáp hơn hai mươi năm sống lay lắt trên các sườn đồi. Vùng chè này được tổ chức sản xuất tốt sẽ là thế mạnh của Báo Đáp, là cơ hội cho nông dân khi UBND tỉnh sớm có quyết định thu hồi lại diện tích chè của các công ty do không sử dụng đúng mục đích, thực hiện giao lại cho dân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu và tha thiết, gắn bó với ngành chè. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách mời gọi nhà doanh nghiệp đến đầu tư nhà máy chế biến, xây dựng mối liên kết công - nông có sự chung tay vào cuộc của chính quyền… Đối với diện tích đất khác như: đất lâm nghiệp, đất lúa, đất nuôi trồng thủy sản cũng cần thu hồi lại giao cho dân để sản xuất, kinh doanh, không thể để tình trạng dân đang thiếu đất sản xuất mà doanh nghiệp lại bỏ hoang hóa hoặc cho thuê lại đất sai chính sách, pháp luật như hiện nay.

Lê Phiên

Các tin khác
Người dân thôn Đầu Cầu xã Xà Hồ tham gia kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn.

YBĐT - 425km đường bê tông nông thôn và 829km đường đất được mở mới với tổng mức kinh phí trên 650 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 260 tỷ đồng là thành quả sau hơn 3 năm triển khai Đề án kiên cố hoá đường giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Yên Bái.

Một buổi giao ban của lãnh đạo Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Trạm Tấu với Công an xã Trạm Tấu tại bản Tấu Dưới.

YBĐT - Tăng cường cơ sở bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” là một chương trình công tác trọng tâm mà Công an tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo, thực hiện có kết quả trong những năm qua, đặc biệt là ở vùng cao, đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ y tế xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã.

YBĐT - Những năm qua, công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (TCQGVYT) đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự tham gia của các ban, ngành, chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động và bố trí các nguồn lực cho Đề án xây dựng xã đạt “TCQGVYT” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2015.

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Khó khăn của ngành y tế Yên Bái không chỉ gói gọn ở vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị khám, chữa bệnh (KCB) mà đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao cũng là một bài toán rất khó và gần như chưa có lời giải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục