Công an Yên Bái hướng về cơ sở

Bài 2: Những vấn đề từ cơ sở

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/5/2015 | 2:45:58 PM

YênBái - YBĐT - Chúng tôi lên thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). Tấu Dưới nằm trên đỉnh núi. Trưởng thôn là anh Giàng A Sáy. Công an viên là anh Giàng A Tồng. Anh Sáy cho biết, thôn có 117 hộ, 668 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, 70% số hộ là hộ nghèo. Anh Tồng cho biết, nổi cộm về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn là tệ trộm gà, lợn, tiếp đến là tranh chấp đất đai, làm khó nhau về nguồn nước.

Công an huyện Trạm Tấu giúp đồng bào Mông thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) thu hoạch sắn.
Công an huyện Trạm Tấu giúp đồng bào Mông thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) thu hoạch sắn.

>> Bài 1: Trúng địa bàn, chuyên đề hóa, mô hình hóa

Trong kế hoạch của tổ tăng cường Công an tỉnh, huyện, thôn Tấu Dưới được chọn xây dựng mô hình “2 không, 2 giữ”. Đánh giá chung là có nhiều kết quả tốt, ví dụ: thôn có đồng bào Công giáo không xảy ra tuyên truyền Vương quốc Mông; một số vụ tranh chấp đất đai, nguồn nước được giải quyết dứt điểm, tại chỗ; tệ trộm cắp gia súc, gia cầm đã được kiềm chế. “Khó nhất khi làm việc là gì?” - chúng tôi hỏi anh Tồng. Anh Tồng cười. Trưởng thôn nói: “Anh em khó nhất là trình độ hạn chế”. Trưởng ban Công an xã Thào A Lử xác nhận: “Ban Công an xã có 9 đồng chí, trong đó có 7 công an viên phụ trách 5 thôn. Chuyên môn chỉ 1 đồng chí có trình độ trung cấp, 1 đồng chí trình độ sơ cấp. Anh em hàng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng do trình độ hạn chế nên công tác nắm tình hình và giải quyết các vụ việc còn lúng túng”. Anh Tồng thấy thế là phải. Anh nói, do trình độ văn hóa mới chưa hết bậc trung học cơ sở nên có khó khăn khi làm việc.

Câu chuyện này, chúng tôi thấy khá rõ ở một số xã vùng cao, như: Lao Chải, Kim Nọi, Nậm Có (huyện Mù Cang Chải); Bản Mù, Tà Xi Láng, Túc Đán (huyện Trạm Tấu). Đúng là trình độ chuyên môn, văn hóa hạn chế nên có khó khăn khi làm việc nhưng cái khó nhất với anh em cơ sở là thực hiện nhiệm vụ ở thôn, bản mình nên còn nể nang, chưa dám đấu tranh, làm quyết liệt. Đồng chí Lò Văn Thủy - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT Công an huyện Trạm Tấu đồng ý với nhận xét đó. Theo đồng chí, trình độ hạn chế nên có nơi vai trò tham mưu của công an viên, công an xã mờ nhạt, thiếu chủ động.

Tình hình ANTT ở các xã trọng điểm được tăng cường đều có chuyển biến đi lên, trong đó có Tấu Dưới, Trạm Tấu nhưng sau tăng cường, kết quả duy trì ở một số địa bàn chưa thực sự bền vững. Mấu chốt là con người, công an viên do thôn, bản bầu ra, được giao trách nhiệm nhưng vẫn có phần ràng buộc bởi cộng đồng, dòng họ, thôn, bản. Thực tế, có đồng chí có năng lực, dám nói, dám làm nhưng có thể do thiếu phương pháp hoặc lý do khác mà bà con không bầu cử.

Một số công an viên, như anh Tồng chẳng hạn, nói khó, làm khó nhưng bà con vẫn bầu. Số này ở không ít địa bàn vùng cao đã, đang là một thực tế và chính nó làm giảm đi ít nhiều kết quả, hiệu quả công tác của lực lượng công an cơ sở, nhất là cấp thôn, bản. Tấu Dưới năm 2014 xảy ra 4 vụ trộm gà của dân trên lán nương, ngày tết thêm 3 vụ nữa, hiện, anh Tồng và anh em công an xã vẫn đang tìm đối tượng. “Liệu có tìm ra?” - chúng tôi hỏi Trưởng thôn Sáy và công an viên Tồng. “Cũng khó tìm ra đấy, bọn này toàn trộm đêm, thế mới khó chứ!” - anh Tồng chia sẻ.

Tăng cường cơ sở mục đích là giúp cơ sở nâng cao chất lượng, kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”. Vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, hầu hết là đồng bào Mông sinh sống. Giải quyết việc của dân phải dựa vào dân. Để dựa được vào dân thì phải “4 cùng” với dân. Trong mấy cùng đó, có một cái khó cùng là nói tiếng Mông. Hầu hết cán bộ, chiến sỹ tăng cường (cả Công an tỉnh và Công an huyện) không nói được tiếng Mông, chưa am hiểu sâu về phong tục, tập quán của bà con. Dân nói không nghe ra, cán bộ nói dân không hiểu - một khó khăn có thực mà anh em tăng cường cơ sở gặp phải. Năm 2012, Công an tỉnh tăng cường tổ công tác về xã Trạm Tấu.

 Đại úy Lê Anh Tuấn - Phòng Quản lý hành chính về ANTT Công an tỉnh là một trong 6 đồng chí của tổ tăng cường. Ròng rã 6 tháng trời (từ tháng 4 đến tháng 10/2012), đồng chí cùng anh em trong tổ đã “cầm tay chỉ việc” giúp Công an xã làm tốt hơn vai trò tham mưu, nòng cốt trong bảo đảm ANTT, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm về ANTT, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Kết thúc đợt tăng cường, lực lượng công an xã đã vận động thu hồi gần 100 khẩu súng săn tự chế, bắt giữ 2 vụ trộm cắp tài sản của nhân dân. Anh em trong tổ còn tham gia gần 100 ngày công giúp bà con làm đường giao thông nông thôn, xóa 2 nhà dột nát… Kết quả công tác đạt yêu cầu, mục đích đề ra, tình hình ANTT địa bàn ổn định, có chuyển biến nhưng 6 tháng ròng rã cũng chẳng giúp anh em nói được tiếng đồng bào. Có nghĩa là, hầu như công việc phải qua anh em cơ sở phiên dịch, có khi, có việc không được như mong muốn. Công tác ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, chúng tôi ghi lại nhiều chia sẻ của anh em cơ sở. Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, chi phí xăng và xe có lúc hàng triệu đồng, trong khi lương và phụ cấp cho công an xã còn khiêm tốn. Tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi nhiệm vụ lớn, áp lực công tác cao, những đồng chí công an xã, thôn, bản hôm nay đang rất khó khăn về đời sống, cần sự quan tâm cải thiện hơn nữa về tiền lương, phụ cấp của Nhà nước, của ngành.

Tăng cường cơ sở bảo đảm ANTT, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Công an Yên Bái đã và đang triển khai, thực hiện có kết quả tốt, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nhất là các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh nghiệm rút ra trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện là việc các nội dung kế hoạch xây dựng phải sát với tình hình cụ thể của từng địa bàn; thực hiện tốt các bước khảo sát đánh giá tình hình chung liên quan đến ANTT, từ đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp cụ thể để giải quyết tình hình ở địa phương. Xác định trúng địa bàn, thực hiện tốt các chuyên đề công tác tăng cường hàng năm, gắn với xây dựng và củng cố mô hình ANTT bền vững là yêu cầu, là phương pháp đã cho kết quả, hiệu quả tích cực. Yêu cầu đặt ra là cần đổi mới hơn nữa hình thức, phương pháp vận động quần chúng, sao cho phù hợp với đặc điểm từng phong tục, tập quán từng địa phương, từng vùng và phải đem lại những lợi ích thiết thực cho quần chúng nhân dân. Việc củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT của lực lượng công an cấp xã, thôn, bản là một đòi hỏi có tính cấp thiết từ cơ sở. Trong đó, chất lượng con người thực thi nhiệm vụ là khâu then chốt, quyết định trực tiếp đến kết quả, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT.

Đồng chí Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải (Mù Cang Chải):

Việc tăng cường cơ sở bảo đảm ANTT của Công an tỉnh, huyện đã giúp chúng tôi nâng cao được chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các mô hình “3 không, 1 giảm”, “2 không, 1 giảm”, “3 quản” ở Xéo Dì Hồ A, Xéo Dì Hồ B, Dào Xa đã phát huy tác dụng thiết thực, tiếp tục được củng cố và duy trì.

Chúng tôi cũng đã đổi mới phương pháp làm việc, như Đảng ủy, chính quyền xã đã tiến hành giao ban về công tác ANTT tại thôn, bản, sát cơ sở nên nghe được nhiều, được kỹ, chỉ đạo và giám sát sâu hơn, nhiều việc đã được giải quyết ngay tại các buổi giao ban ở thôn, bản.

Đồng chí Sùng A Làng - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT Công an huyện Mù Cang Chải:

Trong 4 năm qua, Công an tỉnh và Công an huyện Mù Cang Chải đã tăng cường cán bộ, chiến sỹ về cơ sở bảo đảm ANTT, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở 32 lượt xã, thị trấn; xây dựng 10 mô hình phòng, chống tội phạm ở: Nậm Có, Kim Nọi, Khao Mang, La Pán Tẩn, Lao Chải, Hồ Bốn, Mồ Dề.

 Tăng cường cơ sở nếu không gắn với xây dựng mô hình sẽ làm giảm đi hiệu quả của công tác tăng cường. Tôi cho rằng, sau tăng cường cần củng cố, duy trì, phát huy tốt và nhân rộng các mô hình cho bền vững. Vấn đề là, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn, bảo đảm ANTT là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, không tách rời sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo thực hiện của chính quyền cơ sở.

Đồng chí Thào A Lử - Trưởng ban Công an xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu:

Cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công an cơ sở, trọng tâm là anh em công an viên trực tiếp phụ trách thôn, bản. Tình hình ANTT ở địa phương sau tăng cường của Công an tỉnh, Công an huyện có chuyển biến căn bản nhưng một số thôn, bản vẫn có những vấn đề, sự việc phức tạp nảy sinh. Đề nghị Công an tỉnh trong thời gian tới tiếp tục tăng cường cho cơ sở, giúp đỡ cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT.

Chúng tôi cũng đề nghị Nhà nước, ngành công an quan tâm hơn đến chế độ lương, phụ cấp cho công an viên. Điều kiện khó khăn ở vùng cao như Trạm Tấu, chế độ hiện nay còn thấp.

Quốc Khánh - Phong Sơn

Các tin khác
Vùng chè Báo Đáp bị hoang hóa.

YBĐT - Trong tiềm thức của biết bao người Trấn Yên, Báo Đáp là một vùng chè xanh tốt, tuy không lớn bằng các xã: Thịnh Hưng (Yên Bình), Tân Thịnh (thành phố Yên Bái), thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn)… nhưng diện tích chè ở Báo Đáp cũng lên tới cả trăm héc-ta. Điều đáng quý hơn nữa là cây chè Báo Đáp được trồng rồi phát triển mạnh trên những lưng đồi hoang hóa, lau lách, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, sản lượng khá cao.

Người dân thôn Đầu Cầu xã Xà Hồ tham gia kiên cố hóa mặt đường giao thông nông thôn.

YBĐT - 425km đường bê tông nông thôn và 829km đường đất được mở mới với tổng mức kinh phí trên 650 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 260 tỷ đồng là thành quả sau hơn 3 năm triển khai Đề án kiên cố hoá đường giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Yên Bái.

Một buổi giao ban của lãnh đạo Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Trạm Tấu với Công an xã Trạm Tấu tại bản Tấu Dưới.

YBĐT - Tăng cường cơ sở bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” là một chương trình công tác trọng tâm mà Công an tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo, thực hiện có kết quả trong những năm qua, đặc biệt là ở vùng cao, đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ y tế xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã.

YBĐT - Những năm qua, công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (TCQGVYT) đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự tham gia của các ban, ngành, chính quyền các cấp trong tuyên truyền, vận động và bố trí các nguồn lực cho Đề án xây dựng xã đạt “TCQGVYT” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục