Những cựu tù Côn Đảo kiên trung
- Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2015 | 3:44:14 PM
YênBái - YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng hôm nay các chiến sĩ kiên trung vẫn còn rùng mình khi nhớ lại hình ảnh của xà lim, phòng tối, hầm xay lúa, khu đập đá, khu biệt giam chuồng cọp... ở chốn địa ngục trần gian - Nhà tù Côn Đảo...
Ông Phạm Văn Đình giới thiệu thành tích của mình đạt được qua mỗi tấm bằng khen
|
Vâng! Ở nơi ấy hiện vẫn còn ghi dấu những mất mát, đau thương của hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng đã vĩnh viễn nằm lại như một chứng tích chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở miền Nam. Song, đó cũng là "trường đào tạo" bản lĩnh chính trị, lòng trung kiên của các chiến sĩ cách mạng trước đòn roi, thủ đoạn tra tấn hết sức dã man từ thể xác đến tinh thần của kẻ thù.
Thời điểm những năm 1970-1971, Nhà tù Côn Đảo có khoảng hơn 4.000 chiến sĩ cộng sản bị tù đày, những cựu tù may mắn được trở về trong đợt trao trả tù binh sau Hiệp định Giơ-ne-vơ bên dòng sông Thạch Hãn còn lại rất ít, trong đó có gần 100 người con của quê hương Yên Bái.
Quả thực, khi được gặp, nghe chính những cựu tù Côn Đảo kể về sự khắc nghiệt của nhà tù nhằm thủ tiêu nhân cách, phẩm giá và đè bẹp ý chí, tinh thần người chiến sĩ cộng sản, chúng tôi mới thực sự cảm nhận và khâm phục nghị lực phi thường của cha ông. Lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, các ông khi đó đều mới mười tám, đôi mươi, chỉ quen với cày cuốc ruộng nương như bao thanh niên nông thôn bình dị khác. Vậy mà, khi xông trận, bị bắt, bị tra tấn, cầm tù lại dũng mãnh, gan dạ và can trường, khiến cả những tên cai ngục ác ôn khét tiếng phải khuất phục.
Trong ngôi nhà nhỏ, thoáng mát nằm sâu nơi khe núi đá xanh của tổ 17, thị trấn Yên Bình, ông Nguyễn Công Sáu - người cựu tù Côn Đảo lâu nhất (7 năm) xúc động nhớ lại. Năm 1963, Nguyễn Công Sáu vừa tròn 19 tuổi cùng bao trai làng xung phong nhập ngũ. Đóng quân ở đơn vị D8-E18 thuộc Sư đoàn 325 và đến tháng 8/1964 đơn vị nhận lệnh vào Nam. Từ Hà Tĩnh, qua hạ Lào, Sa-Van-Na-Khẹt vòng về Gia Lai, Kon Tum, xuống Bình Định tham gia đánh trận Ba Tơ. Anh lính trẻ ấy đã góp công bắt được 126 lính Mỹ. Năm 1966, trong trận đánh Quy Nhơn, tổ xung kích 5 người thì hy sinh 3, anh Sáu bị thương vào đầu, bụng và người còn lại bị cụt mất cánh tay nhưng trước khi bị bắt, cả hai vẫn tiếp tục bắn thêm 3 tên lính nữa. Tháng 4/1967, thượng sĩ Trung đội trưởng Nguyễn Công Sáu bị đưa ra Phú Quốc vào trại giam A1. Cùng các chiến sĩ trong trại tiếp tục bắt và giết lính quân cảnh, ông Sáu đã bị đưa vào biệt giam khu B2, coi như mang án giết người nên phải nhốt chuồng cọp, cách ly với đồng đội.
Nhớ lời dạy của Bác - ông Sáu nói giọng tự hào: "Công tác chính trị, binh vận phải đi đầu" và tôi từng học 18 tháng chính trị trong Nam. Lính phòng Nhì rất nham hiểm khi xét hỏi. Nó bắt phân tích hình ảnh cờ búa liềm để xác định ai là đảng viên, rồi dùng 7 tên lính tra hỏi 7 buổi, tại 7 chiếc bàn cung khác nhau, sau đó tổng hợp lại xem mình khai có khớp không để tra tấn. Thậm chí, nó còn hỏi cả một trong 12 điều kỷ luật của Đảng, trả lời đúng, chúng kết luận ngay là đảng viên. Đây chính là thời điểm mà ông Sáu bị tra tấn nhiều nhất khi một mực khai cấp trên của mình là trung sĩ. Cho dù bọn chúng đổ nước ớt vào mồm, bắt nằm ngửa, dùng giày đinh dẫm đạp hay nhốt phòng kín, rắc vôi bột vào cho chiến sĩ ta không thở được nhưng vẫn chẳng ai hé răng nửa lời-ông Sáu tâm sự.
Dõi mắt ra trời mưa, giọng ông trầm xuống: "Biệt giam bị đánh rất ác, nhưng nhiệm vụ của Đảng, của tổ chức mình phải thật kiên định và giữ vững lập trường". Trở về sau đợt trao trả tù binh 1973 bên sông Thạch Hãn với vết thương ở đầu và bụng, giảm gần 20 kg so với ngày nhập ngũ nhưng ông Sáu lao ngay vào cuộc chiến chống đói nghèo của địa phương và gia đình một cách hăng say, chăm chỉ. Ông đào ao thả cá, trồng rừng, chăn nuôi lợn gà... biến đồi hoang thành rừng vàng, bắt sỏi đá phải thành cơm gạo. Nay đã tròn 50 năm tuổi Đảng, từng tham gia làm tổ trưởng tổ nhân dân, làm bí thư chi bộ, ông luôn gương mẫu là người lính đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, trở thành tấm gương sáng cho gia đình, làng xóm và bà con noi theo.
Ông Nguyễn Công Sáu từng đảm nhiệm chức vụ tổ trưởng tổ nhân dân và bí thư chi bộ nhiều năm liền
Từng đi cơ sở và làm việc với bà Lương Thị Đảm-nguyên cán bộ của Tỉnh hội Phụ nữ, song tôi không hề biết bà có người anh trai là cựu tù Côn Đảo kiên cường tên là Lương Viết Huấn. Chỉ khi tới thăm ngôi nhà nằm cuối thôn Hồng Bàng, xã Đại Đồng (huyện Yên Bình) tôi mới vỡ lẽ: cô có tới hai người anh tham gia chống Mỹ. Trong ngôi nhà cũ ngổn ngang những đồ đạc, một phụ nữ bé nhỏ đang bón từng thìa cơm cho người chồng bị mất một mắt, cụt một chân và người đàn ông đó chính là ông Lương Viết Huấn. Sau một hồi chào hỏi, giới thiệu, quay sang vợ, ông Huấn tâm sự: "Không có bà ấy thì tôi đã mất lâu rồi. Giờ tôi lo nhất là bà ấy ốm phải đi viện".
Bà Lương Thị Lược-người chị gái thứ hai của ông Huấn kể: ông bà tôi sinh 6 chị em, hai em trai tôi đều đi bộ đội, cậu Huấn đi năm 1966 thì cậu Bảo đi 1968 và đều vào Nam đánh giặc nhưng không hề biết tin nhau. Khi cậu Huấn được trả về từ nhà tù Côn Đảo với thương tật như vậy, cũng là lúc gia đình tôi nhận giấy báo tử của em Bảo. Mẹ tôi gần như phát điên, suốt ngày lang thang đòi đi tìm con. Em tôi, một đứa không về, cũng không tìm được xác, còn đứa về thì thương tật nặng quá, song gia đình tôi biết hy sinh của các em là xứng đáng, bởi đó là sự hy sinh vì nước, vì dân.
Nhập ngũ năm 1966, ông Huấn vào Lữ đoàn bộ binh 250 đóng quân ở Bắc Thái. Năm 1967, vào đơn vị Quyết Thắng ở Bình Định. Năm 1968, tham gia đánh trận Mậu Thân trên đường tiến vào Sài Gòn thì bị địch bắt. Ông Huấn nhớ lại những đòn tra tấn ở Côn Đảo: sau khi bị bắt và đưa ra Phú Quốc, xuống sân bay là chúng tra tấn luôn. Hỏi cung không khai, nó đe cắt chân. Tưởng chỉ dọa, ai ngờ chúng đem cưa ra cưa luôn một bên chân phải. Tôi ngất đi, nó đưa vào viện.
- Còn đôi mắt của ông? Tôi hỏi.
- Mắt của tôi là do bọn chúng móc. Nó hỏi không khai, nó ngồi lên bụng, hai ba thằng giữ chân tay dang ra và tra tấn. Tôi ngất đi không biết gì, tỉnh dậy mới biết mình đã bị móc một bên mắt. Tra tấn xong, chúng ném tất cả lên ô tô đưa về chuồng cọp vứt chồng chất lên nhau. Trong trại, một mặt chúng tôi tham gia mở lớp học chữ quốc ngữ, học chính trị, sinh hoạt Đảng, Đoàn. Mặt khác, liên tục đấu tranh tuyệt thực bắt kẻ địch không được đánh đập, tra tấn chiến sĩ ta.
Ngày trở về, cũng bên dòng Thạch Hãn, dù bị thương nặng nhưng ông Huấn vẫn may mắn hơn hàng trăm chiến sĩ khác bị địch chở trên 2 máy bay và đổ xuống biển. Ngày đi nặng 70kg, trở về chưa đầy 30kg, ông được điều về trại thương binh Thanh Hóa an dưỡng. Ông Huấn cho biết thêm, ra tới Đông Hà, Quảng Trị, được nhà thơ Tố Hữu tặng thơ: Ta bước đi một lòng theo cách mạng/Vững lòng tin, sắt đá cũng thành công/Như những con thuyền đang vượt biển mênh mông/ Còn xa đất vẫn tin ngày cập bến. Đọc lại mấy câu thơ ấy, ông Huấn bùi ngùi: "Hòa bình lâu rồi mà thi thoảng tôi vẫn mơ thấy những trận đòn trong ngục tù côn Đảo".
Có lẽ ký ức về sức mạnh trước đòn roi kẻ thù đã tiếp thêm nghị lực cho người lính già ấy trong cuộc chiến chống đói nghèo của quê hương. Ông vẫn lao động sản xuất, vẫn đi hồ đánh lưới, lấy gỗ làm nhà, vẫn đứng một chân cuốc ruộng.... Chỉ đến khi chứng bệnh tiểu đường gây biến chứng làm mù nốt con mắt còn lại thì ông mới ngơi nghỉ chân tay.
Hôm nay, công cuộc đổi mới của đất nước đã tiến hành được 30 năm. Cùng với việc đổi mới bộ mặt kinh tế, xã hội, công tác chính sách người có công được quan tâm nhiều hơn, bởi đó là trách nhiệm chính trị, truyền thống, tình cảm và sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên, bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Song, do quá trình hoạt động, chiến đấu trong lòng địch, nhiều chiến sĩ kiên trung không còn giữ được giấy tờ gì để hoàn thiện hồ sơ đảm bảo cho việc thực hiện chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước với người có công như trăn trở của bác Phạm Văn Đình-cựu tù Côn Đảo ở thôn 4, xã Đại Đồng (huyện Yên Bình) cho biết: "Chúng tôi về đây tham gia thành viên Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị tù đày với hơn 2 chục người thì huyện Yên Bình có 10 người. Tuy nhiên, còn trường hợp anh Lương Văn Quyết kém tôi mấy tuổi, do không có giấy tờ công nhận, không đủ người làm chứng nên giờ vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Đợt bị biệt giam sang trại Phú Quốc, tôi có gặp anh Quyết bị giam bên khu A3. Tiếc là tôi chỉ có một mình mà theo quy định phải có từ 2 chiến sĩ mới xác nhận được cho anh ấy".
Cầm tấm bằng khen với 8 chữ vàng: "Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội" trên tay, ông Đình rưng rưng nước mắt. Tôi hiểu, sâu trong giọng nói ấy của ông Đình là nghĩa tình đồng đội, là cảm giác "có lỗi" khi không thể giúp được cho người đồng chí cùng ở địa ngục trần gian với mình năm nào. Mong rằng, những băn khoăn đó của người cựu tù Côn Đảo sẽ sớm được các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, thẩm tra và tạo mọi điều kiện giúp đỡ.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi lên thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu). Tấu Dưới nằm trên đỉnh núi. Trưởng thôn là anh Giàng A Sáy. Công an viên là anh Giàng A Tồng. Anh Sáy cho biết, thôn có 117 hộ, 668 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông, 70% số hộ là hộ nghèo. Anh Tồng cho biết, nổi cộm về an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn là tệ trộm gà, lợn, tiếp đến là tranh chấp đất đai, làm khó nhau về nguồn nước.
YBĐT - Trong tiềm thức của biết bao người Trấn Yên, Báo Đáp là một vùng chè xanh tốt, tuy không lớn bằng các xã: Thịnh Hưng (Yên Bình), Tân Thịnh (thành phố Yên Bái), thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn)… nhưng diện tích chè ở Báo Đáp cũng lên tới cả trăm héc-ta. Điều đáng quý hơn nữa là cây chè Báo Đáp được trồng rồi phát triển mạnh trên những lưng đồi hoang hóa, lau lách, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, sản lượng khá cao.
YBĐT - 425km đường bê tông nông thôn và 829km đường đất được mở mới với tổng mức kinh phí trên 650 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 260 tỷ đồng là thành quả sau hơn 3 năm triển khai Đề án kiên cố hoá đường giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Tăng cường cơ sở bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)” là một chương trình công tác trọng tâm mà Công an tỉnh Yên Bái tập trung chỉ đạo, thực hiện có kết quả trong những năm qua, đặc biệt là ở vùng cao, đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.