Thanh bình Lả Khắt
- Cập nhật: Thứ năm, 6/8/2015 | 10:08:54 AM
YênBái - YBĐT - Lả Khắt hôm nay không chỉ người trẻ tiến bộ trong suy nghĩ mà nhiều người già cũng thay đổi nhận thức trong xây dựng nếp sống văn minh.
Bản làng Lả Khắt hôm nay.
|
Bỏ lại cái nắng hè nồng oi dưới chân Khau Phạ, qua bên này con đèo đã thấy cao nguyên Mù Cang Chải dịu mát lắm rồi, thế mà ngược lên Nậm Khắt, thêm cơn mưa vùng cao lây phây, cả đất trời như giữa thu ở phố thị. Chợt nhớ khi sáng liên hệ làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt Chang Thế Sửu có bảo đây là xã ở địa thế cao nhất của huyện, chả trách dịu mát hơn. Bản của xã cũng "vùng cao" hơn vùng cao là chắc rồi - tôi đinh ninh vậy. Thế mà lạ, từ trung tâm xã về phía tây nam, một con đường bê tông bằng phẳng vài cây số cứ thế uốn lượn nhẹ nhàng giữa hai bờ lúa xanh non, đoạn lại lúi cúi vài người làm cỏ lúa, mấy nếp nhà người Mông chả cách đường bao xa - Lả Khắt - bản đặc biệt khó khăn của Nậm Khắt hiện ra đầy lạ lẫm với tưởng tượng của tôi và cũng thật thanh bình giữa cao nguyên xứ “Mù Cang”.
Từ lúc dưới xã, Bí thư Đoàn xã Thào A Giống nói rằng đã liên hệ với trưởng bản Lả Khắt rồi. Tôi chắc mẩm sẽ gặp một trưởng bản đúng kiểu "già làng vùng cao", vậy mà lại nhầm. Trưởng bản Lả Khắt tên Thào A Của, năm nay mới ngoài đôi mươi, lại còn chưa lập gia đình. Hỏi chuyện vợ con, "em trưởng bản" cười bảo: "Kém duyên" nhưng A Giống phân trần thêm trong câu chuyện: "Có lẽ do cả gương mẫu trong thực hiện không tảo hôn đấy chị ạ. Gương mẫu quá, thành thử hơi quá độ".
Tất cả cùng cười sau câu chuyện vui vui nhưng cái sự thể không tảo hôn ở Lả Khắt thì rất thật. Như A Giống và A Của khẳng định, đến nay đã là năm thứ ba, nam nữ thanh niên Lả Khắt chờ đúng tuổi quy định mới kết hôn.
Nói thì đơn giản vậy, chứ hiểu đất vùng cao như ở Mù Cang Chải mới thấy đó là cả một sự đổi thay không hề nhỏ. Phải thế chăng mà suốt con đường vào bản sáng này, tôi chả gặp em gái Mông nào mặt còn "hơi sữa" mà đã tay bế, lưng địu con như vẫn thường gặp ở đất vùng cao. Không làm mẹ trước mười tám tuổi, em gái Mông Lả Khắt hôm nay khỏe khoắn, đôi má hây hây, nguyên vẹn sự trẻ trung như cái tuổi thanh xuân này phải có, bước chân quây quẩy xuống chợ xã. Tiếng cười nói của mấy em gái bên đường khuất xa, trả lại tôi về với thanh bình trên con đường đi sâu lên bản, lại bất ngờ gặp hình ảnh cô gái Lả Khắt đằm thắm, cần mẫn vẽ sáp ong trên khuôn vải lanh, giữa phảng phất khói bếp, nơi nếp nhà lặng lẽ bên đường. Đó là Mùa Thị Cha. Cha đúng là có sự đằm thắm của người đã làm mẹ, và là mẹ của hai cô con gái.
Hôm nay, đứa lớn về nhà ngoại chơi, còn đứa bé 6 tháng tuổi đang ngủ ngon lành lắm. "Hai con gái, có định sinh một cậu con trai nữa không Cha?". Cha cười và lắc đầu trước câu hỏi của tôi. Chồng Cha, chàng trai có cái tên khá lạ với người Mông - Tùng, nói không ngại ngần:
- Không đẻ nữa đâu, hai con thôi.
- Thế không có con trai không nghĩ ngợi gì à? - tôi hỏi Tùng.
- Không nghĩ ngợi gì, sinh hai con để còn tập trung làm ăn no đủ - Tùng cười vui vẻ, đáp.
Một người đàn ông Mông không nghĩ gì về chuyện trai hay gái, chỉ cốt con cái khỏe mạnh, vợ chồng chí thú làm ăn - quả là điều rất tiến bộ ở vùng cao này. Suy nghĩ rõ ràng thế, chả trách Tùng sớm tập trung vào chăm lo kinh tế gia đình. Cái nếp nhà ven đường này thực ra là quán sửa xe máy của Tùng. Tùng học nghề dưới huyện, rồi về mở cửa hàng này mà không phải vay vốn ngân hàng chút nào. Bởi trước đó, hai vợ chồng đã sớm chăm chỉ làm ruộng làm nương, chẳng những đủ sống mà còn dành dụm được đồng vốn. Tùng cho hay, thu nhập từ nghề sửa xe máy khá ổn định.
Câu chuyện với hai vợ chồng Tùng bị cắt ngang bởi tiếng khóc thức giấc của cô con gái nhỏ. Cha dừng tay vẽ sáp ong, lại dỗ dành con. Tùng cũng theo vợ cùng nựng nựng cô con gái bụ bẫm. Trong phảng phất khói bếp, hình ảnh vợ chồng Tùng - Cha và cô con gái nhỏ thật giản dị mà bình yên.
Thấy tôi có vẻ cứ tấm tắc mãi cái suy nghĩ tiến bộ của Tùng, cả A Giống và A Của đều bảo rằng ở bản này giờ cũng nhiều người có suy nghĩ như vợ chồng Tùng - Cha rồi. Như để minh chứng, Của dẫn tôi vào cái lán bên con suối để gặp Vàng A Khày, cũng sinh hai con, một bề nhưng chỉ dừng lại ở đó, tập trung vào làm kinh tế gia đình. Khày làm cỏ ruộng gần lán, quần áo bùn đất tất tả trở về. Nhìn Khày rất dáng của một người nông dân nhanh nhẹn. Mà Khày hoạt bát, chăm chỉ trong làm ăn thật. Cái lán này Khày làm để coi ngô, làm ruộng và nuôi ong. A Khày tranh thủ cả từ vuông đất nhỏ ngay bên lán trồng ngô, lại có đến mấy chục đõ ong rải rác bên đồi quanh lán. Như Khày kể thì anh nuôi ong được ba năm nay, giờ có đến năm chục đõ, lại còn nuôi lợn, có cả trâu, bò. Bởi thế mà nhà Khày là một trong những hộ có kinh tế khá giả trong bản.
"Gia đình có điều kiện thế này thì sinh thêm đứa con nữa cho đông vui" - tôi gợi chuyện xem tâm tư của người đàn ông này. Chả ngờ Khày xua tay liền: "Ô, không được đâu, đẻ nữa thì còn thời gian đâu mà làm ăn chứ. Hai đứa con giờ không phải trông nom nhiều thì phải tranh thủ làm ruộng, chăn nuôi thôi. Đẻ nữa, lại không làm ăn được, không nuôi con tốt được". Ô, cái tư tưởng đó của Khày chẳng phải là "sinh con có trách nhiệm" đấy sao. Suy nghĩ đó thật quý biết bao!
Vợ chồng Tùng - Cha hạnh phúc bên con gái.
Lả Khắt hôm nay không chỉ người trẻ tiến bộ trong suy nghĩ mà nhiều người già cũng thay đổi nhận thức trong xây dựng nếp sống văn minh. Ông lão Giàng A Say vừa tổ chức cưới vợ cho cháu trai Giàng A Chu, gia đình chỉ mất 5 triệu tiền cưới cho nhà gái. Cứ như trước đây thì phải 20 - 30 triệu. Nói chuyện cưới xin vừa rồi, ông Say vui vẻ kể ngay, dù tiếng phổ thông không thạo, phải nhờ dịch ra, đại ý rằng: Không còn thách cưới nữa, mừng lắm! Cỗ cưới cũng chỉ diễn ra trong một ngày thôi, chứ như trước thì phải đến 2 ngày, tốn kém lắm. Cưới rồi, vợ chồng chúng nó chỉ phải lo làm ăn nuôi thân thôi, không phải lo trả nợ như cha, như ông chúng hồi xưa. Đúng là mừng quá đi, cái hủ tục thách cưới bấy lâu không biết đã làm khổ bao nhiêu đôi vợ chồng trẻ, có thanh niên còn không lấy được vợ. Có lẽ những người trẻ mong mỏi thay đổi nó hơn cả nhưng đổi thay sao được khi cha mẹ, ông bà chưa thông. Giờ thì Lả Khắt tuyệt nhiên không còn chuyện thách cưới cao.
Sự tiến bộ trong tư tưởng, nhận thức ấy của người Mông Lả Khắt hôm nay không phải tự nhiên mà được. Hai, ba năm về trước, chuyện sinh con thứ ba, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới cao ở đây diễn ra trong thời gian dài, kéo theo nhiều hệ lụy khiến cuộc sống của đồng bào vốn khó lại càng thêm khó. Năm 2012, Lả Khắt có 4 cặp thanh niên tảo hôn, 12 cặp sinh con thứ 3 và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Cuối năm 2012, Đoàn xã tham mưu của với Đảng ủy và chính quyền địa phương về thực hiện cuộc vận động “4 không” ở Lả Khắt: Không sinh con thứ ba, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không thách cưới cao. Để rồi, ngoài tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt của Đoàn, A Giống và các bạn trong Chi đoàn Lả Khắt còn lặn lội đến tận 99 nóc nhà trong bản tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên và bà con để thay đổi từ nhận thức; tổ chức cho các hộ đại diện cho thanh niên trong bản kí cam kết thực hiện.
Đảng ủy xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể phối kết hợp cùng tuyên truyền. Đến giờ, nhận thức và việc làm của bà con, nhất là trong đoàn viên thanh niên đã thay đổi nhiều so với trước và so với cả nhiều bản khác. Nhưng trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Chang Thế Sửu, tôi hiểu, những đổi thay này vẫn là nhỏ bé so với mong muốn làm được của Đảng ủy, chính quyền Nậm Khắt: Phải là sự đổi thay thực sự bền vững, ăn sâu trong nhận thức của tất cả bà con. Đó rõ ràng là công cuộc dài lâu, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể cùng chung tay, góp sức như nó cần phải thế và Đảng ủy xã đã xác định.
Trưa. Nắng vùng cao le lói sau cơn mưa không đủ sức làm mất đi bầu không khí mát lành nơi này. Trong tôi vẫn vẹn nguyên sự thanh bình từ lúc đầu gặp gỡ với Lả Khắt. Một sự thanh bình không chỉ bắt đầu từ đất từ trời mà còn từ tiếng cười nói thoải mái của đôi vợ chồng trẻ Giàng A Chu khi không phải vướng bận nợ nần sau cưới, từ bước chân trở về nhà của Vàng A Khày khi đã xong phần việc ruộng nương sáng này, từ khói bếp nhà A Tùng bảng lảng ven đường và tiếng ru con bằng dân ca Mông ngọt lành của Cha… Những con người, những cuộc đời người vùng cao giản dị mà bình yên, bắt đầu từ sự đổi thay trong nhận thức, nghĩ suy. Tôi đi giữa hai bờ lúa xanh non trên con đường bê tông nhẹ lượn mà ngỡ như không phải đang ở trên bản của một xã cao nhất, sâu nhất, đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Đến nay, ông Thào A Tủa ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 58 con trâu, bò và khoảng trên 300 con dê. Tính theo giá thị trường hiện nay với 120.000đồng/kg dê thịt và từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, gia đình ông Thào A Tủa đã có tiền tỷ từ gia súc.
YBĐT - Năm 2012, tỉnh Yên Bái có 1.155 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến 2015 con số này là 1.176 người.
YBĐT - Mặc dù gặp không ít khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng những năm gần đây, lương của người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm. Bên cạnh chi trả tốt cho NLĐ khối hành chính sự nghiệp, đã có rất nhiều đơn vị khối sản xuất, kinh doanh trả lương cho NLĐ trên mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
YBĐT - Các mô hình "Thắp sáng đường quê" và thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Phúc An (Yên Bình) đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như thay đổi hành vi, thói quen của người dân.