Trấn Yên - dấu ấn một nhiệm kỳ
- Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2015 | 9:35:58 AM
YênBái - YBĐT - Nhờ các giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nên trong 5 năm qua Trấn Yên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ.
Xã Bảo Hưng đang xây dựng thương hiệu chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
|
Trấn Yên đã tạo điểm nhấn và bứt phá trong bức tranh kinh tế - xã hội, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm lên 11,2%, cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, tăng 2,6 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Với lợi thế nằm dọc theo hai bên bờ sông Hồng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các xã ven sông hình thành các cánh đồng rộng và màu mỡ. Hệ thống thuỷ lợi đã và đang được kiên cố hoá, đây là tiền đề cơ bản để Trấn Yên phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Cùng với đó, người dân đã tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng. Với diện tích cây lương thực có hạt bình quân hàng năm trên 6.200ha, trong đó, diện tích lúa nước chiếm trên 80%, tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt trên 30.000 tấn.
Những năm gần đây, huyện Trấn Yên đã tích cực đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hoá với diện tích lúa chất lượng cao là 1.700ha. Việc sản xuất vụ 3 trên đất 2 lúa và đất màu soi bãi đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Cùng với cây lúa, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển ở các xã dọc hai bờ sông Hồng, đến nay, diện tích dâu của huyện là trên 200ha, sản lượng kén tằm đạt trên 200 tấn/năm, đạt giá trị trên 20 tỷ đồng/năm.
Là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh, với gần 2.180ha chè kinh doanh trong đó có tới trên 1.000ha chè chất lượng cao như: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, mỗi năm tổng sản lượng chè búp tươi của huyện đạt 16.000 tấn. Huyện đang hướng cho các địa phương xây dựng thương hiệu chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Và một cây trồng không thể không nhắc đến ở Trấn Yên là tre măng Bát Độ, sau hơn 10 năm triển khai đến nay, Trấn Yên đã mở rộng diện tích lên gần 2.100ha tăng 870ha so với đầu nhiệm kỳ tập trung chủ yếu ở 10 xã như: Kiên Thành, Tân Đồng, Hồng Ca… trong đó, xã Kiên Thành chiếm 50% diện tích. Trung bình mỗi hec-ta tre măng Bát Độ cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với cây nguyên liệu khác; mỗi năm huyện thu 25 - 30 tỷ đồng từ cây tre măng Bát Độ. Sản phẩm tre măng Bát Độ được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước trong khu vực. Cây tre măng Bát Độ đã làm hồi sinh nhiều vùng quê, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.
Cùng với nông nghiệp, thời gian qua, huyện Trấn Yên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến tại Khu công nghiệp tập trung Minh Quân, Cụm công nghiệp Hưng Khánh, Báo Đáp và mới đây Trấn Yên đã thu hút được 1 dự án nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu quy mô 3.000 công nhân tại thị trấn Cổ Phúc. Hiện, toàn huyện có hơn 1.000 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phần lớn là đăng ký kinh doanh, sản xuất chế biến nông, lâm sản; tuy sản phẩm chỉ là các mặt hàng sơ chế nhưng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản cho nông dân các địa phương trong huyện, nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp - xây dựng. Đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 230 tỷ đồng, trong đó, công nghiệp địa phương đạt 211 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Xác định để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, việc đầu tư xây dựng kiên cố, mở mới các tuyến đường giao thông có vai trò quan trọng, nên những năm qua Trấn Yên đã ưu tiên cho việc cứng hóa các tuyến đường giao thông. Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã được cứng hóa; phần lớn các tuyến đường liên xã, liên thôn từ vùng thấp đến vùng cao được mở rộng nền đường, trong đó trên 30% đường liên thôn bản được cứng hóa mặt đường, nhiều cầu cống, ngầm tràn qua đường được xây dựng vĩnh cửu. Điển hình trong phong trào này là các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Việt Cường, Hưng Khánh…
Đây cũng là một tiêu chí quan trọng xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở các địa phương. Cùng với xã Tân Đồng là xã điểm của tỉnh trong XDNTM, Trấn Yên cũng đã chọn xã Báo Đáp làm điểm XDNTM của huyện. Qua triển khai, nhân dân trong huyện đã nhận thức về ý nghĩa của chương trình đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, từ đó phát huy tốt vai trò chủ thể trong XDNTM. Đến nay, Trấn Yên đã có 16 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên; trong đó, xã Báo Đáp đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu trong năm 2015 có thêm 2 xã Tân Đồng, Việt Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Kinh tế phát triển tạo đà để Trấn Yên quan tâm đầu tư hơn cho các lĩnh vực văn hoá, giáo dục y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Mạng lưới trường lớp học được mở rộng về quy mô, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt trên 80%, chất lượng dạy và học được nâng lên. Hiện toàn huyện có 28 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt kế hoạch đề ra; duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trấn Yên đang tập trung mọi biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng với sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, Đảng bộ đã thường xuyên tổ chức tốt việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nhờ vậy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng lên. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 1.076 đảng viên nâng tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 4.756 đảng viên; 100% thôn, bản, nhà trường, trạm y tế có tổ chức đảng; tỷ lệ tổ chức đảng hàng năm đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh đạt trên 83%.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đảng bộ huyện Trấn Yên đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu, 4 chương trình kinh tế xã - hội, trong đó trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với XDNTM, phấn đấu đến năm 2020 đưa giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt 1.200 tỷ, 7 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ và du lịch; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 700 tỷ, xây dựng đạt 420 tỷ, thu ngân sách trên địa bàn đạt 120 tỷ đồng; mỗi năm tạo việc làm mới cho 1.700 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,4% theo tiêu chí mới.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục đào tạo; tăng cường phát triển văn hóa - thể dục, thể thao; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Với truyền thống của một huyện anh hùng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020. Xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện phát triển bền vững.
Việt Hải - Thanh Hùng
Các tin khác
YBĐT - Bình an cho những hành khách đi lại qua bến đò thôn Chăn Nuôi, xã Xuân Ái (Văn Yên) là niềm vui không riêng của ai mà tất cả những người khách đi đò khi được bình an trở về nhà sau những chuyến đò chở đầy niềm vui và hy vọng.
YBĐT - Lả Khắt hôm nay không chỉ người trẻ tiến bộ trong suy nghĩ mà nhiều người già cũng thay đổi nhận thức trong xây dựng nếp sống văn minh.
YBĐT - Đến nay, ông Thào A Tủa ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 58 con trâu, bò và khoảng trên 300 con dê. Tính theo giá thị trường hiện nay với 120.000đồng/kg dê thịt và từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, gia đình ông Thào A Tủa đã có tiền tỷ từ gia súc.
YBĐT - Năm 2012, tỉnh Yên Bái có 1.155 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đến 2015 con số này là 1.176 người.