Bài I: Chấp chới cảnh “gần nhà xa ngõ”
- Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2015 | 3:49:12 PM
YênBái - YBĐT - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội lớn, không vì lợi nhuận, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh (KCB) và toàn dân tham gia. Thế nhưng, lâu nay người dân 7 xã thượng huyện Yên Bình thuộc vùng phía đông hồ Thác Bà, trong đó có tới trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải chấp nhận mất đi từ 30 - 50% số tiền BHYT mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng trọn vẹn, do đi khám trái tuyến.
Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân huyện Yên Bình được đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, nhưng dụng cụ khám chữa bệnh trực tiếp cho người dân chỉ có ống nghe và đo huyết áp.
|
Điều đáng nói là, nguyên nhân lại do những chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) không phù hợp suốt nhiều năm qua và cả những quy định cứng nhắc trong đầu tư cho tuyến y tế cơ sở...
Câu chuyện KCB của hàng chục nghìn người dân thuộc 7 xã thượng huyện Yên Bình nằm trong vùng phía đông hồ Thác Bà kể ra, chẳng khác nào chuyện đùa nhưng là đùa trên mạng sống và cười ra nước mắt. 5 năm trước, gần 7 nghìn người dân xã Cảm Nhân nói riêng và nhân dân vùng phía đông hồ Thác Bà nói chung, đã vui sướng biết bao nhiêu khi Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân được xây dựng bề thế ngay tại trung tâm xã. Nhưng rồi, niềm hy vọng ấy lại từ từ tắt lịm khi điều mà cả người dân và đội ngũ y, bác sỹ ở đây mong đợi ấy là, được KCB bằng các trang thiết bị y tế tiến bộ, hay nói nôm na là tốt hơn, hiện đại hơn trước… lại vẫn chỉ là điều ao ước.
Bà Lâm Thị Chương - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân: Gần 20 năm gần bó với phòng khám này, tôi thực sự thấy rất thương những người dân nghèo ở đây. Có những trường hợp đến đẻ không có gì ăn, y, bác sỹ của Phòng khám phải đi mua thức ăn về nấu cho sản phụ và xin cả tã lót để ủ ấm cho cháu bé... Nếu đâu đó vẫn còn có những câu chuyện tiêu cực làm lu mờ y đức của người thầy thuốc thì chúng tôi ở đây chỉ mong Nhà nước sớm quan tâm đầu tư trang thiết bị KCB bảo đảm để đồng bào các dân tộc thiểu số vùng lòng hồ Thác Bà được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn. Bà Hoàng Thị Huyền - thôn 1, xã Tích Cốc, huyện Yên Bình: Các y, bác sỹ ở Phòng khám rất tận tình, bắt bệnh và chuẩn đoán cũng chính xác nhưng dụng cụ KCB thì thiếu thốn đủ thứ nên bà con chúng tôi thường phải sang các cơ sở KCB của Tuyên Quang. Bỗng dưng mất đi mấy chục phần trăm, có khi là 100% BHYT cũng xót tiền lắm, nhưng ra tỉnh ra huyện thì đường sá đi lại quá xa. Ông Lý Ánh Dương - Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân: Để bảo đảm chức năng và nhiệm vụ của một phòng khám đa khoa khu vực, nhất là đối với khu vực vùng ven hồ Thác Bà, điều kiện đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của đồng bào eo hẹp, theo tôi cần thiết phải đầu tư các trang thiết bị y tế KCB bảo đảm chất lượng, chứ như hiện tại, phương tiện KCB của Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân chẳng hơn gì các trạm y tế. |
Chia sẻ về nỗi niềm mỗi khi gia đình có người ốm đau bệnh tật, anh Hoàng Đình Trị, dân tộc Tày, thôn Làng Dự, xã Cảm Nhân giãi bày: “Chẳng nói đâu xa như gia đình tôi, từ năm ngoái đến nay có 3 người phải đi mổ ruột thừa. Thú thật, vừa vất vả lại vừa tốn kém! Làm nông nghiệp ở vùng lòng hồ này đủ ăn là giỏi, chẳng ai muốn phải đi khám trái tuyến, vượt tuyến làm gì cho thêm tốn kém nhưng không đi không được, vì trang thiết bị của phòng khám quá thiếu. Nếu khám đúng tuyến thì việc đi lại rất vòng vèo, xa xôi gấp ba, bốn lần sang cơ sở KCB của tỉnh bạn”.
Tôi ám ảnh bởi câu chuyện của người phụ nữ dân tộc Tày - Hoàng Thị Huyền ở thôn 1, xã Tích Cốc. Như vẫn chưa nguôi ngoai niềm đau khi bỗng chốc mất đi người thân của mình, chị Huyền rưng rưng kể: "Tầm này năm trước, bố tôi qua đời. Bảo là bệnh nặng thì không phải, bởi ông không ốm đau gì mà chỉ thấy người mệt nên gia đình đưa vào Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân. Vì trang thiết bị chẳng có gì, không máy siêu âm, không máy chụp X quang ngoài cái ống nghe và cái đo huyết áp thông thường nên bác sỹ phòng khám khuyên đưa bố tôi lên tuyến trên.
Đêm hôm mưa gió, thuyền bè chẳng có mà đi đường bộ ra tới bệnh viện huyện cũng phải mất gần trăm cây số nên gia đình quyết định đưa ông sang bệnh viện huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cho kịp, vì chỉ cách nhà gần hai chục cây số nhưng không thuê được xe đi nên gia đình đành đưa ông đến phòng khám. Bố tôi được bác sỹ chăm sóc rồi đưa nhà về mất ngay sau đó... Ở cái vùng này, cứ có bệnh là lo nớp nớp, nhất là đêm hôm phải cấp cứu, sống - chết chẳng biết thế nào…!".
Theo các quy định tại Điều 26 Luật BHYT; điều 6 Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế và khoản 2, điều 5, Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của BHXH Việt Nam: Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương không phân biệt địa giới hành chính.
Những quy định của Luật BHYT và quy định của BHXH Việt Nam thì đã rõ nhưng không phải người tham gia BHYT nào cũng hiểu được hết quyền và lợi ích mà mình được hưởng. Chuyện KCB của người dân 7 xã thượng huyện Yên Bình sống quanh vùng lòng hồ Thác Bà, hay những khó khăn trong công tác KCB ở Phòng khám Đa khoa khu vực Cảm Nhân chỉ là điển hình phổ biến về những bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến y tế cơ sở, nhất là địa bàn vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Nguyên nhân căn cốt là do những chính sách BHXH không phù hợp và cả những quy định cứng nhắc, thiếu thực tế của Luật KCB... cần được thay đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII, trả lời ý kiến của cử tri về việc: Người dân muốn mua BHYT ở nơi thuận lợi cho họ chữa bệnh có được giải quyết không? Ông Phạm Quốc Tuấn - Phó giám đốc BHXH tỉnh cho biết: - Theo quy định tại khoản 2, điều 4, Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng trên địa bàn theo hộ gia đình. Do vậy, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ thực hiện tham gia BHYT tại địa phương - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. - Theo các quy định tại Điều 26 Luật BHYT; điều 6 Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế và khoản 2, điều 5, Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của BHXH Việt Nam: Người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương không phân biệt địa giới hành chính. Như vậy, người tham gia BHYT theo hộ gia đình có thể lựa chọn một cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện nơi thuận tiện nhất (gần nhất...) kể cả các bệnh viện tỉnh ngoài gần nơi cư trú để đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu. |
Minh Thúy - Quyết Thắng
Bài 2: Những bất cập về Bảo hiểm y tế
Các tin khác
YBĐT - Văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, không phải di sản văn hóa vật thể nào cũng còn tồn tại nguyên vẹn, thậm chí có những di sản đã và đang dần mất đi.
YBĐT - “Khi rất nhiều người dân ở đây bỏ chăn nuôi thì tôi bắt đầu nhập cuộc” - câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tươm - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đã đưa tôi cùng thời gian quay trở lại con đường mà anh lựa chọn cách đây đúng 5 năm.
YBĐT- Nằm tách biệt với đất liền, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (LĐXH) tỉnh Yên Bái là nơi 200 học viên đang điều trị cai nghiện. Nơi đây, những cán bộ của Trung tâm đang ngày ngày chăm sóc cho hàng trăm học viên cai nghiện đủ thành phần, trong đó đến hơn 20% đã bị nhiễm căn bệnh nan y HIV/AIDS.
YBĐT - Nhờ các giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, nên trong 5 năm qua Trấn Yên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch của cả nhiệm kỳ.