Đến xã Nam Cường, thành phố Yên Bái hỏi về ông Vũ Hữu Lê không ai là không biết, bởi ông vốn là Giám đốc Nhà máy Cơ khí Hoàng Liên Sơn. Tên tuổi của ông bao năm nay được gắn với các sản phẩm cơ khí nông lâm nghiệp và Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà. Đón chúng tôi bằng cái nắm tay thật chặt, ông Lê dẫn đi thăm xưởng sản xuất của mình.
Giữa hè, ngoài trời nóng như đổ lửa nhưng trong xưởng sản xuất thì hoàn toàn khác hẳn, do hệ thống phun sương được thiết kế khắp xưởng, những chiếc quạt lớn được bố trí gọn gàng ở các góc xưởng, tạo không gian dịu mát tập trung cho những người thợ cơ khí làm việc.
Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Lê vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn. Không ngừng giới thiệu những sản phẩm mới "ra lò” như: máy vò chè, ép phân viên nén, ép sợi miến… nhưng ông vẫn chú tâm kiểm tra những sản phẩm mà những thợ cơ khí đang hoàn thiện.
Theo kinh nghiệm của ông - một kỹ sư chuyên ngành đã có 19 năm liền nghiên cứu, chế tạo máy tại Nhà máy Cơ khí Hoàng Liên Sơn, chỉ cần một sai sót kỹ thuật nhỏ là máy không vận hành. Thế nên, công việc của người thợ cơ khí phải rất tỉ mỉ.
"Vì sao, sau khi về nghỉ hưu và tuổi đã cao nhưng ông vẫn tiếp tục với nghề chế tạo máy”? - tôi hỏi. Ông Lê cười hiền: "Năm 1990, tôi được về nghỉ hưu. Nhưng với suy nghĩ còn sức còn cống hiến và những mong muốn chế tạo ra những chiếc máy giúp nhà nông từng bước cơ giới hóa sản xuất nông lâm nghiệp luôn ấp ủ trong tôi từ lâu, nên tôi vẫn phải cố gắng lao động”.
Đam mê là vậy, nhiệt tình là vậy, nhưng con đường để có được như ngày hôm nay thật không đơn giản. "Hồi đó, mình phải đi khắp tỉnh thu mua phế liệu, sắt vụn về tái chế làm ra những chiếc cuốc, xẻng để bán rồi tích cóp dần dần vốn đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, chế tạo máy” - ông Lê cho biết thêm.
Rồi năm 1997, Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, tiền thân là Tổ Hợp tác cơ khí Hồng Hà đã được thành lập. Sau nhiều trăn trở, mất ăn, mất ngủ ông Lê đã chế tạo thành công chiếc máy vò chè mini đầu tiên.
Rồi những sản phẩm máy ép sợi miến bán tự động, máy khuấy hồ trong sản xuất miến dong, máy ép phân viên nén, máy vò chè, bom sao chè xanh, bom tạo hình chè ô long, máy băm cành quế, lò sấy nông sản, hệ thống sấy gỗ bóc, quạt hút, đẩy nhiệt sấy các loại và cả những nồi hấp bịch nấm giống thủ công, nồi chưng cất tinh dầu quế, hệ thống sản xuất tinh bột từ củ đao, củ sắn, rồi hệ thống chưng cất tinh dầu bằng nồi hơi đã lần lượt ra đời.
Các sản phẩm cơ khí của Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà được các cơ quan quản lý nhà nước, hàng ngàn hộ nông dân từ Bắc tới Nam tin dùng và đánh giá cao về tính sáng tạo, tính năng hoạt động và chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm của Công ty đạt giải khi tham gia các hội thi sản phẩm sáng tạo do trung ương và tỉnh Yên Bái tổ chức.
Song song với việc chế tạo máy móc thiết bị phục vụ cho nông - lâm nghiệp, năm 2009, Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà còn mở rộng thêm lĩnh vực nuôi trồng các loại nấm: mộc nhĩ, nấm sò, nấm hương, linh chi.
Cùng đó, các thiết bị máy móc phục vụ cho công nghiệp trồng nấm qui mô vừa và nhỏ cũng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Sự đam mê, nhiệt huyết của ông Lê đã được mỗi người thợ, người làm công trong Công ty cảm nhận được. Tất cả họ đã đoàn kết, nỗ lực để đưa Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà không ngừng phát triển. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; doanh thu năm 2017 đạt trên 6 tỷ đồng. Bản thân ông Lê vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015.
Còn ở tổ dân phố số 10, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ có một người được tiếng là "vác tù và hàng tổng”, đó là ông Nguyễn Duy Thanh - tổ trưởng tổ dân phố. Bên tách trà thơm, cùng một số người bạn trong tổ nhân dân, ông Thanh tâm sự với chúng tôi về quá trình lao động, công tác của mình.
Trước khi được về nghỉ chế độ tại phường Trung Tâm, ông từng giữ trọng trách Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Văn Chấn. Quá trình công tác, ông đã cùng Ban giám hiệu nhà trường đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực giúp đời sống học sinh nâng lên, giảm thiểu học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Năm 2011, ông Thanh được Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng ông cũng chỉ được "rảnh rỗi" khoảng 2 năm rồi tổ trưởng tổ dân phố là một trọng trách mà bà con nhân dân đã tin tưởng giao cho. Nơi ở cũ, công việc mới, ông cùng với cấp ủy Chi bộ 10 tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chẳng kể sớm, tối nắng mưa, cứ có điều kiện là ông vận động bà con tham gia các phong trào tại địa phương. Có lẽ là người thầy bao năm đứng trên bục giảng, nên ông Thanh hiểu được tâm lý từng người dân nơi đây. Mỗi nội dung được ông truyền đạt đều dễ hiểu, dễ nhớ và "Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là ánh sáng, là động lực để ông và người dân tổ dân phố 10 thi đua trong lao động, sản xuất, kinh doanh.
Ông Thanh chia sẻ: "Trước hết, bản thân mình phải gương mẫu, sau đó là vận động bà con. Để làm được điều đó, phải đề cao vai trò chỉ đạo, đôn đốc ban công tác mặt trận để thực hiện nhiệm vụ mà Chi bộ đề ra”.
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mỗi khoản đóng góp ông Thanh đều bàn kỹ trong Chi bộ, các đoàn thể để đưa ra thống nhất thông qua tại các kỳ họp tổ nhân dân; mọi công việc của tổ đều được công khai, minh bạch. Là tổ dân phố ở giữa một phường của trung tâm thị xã Nghĩa Lộ - nơi có trên một nửa số hộ kinh doanh, buôn bán. Tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông để kinh doanh, buôn bán diễn ra thường xuyên; tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an ninh trật tự...
Trăn trở, bàn bạc về tình trạng đó, rồi bản thân ông Thanh tự tìm đến từng gia đình để bày tỏ lo lắng để tuyên truyền và vận động nhân dân không lấn chiếm hành lang giao thông, cam kết không để người trong gia đình vi phạm các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia tố giác tội phạm...
Nhờ đó, những năm gần đây, tình hình an ninh, trật tự trong tổ được ổn định. Nhiều hộ dân tự giác giải tỏa sân nhà để mở rộng vỉa hè, tạo nên diện mạo một khu phố ngày càng khang trang, sạch đẹp. "Có đến 90 hộ, trên 300 khẩu, với 30% là hộ khá, giàu và nhờ ông Thanh mà 5 năm liền tổ dân phố 10 được công nhận là tổ dân phố văn hóa tiêu biểu, được UBND thị xã Nghĩa Lộ tặng giấy khen” - ông Nguyễn Cao Sản cũng như nhiều người dân nơi đây tự hào nói vậy.
Từ những cống hiến của ông Thanh mà Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Văn Chấn vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; tổ dân phố 10 đạt tổ dân phố văn hóa tiêu biểu được UBND thị xã tặng 4 giấy khen, Chi bộ được Tỉnh ủy tặng bằng khen.
Lặng lẽ cống hiến, những danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều bằng khen, giấy khen được các cấp, các ngành tặng thưởng cho ông đã khẳng định và tôn vinh những đóng góp ấy.
Ông Lê, ông Thanh là 2 trong số 6 đại biểu đại diện cho rất nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của tỉnh Yên Bái được về dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc” vừa được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Các ông sẽ luôn là tấm gương sáng, có sức lan tỏa rộng rãi, là động lực tinh thần thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ra sức thi đua trong công cuộc xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.
Minh Huyền - Mạnh Cường