Chẳng nhớ nổi mình đã bao lần du ngoạn trên hồ Thác mà sao sáng nay cứ như thể đến lần đầu. Nước đầy nên hồ thoáng bao la. Gió se lạnh và thoảng hương từ nước, hương của cây tràm tỏa lan khiến mọi người như muốn mãi hít hà hương tinh khôi của hồ Thác.
Lạ thế! Những đảo tràm nối liền nhau. Bầy cò, bầy chim cứ ung dung đậu chứ chẳng hề sợ sệt khi thuyền lướt sát. Tổng Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thác Bà - anh Nguyễn Văn Quyền là người gắn bó mấy chục năm ở nơi này, nên anh rành rẽ vùng hồ này hơn bất cứ ai:
- Những đảo tràm này quý lắm đấy! Nó được ví như một vùng dự trữ sinh quyển của lòng hồ cho chim muông, tôm cá nương náu sinh sôi. Nó làm cho nước hồ thêm sạch, thêm trong. Mấy năm nay, hồ Thác như được hồi sinh tựa thuở ban đầu. Cá nhiều lắm. Người ta bắt được những con mè nặng trên bốn chục cân và cá trắm đen nặng tới bảy mốt cân.
Thuyền lướt về bên phía núi cao. Anh Quyền hào hứng:
- Nhìn kìa! Đây là núi Voi phục. Chỗ này là cái tai, cái vòi, còn thân, đuôi của nó đây nhé! Kia nữa là dãy Cao Biền. Núi này phong thủy đẹp. Dưới chân núi là những khu nhà bè nuôi cá trắm, rô phi đơn tính, cá lăng, cá ngạnh, cá nheo của người Kinh, Tày, Dao, Cao Lan. Cái nghề mới này đang là nghề hái ra tiền. Tôi chợt nhớ về câu hát xưa: Nghe vang vang trên hồ Thác/Tiếng cá đùa đàn cá bơi...
Và nay, hồ Thác còn thêm những điều khác lạ nữa, ấy là nghề nuôi cá lồng đã mang về cho lòng hồ thêm nhiều loài cá mới như cá diêu hồng, cá tầm... Trên đảo hồ còn có nhiều lắm những trang trại gà đồi, nuôi dê, trồng cây ăn quả... để du khách vãn cảnh có thể ghé vào thưởng thức đặc sản.
Cứ miên man thả hồn theo sóng nước, thoáng chốc thuyền đã đến Mông Sơn - vùng không gian hồ rộng nhất và nổi lên nhiều núi đá vôi dựng đứng được ví là Hạ Long trên núi, có nhiều hang động tuyệt đẹp cùng những truyền thuyết tình yêu đầy chất Liêu trai gắn với những cái tên như Thủy Tiên sơn động, đảo Chinh Nam, núi Chàng Rể...
Cả một quãng đường dài như thế, để ý thấy nhà thơ trẻ Lưu Khánh Linh cứ tựa vào mạn thuyền như bất động và buông ánh mắt xa xăm. Định thần lại chị cười:
- Em đang "cảm” hồ lắm anh ạ!
Niềm mê đắm ấy, khiến đêm về chị đã viết bài thơ "Say đắm tình hồ Thác” rồi chị gửi vào Email của tôi lúc 2 giờ sáng kèm theo lời nhắn: "Chuyến đi thật ấn tượng! Em thấy mình phải viết ngay một bài thơ về hồ Thác! Anh "ngó giùm” và góp ý nhé!”. Tuyệt quá! Khổ giữa của bài thơ tuy ngắn mà chị đã họa nên bức tranh hồ Thác:
...Chân mày em đảo tràm xanh xõa tóc
Rủ rỉ tình say lơi lả khúc thanh xuân
Núi Cao Biền ưỡn tấm ngực phong sương
Đội mưa nắng thủy chung màu rêu lá
Động Thủy Tiên, Xuân Long nhũ đá
Giọt Ngọc, giọt Ngà huyền thoại hóa yêu thương...
Chỉ có góc nhìn và tâm hồn người nghệ sỹ mới chắt ra những câu thơ hay đến vậy! Lời thơ không chỉ vẽ cảnh, vẽ không gian văn hóa một miền quê, mà còn cả bề dày trầm tích dưới lòng hồ như chợ Ngọc, chợ Ngà sầm uất của miền văn hiến châu Thu Vật xửa xưa.
Cái đẹp riêng có ấy của hồ Thác, được ví như báu vật cũng đúng, bởi hiếm có nơi nào trên núi lại có một hồ nhân tạo rộng lớn như thế và có đến trên nghìn đảo xanh lớn nhỏ. Ven hồ là một không gian văn hóa đa sắc tộc, độc đáo và hấp dẫn; là nơi đậm sâu nền văn minh cổ xưa Đại Việt theo lưu vực của dòng sông Chảy...
Tài nguyên ấy đã và đang trở thành nguồn tiềm năng du lịch vô giá. Những địa chỉ kinh doanh du lịch: Lavie Vu Linh ở xã Vũ Linh, do một Việt kiều Pháp đầu tư luôn thu hút khá đông du khách nước ngoài; Nhà hàng Ruby bộn bề với những đơn hàng tổ chức vui chơi trên đảo; cảng Hương Lý, bến ca nô thủy điện Thác Bà tấp nập khách mọi miền... Đấy là những minh chứng sống động của sức hút và những thành công bước đầu cho khai thác du lịch trên hồ Thác.
Mường tượng đến một ngày, khắp trên nẻo mặt hồ sẽ luôn lay động cảnh tấp nập thuyền bè đưa du khách đi thăm các mô hình kinh tế ở các làng, các đảo; thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long ở huyện Yên Bình và ngược lên mãi phía Lục Yên thăm khu dấu tích trung tâm Phật giáo thời Trần ở xã Tân Lĩnh, thăm động chùa São ở xã Tân Lập và lên với "Bình nguyên Khai Trung” bốn mùa hoa nở; biết thêm về một Lục Yên - xứ sở đá quý, cam sành, vịt bầu, gà trống thiến...
Trên hành trình ấy, du khách cũng có thể rẽ vào một làng của người dân bản địa để trải nghiệm làng nghề, để thưởng thức chén rượu nồng cùng bao đặc sản địa phương, rồi đắm say trong then, coọi Tày, Nùng, nghe người hát Páo dung, người Cao Lan trải lòng tuyệt phẩm Xịnh ca.
Khách lại biết thêm về nơi đây có dòng sông Chảy, là con đường tơ lụa của dân Kinh Kỳ, Phố Hiến khi xưa giao thương lên miền núi, sang tận xứ Trung Hoa và thương gia người Hoa xuôi dòng buôn bán vào nước Đại Việt ta...
Cái ngày trong mường tượng và mong ước ấy chắc chắn sẽ không xa nữa, khi Yên Bái vừa được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018 về quy hoạch tổng thể Khu Du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến trước năm 2025, Khu Du lịch quốc gia hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là khu du lịch quốc gia.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2030, hồ Thác Bà phát triển thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh và vùng du lịch trung du, miền núi Bắc Bộ dựa trên lợi thế cảnh quan mặt nước và vùng ven hồ, giá trị của danh thắng hồ Thác Bà và bản sắc văn hóa vùng sông Chảy để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho du lịch hồ Thác Bà...
Thêm nữa, Tập đoàn ALPHANAM sau một thời gian nghiên cứu đã có chương trình làm việc với tỉnh Yên Bái để báo cáo ý tưởng về dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà.
Các đơn vị tư vấn đến từ Singapore và Hà Lan đã trình bày ý tưởng về dự án khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà trên cơ sở mô hình khu du lịch ở vùng hồ Thiên Đảo của Trung Quốc, hồ Como ở Ý, bởi những nét tương đồng với trên 1.000 hòn đảo lớn nhỏ và thắng cảnh mang nét tự nhiên, hoang sơ, kỳ vĩ trên hồ Thác...
Lợi thế của hồ Thác Bà nằm liền kề Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ; nằm ở giữa tuyến đường từ Đông Bắc sang Tây Bắc; thời gian từ Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai để đến vùng hồ chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ... Chắc chắn, sẽ là nơi níu chân du khách gần xa.
Hoàng Nhâm