Nà Hẩu đối với tôi không có gì lạ! Do cơ quan được Tỉnh ủy phân công phụ trách, vì vậy, trước đây, nhiều lần tôi đã đến xã.Những năm đó, chưa có đường từ vùng quế Đại Sơn vào nên nhiều lần phải xách dép, đeo máy ảnh vượt dốc Ba Khuy theo đường mòn đi bộ xuyên rừng già lầy thụt, đi bộ ba, bốn giờ đồng hồ vào xã. Rừng lúc đó nhiều. Rừng hai bên đường, rừng cạnh nhà, rừng dưới ruộng, toàn gỗ tự nhiên, nhiều cây vài ba người ôm, cao vài chục mét. Bởi thế, dù đi lại vất vả nhưng được ngắm rừng, cũng thấy Nà Hẩu không xa!
Nằm cách trung tâm huyện Văn Yên khoảng 30 km về phía Tây Nam, nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, tổng diện tích tự nhiên 16.950 ha, trên địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng và Phong Dụ Thượng, xã Nà Hẩu có diện tích tự nhiên 5.639,52 ha nhưng đất nông nghiệp chỉ có 73,3 ha. Những cư dân đầu tiên ở Nà Hẩu là những người Mông di cư từ Bắc Hà (Lào Cai) đến từ những năm 1986. Từ vài chục hộ dân ban đầu, giờ toàn xã Nà Hẩu đã có 439 hộ, 2.257 khẩu, trong đó dân tộc Mông có tới 434 hộ, 2.240 khẩu, còn lại là vài hộ người Kinh, người Mường.
Nhớ những năm trước, đường sá đi lại khó khăn, đất nông nghiệp ít, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp phần lớn dân thuộc diện đói nghèo. Nà Hẩu bây giờ khác! Từ trung huyện chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút bằng ô tô vào đến xã. Khu vực trung tâm xã Nà Hẩu nằm dưới cánh đồng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao.
Giữa thung lũng này, đường nhựa, trụ sở, trường học, nhà dân tạo nét chấm phá, sinh động về một cuộc sống mới giữa núi rừng. Chỉ tiếc, rừng đã suy giảm nhiều, nhất là đoạn từ dốc Ba Khuy vào xã rừng đã lùi xa, những cây đại thụ bên đường ngày nào từng chụp ảnh giờ đã không còn! Lớp cán bộ người Mông trước đây đã được thay thế bằng số cán bộ trẻ, đạt chuẩn theo quy định như cán bộ tư pháp Đặng Văn Hoạt, cán bộ văn hóa Tạ Thị Nhung, cán bộ văn phòng - thống kê Nguyễn Anh Tài, cán bộ địa chính Nguyễn Tòn Lớ...
Gặp lại tôi, Bí thư Đảng ủy xã Giàng Chẩn Phử phấn khởi: "Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, huyện qua chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống bà con và bộ mặt xã so với trước đã thay đổi nhiều rồi”.
Những đổi thay của Nà Hẩu được minh chứng. Đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. 9,2 km đường trục thôn, xóm và đường liên thôn đã được cứng hóa 2,5 km. Đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa. Thông tin liên lạc thuận lợi vì xã có dịch vụ viễn thông và internet. Phục vụ sản xuất, 8,5 km/10 km kênh mương đã được kiên cố cho 80% đất sản xuất nông nghiệp.
Từ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của năm 2018 đạt 16,5 triệu đồng/người/năm; 80% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 89% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và nước sạch; 100% người dân được tham gia bảo hiểm y tế. Xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn theo quy định. Nhiều hủ tục lạc hậu được người Mông xóa bỏ...
Cách trụ sở UBND xã vài trăm mét, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở vừa được đầu tư xây dựng khang trang với dãy nhà 2 tầng 8 phòng học và 1 dãy nhà 1 tầng với 5 phòng bán trú cho học sinh. Trường Mầm non được tiếp quản từ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở tiếp tục được đầu tư xây dựng với 6 phòng học và làm việc, tổng vốn đầu tư 2 tỷ 860 triệu đồng.
Cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non cho biết: "Năm học này, toàn trường có 225 cháu, chỉ có 2 học sinh người Kinh, còn lại là người Mông, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 93%”. Tôi nhẩm tính, trên 200 trẻ mầm non và trên 600 học sinh tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có trên 100 cháu ở bán trú, như vậy đã có hơn 1/3 dân số Nà Hẩu đang được đi học. Bên cổng trường, tôi gặp chị Giàng Thị Sa - một trong nhiều phụ huynh đến trường đón con, nghe chị tâm sự: "Mình thất học khổ lắm rồi. Vì vậy, khó khăn cũng phải cố gắng cho các con đến trường anh ạ!”.
Nhiều đổi thay nhưng Nà Hẩu còn đó đầy khó khăn, trong đó, khó khăn nhất vẫn là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tới 233 hộ và 1.203 khẩu, chiếm 53,20% dân số; toàn xã vẫn còn 26 hộ phải ở nhà tạm, nhà dột nát…
Có lẽ vì vậy mà Bí thư Đảng ủy xã Giàng Chẩn Phử cho rằng phải tiếp tục xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn với chất lượng bảo đảm thuận tiện cho phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân và duy trì, phát huy vùng sản xuất cây quế tập trung ở thôn Bản Tát, Trung Tâm và Ba Khuy, đồng thời phát triển các mô hình kinh tế gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Cạnh cánh rừng thiêng nơi người dân hay làm lễ cúng rừng, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu đã đầu tư nuôi cá nước lạnh, chất lượng cao là cá tầm.
Chủ tịch UBND xã Vũ Xuân Bá cho biết: "Tuy mới giai đoạn thử nghiệm nhưng qua đánh giá cá phát triển tốt anh ạ. Nếu thành công sẽ mở ra hướng làm ăn mới!”.
Tối, tại nhà cộng đồng xã, cùng những thực phẩm của rừng như cá nướng, rau rừng, chúng tôi được thưởng thức món thịt gà đen - giống gà hiếm với chất lượng thịt thơm ngon. Chén rượu thơm nồng, niềm vui nhân lên, tôi suy nghĩ, cùng sự đầu tư của Nhà nước, với những tiềm năng tự nhiên, thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch, nếu Nà Hẩu giữ được rừng bền vững và những sản phẩm có thể thành hàng hóa như gà đen, cá tầm, quế… với sự cố gắng vươn lên không cam chịu đói nghèo của cán bộ, đảng viên và người dân thì trong tương lai, Nà Hẩu chắc chắn sẽ bứt phá đi lên!
Đình Tứ