Trung tuần tháng 8, ở xã Quang Minh trời mưa như trút nước, nhưng 180 học viên đến từ 3 thôn trong xã vẫn có mặt đầy đủ tại Trường Tiểu học và THCS Quang Minh viết bài nghiệm thu xóa mù chữ mức độ 1. Trên từng khuôn mặt của các anh, các chị - những người đã lên chức ông, chức bà đều bừng lên một niềm vui, niềm phấn khởi khi đã "chinh phục” được cái chữ mà bấy lâu nay họ xem là trở ngại lớn nhất trong cuộc sống của mình.
Người mà chúng tôi gặp đầu tiên và ấn tượng nhất bà Trương Thị Bội năm nay gần 60 tuổi, lên chức "cụ” và có hàng chục đứa cháu, nhưng 7 tháng nay cứ vào buổi tối của các ngày trong tuần, bà vẫn miệt mài với con chữ. Để duy trì được lịch học đều đặn, ban ngày bà Bội bố trí việc đồng áng, việc gia đình hợp lý, khoa học để buổi tối đến lớp.
- Tại sao gần 60 tuổi rồi mà bà còn theo học lớp xóa mù chữ này? Tôi hỏi.
Bà Bội cười tươi:
- Mình thiếu cái gì phải học cái ấy! Trước đây, gia đình đông anh em, mình không được ăn học đến nơi đến chốn nên đã tái mù chữ. Khi xã, huyện tổ chức học xóa mù chữ, mình đăng ký học ngay.
- Đi học ở cái tuổi này, bà có thấy ngại gì không?
Bà Bội bỏ vội cặp kính viễn xuống bàn nói:
- Không đâu! Không biết chữ mới xấu hổ, chứ đi học được nhiều thứ lắm, từ nay lên Trạm Y tế xã lấy thuốc không phải điểm chỉ nữa, biết đọc tên và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc nên không lo bị uống nhầm thuốc.
Với chị Lý Thị Y ở thôn Khe Giềng, hành trình đến với con chữ không dễ tí nào. Đã 52 tuổi, nhưng đến tận bây giờ chị mới được tiếp cận với các chữ cái: A, B, C... Những việc thường nhật như lên rừng đào hố trồng cây, làm cỏ quế, cày cấy gieo trồng lúa nước, chăn nuôi lợn, gà và chuyện bếp núc… chị quá đỗi quen thuộc, nhưng khi cầm bút tô từng nét chữ quả cũng thấy như đánh vật.
- Ôi, lúc đầu khó viết lắm, khó đọc lắm, cái tay cầm bút cứ cứng lên không theo ý mình, nhiều lúc muốn bỏ học giữa chừng nhưng nghĩ đến cái tuổi này rồi mà còn mù chữ thì xấu hổ với con cháu nên đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để theo học. Ở lớp, được các giáo viên động viên, hướng dẫn từng chữ một nên đến nay tôi đã biết viết, biết đọc, biết làm toán rồi” - chị Y chia sẻ.
Noi gương các chị, các bà lớn tuổi trong thôn, vợ chồng anh chị Đặng Văn Dị, Bàn Thị B năm nay 40 tuổi, khi biết huyện mở lớp xóa mù chữ nên sắp xếp công việc và xung phong đăng ký tham gia học.
Anh Dị cho hay: "Trước đây tôi cũng học lớp 2 nhưng nhà đông anh chị em, kinh tế khó khăn phải bỏ học để phụ giúp gia đình, chữ cũng bị bỏ quên ở trên đồi rừng rồi. Khi được Nhà nước mở lớp xóa mù, vợ chồng tôi xung phong đi học ngay. Sau 7 tháng theo học, vợ chồng minh đã đọc thông, viết thạo. Bây giờ lên trường làm nhập học cho con, đến ngân hàng làm thủ tục không phải nhờ cán bộ viết hộ nữa”.
Niềm vui của vợ chồng anh chị Dị - B cũng như bà Bội, bà Y là niềm vui, niềm hạnh phúc chung của 180 học viên tham gia học xóa mù chữ mức độ 1. Họ đã vượt qua các mặc cảm, tự ti ban đầu để tiếp cận với con chữ, nâng cao nhận thức và học để xây dựng nông thôn mới.
Giáo viên dạy lớp xóa mù uốn từng con chữ cho các học viên.
Ông Triệu Quý Đức - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: "Quang Minh là một xã vùng II, có 2 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 643 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao và Tày sinh sống. Trước đây, do còn một số phong tục tập quán còn lạc hậu, còn tư tưởng trọng nam khinh nữ tình trạng tảo hôn… nên phụ nữ được đi học rất ít dẫn đến tình trạng mù chữ khá nhiều. Trước tình trạng đó, dưới sự chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn rà soát và tuyên truyền vận động những người chưa biết chữ đăng ký học xóa mù nên đến thời điểm này trên địa bàn xã cơ bản đã xóa mù chữ cho các đối tượng không biết chữ”.
Bà Lê Thị Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Văn Yên:
Năm 2020, huyện Văn Yên mở mới 12 lớp xóa mù chữ mức độ 1 và 5 lớp bổ túc THCS với 495 học viên tập trung ở xã Quang Minh, Châu Quế Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm… Sau khi hoàn thành mức độ 1, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã xóa mù chữ ở mức độ II, nhằm nâng cao trình độ nhận thức và xóa mù cho người lao động. |
"Có công mài sắt có ngày nên kim”, vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi, các thầy giáo, cô giáo đang đêm đêm "gieo chữ” ở Trường Tiểu học và THCS Quang Minh chính là những người cầm tay chỉ việc, uốn từng con chữ cho các học viên. Đến nay, họ nhận được "quả ngọt” khi học viên của mình đã biết đọc, biết viết và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động sản xuất mà trước đây họ chỉ làm theo.
Cô Lương Thị Vân Thủy - giáo viên nhà trường chia sẻ: "So với việc truyền đạt kiến thức cho các em phổ thông thì dạy cho các học viên lớn tuổi (từ 40 - 60 tuổi) - những người vốn quen với tay liềm tay cuốc, ngày nai lưng trên nương gò làm quen với con chữ rất khó. Nên trong quá trình lên lớp, chúng tôi đã phân nhóm học viên để dạy. Các học viên nhận thức và hiểu biết rất nhanh nhưng khi viết, đọc cần chậm nên chúng tôi vẫn dạy theo hướng "cầm tay uốn chữ” là cơ bản”.
Trong nhật ký theo dõi lớp học, cô Nguyễn Thị Minh Loan - Phó Hiệu trưởng nhà trường thốt lên: "Mỗi khi tôi đến thăm lớp, dù là những ngày nắng nóng hay mưa gió bão bùng nhưng các học viên vẫn miệt mài đánh vần từng tiếng, viết từng âm, từng vần.... Ôi, sao mà yêu đến thế! Có những học viên tuổi cao, nhà thì xa nhưng chưa bao giờ nghỉ học, tôi rất cảm phục nghị lực và sự quyết tâm chinh phục con chữ của học viên”.
Tạm biệt Quang Minh. Lúc mà nhiều người đã đi vào giấc ngủ say nhưng tiếng đọc bài đồng thanh của học viên vẫn vang vọng khắp cả vùng quê yên ả. Rồi ngày mai, tay liềm, tay cuốc, họ lại lên nương, tối đến khi ánh đèn làng bật, họ lại đến lớp học lấy cái chữ, học kiến thức.
Cùng với cả hệ thống chính trị, người dân nơi đây đang thực hiện tốt lời của Bác Hồ: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, nhất là trong bối cảnh mà toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc học tập nâng cao trình độ nhận thức của người dân nơi đây sẽ góp phần để xã Quang Minh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm nay.
Văn Tuấn