Yên Bái - bước chuyển mạnh mẽ của giáo dục và đào tạo từ một đề án - Bài 1: “Trường ra trường, lớp ra lớp”

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2020 | 8:10:09 AM

YênBái - 5 năm sau sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp, có thể khẳng định rằng đó không đơn thuần là sự thay đổi chỗ học, mà là giải quyết vấn đề mấu chốt trong đầu tư cho giáo dục Yên Bái, từng bước rút ngắn khoảng cách về mọi mặt giữa giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng khác

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tân Thịnh, Văn Chấn.
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tân Thịnh, Văn Chấn.

5 năm trước, Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 ra đời, lúc đó nhiều người cho rằng đó là một đề án "không tưởng” đối với một tỉnh miền núi còn nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn. 

5 năm sau, Đề án đã tạo nên một diện mạo mới cho ngành giáo dục Yên Bái, đặt nền móng vững chắc, tạo động lực và niềm tin để Yên Bái tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mỗi giai đoạn lịch sử, quy mô giáo dục có những thay đổi đề phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Trước năm 2016, Yên Bái cũng như nhiều địa phương vùng cao khác trong cả nước duy trì mô hình trường học thôn bản đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS, có nghĩa là bên ngoài điểm trường chính, mỗi xã duy trì các điểm lẻ ở mỗi thôn bản, thông thường mỗi xã có 5 đến 10 điểm lẻ. 

Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của mô hình trường học thôn bản, bởi đây chính là chìa khóa để thực hiện thành công phổ cập giáo dục ở tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, sang một giai đoạn lịch sử mới, giáo dục cần có những bước tiến mạnh mẽ, bước "chuyển mình” quyết liệt để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn mới, thì mô hình trường học thôn, bản đã không còn phù hợp. 

Việc thay đổi là cấp thiết khi cần một hệ thống giáo dục được đầu tư hiện đại nhằm phục vụ việc thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục vùng cao với các vùng khác, phát triển nguồn nhân lực 4.0 và hội nhập quốc tế. Đến nay, trường đã ra trường, lớp đã ra lớp theo đúng mong muốn đầu tiên khi xây dựng Đề án.

Những ngôi trường trong mơ

35 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Vũ Thị Kim Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thịnh, huyện Văn Chấn đã chứng kiến những biến chuyển của ngành giáo dục, từ khi xã có 12 điểm trường dàn trải khó khăn, rồi thu dần còn 3 điểm, đến nay chỉ còn một điểm trường chính với 3.200 m2, các công trình lớp học, khu vui chơi khang trang chưa từng có. 

Là một nhà giáo tâm huyết, cô Loan mãn nguyện chia sẻ: "Khi bắt đầu có Đề án, mặc dù biết có rất nhiều khó khăn nhưng tôi cùng các cô giáo trong trường rất phấn khởi vì Đề án rất thuận lợi cho những người làm công tác giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng ở xã. Được Nhà nước đầu tư, các cấp chính quyền, các ngành quan tâm, xã đã sắp xếp cho một khu đất rộng để xây dựng cơ ngơi này, đón tất cả các cháu về học tập tại đây. Cơ sở vật chất được đầu tư gọn về một mối có sân chơi, đồ chơi, trẻ được phát triển toàn diện, phụ huynh phấn khởi. 35 năm gắn bó với giáo dục mầm non, gần 30 năm gắn bó với giáo dục ở xã Tân Thịnh, chưa bao giờ tôi thấy trường học khang trang như thế này”. 

Những dãy nhà 2 tầng kiên cố, các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, đồ dùng đồ chơi, phòng học thông minh… lại được các cô giáo cẩn thận chăm chút, tự tay trang trí lớp học theo chủ đề, chủ điểm… đã tạo được sức hút với các bé và niềm tin của phụ huynh. 

Chẳng thế mà, trong niềm vui ấy ông Lưu Tiến Kình, thôn 9 đã viết những dòng thơ đầy xúc động gửi đến các cô giáo Trường Mầm non Tân Thịnh: "Ai về Tân Thịnh mà xem/ Có trường mẫu giáo mầm non xã nhà/ Sân trường rộng, đẹp bao la/ Vườn hoa, cây cảnh thật là đẹp xinh/ Sân chơi cũng lắm mô hình/ Đu quay cầu trượt học sinh nô đùa/ Trên cao xanh đỏ tua rua/ Nhìn sao mà đẹp như mùa xuân sang”. 

Còn ở xã Lao Chải của huyện Mù Cang Chải - cái tên nghe thấy thôi cũng đã cảm nhận được muôn vàn cái khó của một địa phương vùng cao với gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, 5 năm trước, xã có 2 trường tiểu học, một ở trung tâm xã, một ở bản Xéo Dì Hồ cách đó 17 km và gần chục điểm lẻ nằm ở các thôn, bản. 

Thời điểm ấy, để đảm bảo nhiệm vụ phổ cập giáo dục, các cơ sở vật chất phải đầu tư dàn trải, con người cũng phải trải ra theo ngần ấy điểm lẻ. Thầy giáo Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải nhớ lại: "Ôi! Lúc chưa sáp nhập điểm lẻ về điểm chính thì có muôn vàn khó khăn, trường học thì không tập trung, lớp học mà nhất là lớp học ở các điểm lẻ thì toàn tranh tre, vách nứa, lớp bên này giảng bên kia cũng nghe rõ. Những hôm mưa gió, thầy trò trong lớp học tránh chỗ dột mà nghĩ không biết đến bao giờ mới được học trong những ngôi trường lớn, những lớp học kiên cố”. 

Rồi Đề án đến như một luồng gió mát đối với thầy và trò nhà trường. Học trò điểm lẻ được đưa về điểm chính học tập, những khó khăn ban đầu đã không chùn bước các thầy cô giáo. Thời điểm đầu thực hiện Đề án đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng một dự cảm đặc biệt, lúc đó thầy Nguyên đã nói: "Sẽ có những vất vả, nhưng vất vả ban đầu sẽ là niềm hạnh phúc về sau”. 

Đúng vậy! Ngôi trường mơ ước của thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải đã thành hiện thực. Những dãy nhà 2 tầng được mọc lên, những lớp học kiên cố hiện đại được xây dựng. 

Riêng điểm Xéo Dì Hồ được xây dựng 16 phòng học mới, 20 phòng bán trú đảm bảo đủ chỗ ở cho trên 360 học sinh, những công trình vệ sinh, bể tắm, nhà ăn… được đầu tư khang trang. Sau 5 năm thực hiện Đề án, thầy Nguyên phấn khởi: "Nếu không có Đề án thì không biết đến bao giờ học sinh mới được học trong ngôi trường khang trang như thế này”.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 toàn ngành GD&ĐT Yên Bái đã triển khai thực hiện 435 dự án, tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 735 tỷ 466 triệu đồng. Đã xây dựng 967 phòng học, 444 phòng ở cho học sinh, 93 bếp - phòng ăn, 146 nhà vệ sinh, 63 nhà tắm, 81 công trình nước sạch. Sau khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh giảm 130 trường, 478 điểm trường, 90 lớp; tăng 20.482 học sinh,  10.043 học sinh bán trú.

Trường Mầm non Hoa Lan - thị xã Nghĩa Lộ hiện nay được xây dựng trên nền diện tích hơn 5.500 m2. Ngôi trường hiện đại vào bậc nhất của tỉnh, nhưng những ngày xưa trước khi thực hiện Đề án thì vẫn vẹn nguyên trong ký ức. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tịnh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trước năm 2013, các cháu ở điểm lẻ còn phải mang cặp lồng cơm. Sau đó nhà trường đã vận động phu huynh đóng góp để nấu ăn cho các con. Nhưng do không có điều kiện thuê nhân viên nấu ăn và cơ sở vật chất cũng không đáp ứng được nên nhà trường tổ chức nấu ăn ở điểm chính rồi chia cơm để các cô mang tới điểm lẻ…”. 

Giờ đây, tại ngôi trường mới, các cô không còn phải chở phần ăn trên xe máy mang tới cho các con nữa. Hơn thế, ngôi trường mới còn  có cả hệ thống thang máy mang đồ ăn tới từng tầng, từng lớp không mưa nắng, khói bụi nào cản trở. Đã có rất nhiều những ngôi trường ước mơ thành hiện thực nhờ có Đề án, xóa đi những "lo lắng”, nghi ngờ một "Đề án không tưởng”, viết lên câu chuyện cổ tích có thật.

Không đơn thuần là thay đổi chỗ học

5 năm sau sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp, có thể khẳng định rằng đó không đơn thuần là sự thay đổi chỗ học, mà là giải quyết vấn đề mấu chốt trong đầu tư cho giáo dục Yên Bái, từng bước rút ngắn dần khoảng cách về mọi mặt giữa giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng khác, là nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu mới. 

Công tác tại điểm lẻ nhiều năm, cô giáo Nguyễn Thị Tươi, Trường Mầm non Tân Thịnh, huyện Văn Chấn thấu hiểu hơn ai hết sự thiếu thốn, thiệt thòi của những học sinh tại điểm lẻ. Thực hiện Đề án đưa điểm lẻ về điểm chính, cô Tươi vui mừng không phải vì việc dạy của mình sẽ được thuận lợi hơn mà những học sinh của cô sẽ được tiếp cận và học tại môi trường tốt hơn, được học tại ngôi trường mơ ước. 

Cô Tươi chia sẻ: "Những năm tôi công tác tại điểm lẻ, học sinh rất thiệt thòi, cơ sở vật chất thiếu thốn, diện tích chật hẹp, học sinh không được tổ chức các hoạt động ngoài trời, các trò chơi vận động và nhiều khi hoạt động tập thể không tổ chức được. Hơn thế, các em cũng không có điều kiện giao lưu, giao tiếp nhiều như các bạn ở điểm chính”. 

"Học sinh ở điểm lẻ thiệt thòi lắm” - là chia sẻ xót xa của tất cả các thầy cô về những học trò của mình tại điểm lẻ. Giờ đây, số học sinh bán trú tăng lên, đi kèm theo đó là những chính sách ưu việt của Nhà nước, chế độ đãi ngộ đặc biệt của tỉnh Yên Bái. 

Nhưng hơn cả là các em được giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giáo dục lao động, ứng xử văn hóa hòa hợp thân thiện, tạo dựng môi trường học tập, đồng thời kỹ năng sống phù hợp với môi trường sống, xóa bỏ tập tục lạc hậu... các em được tham gia tất cả những hoạt động mà trước đây ở điểm lẻ không tổ chức được. 

Các em cũng được tiếp cận với nhiều phương tiện học tập hiện đại như máy tính, máy chiếu, phòng học thông minh, được tham gia các hoạt động chung của nhà trường… 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải đã có một góc nhìn tinh tế khác: "Sau sáp nhập, năm học 2016 - 2017, lần đầu tiên học sinh điểm lẻ được dự một lễ khai giảng đầy đủ và nhiều phụ huynh cũng lần đầu tiên biết đến một lễ khai giảng. Bởi khi còn điểm lẻ, dù các cô có tổ chức, có nỗ lực thì lễ khai giảng không thể tưng bừng như tại điểm chính”. 

Chỉ chi tiết ấy thôi, cũng đủ để hình dung bên cạnh những "cái được” định lượng thì còn có những "cái được” khác đó là nhận thức của người dân vùng cao với công tác giáo dục đã hoàn toàn thay đổi, việc dạy chữ - dạy người không còn riêng của các thầy các cô mà còn có sự tham gia tích cực của phụ huynh. Để giờ đây, các thầy cô đã không còn phải "gánh chữ lên non” mà giờ học trò đã biết đi tìm cái chữ.

Thanh Ba

>> Bài 2: Tất cả vì học sinh thân yêu

Tags Yên Bái giáo dục và đào tạo đề án trường ra trường lớp ra lớp

Các tin khác
Ngày lên nương, tối đến các học viên có mặt đầy đủ để học xóa mù chữ.

Háo hức được làm bài kiểm tra, từ chỗ chưa biết đọc, biết viết nay đã ký được tên, biết nhắn tin bằng điện thoại. Vui hơn, học để hiểu biết, nâng cao kiến thức, để xây dựng nông thôn mới. Đó là những tâm sự của các học viên đang tham gia lớp xóa mù chữ ở xã Quang Minh, huyện Văn Yên.

Anh Đỗ Quang Trọng (thứ hai, bên phải) giới thiệu mô hình trồng cam với lãnh đạo xã.

Với mong muốn tập hợp những người có cùng khát vọng, ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, tạo mối liên kết trong sản xuất và bao tiêu ổn định nông sản, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và người nông dân trồng cam, những thanh niên thế hệ 8X ở thôn Kiến Rịa, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận, người chịu trách nhiệm gánh vác là Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Hợp tác xã.

Nông dân xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu sản xuất lúa hàng hóa.

Đạt được thành tựu trong công tác dân vận là sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu. Tuy nhiên, huyện luôn xác định giữ vững và phát huy thành quả công tác dân vận cũng không kém phần nan giải.

Các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho hội viên.

“Em có mắt nhưng không thể ngắm nhìn, có đôi môi xinh nhưng không thể cười nói, có đôi tay nhưng không thể nâng niu, có đôi chân nhưng không thể bước, có trái tim nhưng chẳng biết buồn vui…”, đó là hình ảnh của những nạn nhân nhiễm chất độc da cam(CĐDC)/Dioxin thế hệ thứ hai, thứ ba đang hàng ngày phải hứng chịu.Giờ đây việc xoa dịu nỗi đau da cam không còn là trách nhiệm của riêng ai...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục