Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh:

Bài 2: Nông thôn mới Yên Bái - điểm sáng vùng Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/8/2021 | 7:40:47 AM

YênBái - Sau tròn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, Yên Bái có 75 xã đạt chuẩn, chiếm 50% (vượt 200% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và vượt 22% so với bình quân chung của vùng miền núi phía Bắc). Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc.

Công trình Nhà văn hóa thôn Nà Ta, xã Xuân Long, huyện Yên Bình trị giá 400 triệu đồng được người dân trong thôn hiến đất, đóng góp công sức xây dựng.
Công trình Nhà văn hóa thôn Nà Ta, xã Xuân Long, huyện Yên Bình trị giá 400 triệu đồng được người dân trong thôn hiến đất, đóng góp công sức xây dựng.


Là một tỉnh miền núi, hạ tầng kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, nhưng Yên Bái đã có những nỗ lực vượt bậc để vươn lên, đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Khơi sức dân làm lợi cho dân

Chớm thu, nắng đã dịu vợi, chúng tôi đến thôn Nà Ta, xã Xuân Long, huyện Yên Bình. Ngay từ sáng sớm, bầu không khí sôi động khi lãnh đạo địa phương cùng người dân có mặt rất đông tham gia xây dựng nhà văn hóa thôn. Công trình rộng gần 150 m2 được xây dựng trên nền đất tự nguyện hiến tặng của gia đình cựu chiến binh Vương Văn Phù. 

Công trình trị giá gần 400 triệu đồng được khởi công từ tháng 5/2021, dự kiến khánh thành vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay. Ngoài hiến đất, ông Phù cùng các hội viên trong thôn tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động san tạo mặt bằng, tham gia giám sát để công trình được hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. 

Ông Phù chia sẻ: "Gia đình tôi tự nguyện hiến 400 m2 đất làm nhà văn hóa thôn để bà con có nơi hội họp, vui chơi. Để xây nhà văn hóa, mỗi hộ dân trong thôn đóng góp 1,5 triệu đồng. Vì lợi ích chung, gia đình tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều, làm được nhà văn hóa như thế này, tôi phấn khởi lắm”.

Từ ngày khởi công đến giờ, ngày nào Bí thư Chi bộ thôn Nà Ta - Lê Công Trình cũng có mặt tham gia lao động, động viên nhân dân. Bí thư Trình phấn khởi khoe: "Năm ngoái, thôn đã hoàn thành bê tông hóa gần 2 km đường giao thông; năm nay xây xong nhà văn hóa. Thành công ấy có vai trò quan trọng của các đảng viên trong chi bộ, luôn nêu gương đi trước, làm trước, đóng góp kinh phí và ngày công lao động để nhân dân làm theo”. 

Không chỉ đóng góp xây dựng Nhà văn hóa thôn, nhiều hộ dân ở thôn Nà Ta đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền và công lao động mở rộng các tuyến đường bê tông liên thôn bản. Để có tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, phụ nữ trong thôn đã tích cực trồng hoa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đóng góp kinh phí để xây dựng những công trình "thắp sáng đường quê”. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Ngọc Trường cho biết: "Xuân Long là xã vùng 3 của huyện Yên Bình, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó, đồng bào Tày chiếm 85,6%, đời sống chính dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong 10 năm, tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM của xã đã đạt trên 155 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 23 tỷ đồng". 

Mặt khác, xã đã tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 36 triệu đồng. 

Thành quả xây dựng NTM hôm nay ở Xuân Long là kết quả của sự đồng thuận ý Đảng, lòng dân. Những người đứng mũi chịu sào ở Xuân Long thường xuyên có mặt ở cơ sở "ba cùng” với dân, khơi dậy sức dân, giữ vững thành quả xã vùng khó khăn đầu tiên của huyện Yên Bình đạt chuẩn NTM vào tháng 11/2020, phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao vào cuối năm 2022. 

Rời Xuân Long, chúng tôi đến Hát Lừu - xã đầu tiên của huyện Trạm Tấu trong 62 huyện nghèo cả nước cán đích NTM. Có được kết quả đó, trong thời gian qua, cùng với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, Hát Lừu đã chú trọng phát triển sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung; lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng NTM ở xã đặc biệt khó khăn này đã có những chuyển biến rõ nét từ "tự phát đến tự giác”, "từ yêu cầu trở thành nhu cầu” và "từ hy vọng trở thành khát vọng”. 

Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Để giữ vững danh hiệu xã vùng cao đầu tiên nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm phát triển sản xuất, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững”. 

Thành quả nông thôn mới ở Yên Bái

Khơi sức dân để làm lợi cho dân, chưa bao giờ sức dân trong xây dựng NTM ở Yên Bái lại được phát huy mạnh mẽ đến thế. Với phương châm "mỗi người dân là một chủ thể, mỗi gia đình là một mũi tiên phong trong xây dựng và giữ vững các tiêu chí NTM, tại các địa phương, cán bộ xã, cán bộ thôn cùng người dân hăng hái tham gia trồng hoa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp vào "Ngày thứ 7 cùng dân”. 

Sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể trong thôn, trong xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về môi trường, hộ nghèo, làm đường giao thông đã giúp Yên Bái hưởng những trái ngọt.

Diện mạo của những vùng quê Yên Bái khang trang hơn với những con đường nối nhà, nối xóm, nối những bờ xôi, ruộng mật, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được nâng cao. Đó là minh chứng cụ thể cho sự định hướng đúng đắn của cấp ủy, sự sáng tạo trong cách làm của mỗi địa phương và hơn cả là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM. 

Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, Tỉnh ủy Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia. 

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình, toàn tỉnh chỉ có 2/157 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 17/157 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh có 75 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50% (vượt 200% so với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đặt ra và vượt 22% so với bình quân chung của vùng miền núi phía Bắc). Trong đó: 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thực hiện hoàn thành NTM; có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đối với thành phố Yên Bái. 

Đồng thời, để nâng cao chất lượng xây dựng NTM, tỉnh đã ban hành quy định về tiêu chí công nhận xã NTM kiểu mẫu, từ đó rà soát, bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 (xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và xã Đại Minh, huyện Yên Bình). 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước khẳng định: "Yên Bái xác định xây dựng NTM là giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, là một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực”. 

Thời gian tới, Yên Bái tiếp tục duy trì và gia tăng số lượng xã đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chú trọng phát triển NTM ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm xây dựng NTM từ thôn, bản; lựa chọn các thôn, bản có điều kiện thuận lợi để làm trước, khó làm sau. 

Phấn đấu đến năm 2025, Yên Bái có trên 78% số xã đạt chuẩn NTM và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Phấn đấu có trên 30% số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao; trên 10% số xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu trong tổng số xã đạt tiêu chí NTM. Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Phấn đấu đến hết năm 2030, toàn tỉnh có 88% số xã đạt chuẩn NTM, có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM. 

Mạnh Cường
Bài cuối: Tư duy mới, thành công mới

Tags Nông thôn mới vùng Tây Bắc nông nghiệp sinh thái nông dân văn minh Đại đoàn kết

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với các đảng viên Chi bộ thôn Tà Chử, xã Phình Hồ.

Chi bộ có 33 đảng viên, không gia đình đảng viên nào thuộc hộ nghèo, người dân tự hào gọi đó là “Chi bộ giàu”. Đây được xem như một “hiện tượng” ở huyện nghèo Trạm Tấu. Đó chính là Chi bộ Tà Chử, xã Phình Hồ. Kết quả đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của những “hạt nhân chính trị” ở nơi đây.

Sơ chế sản phẩm quế vỏ tươi tại Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà tại xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT), tỉnh Yên Bái đã xác định được các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc trưng có lợi thế; chú trọng phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi từ "lượng" sang "chất" gắn với xây dựng, tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm OCOP. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Yên Bình thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của các hộ dân vùng Đông hồ.

Những hoạch định chính sách, những bước đi đột phá đã, đang và sẽ thực hiện thể hiện rõ quyết tâm của huyện Yên Bình trong việc đánh thức tiềm năng kinh tế, thắp sáng vùng Đông hồ Thác Bà nói riêng, các địa phương trong toàn huyện nói chung một cách mạnh mẽ và bền vững.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng dưa hấu trên đất bán ngập vùng Đông hồ.

Những mô hình đã hình thành, huyện Yên Bình chỉ đạo rất sát sao với phương châm "làm đến đâu chắc đến đó”, tuyệt đối không nôn nóng làm mất thương hiệu sản phẩm. Đến nay, Yên Bình đã được biết đến với nhiều nông sản mới như dưa hấu, dưa lê, lạc; các sản phẩm cá nuôi lồng....

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục