Nơi vời vợi non cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chớm thu mà ở nơi này ngỡ đất trời đã ngập giữa đông. Trước mặt là sương, sau lưng cũng sương. Lưng chừng sương phía núi xa, là là sương ngay dưới chân mình. Bàn tay đưa ra lẩn khuất trong sương. Hơi thở phả ra cái lạnh cùng sương. Không phải sớm mai, không phải cuối chiều, giữa trưa, sương thành hạt vẫn vẹn nguyên trên lá cỏ ướt át ven đường, e ấp.

Trên thân lá mua dại, không có nắng để tan ra, sương đọng lại, rồi nặng thêm, nặng thêm, men theo thân lá, thả mình xuống hư không, thấm dần vào với đất rừng, từng giọt, từng giọt. Giữa bao la đại ngàn mà thấy mình chật chội trong sương. Giữa trưa, những chiếc xe qua lại xe nào cũng bật đèn mà tầm nhìn cũng chỉ ngay trước mặt.

Chuyện kể, có hôm, người ta phải xuống xe, làm hoa tiêu xe mới đi được. Phải mặc áo khoác giữa ngày hè khi ngang đây. Người lạ không biết mà mỏng manh một tấm áo cộc sẽ thấu hiểu thế nào là cái lạnh chốn non cao. Sương tha thẩn gần gần phía trước rồi phủ khuất màu xanh cây rừng tít núi xa, chỉ để lại đỉnh núi xanh mờ nhấp nhỏm, thấp thoáng. Mùa đông hay mùa thu, mùa xuân hay giữa ngày hè, chưa thấy vắng bóng hơi sương bao giờ. Có những ngày, sáng cũng như trưa, trưa cũng như chiều, chỉ có sương với núi chẳng thể định được màu thời gian.

Ai thèm những mù sương của Sa Pa, ai thèm một hơi lạnh của tiết trời Đà Lạt để trốn tránh những ngày hè oi ả, chẳng cần phải ngược Lao Cai, không phải xuôi vô Lâm Đồng mà hãy cứ ghé nơi này. Chốn ấy, vời vợi cổng trời -nơi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ hiểm trở kéo dài qua đông bắc Mù Cang Chải về gần hết Tú Lệ (Văn Chấn) để tạo thành con đèo Khau Phạ (xã Cao Phạ) nổi tiếng, cửa ngõ lên đất Mù Cang Chải tận cùng miền tây nước non Yên Bái.

Theo tiếng Thái, Khau Phạ có nghĩa là sừng trời, hay khau cút - nóc nhà, còn người Mông gọi là Cu Tù - cổng trời. Từ thành phố Yên Bái, cứ ngược về phía tây gần 150 km đường quốc lộ là bắt gặp chân đèo. Bắt đầu bám chân bên này vào đất Tú Lệ dẻo thơm nếp Tan nổi tiếng, men những núi những rừng ngoằn ngoèo uốn lượn chạy dài suốt hơn 20 cây số là đổ sang chân đèo bên kia. Con đường khi đã ngược mãi lên trên mà quay đầu nhìn lại thấy sao mà ngoằn ngoèo đến thế. Khi cái nắng còn vương đầy trên đất Tú Lệ, ngược lên Khau Phạ là bắt đầu gửi lại nắng phía sau để bắt đầu hiu hiu, bắt đầu lạnh, bắt đầu sương và bắt đầu mây.

Những khi nắng đẹp sương quang một chút là lúc nhường chỗ mây. Không phải một dải, một dãy mà là một đảo, một biển mây. Chao ôi, cái xanh cao của trời, cái xanh thâm u mà hùng vĩ của núi, cái trắng bồng bềnh và mênh mông của cả một đảo mây, đứng ở lưng chừng đèo trông ngang mà ngỡ trước mắt là chốn bồng lai tiên cảnh!

Cảm giác như có thể đứng trên mây được, bốc từng nắm lên được hay xắt được ra như người ta xắt miếng bánh ngọt. Đẹp lắm, mê lắm, không tả xiết! Chỉ biết, ai mới thấy đảo mây lần đầu đều dừng lại ngắm cho thỏa thích, ai đã qua nhiều lần vẫn cứ không thôi thu vào tầm mắt hình ảnh này. Có người còn ước được đứng trên đó, được vục mặt vào mây. Qua đèo mà không được ngắm đảo mây, kể cũng chưa biết hết thế nào là Khau Phạ...

Thế mà, vẫn nắng vẫn mây phía xa đấy, nhưng có khi ngay trước mặt vẫn phảng phất hơi sương. Sương trong hơn trong ngày có nắng. Lũi lên thêm vài trăm mét nữa, sương u hoài hơn và bắt đầu dày hơn. Lạnh, lạnh thực sự! Con đường lại uốn lượn tỏ mờ trong sương. Cái xe cứ chạy rì rì, rì rì trong sương, cũng lâu đấy. Khi thấy thoáng giữa màn sương phía trước một nóc nhà, chỉ duy nhất một nóc nhà, thế là đã ở độ cao trên 1.200m - đỉnh đèo. Chạy cả chục cây số dài dài chẳng bóng một nóc nhà, chợt hiện ra một ngôi nhà chon von giữa đỉnh đèo, một ngôi nhà đơn lẻ mà phá tan sự cô độc giữa núi. Một lão nông mang đàn dê sinh tồn trên đất này. Dê núi Cao Phạ cũng nổi tiếng bấy lâu.

Đâu phải chỉ có Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây mới "bên nắng đốt, bên mưa bay". Nửa đèo bên này xuôi về đất Tú Lệ rất nhiều hôm mưa là thế, sương là thế, mây là thế mà đứng giữa đỉnh đèo trông về đất Mù Cang Chải, ôi chao, một thế giới khác! Không phải nắng đốt mà là cái nắng dè dặt, e ấp của chốn non cao, sáng và trong, dịu dàng phủ xuống, trải dài trên những ruộng bậc thang sóng sánh.

Cánh rừng thông không thâm u như nửa bên kia mà lấp lánh sáng xanh. Nắng xiên xuống thung sâu, phủ lên cây rừng còn đọng sương sớm một màu sáng trắng. Trong cái nắng trong lành thuần khiết, những cánh rừng thông đổ dài, đổ dài uốn lượn cùng cung đường. Những ngọn cao vút cao lên giữa mênh mông trời đất, những xiên nắng chéo qua đụn lá, tấp thẳng xuống thảm cỏ ướt áp dưới chân cây thành những vệt sáng đan vào nhau giữa những ngọn lá kim cứng cỏi. Cứ nườn nượt thông với thông.

Thông đổ từ chân đỉnh đèo xuống, ràn rạt hai bên đường ngỡ như một góc đường Đà Lạt cao nguyên. Nhưng lại rất thông Mù Cang Chải khi màu xanh ngút ngàn của thông rừng sóng sánh cùng những triền ruộng bậc thang xứ này. Khi người dân vùng cao ở  ở đây gọt núi be ruộng, họ cũng không biết là họ đang tạc tranh vào núi. Những triền lúa tiếp nhau ôm lấy núi, nhất là độ mùa vàng cứ mê mẩn cả những lòng người chân chất nhất.

Là "tranh", là "sóng núi", là "kì tích của bàn tay"… Bao nhiêu nghệ sĩ đã rong ruổi lên tận chốn này chỉ để thu vào hồn "chất nghệ" cái vùng ruộng bậc thang được xếp hạng đẹp nhất Đông Dương. Có một sương Sa Pa, có một thông Đà Lạt thì sao lại không thể một ruộng bậc thang Mù Cang Chải cơ chứ!? Đất Mù Cang Chải hoàn toàn có quyền tự hào về những núi ruộng của mình. Ngay dưới chân những cung ruộng, dòng suối Nậm Kim rì rào xuôi về huyện lỵ, êm đềm bình yên như núi, như rừng, như lòng dân bản xứ.

Là "tranh", là "sóng núi", là "kì tích của bàn tay"…

Thế mà, có ai hay, xưa có một Khau Phạ hào hùng lắm, nơi ghi dấu một thời oanh liệt của đội du kích mang tên con đèo này từng nổi tiếng cả vùng Tây Bắc. Chính cái vị trí án ngữ nơi cửa ngõ, yết hầu trên con đường độc đạo tỉnh lộ từ Yên Bái đi Than Uyên sang Sình Hồ (Lai Châu), lại thêm việc nằm gần đồn Tú Lệ mà Khau Phạ trở thành nơi địch càn qua quét lại trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng vốn khí chất anh dũng đã từng được lịch sử ghi nhận, đồng bào Mông bản xứ nơi này đã lập ra đội du kích có vũ trang từ năm 1944 kiên cường chống lại thực dân. Đây chính là tiền thân của Đội du kích Khau Phạ dưới sự lãnh đạo của huyện Văn Chấn được chính thức thành lập vào tháng 10/1946 ngay trong làn sương mù đỉnh đèo Khau Phạ, bản Tông Khúa, xã Cao Phạ.

Cùng với bộ đội, những cái tên như Giàng A Ký - Đội trưởng, các đội viên Sùng A Trừ, Lý Tống Sử... là minh chứng cho sự anh dũng, ngoan cường đến hơi thở cuối cùng của du kích Khau Phạ, để tạc nên một di tích nổi tiếng của Yên Bái ngày nay.

Đoạn đường độ 100km theo quốc lộ 32 từ Nghĩa Lộ lên Khau Phạ qua di tích năm xưa để vào Mù Cang Chải bây giờ không còn là con đường gập ghềnh, lổm chổm chỉ rặt đá với đất, vắng vẻ, quạnh hiu ngày trước. Đã là một con đường trải nhựa ấp núi mà uốn lượn qua những ruộng bậc thang, những làng bản, những vạt rừng, thung sâu... vẫn đang chờ đợi du khách đặt chân để khám phá và cảm nhận

Thu Hạnh (Bài dự thi "Đất và người Yên Bái")

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục