"Cửa sau" các phòng học kiên cố

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trường Phổ thông cơ sở Khao Mang nằm kề bên quốc lộ 32, cách thị trấn huyện Mù Cang Chải 10km về phía tây bắc của tỉnh Yên Bái. Nếu ai có dịp đến nơi đây đều mừng vui về cơ sở vật chất của một ngôi trường vùng cao, với ba dãy nhà 2 tầng, gần 12 phòng học khang trang thì chắc việc dạy và học của thầy trò vô cùng thuận lợi. Ấy thế nhưng khi "cửa sau" các phòng học kiên cố đã mở, mới thấy hết nỗi lo toan, vất vả, bươn trải của thầy và trò để nâng cao chất lượng dạy và học.

Bếp nấu cơm tập thể của học sinh bán trú dân nuôi.
Bếp nấu cơm tập thể của học sinh bán trú dân nuôi.

Lo "cái bụng" nhiều hơn lo học chữ

Trường PTCS Khao Mang, khác với bao trường phổ thông cơ sở là vừa đảm nhận giáo dục của hai ngành học: mầm non và phổ thông, vừa tổ chức cho một số học sinh đi học phải trèo đèo lội suối để đem gạo, muối đến trường ăn ở tập trung, thế là nhà trường được gắn với cái tên "Trường học ghép, bán trú dân nuôi". Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường bán trú dân nuôi mới thực hiện được mục tiêu duy trì số lượng, còn việc học hành của các em học sinh thì vẫn còn lo "cái bụng" nhiều hơn lo học chữ...".

Năm học 2007 - 2008, nhà trường đã huy động học sinh ra lớp 676 em, trong đó ngành học mầm non 5 lớp, 63 cháu; tiểu học 28 lớp, 470 học sinh; trung học cơ sở 7 lớp, 206 học sinh; tỷ lệ học sinh người Mông chiếm 97%; học sinh diện bán trú dân nuôi 290 em thuộc ngành học phổ thông và mẫu giáo. Trong khi đó, nhà trường chỉ có 9 phòng ở cho học sinh với 45 chiếc giường sắt hai tầng.

Để giải quyết tình thế cho các em học sinh về nơi ăn ở, nhà trường đã phải dùng thêm một phòng học và một gian nhà tạm 25m2, đồng thời nâng công suất chỗ ngủ để bố trí 180 em ngủ ghép, số còn lại 110 em phải rải chiếu ngủ chung. Đêm của học sinh nội trú thật nhiều chuyện: nào là bẫy chim trên rừng, bắt cá dưới suối, nào là hái rau, trảy quả, bẻ măng, bi chuối rừng... để "cải thiện" bữa cơm hàng ngày. Một số em ở gian nhà tạm, nằm tranh nhau đếm sao trên trời. Một số em gái ngân nga lời ru em ngủ và rồi các em đã ngon giấc lúc nào không rõ...

 Khi những lớp sương mờ mùa thu vẫn còn bao trùm trên mái nhà các phòng học kiên cố, những ánh lửa đã bập bùng ở khu nhà bếp học sinh nội trú. Em Thào A Sở, học sinh lớp 8A cho biết: "Cái bếp xấu và nhỏ quá! Chúng em lại có nhiều nhóm nấu cơm, nên phải dậy sớm trước khi con gà rừng gáy sáng để "xếp hàng" thổi cơm, mới kịp ăn để bảo đảm giờ lên lớp". Em Vàng Thị Trang, học sinh lớp 7, tâm sự: "Em dậy sớm nấu cơm. Ăn xong em còn đưa em gái Vàng Thị Công đến lớp mẫu giáo, sau đó mới lên lớp học".

 Khung cảnh xung quanh cái bếp tập thể của học sinh còn giãi bày những khó khăn khi các em học sinh nơi đây vẫn phải dùng nguồn nước từ khe núi đổ về cái bể xây 30m3 nước để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, với phòng tắm "tiên", nhà vệ sinh bằng những cây gỗ bắc qua rãnh nước. Cuộc sống học sinh bán trú dân nuôi là như vậy, khi vòng quay thời gian ngày và đêm vẫn trôi đi...

Nơi ấy có những tấm lòng nhân ái

Thật bình dị với tên gọi "Trường học ghép, bán trú dân nuôi" đã hội tụ 48 thầy cô ở khắp mọi miền về đây "gieo chữ". Cô giáo Nguyễn Thị Yến quê ở Nghệ An, cô Phạm Thị Miền quê ở Nam Định, thầy giáo Vương Quốc Hòa quê ở Yên Bình (Yên Bái)... Tất cả thầy cô đều hòa nhịp ca "Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu", đã giúp sức cho học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Năm học 2006 - 2007, nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện; tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đạt 97%; học sinh chuyển lớp và chuyển cấp bậc tiểu học đạt 98%, bậc THCS 95%.

Thầy giáo Vương Quốc Hòa, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết: "Đối với giáo dục vùng cao, để nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, nhà trường tập trung chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm". Theo đó, Công đoàn phối hợp với chuyên môn phát động phong trào thi đua "Ba giúp": một là giúp nhau nâng cao nhận thức sự nghiệp trồng người ở vùng cao, hai là giúp nhau nâng cao chất lượng dạy và học, ba là giúp nhau về đời sống trong đội ngũ giáo viên và học sinh".

Giờ thể dục của học sinh trường Khau Mang.

Từ phong trào này đã có 25 thầy cô sẵn sàng nhận công tác ở 8 phân hiệu xa trung tâm vài ki-lô-mét, 12 thầy cô đã bỏ đồng lương ra để thuê nhà ở mỗi tháng 170.000 đồng và rồi cùng nhau sáng lên lớp giảng bài, tối chong đèn bên giáo án. Đội ngũ giáo viên không những nâng cao chất lượng dạy học thông qua các hoạt động: làm đồ dùng dạy học, dự giờ thăm lớp, hội giảng mà còn học nói tiếng Mông, trở thành người cán bộ dân vận, bám thôn bản vận động học sinh ra lớp.

Để nguôi đi chuyện buồn về lo "cái bụng" của học sinh, hàng năm Công đoàn đều vận động đội ngũ giáo viên ủng hộ một ngày lương xây dựng Quỹ Tình thương giúp học sinh ốm đau. Đồng thời phân công giáo viên hướng dẫn các em nâng cao chất lượng giờ tự học trên lớp vào buổi tối; tổ chức cho các em sinh hoạt nội trú đi vào nề nếp: giờ học, giờ ăn, giờ ngủ. Môi trường sư phạm được nâng lên thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn - Đội, ngoại khóa, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ. Niềm vui và hạnh phúc nhất vẫn là đêm hội rước đèn đón Trung thu trên đại ngàn, thầy và trò tiếp nhận 50 chiếc giường sắt hai tầng, tổng trị giá 35 triệu đồng từ nguồn "Từ tấm lòng đến tấm lòng" của Nghệ sĩ ưu tú Bạch Lan và Tạp chí Văn nghệ Công nhân thành phố Hồ Chí Minh.

Thay cho lời kết

Chương trình 135 và chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đã làm đổi thay diện mạo các trường học vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tất cả đều cần song chưa đủ cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, khi mà nơi ấy, thầy và trò vẫn lo "cái bụng" nhiều hơn lo dạy và học. Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Dạy thật - Học thật", "Dạy tốt - Học tốt", nếu chỉ có lòng nhân ái giữa thầy và trò thì chưa đủ.

Điều quan trọng là Đảng và Nhà nước cần sớm có chính sách xây dựng nhà ở tập thể cho giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất cho học sinh bán trú dân nuôi, có như vậy thì sự nghiệp trồng người ở vùng cao, vùng sâu mới thu được kết quả như mong muốn.

 Phí Quang Thái (Bài dự thi "Đất và người Yên Bái")

Các tin khác

YBĐT - Chớm thu mà ở nơi này ngỡ đất trời đã ngập giữa đông. Trước mặt là sương, sau lưng cũng sương. Lưng chừng sương phía núi xa, là là sương ngay dưới chân mình. Bàn tay đưa ra lẩn khuất trong sương. Hơi thở phả ra cái lạnh cùng sương. Không phải sớm mai, không phải cuối chiều, giữa trưa, sương thành hạt vẫn vẹn nguyên trên lá cỏ ướt át ven đường, e ấp.

Đồng chí Hà Chí Họp - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu chủ trì cuộc họp dân ở thôn Háng Tàu kiểm điểm việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn.

YBĐT - Những năm gần đây, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được Nhà nước đầu tư khá nhiều để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng cái đói nghèo vẫn đeo đẳng và nạn phá rừng làm nương rẫy còn xảy ra. Huyện đã chỉ đạo địa phương có nhiều giải pháp để vươn lên, bứt phá xoá đói nghèo.

Hạnh phúc đơn sơ của cô và trò Trường PTCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải.

YBĐT - " ...Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? - Những lời ca đầy trăn trở trong bài hát "Một rừng cây, một đời người" của nhạc sỹ Trần Long Ẩn gợi cho tôi nhớ đến Chống Gầu Bua - nơi giữa mùa hè vẫn có các cô giáo tình nguyện "cắm bản". Họ đã phải vượt qua bao khó khăn, vất vả để đem "cái chữ", đem ánh sáng văn minh đến cho con em đồng bào vùng cao Mù Cang Chải...

Ngôi nhà của bà Đinh Thị Hòa, bản Pá Khết - phường Trung Tâm - một trong các hộ gia đình khó khăn nhận hỗ trợ của Chương trình 134.

YBĐT - Năm 2007 là năm thứ 3 liên tiếp thị xã Nghĩa Lộ nhận được nguồn kinh phí bổ sung của UBND tỉnh từ Chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà và nước sinh hoạt với tổng số tiền là 2.200 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục