Gác lũ trên non

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Là một trạm kép, có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu về khí tượng, thuỷ văn để giúp cho việc dự báo thời tiết, lũ các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đối mặt với nước và trời, đã mấy ai biết đến gian truân của nghề “lặng lẽ” khí tượng - thuỷ văn ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Quan trắc khí tượng ở Trạm khí tượng - thuỷ văn Mù Cang Chải.
Quan trắc khí tượng ở Trạm khí tượng - thuỷ văn Mù Cang Chải.

Hoàn lưu cơn bão số 5 ảnh hưởng trên diện rộng khắp bắc miền Trung tới tây bắc Bắc bộ. Đầu mùa đến giờ, chưa bao giờ Mù Cang Chải mưa nhiều đến thế. Mưa từ đêm qua sáng, mưa từ sáng đến chiều, núi rừng chìm trong mưa. Dòng Nậm Kim hôm qua còn hiền hoà với làn nước trong xanh thì hôm nay đục ngầu, nước réo ào ào như có đàn thuỷ quái khổng lồ đang phò Thuỷ tinh lên đánh Sơn tinh vậy.

Trong ngôi nhà nhỏ của Trạm Khí tượng - Thuỷ văn Mù Cang Chải, không khí làm việc thật khẩn trương. Số liệu quan trắc với bản tin dự báo của Trung ương đã cho họ biết hiện tượng thời tiết này từ trước. Chính vì vậy cả 7 con người của cái trạm vùng cao xa xôi đều được phân công vào việc.

Người lên vườn quan trắc khí tượng, nhóm thuỷ văn do Trạm phó Diệp Tuấn Anh chỉ huy thì túc trực bên cáp treo chờ đo mực nước; còn thì tổng hợp, lên máy báo cáo về Trung tâm Khí tượng - Thuỷ văn tỉnh và Đài Khí tượng - Thuỷ văn khu vực Việt Bắc tận Việt Trì (Phú Thọ). Hầu như suốt đêm không ngủ, mắt thâm quầng mà vẻ mặt vẫn tỏ ra tỉnh táo lạ thường. Nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt của người gác lũ trên non khiến họ ý thức hơn về công việc đang làm; để mà gồng mình lên khắc phục mọi khó khăn của đời sống thường nhật, góp phần giảm thiệt hại cho đồng bào trước bầy “giặc nước”.

Tiếp chúng tôi ngay trong phiên trực, Trạm trưởng Nguyễn Xuân Đạm cho biết: “ Trạm Khí tượng - Thuỷ văn Mù Cang Chải được thành lập từ năm 1966. Là một trạm kép, có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu về khí tượng, thuỷ văn để giúp cho việc dự báo thời tiết, lũ các tỉnh khu vực Tây Bắc. Qua 30 năm, Trạm đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Không chỉ dự báo lũ trên sông suối huyện Mù Cang Chải phục vụ cho xây dựng các công trình thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Hồ Bốn (Yên Bái), Hội Quản (Lai Châu) mà còn giúp cho các địa phương biết để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất... Những năm chiến tranh, việc dự báo thời tiết góp phần cho lực lượng vũ trang của ta xuất quân đánh thắng quân thù".

Hôm nay vẫn tiếp tục phục vụ cho an ninh - quốc phòng, nhưng quan trọng hơn nữa là thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế cả một vùng quê hương: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái), Than Uyên (Lai Châu), Mường La ( Sơn La). Căn cứ vào các số liệu quan trắc về thời tiết để các nhà khoa học xây dựng nông lịch gieo cấy cho từng vùng; dự báo khả năng cháy rừng để các địa phương có kế hoạch phòng cháy; biết mưa nắng để thi công các công trình xây dựng.

Hồ hởi, anh dẫn chúng tôi lên thăm vườn quan trắc khí tượng. Thiết bị đo gió, đo mưa, đo nhiệt độ không khí và mặt đất, độ ẩm.. đều là của Liên Xô và Trung Quốc sản xuất từ thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước. May mắn có một vài thiết bị tự động mới được trang bị, nhưng so với ngành khí tượng thế giới thì lạc hậu đến vài thập kỷ. Thành ra công việc chính vẫn là công sức và kinh nghiệm của con người. Ngày bốn lần lên ốp, công việc diễn đi diễn lại: đo, ghi, tổng hợp, báo cáo.

Tưởng như nhàm chán mà ngần ấy năm không hề có hiện tượng quên ca, chậm ốp, bịa số liệu. Năm 1998, 2001 lượng mưa 250 - 300 mm, nhờ dự báo sớm mà huyện Mù Cang Chải sơ tán dân kịp thời tránh được thiệt hại do nhiều điểm sạt lở và lũ quét. Và năm nay đây, lũ sông suối miền Tây của tỉnh với sạt lở trên quốc lộ 32, đèo Khau Phạ gây thiệt hại nhưng cũng giảm thiểu nhiều do có dự báo và sự chuẩn bị phòng chống. Anh Đạm vui vẻ: “Trạm thường xuyên học tập quy trình, quy phạm báo cáo, tài liệu khí tượng, hàng năm đều vượt chỉ tiêu Đài khu vực giao. Kết quả đo của Trạm gửi về luôn được đánh giá cao, độ chính xác đạt trên 90%”.

Từ trên cao nhìn xuống, suối Nậm Kim ngầu ngầu nước đỏ. Cây đổ bị lũ cuốn trôi theo dòng nước vươn cành lá nguều ngoào như những cánh tay thuỷ quái. Nhóm đo nước của Diệp Tuấn Anh vẫn mê mải làm việc, ngày hôm nay trực liên tục 24/24 ốp. Ngồi trên cáp treo, trông họ quá nhỏ nhoi trước dòng nước dữ. Quay tời, thả cá, đo, ghi, dừng đủ 5 vị trí theo chiều ngang của suối. Nước lớn, lưu tốc đến 4m/giây, sơ suất một chút là cá mắc cây và tai nạn xảy ra gẫy răng, mất ngón tay là chuyện thường. Vô ý ngã xuống nước thì chỉ có chết vì lòng suối nhỏ, độ dốc lớn nên nước chảy xiết và con người bị cuốn đập vào đá lởm chởm hai bên vách và lòng suối.

Ở đây, năm 1966 liệt sĩ Nguyễn Văn Cung, quê Hải Phòng đã hi sinh do bị máy bay Mỹ bắn khi đang làm nhiệm vụ. Đối mặt với nước và trời, đã mấy ai biết đến gian truân của nghề “lặng lẽ” khí tượng - thuỷ văn.

Làm nhiệm vụ kép ở vùng cao như thế này cả Việt Nam chỉ có bốn trạm. Vinh dự thay, những người làm công tác khí tượng - thuỷ văn Mù Cang Chải nằm trong số đó. Từ đây, nhiều người đã trưởng thành và đang giữ trọng trách quan trọng trong ngành khí tượng - thuỷ văn ở Trung ương và Đài khu vực. Cũng có người chuyển ngành là cán bộ chủ chốt một số ban, ngành của tỉnh Yên Bái. Dù đi đâu, họ vẫn nhớ về cái tổ ấm nuôi dưỡng mình những ngày mới chập chững vào đời. Trạm Khí tượng - Thuỷ văn Mù Cang Chải, nơi có những người “ gác lũ trên non”.

Thế Quynh

Các tin khác
Một góc trung tâm xã Phình Hồ (Trạm Tấu)

YBĐT - Để đưa một xã vùng cao đi lên quả không không phải dễ. Toàn xã có tới 99% là dân tộc Mông sinh sống, chịu ảnh hưởng của nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, địa bàn cách xa trung tâm huyện... Nhưng rồi, cả xã Phình Hồ cùng xắn tay vào cuộc với sự chỉ đạo, trợ giúp của huyện, tỉnh.

Bếp nấu cơm tập thể của học sinh bán trú dân nuôi.

YBĐT - Trường Phổ thông cơ sở Khao Mang nằm kề bên quốc lộ 32, cách thị trấn huyện Mù Cang Chải 10km về phía tây bắc của tỉnh Yên Bái. Nếu ai có dịp đến nơi đây đều mừng vui về cơ sở vật chất của một ngôi trường vùng cao, với ba dãy nhà 2 tầng, gần 12 phòng học khang trang thì chắc việc dạy và học của thầy trò vô cùng thuận lợi. Ấy thế nhưng khi "cửa sau" các phòng học kiên cố đã mở, mới thấy hết nỗi lo toan, vất vả, bươn trải của thầy và trò để nâng cao chất lượng dạy và học.

YBĐT - Chớm thu mà ở nơi này ngỡ đất trời đã ngập giữa đông. Trước mặt là sương, sau lưng cũng sương. Lưng chừng sương phía núi xa, là là sương ngay dưới chân mình. Bàn tay đưa ra lẩn khuất trong sương. Hơi thở phả ra cái lạnh cùng sương. Không phải sớm mai, không phải cuối chiều, giữa trưa, sương thành hạt vẫn vẹn nguyên trên lá cỏ ướt át ven đường, e ấp.

Đồng chí Hà Chí Họp - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu chủ trì cuộc họp dân ở thôn Háng Tàu kiểm điểm việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn.

YBĐT - Những năm gần đây, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được Nhà nước đầu tư khá nhiều để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng cái đói nghèo vẫn đeo đẳng và nạn phá rừng làm nương rẫy còn xảy ra. Huyện đã chỉ đạo địa phương có nhiều giải pháp để vươn lên, bứt phá xoá đói nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục