Hoa của núi rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cách đây mấy năm, tôi được xem tập tranh ảnh, đầu đề "Những kỳ quan của Châu Á chúng ta". Trong những kỳ quan ấy, có ruộng bậc thang ở Phi-lip-pin. Nhờ lao động cần cù, họ đã tạo ra được 22.500 cây số vuông ruộng bậc thang. Khách du lịch khắp thế giới thường đến xem quang cảnh hùng vĩ ấy. Tôi nhớ ngay đến ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và thầm mong ước một ngày nào đó, ở đây được công nhận là di sản.

Hoa Tớ dảy trên núi rừng Mù Cang Chải.
Hoa Tớ dảy trên núi rừng Mù Cang Chải.

Và ngày đó cũng đã đến: ngày 18/10/2007, huyện Mù Cang Chải đón bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho danh thắng ruộng bậc thang ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Ông Sùng A Vàng - nguyên Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Sau khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, khoảng gần 500 héc-ta ruộng bậc thang ở ba xã này được tiến hành bảo tồn nguyên trạng".

Người Mông ở những vùng đất khác thường sống trên các triền núi cao, chủ yếu là làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc. Đối với họ, làm ruộng nước là một công việc khá mới mẻ. Nhưng người Mông ở Mù Cang Chải đã làm ruộng nước từ hàng trăm năm rồi. Có lẽ, họ đã học được kinh nghiệm từ người ở Mường Lò. Nhưng điều cơ bản, họ không thể tiếp tục phá rừng làm nương rẫy. Họ thừa hiểu rằng: triệt phá rừng đồng nghĩa với tiêu diệt sự sống của chính mình. Và từ đấy, công việc khai phá, xây dựng ruộng bậc thang bắt đầu. Đó cũng là cái mốc đánh dấu một thời kỳ văn minh mới.

Tôi chợt nhớ đến chuyện mấy nghìn năm các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Các bộ tộc người Việt, từ những miền núi cao tràn xuống đồng bằng ven sông, ven biển để làm ruộng nước, tạo ra nền văn minh sông Hồng. Bước đi ấy, có thể sánh ngang với nền văn minh sông Hằng ở Ấn Độ, sông Trường Giang ở Trung Quốc... Nói chung, mọi nền văn minh bắt đầu từ nông nghiệp. Truyền thuyết bánh chưng, bánh dày từ thuở Hùng Vương cho ta hiểu: cái đạo lý của cha ông ta đối với trời, đất, tổ tiên. Hạt gạo được nâng niu hơn cả mọi vàng, bạc, châu báu.

Tôi đang mải mê nghĩ về hạt gạo và núi sông thì gặp anh Đào Văn Ngọc, một cán bộ nông nghiệp ở Mù Cang Chải, đã công tác mấy chục năm. Anh tâm sự:
-Hàng năm, em thường đến các xã trong huyện để hướng dẫn và chỉ đạo bà con trồng trọt, chăn nuôi. Ngày xưa, một số xã chưa có đường ô tô nên thường phải đi bộ. Còn bây giờ thì đi xe máy thoải mái. Mọi thông tin kỹ thuật phải đến kịp thời với bà con. Em vừa làm việc, vừa theo học lớp đại học nông nghiệp tại chức ở Yên Bái.

-Có mình anh đi học thôi à?

-Bốn người. Ngoài em, còn ba anh người Mông. Họ đang là cán bộ kiểm lâm, tuổi đời khá trẻ.

Tôi vui mừng nhận thấy thế hệ trẻ hôm nay đã hơn cha anh mình. Họ đang say mê với công việc và được đào tạo khá chu đáo. Trong tương lai không xa, họ không những sẽ góp phần làm giàu cho quê hương, mà còn giữ gìn những giá trị văn hóa, trong đó có di sản ruộng bậc thang.

Trở về Văn Chấn, tôi gặp anh Mùa Vàng Khoa, người Mông ở xã Suối Bu. Anh luôn là một điển hình về tính năng nổ, sáng tạo trong nông nghiệp. Tôi biết anh từ hơn mười năm trước. Năm 1995, với vai trò là Trưởng thôn Bu Cao, anh đã vận động mọi người xuống dưới chân núi để khai phá đất hoang làm ruộng nước.

Công việc này thật là mới mẻ, khó khăn, vì ở đây là cả một vùng cỏ tranh, lau sậy. Đồng bào cũng hiểu rằng, Nhà nước đã cấm phá rừng, nên phải thay đổi phương thức sản xuất mới xóa được đói nghèo. Đến nay, xã Suối Bu đã có hơn 20 héc-ta ruộng nước. Riêng nhà anh Khoa đã khai phá được hơn bốn nghìn mét vuông. Mỗi năm cày cấy hai vụ, anh thu được hơn sáu tấn thóc. Từ năm 1998 đến nay, anh Khoa làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Bu. Với vai trò của mình, anh đã tham mưu với xã, huyện xây dựng công trình thủy lợi ở Bãi Gianh, chi phí hơn 100 triệu đồng. Cùng với cây lúa, cây chè là cây chủ lực ở xã Suối Bu.

Hiện đang có một công ty chế biến chè ở xã Suối Bu, thu mua hết sản phẩm chè tươi của xã, góp phần nâng cao mức sống của nhân dân. Riêng nhà anh Khoa, mỗi năm thu được hơn một tấn chè tươi và trên ba tấn ngô. Có đủ lương thực, anh tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn gà, trâu, bò. Riêng nguồn thu từ chăn nuôi, mỗi năm anh cũng có được hơn 30 triệu đồng.

Người Mông ở Suối Bu hàng tuần đi chợ phiên ở xã Đồng Khê. Một phiên chợ có cả ba dân tộc cùng chung mua bán, các màu khăn áo đan xen vào nhau như một vườn hoa. Trước đây, người Mông Suối Bu thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Họ không gói bánh chưng mà làm bánh dày. Gạo nếp được xôi chín, để nguội rồi cho vào cối giã mịn, sau đó được cán mỏng và gói vào lá chuối. Mỗi cái bánh dày to bằng chiếc bánh đa và dày bằng nửa đốt ngón tay.

Người Mông rất quý bạn. Ngày tết, họ thường mời bạn bè đến nhà chơi, uống rượu. Đã uống là phải say hết mình, như thế mới quý nhau. Từ hai năm nay, người Mông ở Suối Bu ăn tết cùng thời gian với người Kinh, người Tày ở Đồng Khê. Thời điểm này hoa đào mới nở rộ, mà trên các sườn núi ở Suối Bu có cả những rừng đào. Anh Mùa Vàng Khoa bảo tôi:

-Ăn Tết cùng người Kinh để cùng đến thăm nhà nhau. Năm nay, anh đến nhà tôi nhé. Anh em mà!

Anh bắt tay tôi thật chặt. Tôi hiểu, cái bắt tay là lời hứa danh dự. Người Mông đã nói là làm, đã yêu thì yêu hết mình, không có sự nửa vời. Nói chung là họ sống thẳng thắn, cởi mở, chân thành. Điều đó cho thấy, người Mông ở xã Suối Bu, dù gần với xã Đồng Khê, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng. Mùa xuân sắp đến rồi! Tôi đã hình dung ra cảnh múa xòe, các trò chơi đánh quay, tung còn, những màu áo đẹp, những cái bắt tay... Con người vốn là HOA CỦA ĐẤT.

 Và kia nữa, những cánh hoa đào đang chờ ngày nở tung sắc đỏ. Vẫn những cánh hoa ấy mà chẳng bao giờ cũ. Nhưng tôi vẫn thấy hồi hộp và tin rằng, hoa đào năm nay sẽ đẹp hơn năm ngoái, vì chúng nở đúng vào mùa xuân này.

Văn Thà

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục