Nơi xa xanh ấy bộn bề xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 22/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thượng huyện Văn Chấn (Yên Bái) cuối đông. Trời xanh, nắng rất vàng. Thời tiết ấm dần. Thiên nhiên đang dịch chuyển, xuân cận kề lắm rồi.
Dựng sàn Hạn Khuống.
|
Không hiểu sao lòng người tự dưng háo hức. Có một chút gì đó xốn xang trước những cơn gió mãnh liệt của đại ngàn.
Thật vậy, chuyến lên vùng cao lần này có một chút gì đó bâng khuâng, khi nhìn thấy những rặng hoa mạ màu vàng rực mênh mang trên các triền đồi, dưới chân thung, ngay hai bên đường đèo.
Cùng đi với chúng tôi có Đồng Văn Kiên, cán bộ chuyên trách vùng cao của Hội Nông dân huyện. Càng dễ hiểu bởi ở một miền đất nơi xa xanh kia có được một người am hiểu, nhiều duyên nợ dẫn đường thì không gì bằng. Qua Đồng Văn Kiên, chắc chắn chúng tôi "khai thác" được nhiều điều mà không hiện thực nào cũng phô bày trước mắt. Theo quốc lộ 32, chúng tôi ngược dốc hướng tới địa danh thực tế là Nậm Búng, một trong 8 xã đặc biệt khó khăn của Văn Chấn.
Xã không rộng, diện tích tự nhiên gần 10 nghìn ha nhưng trước những năm 2000 nơi đây chỉ có 116 ha đất nông nghiệp. 90% là dân tộc Dao, Thái với 700 hộ, 3300 khẩu. Nếu chỉ trông vào các sản vật sẵn có của núi rừng và cây lúa, (giống đã thoái hóa) thì ngần ấy con người sao no đủ được?
Ông Phạm Bá Dư, Chủ tịch UBND xã nói: "Đó là những năm 90 trở về trước. Chứ bây giờ, khi các chương trình của Đảng và Nhà nước, những dự án đầu tư của tỉnh, của huyện được triển khai thì đời sống cũng như bộ mặt nông thôn nơi này đã khác hẳn". Đúng như đánh giá của chủ tịch Dư, Nậm Búng hôm nay xen lẫn màu xanh của lúa, của ngô là bạt ngàn chè tuyết Shan, là mênh mông rừng đại ngàn đâu đó thấp thoáng những đàn trâu, đàn bò, đàn dê xông xênh trên vạt cỏ, triền đồi.
Nơi đây, chỉ nói riêng về lúa thôi, không phải 116 ha như xửa xưa mà hiện đã là 160 ha (tăng 50 ha do phục hóa, khai hoang mở rộng). Khác hẳn với lối canh tác cũ, bây giờ toàn bộ diện tích đã chuyển từ 1 thành 2 vụ/năm với cơ cấu giống mới. Thêm nữa, sự tác động của khoa học kỹ thuật đưa vào nên liên tiếp 3 năm (2005 - 2007) năng suất, sản lượng luôn đạt, ổn định trên dưới 1.050 tấn (con số lương thực cao chưa từng có trước kia). Cũng tương tự, cây ngô năm nay thực hiện trên 80 ha (vượt 10 ha so với cùng kỳ) đã đem lại cho bà con Nậm Búng thêm 200 tấn, ấy là chưa kể thành quả từ 12 ha lạc, 20 ha sắn với hàng chục tấn củ. Cái ăn, đồng tiền đấy chứ đâu.
Chúng tôi có mặt ở xã vùng cao này vào đúng thời điểm kết thúc kỳ thu hoạch, tuy không được chứng kiến không khí mùa gặt hái, nhưng cứ như những lời từ cửa miệng của người dân Nậm Chậu, Sài Lương, Nậm Cườm thì cũng đủ vui. Họ nói: "Nhiều thóc, nhiều ngô là không sợ đói. Tết này sướng hơn tết năm ngoái rồi!". Phải, nghị quyết của HĐND, một số xã thuần nông như Nậm Búng, việc chuyển mạnh cơ cấu và phương thức sản xuất là hướng đi đúng, bởi nó tạo được sức mạnh cho kinh tế phát triển.
Cũng như ở nhiều cơ sở vùng sâu vùng xa, cái "A lô" đang ở thế "thượng phong" nên mọi thông tin nhanh hơn chân ngựa; chả thế mà vừa rời trụ sở đã thấy trưởng thôn Hoàng Văn Bình tới đón. Nhận được cú điện thoại, anh Bình đến đưa chúng tôi về Nậm Cườm, thôn anh trấn giữ. Nậm Cườm 100% là dân tộc Thái. Phải nói ngay, 5 năm trở lại đây, thôn đã qua cái đận đói nghèo (hiện chỉ còn không đầy 10/141 hộ có khó khăn do nhiều nguyên nhân). Ở Hoàng Văn Bình, cái tuổi mà sức trẻ của anh trào ra cả giọng nói, tiếng cười:
-Dân giờ vui lắm. Không đói cơm, chỉ thiếu thịt, thiếu rượu thôi.
-Thế thì tốt. Xin chúc mừng, chứ cách đây mươi năm thì...
-Cần gì phải mươi năm. Cách đây 5 năm thôi, dân còn phải lấy củ sắn lấp đầy mấy tháng giáp hạt. Rất may nhờ chương trình 135, 134, WB của Đảng, của Chính phủ, dân có đường, có điện đến từng thôn, từng nhà, cái đói vì thế mà không còn.
Tôi phì cười. Câu nói ấy hình như anh đã thuộc lòng qua một lớp tập huấn nào đó, nghe nó hơi giáo điều. Trong lúc rôm rả chuyện thôn, chuyện xã, Bình dùng cả hai tay bắt chặt ống điếu, anh “ăn” thuốc, “ăn lửa” liên tục, anh lại là anh. Còn cán bộ Hội Nông dân Đồng Văn Kiên thì có vẻ sốt ruột:
-Nhà văn, nhà báo ơi! Ta chuẩn bị đi chơi bản đi. Giữa lúc đó, tiếng trống, tiếng chiêng vọng đến: "Bùng binh, bùng binh"... Đúng như Kiên nói: Tối nay Nậm Cườm tập văn nghệ, chuẩn bị Tết mừng Đảng, mừng xuân.
Cơm nước xong, chúng tôi tới nhà văn hóa. Một nếp nhà sàn thoáng rộng giữa thôn. Lúc này các cô gái khăn piêu đội đầu, những dây xà tích trễ bên hông, chiếc eo thon thon chắc nịch trong áo cỏm, các cô là hiện thân của yểu điệu, dịu dàng. Thoắt cái, căn nhà biến thành sân khấu với vô số khán giả, cụ già, con trẻ xem và... múa. Các điệu dân vũ như Đêm hội, Đón trăng, Mừng lúa mới, Bắt cá lần lượt ra mắt. Trong đội văn nghệ có chị Lò Thị Bun vừa được bồi dưỡng lớp múa dưới huyện về vài ngày, chị chỉ vào chàng thanh niên khá đẹp trai đang điều khiển dàn loa:
-Chồng em đấy!
-Anh ấy nắm tay người khác múa, em không ghen à?
-Không.
Cuối buổi tập là xòe. Những bàn chân đạp xuống sàn sầm sập... Tan cuộc, mới thấy đêm Nậm Cườm đẹp nên thơ. Sương xuống dày, ánh trăng bàng bạc. Quanh bếp lửa bập bùng tại nhà riêng trưởng thôn Bình, nếm củ khoai nương bở tung, nghe anh kể chuyện, chúng tôi càng tâm đắc những điều anh mơ ước: Làm thế nào để người Thái, người Dao quê anh đỡ khổ hơn nữa, để mỗi lần năm hết tết đến, mọi người ai cũng bộn bề cùng xuân.
Chia tay Nậm Cườm về trụ sở. Dọc đường, chúng tôi ghé vào Công ty Lâm nghiệp Văn Chấn đóng tại địa bàn xã. Lãnh đạo Công ty cung cấp nhiều thông tin nghe mà vui: Năm 2003, triển khai Dự án 661 (khoán hộ trồng rừng, trong đó phát triển cây chè Shan) ở Nậm Búng thu kết quả tốt. Tính đến tháng 11 năm 2007 nơi này đã có trên 440 hộ tham gia Dự án. Bà con trồng mới được 150 ha chè tuyết Shan giâm cành.
Năm 2006 riêng các thôn Văn Hưng 1, 2, 3, 5 đã thu trên 100 tấn chè búp tươi. Năm 2007 chè được giá, lại được Công ty Lâm nghiệp bao tiêu sản phẩm, thế nên 300 tấn chè bán cho Công ty đem về cho bà con gần 2 tỷ đồng. Số tiền không phải là nhỏ. Ngắm nhìn sương giăng trắng núi, chúng tôi hiểu nơi cao xanh ấy là cả một vùng đất tiềm năng. Cứ đà này, dăm bảy năm nữa thôi, hàng trăm ha chè Shan sẽ tươi tốt. Mỗi năm cung cấp hàng nghìn tấn chè nguyên liệu. Nhà máy sở tại sẽ chế biến hàng trăm tấn chè đặc sản với nhiều loại, kiểu dáng khác nhau, bán rộng rãi trên thị trường. Song, cái sướng, cái ý nghĩa lớn hơn cả, ấy chỉ là nhờ có nhà máy chế biến mà mở ra triển vọng mới cho vùng quê nghèo. Làm thay đổi cốt cách làm ăn, hiện đại dần thay cho manh mún, lạc hậu.
Theo nghị quyết của HĐND, Nậm Búng còn một thế mạnh nữa, đó là chăn nuôi đại gia súc. Hiện xã đã có tới 1646 con vừa trâu, bò vừa dê. Ngoài ra phải kể đến 2000 đầu lợn, hàng vạn gà, ngan, vịt. Bây giờ ở Nậm Búng đã có những đồi chuyên trồng cỏ voi, đã có gần 30 hộ chăn nuôi gia súc theo mô hình bán công nghệp. Đó là những cái trước đây chưa hề có.
Một điều không thể kể đến, đó là những ngày này, bà con người Dao hai thôn Nậm Chậu, Sài Lương đang bận rộn lợn, rượu và nhiều thứ khác để cúng Bàn vương, tổ chức Tết nhảy (nhàng chằm đao) trước Nguyên Đán. Không rõ Tết nhảy sẽ diễn ra tại nhà nào nhưng không khí trong giới trẻ thật xốn xang. Nhiều đạo cụ múa đang làm dở dang, các tiết mục: múa đao, bắt cá, bắt ba ba đang tập dượt. Đúng như lời của Chủ tịch xã Phạm Bá Dư: "Năm 2007 sắp kết thúc, Người dân càng phấn khởi bởi mỗi năm qua đi, họ lại được hưởng thành quả mới do Đảng, Chính phủ đem lại. Hỏi, như thế không vui sao được?".
Nậm Búng như được thổi một luồng gió mới. Nơi đó, nhà nhà đã có bát ăn, bát để. Trẻ tung tăng áo mới, già bên nồi bánh, nâng chén rượu chúc phúc nhau. Bây giờ ngồi tại bàn viết, nghĩ về làng quê hiền hòa. Ở nơi xa xanh ấy, đất và người tựa vào vách núi, đang bộn bề cùng xuân.
Xuân Mậu Tý 2008
Bùi Huy Mai
Các tin khác
YBĐT - Một ngày ở Bảo Hưng, tôi đã gặp những cô giáo sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này. Tôi đã nói chuyện với các thầy thuốc ở phòng khám khu vực. Họ đang trồng những cây thuốc nam để chữa bệnh cho người nông dân. Dưới tán lá màu xanh, tôi đã gặp mùa xuân trong ánh mắt nhân hậu của những y, bác sỹ, trong ánh mắt thơ ngây tuổi học trò của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trường mầm non xã. Rời Bảo Hưng, tôi gặp sông Hồng. Trước dòng sông, mùa xuân đã đến rất gần. Đâu đó, tiếng bước chân rộn ràng của những người dân Bảo Hưng sau một ngày lao động đang trở về làng quê ấm áp của mình với ước mơ cuộc đời sẽ có nhiều thay đổi. Cuộc sống mới rõ là đang hiện sinh trên mảnh đất này.
YBĐT - Nậm Búng chính là nơi Lâm trường Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đóng bản doanh, đang thực hiện một dự án đầy triển vọng về cây chè Shan với diện tích 300 ha trên đất trống đồi núi trọc Gia Hội và Nậm Búng.
YBĐT - Người dân không có ruộng, cuộc sống cả nhà chỉ trông vào cây chè, ấy vậy mà hàng chục ha chè đang kỳ sung sức lại không có ai nhận, người dân trả chè cho Công ty chấp nhận đi làm cỏ, hái chè thuê cho người khác, dẫu rằng cuộc sống chẳng khá giả gì trong khi có rất nhiều người dân từ nơi khác đến ký hợp đồng nhận chăm sóc thu hái bán cho Công ty. Để tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi đã về vùng chè Văn Hưng.
YBĐT - Mỗi lần nghe tiếng sáo Mông dặt dìu đâu đó trên sóng phát thanh, hay mỗi khi thấy xuất hiện hình ảnh núi non hùng vĩ của Mù Căng Chải (hay Mù Cang Chải) trên kênh truyền hình VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, hẳn những người con của Yên Bái trên khắp nẻo đường đất nước sẽ rất đỗi tự hào về một vùng quê nơi chon von đầu núi.