Mùa xuân nhớ đội bóng đá quê nhà
- Cập nhật: Thứ tư, 23/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 1935, Mặt trận nhân dân thắng thế ở Pháp, ít nhiều có những chính sách "cởi mở" hơn đối với các nước thuộc địa và cũng có tác động đến mảnh đất Yên Bái xa xôi, hẻo lánh này. Vườn hoa, nhà Kèn được xây dựng. Doanh trại lính Âu Phi đang đóng giữ trung tâm thị xã được rời đi để làm sân vận động, dân quen gọi là sân Căng. Chánh sứ Yên Bái thành lập hai đội bóng đá đầu tiên của người Pháp là Đội Trung đoàn lê dương số 5 và đội "Con ma xanh". Hai đội đã có nhiều trận đấu giao hữu với các đội lính Pháp từ Việt Trì, Phú Thọ lên; Tuyên Quang sang.
Đội tuyển Yên Bái năm 1960. (Ảnh: Lê Gia Huấn)
|
Trong đám học sinh, thanh niên ham mê bóng đá bắt đầu nổi lên những cái tên: Huy béo, Phúc tự, Kính kiều, Cư xoăn, Trọng híp, Thái tài tử, Trung gió và lớp đàn em như Khương tây, Khoát vòng kiềng, Bùi, Cát, Sinh... Một chiều, Huy béo "lôi" tất cả vào nhà Phúc Tự rồi cao giọng: "Chúng ta cùng thành lập đội bóng các cậu ạ! Thừa sức ấy chứ". Ít ngày sau, khắp thị xã Yên Bái lan truyền một tin: đội bóng đá đầu tiên của Yên Bái được thành lập với cái tên "ASYB" (Liên đoàn thể thao Yên Bái) do Thừa phái Đốc Lập, người Nghệ An làm ông bầu.
Mùa xuân năm 1938 - xuân Kỷ Dậu, người dân Yên Bái đã được xem trận đấu đầu tiên của thanh niên, học sinh Yên Bái với đội bóng binh lính Pháp, không chỉ là trận đầu tiên người Yên Bái có đội bóng, không chỉ là trận đầu khai xuân mà còn là thắng thua, là danh dự quốc thể. Giấy xanh, giấy đỏ, áp phích quảng cáo được dán khắp nơi, cả gốc cây, cột điện, cài lên vách của những căn nhà lá ven đường, có ai khéo tay còn vẽ cả bức tranh lớn hình ảnh Phúc tự, Huy béo đang tung người trước khung thành của Đrôda, phía dưới với dòng chữ đỏ: "Chào ASYB", " ASYB chiến thắng".
Chiều mồng sáu tết, tại sân Căng, người đến xem vòng trong vòng ngoài, lấn sát cả vạch vôi trong sự bất lực của lính cảnh vệ. Chỉ khi tiếng còi khàn khàn của trọng tài cất lên, bà con mới dần dần giãn ra cho các cầu thủ thi đấu. Phút thứ 12, hậu vệ Phúc Tự để bóng chạm tay trong vòng cấm địa, thế là Pê-nan-ti, trung phong Pêtrô gọn gàng mở tỷ số 1 - 0. Mười phút sau, đội ASYB lại thua bàn thứ hai với quả phạt coóc-ne của Rô-lăng tạo điều kiện cho Rise nhảy lên đánh đầu, đưa bóng vào lưới. Đốc Lập ngồi trên ghế chỉ đạo vẫn lặng lẽ quan sát.
Có nhiều tiếng hô: "Ba xu tửu chơi quyết liệt lên", "Gôn Ngọc bình tĩnh! Không sợ Pháp"... Vào hiệp hai ASYB vẫn giữ nguyên đội hình, nhưng có thay đổi chút ít về chiến thuật: hộ công Trọng híp được dâng cao hơn, Trung "gió" sang cánh phải hỗ trợ cho Thái "tài tử" để tập trung bóng cho Huy béo và Kính kều. Phút 58, Trọng híp lật bóng vào khu trung lộ, Kính kều nhảy lên đánh đầu, đưa bóng vào lưới của Đrôda.
Cả sân vang động tiếng reo hò của người dân Yên Bái. Những niềm vui ấy không được lâu, chỉ sáu phút sau, tấm lưới gai sau lưng gôn Ngọc lại rung lên. Đốc Lập quyết định cùng một lúc thay ba cầu thủ. Bùi, Cát, Sinh được tung vào thay cho Huy béo, Thái "tài tử" và Cư xoăn. Với tốc độ, sự khéo léo luồn lách, thông minh cùng kỹ thuật và độ chính xác chỉ hơn mười phút vào sân Bùi, Cát, Sinh cùng đồng đội đưa trận đấu về vạch xuất phát. Khi trận đấu chỉ còn tính bằng phút thì Trương Văn Cát đã quyết định số phận "Con ma xanh" bằng cú sút chân phải mà Đrôda không sao cản nổi. Tỷ số 4 - 3 nghiêng về ASYB. Sau trận đấu, tên Chánh sứ phải thốt lên: "Các anh đá hay lắm!", "ASYB chơi rất hay! Bộ ba chàng trai trẻ khiến chúng tôi cảm phục...!".
Đội ASYB ngày càng lớn mạnh và mở rộng tầm hoạt động. Những cái tên: "Cả" Huy, "Cả" Cứ, Phúc Tự, Văn Kính nổi lên trong làng bóng đá Yên Bái và đặc biệt bộ ba là Bùi, Cát, Sinh cùng gôn Ngọc trở thành những danh thủ xuất sắc. Phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển và lan rộng, nhiều cầu thủ ASYB lên chiến khu. Cách mạng Tháng tám thành công, nhưng người dân Yên Bái không thấy các danh thủ trở về. An Văn Bùi, Trọng Bình, Minh Chín, Văn Chi... đã anh dũng hy sinh trong cuộc nổi dậy cướp chính quyền ở Yên Bái. Nhiều danh thủ khác tiếp tục cầm súng lên đường cùng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp.
Kháng chiến thành công, miền Bắc bước vào xây dựng CNXH. Ngay những ngày đầu, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Yên Bái Nguyễn Thành Đô đã mời ông Đồng - Trưởng ban TDTT và ông Cát lên trao đổi xây dựng phong trào TDTT ở Yên Bái. Đội bóng đá Yên Bái hồi sinh. Đội trưởng là Trương Văn Cát cùng ông Sái Thọ, phụ trách đời sống, y tế. Các lão tướng được mời trở lại: "Cả" Huy, "Cả" Cư, Phúc Tự, Khương Tây vẫn ra sân trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Bên cạnh đó lớp hậu sinh đã lớn lên tiếp bước cha anh. Tiền đạo có Đỗ Văn Đại cùng Văn Cát, Trần Như, Văn Cư; rồi Văn Quế, Đình Thịnh, Trần Nam, Văn Thọ; phòng ngự có Kim, Đĩnh, Minh Lương, Vi Thảo, Phú Xệ, Hán, Đồng, Hoàn...
Đội tuyển Yên Bái lại trưởng thành và lớn mạnh, không chỉ Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, mà nhiều đội tiếng tăm khắp miền Bắc cũng về thử sức với các danh thủ Yên Bái. Đội bóng đá thủ đô Hà Nội đầu tiên lên Yên Bái chính là các danh thủ được tập trung trong cái tên "Thành Hoàng Diệu", đã chơi ngang ngửa với tuyển Yên Bái với tỷ số 2 - 2. Tiếp đội Công an Hà Nội với các danh thủ tiếng tăm như Bửu, Nghĩa, Nghẽn... đội bạn cũng chỉ thắng đội Yên Bái với tỷ số sát nút 2 - 1. Sau đó đội tuyển Yên Bái tiếp tục tiếp các đội bạn như BaTơ, Sinh viên Hà Nội, Tuyển Vĩnh Phúc, Sao đỏ Vĩnh Yên. Và chính dịp này, danh thủ Đỗ Văn Đại đã được mời về đá cho Đội Bộ Giao thông - Vận tải. Tài năng của anh tiếp tục được phát huy, rồi anh được khoác áo Đội Quân đội nhân dân Việt Nam trong giải bốn nước XHCN: Việt - Trung - Triều - Mông.
Cùng với sự lớn mạnh của đội tuyển Yên Bái, nền bóng đá Yên Bái những năm 1960 - 1964 không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Lực lượng vũ trang có các đội Z1, Trường Sơn, Hồng Hà với các danh thủ tiếng tăm như Khánh, Đại, Hồng, Thuận, Minh và tiền đạo Văn Khánh cũng đã được đội Thể công mời về đá cho họ. Trong các cơ quan có đội Đường sắt Yên Bái, Công nhân viên, Cơ khí, Thương nghiệp, Giao thông vận tải... Hợp tác xã có đội Cờ hồng, Thủ công nghiệp... các dàn cầu thủ trẻ đã tạo nên sự sôi động cho thể thao Yên Bái.
Bóng đá Yên Bái nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX đã sản sinh ra những đội bóng với bao cầu thủ danh tiếng, để hơn bốn chục năm sau, dù những đội bóng đá ấy, những danh thủ ấy, những tài năng ấy, vẫn trong trí nhớ bao người hâm mộ bóng đá Yên Bái và bạn bè xa gần.
Vũ Quang Trung (ghi)
Các tin khác
YBĐT - Thượng huyện Văn Chấn (Yên Bái) cuối đông. Trời xanh, nắng rất vàng. Thời tiết ấm dần. Thiên nhiên đang dịch chuyển, xuân cận kề lắm rồi.
YBĐT - Một ngày ở Bảo Hưng, tôi đã gặp những cô giáo sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này. Tôi đã nói chuyện với các thầy thuốc ở phòng khám khu vực. Họ đang trồng những cây thuốc nam để chữa bệnh cho người nông dân. Dưới tán lá màu xanh, tôi đã gặp mùa xuân trong ánh mắt nhân hậu của những y, bác sỹ, trong ánh mắt thơ ngây tuổi học trò của các trường tiểu học, trung học cơ sở và trường mầm non xã. Rời Bảo Hưng, tôi gặp sông Hồng. Trước dòng sông, mùa xuân đã đến rất gần. Đâu đó, tiếng bước chân rộn ràng của những người dân Bảo Hưng sau một ngày lao động đang trở về làng quê ấm áp của mình với ước mơ cuộc đời sẽ có nhiều thay đổi. Cuộc sống mới rõ là đang hiện sinh trên mảnh đất này.
YBĐT - Nậm Búng chính là nơi Lâm trường Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đóng bản doanh, đang thực hiện một dự án đầy triển vọng về cây chè Shan với diện tích 300 ha trên đất trống đồi núi trọc Gia Hội và Nậm Búng.
YBĐT - Người dân không có ruộng, cuộc sống cả nhà chỉ trông vào cây chè, ấy vậy mà hàng chục ha chè đang kỳ sung sức lại không có ai nhận, người dân trả chè cho Công ty chấp nhận đi làm cỏ, hái chè thuê cho người khác, dẫu rằng cuộc sống chẳng khá giả gì trong khi có rất nhiều người dân từ nơi khác đến ký hợp đồng nhận chăm sóc thu hái bán cho Công ty. Để tìm hiểu vấn đề trên chúng tôi đã về vùng chè Văn Hưng.