Làng bưởi bên dòng sông Chảy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trước mắt tôi là dòng sông Chảy. Một dòng sông xanh suốt bốn mùa soi bóng những hàng tre chạy dài theo bờ cát. Bên kia sông là một phần đất đai của tỉnh Phú Thọ, nơi nổi tiếng bởi những vườn cam đỏ rực ráng chiều. Bên này sông, cách ngã ba đường đi Thác Bà chừng 3km là làng Khả Lĩnh làng bưởi nổi tiếng của xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

Khách mua bưởi Khả Lĩnh ở chợ km4, thành phố Yên Bái. (Ảnh: H.N)
Khách mua bưởi Khả Lĩnh ở chợ km4, thành phố Yên Bái. (Ảnh: H.N)

Cây bưởi đã gắn bó với người dân nơi đây từ hàng trăm năm nay. Nhà nào cũng trồng bưởi, nhà ít vài, ba chục cây, nhà nhiều vài trăm cây. Bưởi Khả Lĩnh từ lâu đã là sản vật quý. Thời phong kiến các thương gia từ vùng xuôi Hà Nội, Hưng Yên đã từng cho thuyền ngược sông chảy, cập bến Khả Lĩnh mang bưởi ngon về cung tiến vua chúa và làm quà cho những người giàu sang vào dịp lễ, tết.

Vốn là dân gốc của hạ nguồn sông chảy, tôi đã từng lang thang ngày này qua ngày khác ở các vườn bưởi để thỏa thuê ngắm nhìn không chán mắt những cây bưởi quả sai lúc lỉu, xòa tán xuống mặt đất vào độ tháng 10. Tôi đã có những đêm trăng thao thức của mùa xuân, bởi mùi hương ngạt ngào, quyến rũ quện vào tóc, vào người từ những vườn bưởi trắng những hoa.

Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 7, tháng 8 âm lịch là các lái buôn đổ xô về Khả Lĩnh. Thông thường họ nhìn vườn đoán quả rồi mua vo. Nhiều nhà cần tiền bán non thì vườn bưởi mất giá đi một nửa. Vào dịp tết giá bưởi ở Khả Lĩnh vài năm trở lại đây cỡ 18 - 20 ngàn đồng/quả. Nhưng những lái buôn đặt mua vào tháng 7 khi da bưởi vẫn còn xanh thì chỉ 5 - 6 ngàn đồng/quả. Những năm được mùa, vườn bưởi nhà ông Doanh, ông Thức có tới hàng trăm gốc, thu hoạch ba, bốn chục triệu đồng là chuyện bình thường. Năm nay, bưởi Khả Lĩnh mất mùa, vườn nhà hai ông vẫn thu được trên 1.000 quả, mỗi nhà vài chục triệu. Nhờ bưởi mà dân Khả Lĩnh hầu hết có nhà xây.

Còn nhớ, cách đây 5 năm khi còn làm ở Đài Phát thanh - Truyền hình, tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng và quay phim những cây bưởi tổ trong vườn nhà ông Đức, bà Nhiễm ở đất Khả Lĩnh. Tiếng là 100 tuổi, nhưng thân cây chỉ bằng cột nhà bé, da xù xì và mốc, đó là biểu hiện của thứ bưởi lưu niên. Riêng cành lá càng lâu năm càng xum xuê, nhiều tán, nhiều nhánh, cành vươn xa đến đâu bưởi kết trái ở đó. Vào những ngày tháng 8 nhìn những quả bưởi vàng ươm, chen chúc nhau đung đưa dưới nắng bởi những cơn gió nhẹ làm du khách không khỏi thích thú.

Bưởi Khả Lĩnh khi ăn, người ta có cảm giác ngọt mát, thoang thoảng mùi thơm dễ chịu. Quả thì vỏ rất mỏng, múi bao giờ cũng mọng nước, tôm róc, chua thì rất dịu, ngọt thì mát thấu tâm can, không đắng, không he mới mê lòng. Người dân nơi đây khi hái bưởi xong thường hay bôi vôi vào cuống hoặc cho vào túi ni lông buộc chặt để giữ cho bưởi tươi lâu từ đầu vụ đến cuối vụ.

Nhiều lần xuôi Hà Nội, qua ngã ba Cát Lem, giữa một chợ bưởi với hàng chục quầy hàng bày bán la liệt, muốn chọn bưởi Khả Lĩnh để làm quà cho người  thân thật khó. May là tôi sinh ra từ đất bưởi nên cũng biết chọn, cứ nhìn quả bưởi nào không to, thân hơi dẹt, màu vàng điểm những chấm xám, cầm lên tay thấy nặng và mát, núm nhỏ chắc chắn đấy là bưởi Khả Lĩnh. Người mua không tinh, dễ bị bưởi không ngon ở các nơi trà trộn.

Nguồn thu nhập chính của dân Khả Lĩnh bây giờ nhờ cây bưởi. Những vườn bưởi nổi tiếng không chỉ ở Khả Lĩnh mà còn cả những làng khác ở Đại Minh. Điển hình như nhà ông Tân ở thôn Quyết tiến có tới vài trăm gốc bưởi. Nhờ bưởi mà ông đã nuôi được 4 đứa con theo học đại học. Nhờ bưởi, gia đình ông khá sung túc với các tiện nghi đắt tiền giống như nhiều gia đình ngoài phố. Cây bưởi bây giờ đang trở thành cây trồng chủ lực ở cả 10 thôn của xã Đại Minh.

Người ta bảo, bưởi là loại cây lâu niên cũng không sai, bởi vì một cây bưởi từ lúc trồng tới lúc trở thành hàng hóa ít cũng phải 15 năm, lâu phải 20 năm trở lên mới cho những trái bưởi thực sự ngon. Giống bưởi tơ độ 5 năm, quả to trông rất đẹp nhưng xốp, tôm lại khô, chạm vào lưỡi vừa he, vừa đắng, đem cho đã khó nói chi là bán. Những vườn bưởi đẹp ở Khả Lĩnh thường rơi vào những ông chủ nói chuyện hay, có tâm hồn như ông Doanh, ông Đức. Khách đến mua bưởi là biết đủ thứ chuyện của làng. Có lần vui chuyện, ông anh họ tôi từng làm Bí thư xã Đại Minh bảo: Khách đến tham quan đình Khả Lĩnh vào mùng 10 tháng giêng hàng năm ai cũng trầm trồ khen những vườn bưởi đẹp mắt, nhiều du khách còn chụp ảnh dưới tán bưởi làm kỷ niệm. Nhưng ít ai biết rằng để có được những cây bưởi đẹp thì đời ông phải trồng cho đời cháu, ít nhất đời bố trồng, đời con hưởng.

Và cũng vì vậy, bưởi là thứ cây phải biết chờ đợi. Ngày xưa, các cụ trồng bưởi là để ăn, để thờ, để biếu chứ mấy ai nghĩ đến bán. Bây giờ khi bưởi có giá trị hàng hóa, trở thành cây kinh tế thì nhà nhà trồng bưởi, người người trồng bưởi. Trồng ồ ạt quá, nhiều khi được phong trào chứ ít hiệu quả.

Hồi còn nhỏ, tôi đã từng theo bác tôi đi chiết bưởi để trồng, sau khi cắt vỏ, cạo mùn những cành bưởi có tuổi 25 - 30 năm trở lên, ông khéo léo vắt lên chỗ cắt lớp bùn non trộn với rơm nhão bọc lấy thân bưởi, rồi ngay sau đó ông dùng chiếu rách hoặc lá cọ bó chặt chờ đến khi cành bưởi ra rễ vàng mới đem trồng. Thông thường bưởi được trồng vào mùa xuân. Từ ngày cây bưởi lên ngôi, nhà nào ở Khả Lĩnh cũng chiết cành để bán. Có nhà bán đến 4.000 cành thu tới vài chục triệu. Chạy theo lợi nhuận nhiều người đã chiết cả bưởi tơ, bưởi xấu để bán. Điều này thật nguy hại, vì những loại bưởi này khi ra quả không còn giữ được vị ngon như bưởi gốc.

Bưởi tiếng là loài cây có giá trị kinh tế, nhưng lại là cây khó tính, trồng đã khó, chăm sóc càng khó hơn. Dân làng bưởi lúc vui thường nói đùa với nhau: Bưởi là loài cây chỉ ưa thuốc nam chứ thuốc tây là kị. Chả là, phân bón cho loại cây trồng này chủ yếu phải là phân chuồng, phân xanh hoặc mùn rơm. Còn phân hóa học thì coi như là hủy diệt bưởi.

Người trồng bưởi không phải lúc nào cũng thuận, không phải bao giờ bưởi cũng được mùa. Ví như năm nay chẳng hạn, giá bưởi rất cao, ngày áp tết lên tới 20 ngàn đồng/quả nhưng không có bán, vì năm nay bưởi mất mùa. Vườn  nhiều cũng chỉ thu được khoảng hơn 1.000 quả, vườn ít chỉ vài trăm quả. Vì thế dân trồng bưởi nhiều khi cũng thăng trầm như chính cuộc đời họ. Đã không ít người dân ở đây có ý định phá bưởi. Nhưng phá bưởi rồi sẽ trồng cây gì thì quả là một bài toán khó.

Trong ký ức tôi ngày bé khi chưa có Nhà máy Thủy điện Thác Bà, dòng sông Chảy vào mùa nước lũ, đã đem phù sa từ thượng nguồn bồi đắp cho làng bưởi. Vì thế bưởi ở đây xanh tốt quanh năm. Mùa nào cũng trĩu quả. Còn bây giờ thổ nhưỡng ở đây hình như cũng đang bị tàng kiệt. Có cách nào để làm cho bưởi Khả Lĩnh đẹp và ngon mãi như đất trời đã ban tặng? Nhiều khi tôi đã tự hỏi: Liệu có một nhà khoa học nào tìm đến đất này để chia sẻ với người nông dân đang một nắng hai sương đồng hành cùng cây bưởi?

Trước tết năm nay, tôi đã về Khả Lĩnh men theo dòng sông Chảy, thả mắt ngắm nhìn những vườn bưởi sắp bung hoa đón xuân mà lòng thầm ước ao giá như đất quê mình năm nào cũng mưa thuận gió hòa để những trái bưởi ngọt ngào từ Khả Lĩnh Chang sẽ theo bước chân các thuyền buôn đến với mọi miền quê. Bưởi Khả Lĩnh đã được nhiều người biết đến. Nhưng trước khi để nó trở thành thương hiệu thì Khả Lĩnh phải có nhiều bưởi, mới đủ cung cấp cho thị trường. Hơn 100 năm, Khả Lĩnh mới có 3 cây bưởi tổ ngon nhất vùng. Giá như số cây bưởi có tuổi thọ cao nhiều như cây chè tuyết Suối Giàng thì sung sướng biết bao!
Bưởi Khả Lĩnh năm nay thật quý  nhưng mà hiếm quá. Sang xuân rồi lại sắp đến mùa hoa bưởi.

Chia tay với dòng sông Chảy, thấp thoáng trong tôi những vườn bưởi còn thơm trái ngọt, vương vấn mãi những kỷ niệm của tuổi học trò bởi câu thơ thật hay của nhà thơ Phạn Thị Thanh Nhàn: “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”. Đúng là tôi đã thật sự bối rối, mỗi lúc đi xa, mỗi lần gặp lại làng quê và sông nước nơi đây. Bất giác tôi thầm ao ước và tin rằng: Đất này vẫn là đất ngàn năm của bưởi.

Ngọc Chấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục