Gần lắm Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tôi khẳng định điều ấy là sự thật. Không tin bạn cứ thử một lần đến Chế Tạo xem! Xưa, nói đến Chế Tạo, ngay Mù Cang Chải (Yên Bái) nhiều người còn chưa chắc đã biết nhưng hôm nay, đến cả người Hà Nội cũng đã đi xe máy vào tận bản của Chế Tạo để xem rừng nguyên sinh, xem vượn đen có trong sách Đỏ và...xem người Mông của 7 thôn, bản đang nô nức sắm xe máy xuống phố huyện chơi Tết...

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) được bảo vệ phát triển tốt.
Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) được bảo vệ phát triển tốt.

Tết dân tộc trên thị trấn vùng cao Mù Cang Chải vui như trảy hội. Sầm uất nhất, náo nhiệt nhất có lẽ vẫn là khu mua bán tại chợ trung tâm. Người Mông, người Thái cả 14 xã, thị trấn trong huyện kéo về lục tục từ lúc con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy. Đứng bên những chú ngựa thồ nặng trĩu nông sản, bờm còn thẫm sương mai là những tiếng mặc cả bán, mua lơ lớ, những mắt cười lúng liếng trao duyên của trai gái các bản gần xa. Ngay đầu chợ, gần sát dịch vụ bán xe máy cơ man nào là người. Chỗ thì túm lại bên chiếc xe mới mà nhìn, ngắm, bàn tán râm ran vẻ rất mãn nguyện. Chỗ lại ríu rít dô hò bên tô phở nóng. Các bà, các chị xúng xính trong bộ váy áo mới mà tay vẫn không ngừng se lanh, không ngừng thêu thùa, thỉnh thoảng họ dừng lại để quát mắng lũ trẻ quậy phá trong đám đánh quay...Bất chợt âm thanh ấy gần như dừng hẳn, nhường chỗ cho những tiếng động cơ xe gắn máy nổ giòn giã từng chiếc, từng chiếc nối đuôi nhau từ trên triền núi của xã Kim Nọi xuống chợ một cách mau lẹ, chắc chắn.

Mùa A Sình-anh người bạn Mông trong chuyến công tác cùng tôi vỗ tay đôm đốp, nhảy cẫng như trẻ nhỏ:"Dân Chế Tạo đi xe máy xuống chợ sắm tết đấy. Vui chưa? Hoành tráng chưa?" rồi Sình gật gù: "Có đường sướng thật!". Hỏi không vui sao được khi ước mơ của người dân xã xa nhất ở huyện vùng cao này đã trở thành hiện thực? Từ chỗ đi về phải mất 4 ngày, thì nay có con đường của Đảng, chỉ cần hơn hai giờ đồng hồ là các chàng trai người Mông có thể hẹn hò nhau tại chợ mà nhâm nhi bầu rượu xuân. Bức tranh nông thôn vùng cao vừa hiện đại, chân thực lại vừa mang đậm nét văn hóa dân tộc ấy có được là thành quả của cả một năm phấn đấu ra sức thi đua lao động, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của cả Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải.

Theo Mùa A Sình vào Chế Tạo mới biết vui nhất hôm nay vẫn chưa phải là những hộ vừa mua xe máy mới, đắt tiền và "đập hộp" như người dân các bản kháo nhau mà là anh Sùng A Tủa-người đã mua được xe máy cách đây gần chục năm. Từ năm 2000 về trước người dân ở trung tâm huyện cũng như đồng bào Mông ở xã Kim Nọi đã quen với hình ảnh một người đàn ông ngoài bốn mươi, dáng mập mạp, thấp, đậm với chiếc quần đen ống rộng thùng thình, cổ quàng khăn thổ cẩm nhưng rất nhanh nhẹn và thoải mái cưỡi chiếc Win 100 với một cặp da đen to kềnh, chằng chặt chẽ phía sau, gập ghềnh trên lưng chừng núi "phi" xuống huyện họp. Người đàn ông đó là Sùng A Tủa-nguyên Chủ tịch UBND xã Chế Tạo.

Trong ngôi nhà lợp gỗ thông đen bóng của bản Tà Sung, A Tủa tâm sự: "Đó là những ngày chưa có con đường về bản, mà đường từ xã về huyện quá dài, lại khó đi nên mình nghĩ dù phải gửi nhờ những nhà dân ở giữa đường cũng phải cố gắng mua một chiếc xe máy về huyện cho tiện". Thế là chiếc Win 100 đầu tiên được A Tủa mua với giá 9,5 triệu đồng của Chế Tạo có mặt từ ngày đó. Mang tiếng là có xe máy nhưng người cán bộ xã này cũng phải xuyên rừng, lội suối ngót nghét ba chục cây số cuốc bộ để tới được chỗ gửi xe nhờ gần Kim Nọi mới có cơ hội cưỡi ngựa sắt xuống thị trấn.

-Đỡ được cả chục cây số cũng còn hơn là đi bộ, đúng không nhà báo?  - A Tủa cười vang và khoái chí hỏi lại tôi.

-Ồ, đúng quá đi chứ! Nhưng nếu không có đường, anh định cứ gửi nhờ xe mà đi bộ mãi như thế à?

-Bộ là bộ thế nào? Mơ ước có đường ô tô vào được Chế Tạo lúc đó đâu phải của riêng mình mà của cả hàng trăm hộ đồng bào trong xã.

Rồi Sùng A Tủa kể lại cho tôi nghe chuyện người Mông từ các bản: Tà Dông, Nà Háng, Pú Vá, Tà Sung cho tới hai bản xa nhất là Kể Cả và Háng Tày nằm cách trung tâm xã hơn 20 km đã khắc phục mọi khó khăn để làm đường ra sao; chuyện nhà nhà mang cơm nắm, măng ớt, nồi xoong và...địu con nhỏ đi theo tuyến, bám đường, xả taluy làm đường cả tháng không về nhà như thế nào. Rồi chuyện những dòng họ, những gia đình người Mông huy động cả ba thế hệ đông tới hàng chục lao động đi làm thì mới có con đường về xã được như hôm nay. Và A Tủa cứ nói mãi về chuyện nhờ có đường mà cuối tháng 12 năm ngoái có 2 thanh niên Hà Nội đã vượt hàng trăm cây số đi xe máy vào tận Chế Tạo này để tìm hiểu về loài vượn đen trong khu bảo tồn thiên nhiên của xã. Có đường đã khó nhưng giữ được đường còn khó hơn rất nhiều lần.

 

Vợ chồng ông Sùng A Tu, bản Tà Sung (Chế Tạo) xuống chợ trung tâm huyện sắm đồ đón tết.

Hơn ai hết, người Mông ở Chế Tạo quý con đường này lắm. Họ chia lao động, chia nhân công ra sẵn sàng bảo vệ, tu sửa đường khi mưa rừng đổ xuống. Họ tích cực giám sát các đơn vị thi công trên những tuyến, những đoạn đường được kiên cố hóa từ nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ. Họ gánh, họ vác, thậm chí cả khiêng cả chục bao xi măng trên hai chiếc cáng tre vượt dốc cứ phăm phăm giúp công nhân trộn vữa để xây cống, rãnh mà không biết mệt. Vì với người dân Chế Tạo-con đường nối dài no ấm này đã như là tri âm, tri kỷ.

Mơ ước đã trở thành hiện thực! Hôm nay đường về Chế Tạo đã gần lại hơn bởi 6/7 thôn, bản của Chế Tạo bà con đã mở được đường cho xe máy về tận nơi. Chế Tạo không còn xa cách nữa bởi tuyến đường gần 40km từ Trung tâm huyện vào xã hoàn thành đã giúp đồng bào Mông về huyện giao lưu, buôn bán được dễ dàng hơn. Cụ Giàng Pàng Sinh năm nay đã gần 70 tuổi-nhà ở bản Chế Tạo cười móm mém: "Có đường là dân không di cư nữa đâu. Nhà tôi, con cháu cũng đổi trâu lấy xe máy mà đi, đến nay nhà cũng mua được 3 chiếc xe rồi!".

Cụ Sinh còn cho biết, nhà già làng Sùng Vảng Dơ ở trên bản Tà Dông cũng mua được 2 xe máy nên vừa rồi lần đầu tiên trong đời cả hai cụ được con cháu đưa về huyện bằng xe máy, thấy hạnh phúc lắm. Nụ cười hạnh phúc ấy, chúng tôi bắt gặp nhiều lắm trên các thôn gần, bản xa của vùng sâu Chế Tạo. Hạnh phúc ấy là lời nói lạc quan, tin tưởng của Sùng A Sào-Trưởng bản Chế Tạo: "Có bao nhiêu xe máy á? Ồ! Chẳng tính được đâu. Mình tính số hộ không có xe trong bản nhé: 1 hộ này, 2 hộ này. Chà! Bản có 70 hộ thì nay chỉ còn khoảng 5-6 hộ chưa mua được xe máy thôi.

Cả xã tính đến nay được trên 120 xe thì sang năm mới chắc chắn phải có thêm vài chục xe nữa". Được biết, chiếc xe đắt nhất đồng bào Chế Tạo đã mua tới giá 27 triệu, còn lại phần lớn là xe có trị giá từ 10-16 triệu đồng. Ngay cả Sùng A Tủa giờ không phải gửi xe giữa đường nữa nên cũng đã đổi chiếc xe 9,5 triệu lấy xe "xịn" hơn với giá 14 triệu để đi về tận nhà cho tiện rồi.

Chia tay Chế Tạo khi cái giá lạnh của mùa đông đã dần tan, những bông hoa Tớ Dày hồng rực trên nương, trên rẫy báo hiệu mùa xuân về. Chia tay 254 hộ đồng bào dân tộc Mông nơi vùng sâu xa nhất của Mù Cang Chải, lòng thầm hứa với người dân Nà Háng-thôn xa nhất cuối cùng của xã đang làm đường cho xe máy về bản rằng "sẽ tới thăm vào một ngày gần nhất" vì giờ đây Chế Tạo không còn xa cách nữa.

                                      Thanh Hương - Chế Tạo, Xuân Mậu Tý

Các tin khác
Hoa Tớ dảy trên núi rừng Mù Cang Chải.

YBĐT - Cách đây mấy năm, tôi được xem tập tranh ảnh, đầu đề "Những kỳ quan của Châu Á chúng ta". Trong những kỳ quan ấy, có ruộng bậc thang ở Phi-lip-pin. Nhờ lao động cần cù, họ đã tạo ra được 22.500 cây số vuông ruộng bậc thang. Khách du lịch khắp thế giới thường đến xem quang cảnh hùng vĩ ấy. Tôi nhớ ngay đến ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và thầm mong ước một ngày nào đó, ở đây được công nhận là di sản.

Căn nhà mới của đồng bào Thái xã Tú Lệ (Văn Chấn).
(Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Tết Mậu Tý này, ngoài quà tặng dành cho các đối tượng chính sách của Chủ tịch nước, tỉnh Yên Bái sẽ tặng 122 suất quà trị giá 200.000đ/suất cho 122 thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cánh mạng và 790 suất quà trị giá 100.000đ/suất cho những gia đình chính sách khó khăn; 13 gia đình quân nhân đang công tác tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và đảo Trường Sa với mức 200.000đ/suất.

Khách mua bưởi Khả Lĩnh ở chợ km4, thành phố Yên Bái. (Ảnh: H.N)

YBĐT - Trước mắt tôi là dòng sông Chảy. Một dòng sông xanh suốt bốn mùa soi bóng những hàng tre chạy dài theo bờ cát. Bên kia sông là một phần đất đai của tỉnh Phú Thọ, nơi nổi tiếng bởi những vườn cam đỏ rực ráng chiều. Bên này sông, cách ngã ba đường đi Thác Bà chừng 3km là làng Khả Lĩnh làng bưởi nổi tiếng của xã Đại Minh, huyện Yên Bình.

Đội tuyển Yên Bái năm 1960. (Ảnh: Lê Gia Huấn)

YBĐT - Năm 1935, Mặt trận nhân dân thắng thế ở Pháp, ít nhiều có những chính sách "cởi mở" hơn đối với các nước thuộc địa và cũng có tác động đến mảnh đất Yên Bái xa xôi, hẻo lánh này. Vườn hoa, nhà Kèn được xây dựng. Doanh trại lính Âu Phi đang đóng giữ trung tâm thị xã được rời đi để làm sân vận động, dân quen gọi là sân Căng. Chánh sứ Yên Bái thành lập hai đội bóng đá đầu tiên của người Pháp là Đội Trung đoàn lê dương số 5 và đội "Con ma xanh". Hai đội đã có nhiều trận đấu giao hữu với các đội lính Pháp từ Việt Trì, Phú Thọ lên; Tuyên Quang sang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục