Vùng cao yêu dấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ấn tượng đầu tiên là con đường lên vùng cao mùa khô này đẹp quá, những cánh rừng keo, thông... hai bên đường cây nào trông cũng vạm vỡ, tán lá xanh um, ngun ngút trải dài. Những vạt ruộng bậc thang trên các sườn đồi Cao Phạ, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha... đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia khiến hồn tôi lâng lâng. Thi thoảng lại bắt gặp những vườn cam, vườn hồng sai quả, vàng ươm màu lửa khiến người đi quên cả cái rét chiều miền sơn cước.

Phố huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tiến Quân)
Phố huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tiến Quân)

Có lẽ đã ngót 10 năm, tôi mới trở lại hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu (Yên Bái). Ấn tượng về chuyến đi cách đây 10 năm, khiến tôi không khỏi ngại ngần khi lên đường giữa những ngày đông giá lạnh vì trước đây đi phải mất một ngày rưỡi, hành khách phải nghỉ lại qua đêm ở Nghĩa Lộ, sáng hôm sau mới đi tiếp. Nhưng lần này thì khác. Ấn tượng đầu tiên là con đường mùa khô này đẹp quá, đường trải nhựa, bằng phẳng, không có ổ gà và khá rộng rãi. Mật độ xe, người lưu thông trên đường đã nhiều hẳn lên. Dọc đường đi qua nhiều cụm dân cư đông đúc, có đầy đủ các cửa hàng, cửa hiệu, chợ búa. Những cánh rừng keo, thông... hai bên đường cây nào trông cũng vạm vỡ, tán lá xanh um, ngun ngút trải dài. Những vạt ruộng bậc thang trên các sườn đồi Cao Phạ, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha... đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia khiến hồn tôi lâng lâng. Thi thoảng lại bắt gặp những vườn cam, vườn hồng sai quả, vàng ươm màu lửa khiến người đi quên cả cái rét chiều miền sơn cước.

Qua khỏi Púng Luông, trời đã bắt đầu ngả tối, tôi xem đồng hồ, mới chỉ có 17 giờ. Đến cổng Trường nội trú, người lái cho xe chạy chậm. Tôi đã nhận ra những khuôn mặt thân quen. Không phải một mà tới 4 đến 5 em – những người học trò cũ, những sinh viên cũ của tôi: Ngô Thị Quỳnh, Đặng Thùy Mai, Mùa Thế Quỳnh, Giàng A Khua, Sùng A Sàng, Hà Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Loan... Hôm nay, họ đã là những thầy cô giáo của Mù Cang Chải. Thầy trò cũ gặp nhau tay bắt, mặt mừng, vui như người trong gia đình lâu ngày gặp lại. Quỳnh thay mặt các bạn nói với tôi: “Em đã báo tin thầy lên cho các bạn cùng lớp biết. Chúng em làm cơm rồi, thầy rửa mặt, rồi chuẩn bị ăn cơm”. Hai chiếc chiếu trải ra kín cả căn phòng. Thầy, trò ngồi xếp vòng tròn quanh mâm cơm có nhiều món ăn và được chế biến khá công phu. Tôi uống lần lượt với từng em, mỗi em một ly rượu nhỏ. Tôi thấy quên cả mệt, cả đói, cả rét. Các em hỏi tôi “Thầy có thấy rét không?”. Một tứ thơ bật lên trong tôi thay cho câu trả lời:

Giữa ngày lạnh đi Mù Cang Chải
Bạn bè khuyên mang áo ấm cho nhiều,
Túi căng chật toàn những đồ chống rét
Mà trên này đâu thấy có “mùa đông”!

Những ngày ở trên Mù Cang Chải, tôi đến được hai trường trung học cơ sở: Chế Cu Nha và Khau Mang. Mười năm trước, tôi đã lên Trường Chế Cu Nha, lúc đó chỉ là trường tiểu học có 2 lớp ghép, ở trên bản, từ đường cái lên, đi chừng mất gần 2 giờ. Trường là mấy gian nhà gỗ, cột chôn, vách nứa, chênh vênh ở sườn đồi, có hai cô giáo. Sáng ra nhìn cảnh học sinh đến lớp, nhìn cô giáo lưng địu con vẫn dậy được cả bốn lớp một lúc mà ngao ngán cho cái sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Bây giờ, Trường Chế Cu Nha đã chuyển xuống gần đường, đã tách thành Trường trung học cơ sở và Trường tiểu học. Đã có một nhà xây cao tầng theo chương trình kiên cố hóa trường học miền núi, đang chuẩn bị xây thêm một nhà nữa cho Trường trung học cơ sở và nhà ở cho giáo viên. Chế Cu Nha đã có trường trung học cơ sở, lại  còn trong quy hoạch là trường chuẩn quốc gia - điều mà trong chuyến đi trước đây có giàu trí tưởng tượng lắm tôi cũng không dám nghĩ tới.

Tôi vào dự một tiết dạy của thầy Giàng A Khua, người Mông chính gốc Chế Cu Nha. Đó là một tiết dạy Lịch sử. Thầy và trò làm việc sôi nổi, cũng tổ chức hoạt động nhóm, học sinh cũng thuyết minh diễn biến trận đánh trên bản đồ rất lưu loát. Nếu không phải là đang ngồi ở đây, trong lớp học ở Trường Chế Cu Nha này, chỉ nghe qua băng ghi âm thôi thì khó mà biết đó là một tiết dạy của một thầy giáo người Mông với các học sinh người Mông trên bản Chế Cu Nha. Qua tiết dạy ấy tôi nghĩ việc xây dựng Chế Cu Nha là trường chuẩn quốc gia của giáo dục vùng cao là hoàn toàn có cơ sở. Ở đây còn nhiều người dạy tốt hơn thầy Khua, nếu họ được quan tâm đúng mức để yên tâm ở lại với giáo dục vùng cao.

Mù Cang Chải đang sở hữu một đội ngũ giáo viên trẻ, được đào tạo tốt, có trình độ chuyên môn vững và rất có nhiệt huyết của tuổi trẻ, vấn đề là phải làm sao khai thác được hết những tiềm năng ấy.

Buổi chiều cùng ngày, tôi ngược lên Trường Khau Mang. Năm xưa Khau Mang đã khá rồi, trường gần đường, nhà cột xi măng, lợp prô xi măng, có khu tập thể giáo viên, có nhà ở cho học sinh bán trú. Buổi tối học sinh đã tự học, buổi sáng đã tập thể dục. Đã nghĩ Khau Mang bây giờ chắc thay đổi nhiều lắm, nhưng lên đến nơi tôi vẫn vô cùng ngỡ ngàng. Một Khau Mang hoàn toàn khác xưa quá nhiều, Khau Mang hôm nay như một thị tứ vậy. Những thầy cô giáo cũ của Khau Mang hôm nay đều có một chỗ “an cư” để “lạc nghiệp”, ai cũng khỏe khoắn, vui vẻ và tự tin. Chất lượng giáo dục của Khau Mang cũng rất đáng phấn khởi.

Hai ngày ở Mù Cang Chải là một thời gian quá ngắn, làm sao tới hết được những nơi mà tôi muốn đến. Còn Lao Chải, Hồ Bốn, còn cả Chế Tạo xa xôi bao lần hò hẹn. Tôi biết, ở những nơi ấy, các trường, lớp cũng đã khá lên nhiều. Giáo dục Mù Cang Chải đang khởi sắc. Những thầy cô nơi này đã được dạy học thực sự sẽ là những người đưa giáo dục Mù Cang Chải ngày một đi lên.

Chia tay với Mù Cang Chải, sáng hôm sau tôi lên đường đi Trạm Tấu. Đường đi Trạm Tấu không rộng bằng đường đi Mù Cang Chải, cũng nhiều cua hơn, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, nhưng được cái phẳng phiu. Hồi năm 1997 chưa có xe khách, tôi phải đi xe ôm vào Trạm Tấu với giá 70 ngàn đồng, to bằng mấy lần 70 ngàn đồng bây giờ. Mà cũng chỉ có những tay lái “Min” cứng và liều mới dám đi. Còn bây giờ thì cưỡi trên “con” xe 24 chỗ ngồi, tha hồ ngắm cảnh. Nhìn người lái xe đánh tay lái lượn những vòng cua rất điệu nghệ như một nghệ sỹ, tôi nghĩ chắc là anh phải thân thuộc con đường này lắm và cũng chỉ một giờ sau, tôi đã có mặt ở Trạm Tấu.

 

Sương sớm vùng cao. Ảnh: Thành Trung

Một ngày ở Trạm Tấu, tôi đến được hai trường Bản Công và Xà Hồ. Trường tiểu học Bản Công cách huyện mấy giờ đi bộ. Hơn mười năm trước đó là một trường lớp ghép, nhà gỗ cột chôn, thấp lè tè, không có phên che, bàn ghế bằng những tấm bìa gỗ của thợ xẻ bỏ đi. Đang mùa làm nương, học sinh đến lớp đeo theo cả “lù cở” đựng đầy những đồ đi nương. Buổi học diễn ra chưa được 2 tiếng, còn phải để thời gian cho các em đi nương. Đó là Bản Công của năm 1997, còn nay từ cơ sở vật chất, trường, lớp đến thầy, trò chưa thể nói đã là thật mãn nguyện, nhưng đã là một nhà trường theo đúng nghĩa của nó.

Trường Xà Hồ nằm trên một doi đất ven đường, cũng đã có 2 căn nhà xây cao tầng, phòng học khang trang, phòng làm việc của giáo viên đầy đủ bàn ghế. 9 giờ sáng. Một không khí dạy học thực sự nghiêm túc. Các thầy cô đang say sưa giảng bài. Về phòng hội đồng, tôi nói với thầy Tuấn – Phó hiệu trưởng nhà trường: “Trường thế này là lớn quá rồi, chỉ tiếc không gian hơi chật một chút”. Thầy Tuấn nói: “Đây đâu chỉ có trường em, còn có cả Trường mầm non nữa. Ở trên này tìm được một mặt bằng rộng làm nhà trường khó lắm, nếu muốn xây thêm thì phải dời đi chỗ khác”. Nghe thầy Tuấn nói thế, tôi đùa:
-Vậy là trường “3 trong 1” à? (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Thế thì cũng tiện chứ sao!

Nói thế cho vui thôi, quả đúng là ở một nơi như Trạm Tấu, đất rừng mênh mông đấy, nhưng tìm được mặt bằng, lại ở gần cụm dân cư để làm trường thật là khó, đòi hỏi những tiêu chí diện tích nhà trường như ở nơi khác thì đúng là đánh đố. Có lẽ các nhà quản lý giáo dục cũng phải có một cái nhìn biện chứng với thực tế này.

Buổi trưa hôm đó, tại nhà thầy Tuấn có một cuộc gặp gỡ thầy trò nhiều thế hệ, thật là vui vẻ. Tửu lượng của tôi chỉ một chút, nhưng lên vùng cao “chén rượu là đầu câu chuyện”, thay cho lời mừng, lời chúc thì sao mà lại không uống, nhất là nhìn những gương mặt thân yêu, chân chất, nồng hậu thế kia...

Tạm biệt Trạm Tấu; tạm biệt Mù Cang Chải; tạm biệt những ngôi trường vùng cao, những thầy cô giáo, những học sinh vùng cao yêu dấu, tôi đã trở về thành phố của mình. Tôi hoàn toàn không ảo tưởng rằng ở trên Mù Cang Chải, ở Trạm Tấu sẽ hơn ở thành phố này nhưng cũng phải thú thật rằng ở đó tôi có được những điều bổ ích cho tâm hồn mình, điều mà không thể tìm kiếm được ở chốn phồn hoa đô hội. Tôi sẽ không bao giờ quên, không thể nào quên những miền quê núi ấy, những ngôi trường núi và những thầy cô, học trò trên núi ấy. Lúc này đây trong tôi lại hiển hiện lên chén rượu ở Xà Hồ:

Cầm lên tay sóng sánh lời của núi
Núi ngấm vào tôi, tình ấm cuộc đời.
Thành phố Yên Bái, một ngày đầu xuân

   Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng. (Ảnh: P.V)

YBĐT - Nằm trên dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là nơi cư trú của đồng bào Mông, nơi vừa có cảnh quan hấp dẫn, vừa có nền văn hóa phong phú đa dạng với nhiều nét đặc trưng đặc sắc của vùng cao.

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) được bảo vệ phát triển tốt.

YBĐT - Tôi khẳng định điều ấy là sự thật. Không tin bạn cứ thử một lần đến Chế Tạo xem! Xưa, nói đến Chế Tạo, ngay Mù Cang Chải (Yên Bái) nhiều người còn chưa chắc đã biết nhưng hôm nay, đến cả người Hà Nội cũng đã đi xe máy vào tận bản của Chế Tạo để xem rừng nguyên sinh, xem vượn đen có trong sách Đỏ và...xem người Mông của 7 thôn, bản đang nô nức sắm xe máy xuống phố huyện chơi Tết...

Hoa Tớ dảy trên núi rừng Mù Cang Chải.

YBĐT - Cách đây mấy năm, tôi được xem tập tranh ảnh, đầu đề "Những kỳ quan của Châu Á chúng ta". Trong những kỳ quan ấy, có ruộng bậc thang ở Phi-lip-pin. Nhờ lao động cần cù, họ đã tạo ra được 22.500 cây số vuông ruộng bậc thang. Khách du lịch khắp thế giới thường đến xem quang cảnh hùng vĩ ấy. Tôi nhớ ngay đến ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và thầm mong ước một ngày nào đó, ở đây được công nhận là di sản.

Căn nhà mới của đồng bào Thái xã Tú Lệ (Văn Chấn).
(Ảnh: Đức Hồng)

YBĐT - Tết Mậu Tý này, ngoài quà tặng dành cho các đối tượng chính sách của Chủ tịch nước, tỉnh Yên Bái sẽ tặng 122 suất quà trị giá 200.000đ/suất cho 122 thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cánh mạng và 790 suất quà trị giá 100.000đ/suất cho những gia đình chính sách khó khăn; 13 gia đình quân nhân đang công tác tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và đảo Trường Sa với mức 200.000đ/suất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục