Yên Bái: Vì sao nhiều học sinh THPT- THCS bỏ học?
- Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ đầu năm học 2007- 2008, đến sau tết Nguyên đán Mậu Tý, tình trạng học sinh bậc trung học phổ thông và học sinh trung học cơ sở ở 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã bỏ học khá nhiều; có trường số học sinh bỏ học tới trên 10%. Vì sao học sinh THPT và THCS bỏ học nhiều? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã đến một số trường học, các đơn vị quản lý giáo dụ, gặp gỡ các nhà quản lý giáo dục và học sinh, phụ huynh học sinh... tìm hiểu nguyên nhân.
Do HS lớp 10A6, Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến bỏ học quá nhiều nên nhà trường phải ghép lớp 10A6 và lớp 10A7 thành một lớp.
|
Từ những con số không vui...
Khi không khí ngày khai giảng năm học mới 2007- 2008, tại các trường THPT và THCS trong tỉnh vẫn còn “nóng”, thì đã có tình trạng học sinh ở một số trường THPT và THCS trong tỉnh bỏ học rải rác. Theo số liệu của Phòng Phổ thông (Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh), tính đến thời điểm hết học kỳ I, toàn tỉnh có 1.077 học sinh bậc THPT bỏ học. Trong đó, Trường THPT bán công Hồ Tùng Mậu (Lục Yên) đã có 160 học sinh bỏ học; Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến (Văn Yên), đã có 78 học sinh bỏ học; Trường liên cấp II- III Trạm Tấu có 75học sinh bỏ học; Trường THPT Văn Chấn có 102 học sinh bỏ học; Trường liên cấp II- III Cảm Nhân (Yên Bình) có 94 học sinh bỏ học; Trường THPT Sơn Thịnh (Văn Chấn) có 43 học sinh bỏ học; Trường THPT Lê Quý Đôn (Trấn Yên) có 44 học sinh bỏ học; Trường THPT Mù Cang Chải có 31 học sinh bỏ học; Trường THPT bán công Phan Bội Châu (thành phố Yên Bái) có 35 học sinh bỏ học; Trường THPT bán công Nguyễn Trãi (thị xã Nghĩa Lộ) có 23 học sinh bỏ học...
Đến hết học kỳ I, bậc THCS có 818 em, trong đó huyện Văn Yên có 113 em; Trấn Yên có 83 em; Văn Chấn có 185 em; Lục Yên có 140 em; Mù Cang Chải có 136 em; Trạm Tấu có 10 em; thành phố Yên Bái có 22 em và thị xã Nghĩa Lộ có 33 em... Sau tết Nguyên đán học sinh THCS và THPT vẫn tiếp tục bỏ học. Trường THPT bán công Nguyễn Trãi ( thị xã Nghĩa Lộ) có 14 em; Trường liên cấp II- III Cảm Nhân (Yên Bình) có 35 em, trong đó học sinh THPT có 24 em và THCS là 11 em; Trường Liên cấp II- III Hưng Khánh (Trấn Yên) có 5 em; huyện Mù Cang Chải có thêm 24 học sinh THCS bỏ học; Văn Yên có thêm 19 học sinh THCS bỏ học...
... đến nguyên nhân học sinh bỏ học...
Theo ông Nguyễn Văn Lưỡng- Phó trưởng phòng Phổ thông (Sở Giáo dục- Đào tạo) thì có 3 nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất là học sinh THPT và THCS học lực yếu kém không theo được chương trình nên chán nản bỏ học; nguyên nhân thứ hai là do gia đình một số học sinh, điều kiện kinh tế quá khó khăn nên đã bỏ học để lao động giúp gia đình đảm bảo cuộc sống và nguyên nhân thứ 3 là sau khi có cuộc vận động “Hai không”, yêu cầu phải dạy thật, học thật nên đã tạo ra sự phân luồng trên thực tế; sau khi học sinh được tư vấn, hướng nghiệp, cảm thấy sức mình không theo học được chương trình nên đã bỏ học để đi học nghề...
Để tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao học sinh THPT bỏ học nhiều, chúng tôi đã tới Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến (Văn Yên) gặp gỡ, trao đổi với thầy giáo và một số học sinh đã bỏ học. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước vào cổng trường đó là không khí giảng dạy và học tập của thầy và trò nhà trường rất nghiêm túc. Cảnh quan sân trường, lớp học... xanh, sạch đẹp. Thầy giáo giảng bài, học sinh, trật tự tập trung nghe giảng... Một môi trường học tập khá lý tưởng như vậy mà tại sao học sinh lại bỏ học nhiều?
Thầy Nguyễn Đức Niên- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “ Đầu năm học 2007- 2008, nhà trường có 710 học sinh, đến ngày 5/3/2008, đã có 78 học sinh bỏ học và có 4 học sinh chuyển trường; khối 10 còn 230 học sinh, giảm 53 em; khối 11 còn 183 học sinh, giảm 18 em và khối 12 còn 215 học sinh, giảm 12 em. Học sinh bỏ học lại tập trung nhiều ở khối 10: Ví dụ như lớp 10 A6, đầu năm học có 37 em, thì có 22 em đã bỏ học; lớp 10 A7, đầu năm học có 37 học sinh, thì đã có 5 em bỏ học... Do học sinh ở lớp 10 A6 bỏ học quá nhiều nên nhà trường đã phải ghép lớp 10 A6 và lớp 10 A7 thành một lớp (10 A6). Nguyên nhân học sinh bỏ học là do lực học quá yếu, không thể theo học được; gia đình khó khăn; học sinh không thiết tha với học tập, cha mẹ bắt phải thôi học; học sinh bỏ học để xin đi học nghề...”.
Có học sinh không theo được chương trình nên chán học, nhất là sau khi biết điểm kiểm tra các môn học và kết quả học kỳ I quá yếu nên đã bỏ học; gia đình bắt phải đi học, thì học sinh đó vẫn đi, nhưng không đến trường. Đó là trường hợp của em Vũ Tiến Cường ở xã Lang Thíp, học sinh lớp 11 A3, Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến. Em Cường học quá yếu, gia đình em vận động thuyết phục để em tiếp tục đi học, em vẫn đi, nhưng không đến trường học mả bỏ vào xã Yên Thái chơi, gia đình em lại phải tốn thêm tiền của và thời gian để đi tìm em về. Sau khi về nhà em Cường đã viết đơn xin nghỉ học và xin rút hồ sơ: Trong đơn em Cường viết: “ ... Em thấy học lực học của em quá yếu, em có cố gắng nhưng em vẫn không hiểu bài, vì vậy em xin ý kiến gia đình em đồng ý cho em nghỉ học. Nay em làm đơn này xin Ban giám hiệu nhà trường cho em nghỉ học và xin rút hồ sơ...”.
Qua những lá đơn của phụ huynh học sinh, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Hiên ở thôn Gò Bưởi, xã Ngòi A (Văn Yên), là phụ huynh của em Lưu Thị Tuyến học lớp 10A3 đã bỏ học. Bà Hiên cho biết lý do em Tuyến bỏ học là do lực học của cháu không theo học được và vào đầu năm học được gần một tháng, nhà trường có ý định chuyển cháu sang học hệ bổ túc nên cháu chán không muốn đi học nữa xin bố mẹ làm đơn cho nghỉ học để đi học nghề...
Chị gái của Tuyến là em Tuyền học sinh lớp 11B5, Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên), cũng bỏ học sau khi kết thúc năm học 2006- 2007, lý do là vì em Tuyền, học yếu 2 môn, Toán và Vật lý, nhà trường đã tổ chức cho thi lại, nhưng điểm của em vẫn không đạt nên Tuyền xin nghỉ học. Điều đáng buồn là em Tuyến và Tuyền đều là học sinh tiên tiến của Trường THCS Ngòi A; em Tuyến là học sinh tiên tiến 4 năm liền từ lớp 6- lớp 9; còn em Tuyền cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến 2 năm....
...và những giải pháp của ngành giáo dục Yên Bái
Để duy trì sĩ số học sinh trong năm học, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học nhiều, ngay từ đầu năm học 2007- 2008, Sở Giáo dục- Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục, các trường học tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém, giúp các em theo được chương trình học tập của từng bậc học. Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến đã tổ chức phụ đạo ở học kỳ I là 6 tuần cho cho cả 3 khối: 10, 11, 12. Tuy nhiên, nhiều học sinh sau khi đăng ký đã không đến học, hoặc đến học vài buổi rồi tự ý bỏ học.
Khi số học sinh bỏ học nhiều, Sở Giáo dục- Đào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các đơn vị giáo dục... tham mưu, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương nắm vững số học sinh nghèo khó để có giải pháp kịp thời giúp đỡ các em, không để các em bỏ học; tổ chức giao ban thường xuyên giữa ban chỉ đạo phổ cập giáo dục ở địa phương với các nhà trường, thôn bản, để vận động học sinh đi học; đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập; chỉ đạo quyết liệt phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, giáo viên phải vận dụng tốt nghiệp vụ sư phạm để giúp học sinh yếu kém cũng theo học được...
Tình trạng học sinh THCS và THPT ở các địa phương trong tỉnh bỏ học từ đầu năm học 2007- 2008 đến nay là khá nhiều; nó đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục ở tỉnh ta hiện nay. Khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, đòi hỏi phải dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá chất lượng học sinh phải chính xác... Như vậy số học sinh ngồi nhầm lớp từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 3, là khá nhiều, không theo học được nữa là tất yếu. Khi cuộc vận động “Hai không” “xẻ vào”, thì mới thấy nhiều học sinh không được lên lớp, một số trường vẫn cho lên lớp để địa phương nhanh chóng hoàn thành chương trình PCGD TH và PCGDTHCS. Học sinh bỏ học nhiều là hệ quả của "bệnh" thành tích trong Ngành Giáo dục những năm trước đây.
Sau khi ngành giáo dục- đào tạo Yên Bái đưa ra nhiều giải pháp để duy trì sĩ số học sinh THCS và THPT, từ sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng học sinh bậc THCS và THPT bỏ học đã giảm. Số học sinh bỏ học sau tết bậc THPT là 43 học sinh; bậc THCS là 54 học sinh. |
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi cũng đến được cánh đồng Nậm Tộc thuộc thôn Tống Trong, xã Túc Đán, nơi được Huyện đoàn Trạm Tấu chọn là điểm để khai hoang ruộng nước thâm canh tăng vụ, giúp người dân phát triển kinh tế trong Tháng thanh niên 2008.
YBĐT - Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 7 bản, 254 hộ thì tất thảy đều là người Mông, ngoài cách trở về giao thông, khó khăn về kinh tế, không đồng đều về trình độ dân trí, đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp nhiều trở ngại.
YBĐT - Ấn tượng đầu tiên là con đường lên vùng cao mùa khô này đẹp quá, những cánh rừng keo, thông... hai bên đường cây nào trông cũng vạm vỡ, tán lá xanh um, ngun ngút trải dài. Những vạt ruộng bậc thang trên các sườn đồi Cao Phạ, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha... đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia khiến hồn tôi lâng lâng. Thi thoảng lại bắt gặp những vườn cam, vườn hồng sai quả, vàng ươm màu lửa khiến người đi quên cả cái rét chiều miền sơn cước.
YBĐT - Nằm trên dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là nơi cư trú của đồng bào Mông, nơi vừa có cảnh quan hấp dẫn, vừa có nền văn hóa phong phú đa dạng với nhiều nét đặc trưng đặc sắc của vùng cao.