Sùng A Hù ở Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 7 bản, 254 hộ thì tất thảy đều là người Mông, ngoài cách trở về giao thông, khó khăn về kinh tế, không đồng đều về trình độ dân trí, đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp nhiều trở ngại.

Thầy thuốc Sùng A Hù trước giờ xuống thăm khám bệnh ở bản xa nhất xã Chế Tạo - Bản Háng Tày.
Thầy thuốc Sùng A Hù trước giờ xuống thăm khám bệnh ở bản xa nhất xã Chế Tạo - Bản Háng Tày.

Đầu tiên phải kể đến những phong tục tập quán lâu đời của người dân vốn quen với việc mời thầy mo, thầy cúng mỗi khi trong nhà có người bệnh. Thầy cúng đến nhà rồi trùm khăn đỏ nhảy múa, hú, hét xua tà, đuổi ma cả mấy ngày trời. Chẳng hiểu bệnh nhẹ hay bệnh nặng mà ai cũng được các thầy cho uống một thứ thuốc lá cây rừng có mùi hăng hắc và bắt nằm đợi đến 5 - 7 ngày. Con ma rừng mà không bắt thì con bệnh coi như thoát hiểm, gia chủ phải đội ơn thầy cúng. Ngược lại, nếu không qua khỏi thì "con bệnh đành về với Giàng vì Giàng muốn bắt rồi, chỉ cho sống đến thế thôi, có cứu cũng không được!". Ông Sùng Vảng Dơ-77 tuổi là già làng của bản Tà Dông chậm rãi nhấp ngụm nước rồi nói: "Xã thì xa, y tế không gần mình, cán bộ y tế thiếu lắm. Cho tới giờ, xã vẫn chưa có bác sỹ, tất cả trông vào thằng Hù thôi, nó là cán bộ của Đảng mà, nó tốt với đồng bào mình đấy!”.

Không chỉ già làng của Tà Dông, các già làng, trưởng bản ở Chế Tạo, Kể Cả, Nà Háng, Tà Sung cho tới Pú Vá, Háng Tày đều thấy yên tâm, tin tưởng khi bản mình, dòng họ mình có người bệnh được Sùng A Hù tới thăm khám. Là người con của Chế Tạo, hơn ai hết, Sùng A Hù hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của người Mông quê mình, anh ấp ủ và nuôi hy vọng phải học, phải cố gắng thuyết phục bố mẹ cho được theo học lên cao  để trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho dân. Với quyết tâm đó, Sùng A Hù đã vượt qua mọi khó khăn trên con đường tới trường xa xôi, cách trở và đầy những lo toan, vất vả.

Tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Hoàng Liên Sơn, năm 1983, Sùng A Hù trở về xã được phân công làm cán bộ y tế, rồi làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chế Tạo. Nói là Trạm trưởng nhưng suốt 27 năm công tác, chẳng hiểu có phải Sùng A Hù đã quá quen với công việc của người cán bộ y tế vùng cao hay vì biên chế của Trạm có hạn (3 y sỹ, 2 y tá) mà cũng như đồng nghiệp của mình, anh kiêm hết cả mọi công việc của cộng tác viên dân số, dinh dưỡng lẫn y tế thôn, bản. Người Mông ở Chế Tạo đã quen với hình ảnh người đàn ông dáng hơi gầy, ánh mắt cười hiền lành, chất phác, thường khoác chiếc áo bộ đội bạc màu, chân đi giầy ba-ta, vai đeo hộp thuốc đi đến từng gia đình, bất kể thôn xa hay bản gần, ngày nắng hay đêm mưa khi người bệnh cần cũng như khi phát hiện ra các ổ dịch.

Sau mỗi lần đi, là một lần Sùng A Hù lại chắt chiu thêm kinh nghiệm cho mình. Ấy là gần già làng, trưởng bản, gần những người có uy tín trong các dòng họ để thuyết phục người thân trong gia đình đưa người bệnh tới Trạm Y tế xã; là những tìm tòi, bồi dưỡng cho các ông lang, bà mế dân gian có thêm kiến thức để sẵn sàng giúp dân khi cần thiết hay khi chưa kịp gọi báo thầy thuốc. Đến nay, cả 7 bản của Chế Tạo đều có cán bộ y tế thôn, bản nắm chắc chuyên môn, góp phần trực tiếp vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

 Khắc phục tình trạng "Trạm xa, y tế không gần dân", Sùng A Hù đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế của Trạm phối hợp chặt chẽ với y tế thôn, bản để "sát dân, bám địa bàn" mà tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, dân đã tin và nghe theo những lời khuyên của cán bộ y tế, số người bệnh tự giác đến khám tại Trạm đã tăng từ 100-200 người/năm. Riêng năm 2007, có gần 2.500 người đến khám chữa bệnh tại Trạm, hơn 1.000 trường hợp là cán bộ y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngay tại thôn, bản. 24 năm làm Trạm trưởng, Sùng A Hù đã cố gắng và phát huy nỗ lực vai trò của người thầy thuốc đảng viên nơi vùng cao, tận tụy vì bệnh nhân.

Người dân các bản không thể quên hình ảnh của ông Giàng PLề Rùa-Phó bí thư Đảng ủy xã, nhà ở thôn Háng Tày, cách trung tâm xã hơn 20km, bị sốt rét nặng, người nhà đưa đi cả ngày đường mới lên tới Trạm. Trong tình trạng người bệnh rất mệt và khó thở, Sùng A Hù đã kịp thời chỉ đạo anh em cấp cứu, tới ngày thứ 8 người bệnh đã ngồi dậy được và tập đi, khỏi bệnh về nhà. Có lần xuống bản Tà Sung, sau khi khám và chẩn đoán bệnh, Sùng A Hù đã trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân Sùng Thị Pàng bị sốt rét và tiêu chảy. Sau khi động viên gia đình người bệnh yên tâm, anh bắt đầu truyền dịch rồi cho bệnh nhân uống thuốc chống sốt rét, 3 ngày sau bệnh nhân đã bình phục. Hỏi về bí quyết tuyên truyền của mình, Sùng A Hù kể lại trường hợp cháu gái 7 tuổi Giàng Thị Mảy ở bản Chế Tạo bị viêm phổi, bố mẹ để ở nhà cúng gần một tuần không khỏi mới đưa tới Trạm cấp cứu thì đã muộn nên cháu đã không qua khỏi. Anh rụt rè kết luận: "Mình lấy đó làm gương tuyên truyền luôn cho bà con thôi mà!".

-Vậy còn những trường hợp sản phụ đến Trạm sinh đẻ? - Tôi hỏi.

 Sùng A Hù băn khoăn:

-Đây đúng là cái khó vì Trạm vẫn chưa có nữ hộ sinh. Chúng mình rất mong có thêm một bác sỹ và một nữ hộ sinh giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào được tốt hơn!

- Trước mắt có cách gì để khắc phục khó khăn này không?

-Chúng mình phải tích cực tập huấn thêm này, phát gói đẻ sạch cho các bà đỡ dân gian tại thôn, bản này, làm sao để 7 bản có đủ 7 bà đỡ tốt và thật nhiệt tình để giúp nhân dân này!

Quả thực, để có được đội ngũ y tế thôn, bản nhiệt tình với mọi công việc và tạm bằng lòng với chế độ 40.000 đồng/tháng, tôi hiểu người Trạm trưởng này đã phải dày công tuyên truyền, thuyết phục ra sao. Để người dân có bệnh, tự giác tìm đến cán bộ y tế thay vì đi mời thầy mo, thầy cúng như ngày xưa, anh đã phải lặn lội qua cả trăm khe suối, quả núi, cánh rừng vất vả như thế nào... Nhưng đổi lại, là thành quả mà không phải công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa nào như Chế Tạo  cũng đạt được, theo lời tâm sự chân thành của anh Hù: "Trước kia, một năm Trạm chỉ khám được từ 400-500 người bệnh là đông lắm, nay con số ấy đã tăng lên gấp bốn, gấp năm là chúng mình hạnh phúc lắm. Người Mông, khi có bệnh là muốn đến trạm y tế rồi mà!".

Hạnh phúc của Sùng A Hù giản dị và chân thành như thế đấy! Không kiến nghị, đòi hỏi gì cho riêng mình, 22 năm tuổi Đảng, 27 năm tuổi nghề, Sùng A Hù tâm niệm duy nhất một điều, phải phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp y tế vùng cao, chừng nào mình không còn sức phục vụ đồng bào nữa mới thôi. Mong sao, trong cuộc sống hôm nay có thêm nhiều Sùng A Hù nữa!  

(Bài dự thi viết về người tốt, việc tốt do Hội nhà báo Yên Bái phát động) -
Chế Tạo-Xuân Mậu Tý
Thanh Hương

Các tin khác
Phố huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tiến Quân)

YBĐT - Ấn tượng đầu tiên là con đường lên vùng cao mùa khô này đẹp quá, những cánh rừng keo, thông... hai bên đường cây nào trông cũng vạm vỡ, tán lá xanh um, ngun ngút trải dài. Những vạt ruộng bậc thang trên các sườn đồi Cao Phạ, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha... đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia khiến hồn tôi lâng lâng. Thi thoảng lại bắt gặp những vườn cam, vườn hồng sai quả, vàng ươm màu lửa khiến người đi quên cả cái rét chiều miền sơn cước.

Cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng. (Ảnh: P.V)

YBĐT - Nằm trên dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là nơi cư trú của đồng bào Mông, nơi vừa có cảnh quan hấp dẫn, vừa có nền văn hóa phong phú đa dạng với nhiều nét đặc trưng đặc sắc của vùng cao.

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) được bảo vệ phát triển tốt.

YBĐT - Tôi khẳng định điều ấy là sự thật. Không tin bạn cứ thử một lần đến Chế Tạo xem! Xưa, nói đến Chế Tạo, ngay Mù Cang Chải (Yên Bái) nhiều người còn chưa chắc đã biết nhưng hôm nay, đến cả người Hà Nội cũng đã đi xe máy vào tận bản của Chế Tạo để xem rừng nguyên sinh, xem vượn đen có trong sách Đỏ và...xem người Mông của 7 thôn, bản đang nô nức sắm xe máy xuống phố huyện chơi Tết...

Hoa Tớ dảy trên núi rừng Mù Cang Chải.

YBĐT - Cách đây mấy năm, tôi được xem tập tranh ảnh, đầu đề "Những kỳ quan của Châu Á chúng ta". Trong những kỳ quan ấy, có ruộng bậc thang ở Phi-lip-pin. Nhờ lao động cần cù, họ đã tạo ra được 22.500 cây số vuông ruộng bậc thang. Khách du lịch khắp thế giới thường đến xem quang cảnh hùng vĩ ấy. Tôi nhớ ngay đến ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và thầm mong ước một ngày nào đó, ở đây được công nhận là di sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục