Khai hoang trên cánh đồng "Ma"

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi cũng đến được cánh đồng Nậm Tộc thuộc thôn Tống Trong, xã Túc Đán, nơi được Huyện đoàn Trạm Tấu chọn là điểm để khai hoang ruộng nước thâm canh tăng vụ, giúp người dân phát triển kinh tế trong Tháng thanh niên 2008.

Đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp bà con khai hoang ruộng nước ở cánh đồng Nậm Tộc.
Đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp bà con khai hoang ruộng nước ở cánh đồng Nậm Tộc.

Chuyện từ cánh đồng "ma"...

Chuyện kể rằng: Vào khoảng đầu những năm 60 thế kỷ trước, có một số hộ người Dao định canh ở vùng này, nhận thấy đây là khoảng đồi bằng phẳng, với chiều rộng lý tưởng nên họ bắt đầu khai hoang để làm ruộng nước. Song không hiểu sao, cứ làm được một đến hai vụ thì một số thành viên trong gia đình họ lại bị ốm đau liên miên và trong vùng còn xảy ra nhiều dịch bệnh như tiêu chảy, mắt đỏ, các bệnh ngoài da... Vì vậy họ lại dắt díu nhau sang xã Nậm Lành ( Văn Chấn) để sinh sống. Sau khi người Dao đi, người Mông lại chuyển đến và cũng nhận ra đây là nơi bằng phẳng với diện tích rộng, màu mỡ lại thuận lợi về nguồn nước nên họ cũng tập trung phát quang cây cối, đắp bờ tạo thành những thửa ruộng bậc thang.

Toàn bộ diện tích ruộng ở đây đều cho năng suất cao và có thể cấy được hai vụ lúa. Oái oăm thay, khi lúa chuẩn bị cho thu hoạch thì những người trực tiếp canh tác lại đau ốm thường xuyên, thậm chí một số người chết. Cả người Dao lẫn người Mông đều cho rằng, nếu cứ tiếp tục canh tác trên những thửa ruộng này thì con ma rừng sẽ bắt con cháu của họ chết dần, chết mòn. Vì vậy, họ cho đây là cánh đồng “ma” và đã dần rời xa đồng ruộng không nuối tiếc.

Đó là vào khoảng những năm 80. Cho đến nay, cánh đồng này đã hoàn toàn bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, không ai còn dám bước chân vào khai hoang, lập ruộng. Chưa hết, vào đầu năm 1996, một cán bộ xã Túc Đán lên đây khai hoang 1ha ruộng cho thu hoạch được một vụ. Sang vụ thứ hai, vị này tiếp tục khai hoang thêm thì con trai ông chết không rõ nguyên nhân. Vì vậy người Mông, người Dao nơi đây càng tin rằng, cánh đồng Nậm Tộc đúng là có “ma”!

Bởi nỗi sợ hãi “truyền đời” ấy nên đồng bào chỉ còn biết lên rừng kiếm kế sinh nhai, phát nương làm rẫy lần hồi qua ngày khiến cuộc sống của họ vốn dĩ đã nghèo đói lại càng nghèo đói và lạc hậu hơn.

...Đến những chiến sĩ tình nguyện “đuổi” ma

Xã Túc Đán chỉ có 41 ha ruộng cấy được vụ mùa và 13 ha lúa xuân cùng 115 ha nương để cung cấp lương thực cho 2.400 nhân khẩu. Bình quân lương thực của xã chỉ đạt 225 kg/người/năm. Muốn khai hoang thêm cũng hiếm vị trí, vả lại đầu tư cho thuỷ lợi vốn lớn mà hiệu quả chẳng được là bao. Hiện Túc Đán còn đến 70% hộ nghèo.

Chỉ ra nguyên nhân đói nghèo, Chủ tịch UBND xã - Lùa A Sa cho biết: "Do thiếu ruộng nước, chưa biết cách làm ăn, đẻ nhiều và tệ thả rông gia súc, ruộng ít, người đông nên cái đói triền miên là không tránh khỏi. Và đặc biệt, nguyên nhân của những cái chết của bà con thôn Tống Trong không phải do cánh đồng “ma” gây nên mà chính do những tập tục sinh hoạt lạc hậu, ăn ở không vệ sinh, nên xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm, lại xa trung tâm y tế, không được cứu chữa kịp thời mà dẫn đến có người tử vong".

Đầu năm 2008, sau một số lần khảo sát, nhận thấy đây là cánh đồng rộng (khoảng 10ha), bằng phẳng, màu mỡ lại thuận lợi về nguồn nước từ khe Nậm Tộc để canh tác lúa, huyện Trạm Tấu đã giao cho Huyện đoàn phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức phát động các đoàn viên thanh niên tình nguyện từ các Đoàn xã ra quân, khai hoang nhằm tăng thêm diện tích ruộng nước, tăng năng suất và sản lượng lương thực, góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con các dân tộc nơi đây, đồng thời cũng để xóa bỏ những đồn thổi về cánh đồng “ma” đang tồn tại trong tiềm thức của người dân bấy lâu nay.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu -Lương Mạnh Hà cho biết: “Để khai hoang thành công, tạo thành những thửa ruộng bậc thang cho bà con canh tác, Huyện đoàn đã chia kế hoạch thực hiện thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1-6/3 là khai hoang phát cây cối, đắp bờ, tạo thửa, cày nền ruộng để bà con làm ngô. Giai đoạn 2 sẽ phát động vào chiến dịch tình nguyện hè năm 2008 để triển khai gieo cấy vụ mùa”. Quả  vậy, chỉ trong mấy ngày đầu của Tháng Thanh niên, các chiến sỹ tình nguyện đã vượt qua khó khăn, khai hoang được 10ha ruộng nước.

Cùng nhau đào đất đắp bờ cho những thửa ruộng bậc thang ở Nậm Tộc.

Theo người dân cho biết, mỗi 1ha lúa ruộng bậc thang sẽ cho thu trên 4 tấn thóc. Như vậy, 10 ha mỗi vụ sẽ cho thu hoạch thêm 40 tấn thóc nên bà con nơi đây rất phấn khởi, đặc biệt là tuổi trẻ trong xã mừng lắm vì đã có thêm đất để canh tác. Anh Giàng A Trư- một hộ dân trong thôn cho biết: "Vì thiếu đất canh tác nên đời sống bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi nghe tin Đoàn thanh niên phát động khai hoang ruộng nước ở đây, mình cũng tham gia để có thêm đất gieo cấy, có thêm lương thực để ăn". 

-  Nếu được Nhà nước cấp đất ở đây, Trư có làm ruộng không?

-  Có chứ!

-  Không sợ ma à?

- Ma ư? Đã được cán bộ đuổi đi rồi!

 Mong muốn của người dân

150 đoàn viên thanh niên đến từ các Đoàn xã đang tỏa đi các ngả, phát quang cây cối, đào rãnh, đắp bờ, tạo thành những thửa ruộng bậc thang. Niềm hứng khởi đã xua tan những mệt nhọc trên khuôn mặt các chiến sỹ tình nguyện. Các bạn trẻ không chỉ giúp dân khai hoang ruộng nước mà còn làm sáng tỏ mọi đồn đại, dị nghị về một cánh đồng “ma” từ bao lâu nay.

 Việc khai hoang trên cánh đồng Nậm Tộc bước đầu đã thành công, đem lại niềm vui lớn cho người dân. Càng vui hơn khi toàn bộ diện tích đó đều có thể cấy lúa hai vụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Chí Họp- Bí thư Huyện uỷ Trạm Tấu cho biết: "Qua khảo sát cho thấy, toàn bộ cánh đồng từ nay có thể làm được hai vụ lúa, vì vậy, bên cạnh nguồn nước sẵn có từ khe Nậm Tộc thì xã Túc Đán cần được tỉnh đầu tư, hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng để xây dựng các công trình thuỷ lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu cả cánh đồng".

 Chia tay với cánh đồng Nậm Tộc khi trời đã xế chiều. Dòng nước đầu nguồn từ khe Nậm Tộc vẫn đang róc rách. Xa xa, vẫn tiếng hò reo của các chiến sỹ trẻ tình nguyện. Có thêm đất để canh tác, chắc chắn người Mông ở thôn Tống Trong nói riêng và toàn xã Túc Đán nói chung sẽ từng bước xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình.

  Văn Tuấn

Các tin khác
Thầy thuốc Sùng A Hù trước giờ xuống thăm khám bệnh ở bản xa nhất xã Chế Tạo - Bản Háng Tày.

YBĐT - Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 7 bản, 254 hộ thì tất thảy đều là người Mông, ngoài cách trở về giao thông, khó khăn về kinh tế, không đồng đều về trình độ dân trí, đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp nhiều trở ngại.

Phố huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tiến Quân)

YBĐT - Ấn tượng đầu tiên là con đường lên vùng cao mùa khô này đẹp quá, những cánh rừng keo, thông... hai bên đường cây nào trông cũng vạm vỡ, tán lá xanh um, ngun ngút trải dài. Những vạt ruộng bậc thang trên các sườn đồi Cao Phạ, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha... đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia khiến hồn tôi lâng lâng. Thi thoảng lại bắt gặp những vườn cam, vườn hồng sai quả, vàng ươm màu lửa khiến người đi quên cả cái rét chiều miền sơn cước.

Cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi ở Suối Giàng. (Ảnh: P.V)

YBĐT - Nằm trên dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là nơi cư trú của đồng bào Mông, nơi vừa có cảnh quan hấp dẫn, vừa có nền văn hóa phong phú đa dạng với nhiều nét đặc trưng đặc sắc của vùng cao.

Rừng nguyên sinh xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) được bảo vệ phát triển tốt.

YBĐT - Tôi khẳng định điều ấy là sự thật. Không tin bạn cứ thử một lần đến Chế Tạo xem! Xưa, nói đến Chế Tạo, ngay Mù Cang Chải (Yên Bái) nhiều người còn chưa chắc đã biết nhưng hôm nay, đến cả người Hà Nội cũng đã đi xe máy vào tận bản của Chế Tạo để xem rừng nguyên sinh, xem vượn đen có trong sách Đỏ và...xem người Mông của 7 thôn, bản đang nô nức sắm xe máy xuống phố huyện chơi Tết...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục