Bạo lực gia đình – đâu là giải pháp?

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bạo lực gia đình đã vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thậm chí còn làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu tới tâm hồn, nhân cách của thế hệ tương lai.

Chị Bàn Thị N ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An thường xuyên bị chồng đánh, bàn tay phải và chân phải đã thành tật.
Chị Bàn Thị N ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An thường xuyên bị chồng đánh, bàn tay phải và chân phải đã thành tật.

"...Có lần anh ta lấy chai thủy tinh ghè vào đầu tôi, phải vào trạm xá cấp cứu...''- chị N.- người đàn bà cả tay và chân phải đã thành tật do những trận đánh ''như đòn thù'' của người chồng vũ phu đang ngồi trước mặt tôi, kể. Chị cán bộ phụ nữ đi cùng tôi hôm ấy kể thêm:

“Chị ấy ngất đi, đưa đến trạm xá cán bộ trạm phải dùng panh gắp từng mảnh thủy tinh găm trên  cục sưng u to tướng trên đầu...”. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện về bạo lực gia đình...

Những con số, vụ việc báo động

Theo báo cáo thống kê chưa đầy đủ, tại huyện Yên Bình trong 2 năm đã xảy ra 96 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo hành về thể xác 37 vụ, bạo hành về tinh thần 59 vụ. Điển hình gần đây nhất: Ngày 24/4/2006, Trương Thành Chuông, sinh năm 1962, tại thôn 2, xã Tích Cốc, do mâu thuẫn gia đình, đã bắt vợ lột quần áo, dùng tay, chân đấm đá vào mặt, vào đầu vợ là chị Hoàng Thị Mỳ làm chị bị tổn hại 14% sức khoẻ. Toà án nhân dân huyện đã tuyên án Chuông 18 tháng tù treo.

Hồi 21h ngày 15/5/2007, Quyền Đình Minh, sinh năm 1960 trú tại thôn Ba Luồn, xã Vũ Linh, cũng do mâu thuẫn gia đình, đã dùng dao chém vào tay, mặt chị Phạm Thị Bình là vợ làm chị bị thương phải vào viện; Toà án nhân dân huyện Yên Bình đã tuyên phạt 4 năm tù giam. Hồi 24h ngày 7/8/2007, Chu  Văn Tiếp sinh năm 1968 tại xã Mỹ Gia đã dùng gậy đánh vợ là chị Phạm Thị Cúc bị thương phải vào viện, 1 tuần sau anh ta tiếp lại tiếp tục đánh vợ, Ban Công an xã phải lập hồ sơ xử phạt hành chính giáo dục tại xã.

Hồi 22h ngày 26/10/2007, Lý Quang Chung, sinh năm 1951, trú tại thôn Ba Chãng, xã Phúc An đã dùng thanh gỗ đánh vào đầu con trai là Lý Văn Dụng, sinh năm 1984, làm anh Dụng chết. Vụ án đã khởi tố và chuyển Công an tỉnh giải quyết. Hồi 21h ngày 16/1/2008, Hoàng Văn Tiểu, sinh năm 1961 tại xã Xuân Lai, dùng dao đâm một nhát vào lưng vợ là chị Nguyễn Thị Nhẩm, sinh năm 1962, làm chị Nhẩm bị thương phải đi vào viện cấp cứu và điều trị v.v ...

Trên đây mới chỉ là một trong số những vụ điển hình được thống kê vì các trường hợp này đã vi phạm nhiều lần, có tính chất nghiêm trọng. Trên thực tế còn nhiều trường hợp mà ngay cả chính quyền cơ sở còn chưa nắm rõ. Điều đó cho thấy, bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng, nguy cơ phá vỡ sự bền vững của gia đình. Không ai khác, người phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi và nguy hại hơn, những đứa con sống trong các gia đình có hành vi bạo lực thường nảy sinh tâm lý bất cần, trầm cảm và ngại tiếp xúc với bạn bè.

Những nạn nhân của bạo hành

Theo chân các cán bộ phụ nữ, chúng tôi tới gia đình  anh Trần Văn X - chị Trần Thị L. ở thôn 4, xã Yên Thành. Trong căn nhà sàn 3 gian cột kê khá vững chãi, tiện nghi  tương đối đầy đủ, cả gia đình 5 khẩu hai vợ chồng và 3 đứa con đang quây quần bên bếp lửa chuẩn bị bữa cơm trưa. Nhìn như thế, ai cũng dễ dàng nghĩ cuộc sống gia đình hoà thuận hạnh phúc, nhưng đâu có biết rằng, đã nhiều năm nay anh thường hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, con vô cớ. Chị L chỉ biết âm thầm chịu đựng, không dám kêu ai. Đứa con thứ 2 vì ham chơi cũng thường xuyên bị bố dùng chuôi dao phát vào mông để lại nhiều vết sẹo thâm tím. Gần đây nhất, anh còn cấm không cho cháu đến trường. Mãi đến khi được nhóm  tư vấn cấp huyện, cấp xã đến phân tích, anh X. mới ký cam kết không đánh vợ con và đồng ý cho con tiếp tục theo học.

Gia đình chị Đặng Thị C. cư trú ở thôn 1. Hôm chúng tôi đến, bên bếp lửa chị đang lúi húi nướng cá phục vụ chồng uống rượu cùng mấy người bạn, cảnh này vẫn thường xuyên. Chị nghẹn ngào: “Tôi lấy chồng lúc 16 tuổi, đã có với nhau 8 mặt con. Hơn 30 năm chung sống đến giờ đã lên chức bà ngoại, bà nội, nhưng nhiều lần ông ấy uống rượu say và tôi trở thành nạn nhân của những trận đòn. Hàng xóm biết chuyện nhưng cho rằng đó là chuyện nội bộ gia đình nên không ai can thiệp, chỉ khi ban hoà giải của xã vào cuộc đưa đi tập trung giáo dục tại xã thì tình trạng bạo lực về thể xác đối với tôi mới tạm thời chấm dứt, nhưng ông ta lại chuyển sang lăng mạ, chửi bới, hành hạ tôi về tinh thần...”.

Rời xã Yên Thành trên con thuyền nan chòng chành qua đảo hồ, men theo con đường nhỏ, chúng tôi đến gia đình chị Bàn Thị N. ở thôn Đồng Tý, xã Phúc An. Căn nhà nhỏ xiêu vẹo nằm một mình trơ trọi trên đảo hồ, không điện, không có bất cứ phương tiện nào liên lạc với thế giới bên ngoài, trong nhà ngổn ngang chai lọ và những chiếc bát sứt...

Khuôn mặt hốc hác, tiều tụy, đã quá nhiều đau khổ khiến người đàn bà mới 42 tuổi này trông như đã ngoài 50. Chị N. kể: “Chỉ vì chồng tôi nghiện rượu, kinh tế gia đình sa sút, lại không có đất ruộng để trồng cấy, bước ra khỏi cửa là đất của Lâm trường và đảo hồ, cả nhà chỉ trông vào nguồn thu từ việc đi riu tép, đánh bắt cá ngoài hồ nên quanh năm gia đình thiếu đói và tôi thường xuyên bị chồng đánh đập. Đã có thời gian không chịu nổi cảnh hành hạ của chồng, tôi phải dắt đứa con gái út trốn về nhà mẹ đẻ nhưng sau nghĩ thương con, thương chồng nên tôi lại trở về và cố chịu đựng  với hy vọng, sau những lần được chính quyền, hội phụ nữ gọi lên giáo dục, ký cam kết tại xã, anh ta sẽ thương vợ con hơn. Nhưng chứng nào tật ấy, cứ rượu say anh ta lại mang tôi ra đánh. Có lần anh ta lấy chai thuỷ tinh ghè, ném vào đầu tôi phải vào trạm xá cấp cứu”.

Hậu quả của những trận đòn vũ phu là một thân hình tiều tuỵ, cả bàn tay phải và chân phải của chị đã khoèo thành tật không còn khả năng lao động. Ở biệt lập một quả đồi, không hàng xóm, 4 con lớn đã đi làm, xây dựng gia đình ở riêng, chỉ còn lại mình bệnh tật và một đứa con nhỏ đang học phổ thông cùng sống với người chồng vũ phu, chị nói trong nước mắt: “Cứ tình trạng kiếm được đồng tiền nào lại tiêu hết vào bàn rượu thế này thì tôi vẫn còn bị đánh, và cũng không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao?”.

3 trường hợp phụ nữ bị bạo hành kể trên đều là dân tộc Dao. Theo các cán bộ phụ nữ cơ sở cho biết, chúng tôi hiểu, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Điều quan trọng là nhiều người phụ nữ bị chồng bạo hành nhưng lại không đủ can đảm để tố cáo, để tự bảo vệ và tìm lối thoát cho mình. Cán bộ hội phụ nữ hay Mặt trận Tổ quốc, ban hòa giải không phải lúc nào cũng kịp thời có mặt.

 

Anh Trần Văn X. ở thôn 4 ký cam kết với nhóm tư vấn không dùng bạo lực trong gia đình.

Nguyên nhân và giải pháp

Được biết, những vụ bạo lực gia đình xảy ra ở Yên Bình nguyên nhân chính là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, tư tưởng ''trọng nam khinh nữ'', vấn đề bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dẫn đến nạn bạo hành với phụ nữ, nhất là với chị em dân tộc thiểu số đói nghèo, ít học. Bên cạnh đó, chị em mang tâm lý cam chịu, chấp nhận số phận sợ nói ra sự thật lại bị chồng hành hạ dã man hơn.

Nhiều ông chồng còn nặng tư tưởng phong kiến, thiếu hiểu biết pháp luật và luôn coi vợ chỉ như một công cụ biết nói, tuân phục chồng là một nghĩa vụ. Cũng phải nhận thấy trong cuộc sống gia đình đôi khi người vợ chưa thật khéo léo trong cư xử, nhất là lúc chồng đang say dẫn đến bạo hành từ hai phía.

Những câu chuyện về bạo lực gia đình xảy ra với phụ nữ, trẻ em tại huyện Yên Bình không còn mới, song vấn đề đặt ra là sớm phải ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình vì trước đây xử lý các hành vi bạo lực gia đình chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo răn đe, giáo dục, xử phạt hành chính. Song phải đến tháng 7 năm 2008, Luật này mới chính thức có hiệu lực thi hành, cũng có nghĩa rằng, trước khi có chế tài xử lý thì hội phụ nữ các cấp chính là chỗ dựa tin cậy cho chị em trong công tác tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân khi xảy ra bạo hành.

Bạo lực gia đình đã vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thậm chí còn làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu tới tâm hồn, nhân cách của thế hệ tương lai.

Đây cũng là nguyên nhân gây tan vỡ và giảm sự bền vững của gia đình Việt Nam. Ngăn chặn và tiến tới xoá bỏ các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn là bài toán khó không chỉ đòi hỏi sự tham gia của cá nhân, mỗi gia đình mà còn ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là hội phụ nữ phải phát huy vai trò hoà giải ở cơ sở, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, chính bản thân người phụ nữ cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm và lợi ích hợp pháp khác cho mình. Trước tình trạng bạo lực gia tăng như hiện nay, đó là việc phải làm càng sớm càng tốt và phải trở thành ý thức thường trực của mỗi người.

Quỳnh Nga

Các tin khác
Do HS lớp 10A6, Trường THPT bán công Nguyễn Khuyến bỏ học quá nhiều nên nhà trường phải ghép lớp 10A6 và lớp 10A7 thành một lớp.

YBĐT - Từ đầu năm học 2007- 2008, đến sau tết Nguyên đán Mậu Tý, tình trạng học sinh bậc trung học phổ thông và học sinh trung học cơ sở ở 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã bỏ học khá nhiều; có trường số học sinh bỏ học tới trên 10%. Vì sao học sinh THPT và THCS bỏ học nhiều? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã đến một số trường học, các đơn vị quản lý giáo dụ, gặp gỡ các nhà quản lý giáo dục và học sinh, phụ huynh học sinh... tìm hiểu nguyên nhân.

Đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện giúp bà con khai hoang ruộng nước ở cánh đồng Nậm Tộc.

YBĐT - Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, chúng tôi cũng đến được cánh đồng Nậm Tộc thuộc thôn Tống Trong, xã Túc Đán, nơi được Huyện đoàn Trạm Tấu chọn là điểm để khai hoang ruộng nước thâm canh tăng vụ, giúp người dân phát triển kinh tế trong Tháng thanh niên 2008.

Thầy thuốc Sùng A Hù trước giờ xuống thăm khám bệnh ở bản xa nhất xã Chế Tạo - Bản Háng Tày.

YBĐT - Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 7 bản, 254 hộ thì tất thảy đều là người Mông, ngoài cách trở về giao thông, khó khăn về kinh tế, không đồng đều về trình độ dân trí, đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp nhiều trở ngại.

Phố huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Tiến Quân)

YBĐT - Ấn tượng đầu tiên là con đường lên vùng cao mùa khô này đẹp quá, những cánh rừng keo, thông... hai bên đường cây nào trông cũng vạm vỡ, tán lá xanh um, ngun ngút trải dài. Những vạt ruộng bậc thang trên các sườn đồi Cao Phạ, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha... đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia khiến hồn tôi lâng lâng. Thi thoảng lại bắt gặp những vườn cam, vườn hồng sai quả, vàng ươm màu lửa khiến người đi quên cả cái rét chiều miền sơn cước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục