Trồng mới rừng đầu nguồn - lòng dân không yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Câu chuyện xoay quanh việc 43,8 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất và Trồng rừng 327 Yên Bình là rừng tự nhiên nghèo kiệt, thoái hoá như hiện trạng hồ sơ dự án nêu hay trong số đó có cả những khu rừng đang tái sinh tốt?

Chân dung rừng

Để có câu trả lời nhanh nhất, chúng tôi đã theo những người dân địa phương thị sát những cánh rừng ở Y Can. Từ thôn An Hoà, chỉ mất chưa đầy 30 phút đi bộ, ngược theo khe Đồng Cơi, chúng tôi đã vào tới rừng Đồng Cơi. Trước mắt là những vạt rừng rộng đã bị chặt phá ngổn ngang. Một con đường khá rộng đã được mở theo khe Đồng Cơi vào sâu trong rừng, bên rìa khe những cây gỗ đã bị chặt hạ và đánh bật cả rễ để mở rộng nền đường. Đi một quãng khá xa, chúng tôi mới gặp chiếc máy xúc nằm án ngữ giữa lối đi vẫn đang trong tư thế san gạt đá, đất để tiến sâu vào rừng.

Leo lên một quả đồi đã bị phát trắng, nhiều cây gỗ, vầu ngổn ngang, anh Hoan, anh Thanh - những người dân địa phương dẫn đường, chỉ cho chúng tôi xem những cây trám, sồi trong đống gỗ có đường kính khoảng 20 - 30 cm đã được thu gom lại ven đồi. Vút tầm mắt diện tích rừng đã phát trắng, thấy tủa lên là những ngọn măng leo lắt; vượt lên đồi cao, lại gặp những đống gỗ đã được gom lại, một vài cây to ngổn ngang, lá còn xanh, áng chừng mới chặt... Vài chiếc lán đã được ai đó xây dựng, để tiện cho việc khai thác và quản lý rừng. Trong một chiếc lán, vài thanh niên đang ngồi uống nước chè, hút thuốc lào tán gẫu. Họ cho biết, mình được thuê để phát rừng.

 

Một người dân bên cánh rừng vầu ở Y Can (Trấn Yên)

 Đào Đình Quảng, một trong số những thanh niên cho biết: “Em được ông Dương Đức Văn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Y Can thuê để phát rừng. Mấy anh em trong đội nhận phát thuê 5 ha rừng với tiền công là 1,17 triệu đồng/ha, đến hôm nay, đã làm được 3, 4 ngày”.

Anh Hoan, anh Thanh cho hay, vài hôm trước, mỗi ngày có vài chục người được doanh nghiệp thuê để phát rừng nhưng hôm nay họ đã nghỉ làm. Nhiều người cho rằng, kết luận của đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Thương Lượng: “UBND tỉnh sẽ có công văn yêu cầu Doanh nghiệp 327 tạm thời dừng khai thác tận thu lâm sản để kiểm tra lại việc giao đất và cấp giấy phép này” trong cuộc tiếp xúc cử tri xã Y Can đã có hiệu lực.

Qua một khoảnh rừng đã được nhóm của Quang phát trắng, thảm trà càng dầy đổ xuống dọc khe Đồng Cơi đến cửa khe Nhà Xá, phần lớn vẫn là vầu, nứa, cây gỗ thau tháu, mập mạp. Hiện trạng trước mắt, khiến chúng tôi băn khoăn tự hỏi: khảo sát, quy hoạch thế nào mà cho rằng đây là những khu rừng nghèo kiệt, thoái hoá, hiện trạng chỉ là những cây giang, cây nứa với đường kính dưới 3cm, chiều cao 4,6 m với số lượng cây chỉ là 3.500 - 5.000 cây/ha!?

Càng vào sâu trong khe, rừng càng tốt, đất đen, tơi xốp. Không phải mất nhiều thời gian chúng tôi đã vào đến rừng vầu. Thật quá bất ngờ trước một rừng vầu ken đặc, xanh tốt. Rừng vầu ấy đã gắn bó bao đời nay với người Dao Y Can, không ai dám phá bởi nó như rừng thiêng, như ân huệ mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Từ đời cha truyền lại đời con, phải giữ gìn, bảo vệ rừng vầu bởi cây vầu vốn gắn bó như người bạn tâm giao: vầu giữ nước đầu nguồn, vầu là nguồn thu khi mùa măng đến; vầu để làm nhà, làm cửa...

Phương án và hồ sơ thiết kế dự án...

Trong phương án và hồ sơ thiết kế của Doanh nghiệp 327 do Viện Quy hoạch khảo sát và thiết kế nông lâm nghiệp tỉnh thực hiện đều khẳng định những diện tích và dự toán cải tạo rừng tự nhiên đều là rừng nghèo kiệt, thoái hoá. Hiện trạng tài nguyên rừng và đất rừng đều cho rằng diện tích các lô thuộc khe Bò Đái, Nhà Xá, Đồng Cơi thuộc xã Y Can hiện trạng chỉ có giang xen nứa đã bị tác động mạnh, chất lượng rừng bị suy giảm, nghèo kiệt.

Số lượng cây trung bình chỉ được xác định là 3.500 cây/ha khu vực khe Bò Đái và 5.000 cây/ ha khu vực khe Nhà Xá. Thậm chí, 2 lô thuộc khu vực khe Nhà Xá còn cho là rừng thứ sinh sau nương rẫy, đã có thời gian phục hồi nhưng đã bị khai thác kiệt, hiện trạng còn lại là nứa cấp một tuổi và chè vè lau lách chiếm ưu thế.

Thực tế trên đất rừng đã quy hoạch của Y Can phần lớn diện tích là giang, vầu, nứa mọc xen rất dày, cùng với đó còn có những cây gỗ bản địa với đường kính 15 - 20 - 30 cm.

Bản thân các lô đã quy hoạch trong hồ sơ dự án ở cả 3 xã phần lớn đều có vị trí nằm dọc hoặc ngọn nguồn các khe suối như: xã Kiên Thành có khu vực Đá Gai, ngọn khe Ba Con, khe Tối, khe Nhà Xá, khe Quân hay khu vực Đồng Cơi của Y Can có khe Nhà  Xá, Bò Đái và khe Đồng Cơi.

Vậy, diện tích rừng tại khu vực các khe này là rừng tự nhiên đầu nguồn từ bao đời nay cần được khoanh nuôi bảo vệ mới đúng sao lại quy hoạch vào rừng nghèo kiệt để chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng rừng kinh tế?

 

Liệu rằng đây có phải là rừng nghèo kiệt, thoái hóa.

Riêng với xã Y Can, các con khe nằm trong rừng Đồng Cơi đều đổ về suối Ngòi Gùa chảy qua địa bàn xã với chức năng tưới tiêu cho đồng ruộng từ bao đời nay. Vậy việc khai thác trắng, tận thu rừng trên địa bàn các xã này theo hồ sơ đã thiết kế để trồng rừng kinh tế với các loại cây keo tai tượng, bạch đàn mô, cây sưa... có thể bảo đảm đúng như mục tiêu: tăng độ che phủ, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn được nguồn gen và tính đa dạng sinh học bên cạnh các mục tiêu hiệu quả kinh tế khác mà dự án đã đề ra?

Sau khi khai thác trắng để trồng mới, đồi sẽ trơ trọc sau nhiều năm chuyển tiếp và nguy cơ suối Ngòi Gùa cạn nước tưới cho đồng ruộng, cạn nước sinh hoạt cho dân là ngay trước mắt. Và rồi những dự án về việc xây dựng công trình thuỷ lợi, công trình nước sạch hàng tỷ đồng đã được huyện Trấn Yên khảo sát thiết kế trên địa bàn xã liệu có còn nước để khả thi?

Khi những cơn mưa đầu nguồn kéo dài, những cánh rừng vầu, giang nứa và thảm thực vật kia vốn có chức năng giữ, cản, hút bớt nguồn nước vào lòng đất thì khi mất rừng nước lũ sẽ đổ xuống làng.

Giám đốc Viện Quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp tỉnh Đỗ Văn Gia:

“Đơn vị nhận được đề nghị giúp Doanh nghiệp 327 khảo sát thiết kế lập phương án trồng rừng và cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thoái hoá ở 3 xã Kiên Thành, Y Can và Việt Cường (Trấn Yên). Trong quá trình làm đã rà soát lại nhiều lần và tiến hành đi thực địa cũng như tổ chức nhiều cuộc họp với với chính quyền địa phương và ngành chức năng. Dự kiến ban đầu, UBND huyện Trấn Yên chỉ ra diện tích rừng để quy hoạch rất lớn, trên 1.000 ha nhưng trên thực tế chỉ khảo sát trên diện tích 800 ha và đưa vào hồ sơ quy hoạch chính thức là 343 ha”.

Tai họa nào người dân sẽ phải gánh chịu khi đồng khô cạn nước, khi lũ về? Rừng vầu cũng còn là nguồn thu phụ của dân, vào mùa măng một buổi lên rừng cũng đào được vài chục cân măng, trung bình, một lần đi kiếm cả trăm nghìn. Khi dựng cái nhà, cái cửa có công có việc người trong làng đều vào rừng vầu chặt tỉa vài chục cây, giờ biết trông vào đâu? Có lẽ, vì thế mà lòng dân không yên, để rồi xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương!

Ông Đào Mạnh Kim - Phụ trách Phòng Điều tra xây dựng cơ bản, người trực tiếp làm đề án khẳng định: “Rừng Đồng Cơi trong phạm vi dự án không lô nào có vầu xen”. Trong khi đó, ông Khổng Minh Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Y Can - người đại diện chính quyền địa phương tham gia trong đoàn khảo sát, quy hoạch dự án, khẳng định, có đến 20/43,8 ha diện tích quy hoạch là rừng tốt lẫn vầu, giang, nứa. Ông cũng nêu quan điểm của mình nếu diện tích rừng này để tái sinh khoanh nuôi bảo vệ, giao cho nhân dân quản lý sẽ tốt hơn việc giao cho doanh nghiệp khai thác trắng và trồng mới. Chủ tịch UBND xã Y Can Triệu Đình Khoa nói: “Đất ở cánh rừng này rất tốt, chỉ sau vài năm rừng đã tái sinh”.

Lời kết

Từ hiện trạng và nội dung của hồ sơ dự án, từ ý kiến của cử tri xã Y Can, rất mong Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh có kết luận về việc khai thác, tận thu lâm sản của Doanh nghiệp 327. Các cấp có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra rà soát lại hiện trạng rừng trên địa bàn xã Y Can, Kiên Thành, Việt Cường một cách thật khách quan, để rồi có những điều chỉnh và quyết định đúng đắn nhất!

 Theo Quyết định số 2136 UBND tỉnh cấp ngày 26/11/2007 thì Doanh nghiệp 327 được thuê 343 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã: Kiên Thành, Việt Cường và Y Can (Trấn Yên) để sử dụng vào mục đích trồng rừng và cải tạo rừng tự nhiên. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Doanh nghiệp 327 thời hạn là 50 năm, trong đó, xã Việt Cường có trên 158,5 ha, xã Kiên Thành trên 140,4 ha, xã Y Can 43,8 ha. Cùng với đó là các giấy phép và quyết định cho phép khai thác tận thu lâm sản trên diện tích đã được quy hoạch theo quyết định của dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT Yên Bái cấp.

Hải Anh

Các tin khác
Đội tuần tra chống tái trồng thuốc phiện xã Hồ Bốn đang bàn phương án kiểm tra.

YBĐT - Đứng ở trụ sở UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đặt tại bản Trống Là, nhìn tứ bề chỉ thấy núi. Núi như tường thành, khiến mắt lúc nào cũng phải ngước lên mới thấy đỉnh. Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Sùng A Nhà chỉ tay lên những đỉnh ngọn núi xa xa trong mây trắng và nói: “Muốn lên Háng Á, Trống Chở, Háng Đề Chu, Chống Gầu Bua… thì phải vượt lên trên dãy núi mù xa kia!”...

Ông Trần Nam Huân - Chi hội trưởng Chi hội nuôi ba ba xã Cát Thịnh (phải) thường xuyên đến nhà hội viên trao đổi kinh nghiệm nuôi ba ba sinh sản.

YBĐT - Nuôi ba ba - đó không phải là một nghề mới, song để có hơn trăm hộ nuôi gắn bó với nghề và trở thành triệu phú thì là cả một câu chuyện dài mà chúng tôi được "mục sở thị". Và biết bao bài học đã rút ra từ đó.

Người dân có bảo đảm được sức khỏe khi ngày nào cũng phải qua “hồ nước thải” trên chiếc mảng này.

YBĐT - Giờ đây, Nhà máy chế biến sắn Yên Bình (Yên Bái) đã ngừng hoạt động sau khi kết thúc vụ sản xuất 2007 - 2008 Mỗi ngày, không còn 3 - 4 ngàn mét khối nước thải từ Nhà máy xả ra dòng suối nhỏ Tầm Vông, hang Luồn, nhưng câu chuyện về môi trường bị ô nhiễm do Nhà máy Chế biến sắn ở xã Vũ Linh lại chưa biết bao giờ mới đến hồi kết thúc...

Em Hầu Thị Thủy bên những “người bạn” của mình.

YBĐT - Với 40 con bò gốc được trao tặng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại 3 huyện, 4 xã trong toàn tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 2/2008, đàn bò đã tăng lên 77 con, góp phần giúp 39 hộ thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục