“Ở đâu khó có Thào Khua Tồng”
- Cập nhật: Thứ tư, 14/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sinh năm 1977 tại bản Nả Háng B, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Thào A Tồng có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói dễ nghe, đặc biệt, là nụ cười tươi tắn, cởi mở của anh.
Khi nói về anh người dân nơi đây thường nói: “Ở đâu khó, có Thào Khua Tồng”. Còn đồng chí Lù Pháng Khày - Bí thư Đảng ủy xã thì nhận xét: “Tồng là một thanh niên nhanh nhẹn, năng động, nhiệt tình, làm việc gì, chắc việc ấy...”. Sở dĩ mọi người nói về anh như vậy là vì mới chỉ hơn 30 tuổi anh đã từng là Trưởng ban văn hóa xã, công an viên và Bí thư xã đoàn, ở cương vị nào anh cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Gian nan trong chuyển đổi nhận thức
Những năm về trước, Púng Luông cũng như các xã khác trong huyện, người dân còn rất lạc hậu từ nếp sinh hoạt đến mọi suy nghĩ. Cả xã chẳng nhà nào có nhà vệ sinh và hầu hết làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay cạnh nhà ở.
Năm 2001, Thào Khua Tồng được bầu làm Trưởng ban văn hóa xã, qua các lớp tập huấn anh nhận ra rằng, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” rất có ý nghĩa đối với đồng bào vùng cao. Anh đã đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động cho nhân dân hiểu và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Đặc biệt, anh còn mang theo tranh, ảnh về những khu nhà được bố trí hợp vệ sinh trên các tờ lịch, hay trang báo đến để cho nhân dân xem, với hy vọng được chứng kiến qua tranh ảnh họ sẽ học tập, làm theo.
Tuy nhiên, việc vận động của anh đã gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Có nhiều gia đình phải đi lại vận động rất nhiều lần mà vẫn không chịu thực hiện. Cá biệt như gia đình ông Thào Sông Của ở bản Mý Háng Tủa Chử, anh đã vận động mọi người đến giúp chuyển chuồng trại ra xa nhà ở và làm nhà vệ sinh nhưng ông vẫn không cho làm, phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền xã, rồi đến cuối năm 2006 ông mới chịu thực hiện.
Với suy nghĩ “mưa dầm thấm lâu” tháng này qua tháng khác, anh cứ đi hết quả đồi này đến quả đồi khác, đến từng hộ dân để tuyên truyền vận động. Từ lòng nhiệt tình, sự hăng say công việc của anh đã giúp người dân nơi đây nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cuộc sống văn hóa mới.
Ông Lù Vảng Tồng - Trưởng bản Nả Háng cho biết: “Trước kia chúng tôi chẳng biết xây dựng nếp sống văn hóa mới là gì. Cả bản chẳng nhà nào có nhà vệ sinh, trâu, bò, lợn thả rông, nằm ngủ cả ở hè nhà và nếu có chuồng trại thì làm ở ngay cạnh nhà thôi. Có thằng Tồng ở bản làm cán bộ xã, nó đến từng nhà nói chuyện: nào là ăn ở hợp vệ sinh, làm chuồng trâu, bò, lợn, gà ra xa nhà ở; nào là làm hố xí hợp vệ sinh... Nhà thằng Tồng làm trước, chúng tôi xem thấy rất tốt, có lợi cho sức khỏe là làm thôi!...”.
Từ năm 2001 cho đến năm 2004, xã mới có 24 hộ gia đình đầu tiên đạt gia đình văn hóa, năm 2005 tăng lên 30 hộ và đến năm 2007 đã có 150 hộ đạt gia đình văn hóa và bản Mý Háng Tủa Chử của xã đã ra mắt xây dựng bản văn hóa. Từ chỗ không biết nhà vệ sinh là như thế nào, đến nay trong xã đã có 85% trong tổng số 530 hộ dân có nhà vệ sinh.
Để chuyển đổi nhận thức là cả một cuộc cách mạng, song kết quả này đã khẳng định được phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư đã và đang đi vào cuộc sống của nhân dân trong xã.
Làm việc gì cũng hết mình
Thấy anh làm được việc lại năng động, nhiệt tình, trong thời gian làm Trưởng ban văn hóa xã, anh đã được xã cử kiêm nhiệm công an viên cho bản mình. Cùng với việc làm tròn trách nhiệm của một Trưởng ban văn hóa xã, với cương vị của một công an viên anh còn làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn mình phụ trách.
Bằng việc nắm chắc số người đến, người đi trong bản; hòa giải thành công nhiều vụ việc trong thôn, bản, trong các dòng họ, từ việc tranh chấp đất đai đến gây rối trật tự an ninh thôn bản... để xây dựng mối đoàn kết làng, bản. Bên cạnh đó, anh còn làm tốt công tác vận động “3 bỏ” thuốc phiện ở ngay trong bản của mình. Không nể nang, e dè gia đình nào có người nghiện anh trực tiếp đến vận động để người đó đi cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng trở thành người làm ăn lương thiện.
Hiện nay, trong tổng số 282 người trong bản chỉ còn 6 người nghiện ở độ tuổi 60 đến 85. Công tác cai nghiện cũng là một công việc rất khó khăn, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động. Bởi từ xa xưa người dân nơi đây đã có “thói quen” trồng và hút thuốc phiện như trồng lúa, trồng ngô để sinh hoạt hàng ngày.
Thoạt đầu, anh còn bị dân trong bản coi là “biến chất” không còn là người con của bản nữa, vì anh đi vận động họ bỏ một thói quen không dễ gì bỏ được. Dường như nụ cười rất duyên, hiền từ đã giúp anh hoàn thành được nhiệm vụ. Dù họ có bực tức đến đấu thấy anh cười cũng khó mà nổi giận.
Như Hảng Súa Lềnh vận động như thế nào cũng không chịu đi cai nghiện, anh đã đến nhà làm công tác tư tưởng cho bố mẹ, vợ con cùng vào cuộc giúp đỡ để Lềnh đi cai nghiện tại Trung tâm Cai nghiện của tỉnh và hiện nay Lềnh đã từ bỏ thuốc phiện, cùng vợ con chăm chỉ làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Vàng Bùa Tủa - Trưởng Công an xã nhận xét: “Trong 10 bản của xã thì chỉ có mỗi bản Nả Háng B là còn ít người nghiện nhất, đặc biệt không có người nghiện trong lứa tuổi thanh niên, những bản khác thì mỗi bản còn trên 10 người. Anh Tồng làm việc rất khéo léo, vừa cương quyết lại vừa nhỏ nhẹ khiến người ta phải nhận thức được và thay đổi hành vi của mình...”.
Thủ lĩnh của thanh niên
Chuẩn bị cho Đại hội Đoàn thanh niên xã Púng Luông nhiệm kỳ 2006-2011 xã đã bàn về nhân sự để tìm người có năng lực để vực phong trào Đoàn đi lên và anh Tồng đã được tín nhiệm bầu làm Bí thư xã Đoàn. Mặc dù hoạt động của Đoàn những năm trước còn hạn chế, song không ngại khó, ngại khổ, anh đã sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
Với cương vị mới, anh đã nhanh chóng nắm rõ hoàn cảnh gia đình 140 đoàn viên trong chi đoàn và xem họ sinh hoạt ở đâu, hoạt động ra sao? Nhận thấy phần nhiều anh em trong Đoàn mà lại chưa nắm được Điều lệ Đoàn, chưa hiểu về tổ chức mình đang hoạt động, anh đã tăng buổi sinh hoạt định kỳ của Đoàn và triển khai sâu rộng tới các đoàn viên về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn.
Xác định đoàn viên thanh niên là lực lượng có vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương nhưng thực tế lại không có vốn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Bước đầu anh đã cùng Đoàn xã mạnh dạn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện vay 230 triệu đồng cho 37 gia đình đoàn viên thanh niên đầu tư phát triển kinh tế.
Có vốn để sản xuất, chăn nuôi đoàn viên rất vui, ai cũng sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Có 18 người dùng vốn vay để mua trâu làm sức cày kéo, còn lại là khai hoang ruộng nước, mua phân bón để cải tạo cây chè, chăm sóc cây lúa, cây ngô... Anh Tống cho biết: “Hiện nay 100% đoàn viên trong chi đoàn đã có gia đình, chỉ còn 3 hộ thiếu ăn do mới tách hộ. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đứng ra tín chấp vay vốn tạo điều kiện giúp đỡ 3 hộ này thoát nghèo”.
Bên cạnh đó, Đoàn còn tổ chức nhiều phong trào hoạt động xã hội như tình nguyện đóng góp ngày công xóa nhà dột nát, xây dựng các công trình, phần việc cho các bản, của xã do đoàn viên thanh niên đảm nhiệm... Cùng với sự ủng hộ của đoàn viên thanh niên trong xã, anh đã gây dựng được nhiều hoạt động sôi nổi trong Đoàn và bước đầu đã có khởi sắc.
Từ một tổ chức Đoàn còn nhiều hạn chế, năm 2007 tập thể Đoàn xã Púng Luông và cá nhân anh Tồng đã được Huyện đoàn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Trong tháng thanh niên năm nay, Đoàn đã vận động 100% đoàn viên trong chi đoàn và hàng trăm thanh niên trong các bản tham gia sửa chữa đường từ trụ sở xã đến bản Mý Háng Tâu dài 2km và sửa đường từ bản Háng Cơ Bua đến Dề Chờ Chua A dài 3km. Đoạn đường sửa chữa xong sẽ giúp nhân dân các bản thuận lợi hơn trong việc đi lại sản xuất mùa vụ, giao lưu trao đổi hàng hóa...
Dù ở cương vị nào anh cũng đặt công việc lên hàng đầu, làm việc hết mình, với mong muốn “dân mình đỡ khổ hơn”. Thào Khua Tồng xứng đáng là tấm gương sáng để tuổi trẻ các dân tộc học tập và noi theo.
Thanh Xuân
Các tin khác
YBĐT - Câu chuyện xoay quanh việc 43,8 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất và Trồng rừng 327 Yên Bình là rừng tự nhiên nghèo kiệt, thoái hoá như hiện trạng hồ sơ dự án nêu hay trong số đó có cả những khu rừng đang tái sinh tốt?
YBĐT - Đứng ở trụ sở UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đặt tại bản Trống Là, nhìn tứ bề chỉ thấy núi. Núi như tường thành, khiến mắt lúc nào cũng phải ngước lên mới thấy đỉnh. Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Sùng A Nhà chỉ tay lên những đỉnh ngọn núi xa xa trong mây trắng và nói: “Muốn lên Háng Á, Trống Chở, Háng Đề Chu, Chống Gầu Bua… thì phải vượt lên trên dãy núi mù xa kia!”...
YBĐT - Nuôi ba ba - đó không phải là một nghề mới, song để có hơn trăm hộ nuôi gắn bó với nghề và trở thành triệu phú thì là cả một câu chuyện dài mà chúng tôi được "mục sở thị". Và biết bao bài học đã rút ra từ đó.
YBĐT - Giờ đây, Nhà máy chế biến sắn Yên Bình (Yên Bái) đã ngừng hoạt động sau khi kết thúc vụ sản xuất 2007 - 2008 Mỗi ngày, không còn 3 - 4 ngàn mét khối nước thải từ Nhà máy xả ra dòng suối nhỏ Tầm Vông, hang Luồn, nhưng câu chuyện về môi trường bị ô nhiễm do Nhà máy Chế biến sắn ở xã Vũ Linh lại chưa biết bao giờ mới đến hồi kết thúc...