Rực sáng màu phượng đỏ
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong căn phòng nhỏ vừa để ở, vừa để làm việc tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi ngồi đây nghe ông say sưa kể bao kỷ niệm vui, buồn về chuyện đời, chuyện nghề, của những ngày tháng cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Ngoài kia, hạ về, một năm học đã kết thúc.
Thầy Thanh trao đổi kinh nghiệm học tập với
các em học sinh sau giờ học.
|
Vậy là bốn mươi năm đã trôi qua, mái tóc đen mượt của người thanh niên miền xuôi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở tình nguyện lên Tây Bắc công tác giờ đã điểm bạc, nhưng bầu nhiệt huyết vẫn không giảm. Về quãng đời hoạt động của mình, thầy Nguyễn Duy Thanh - đảng viên, Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Văn Chấn, bộc bạch: Ngay từ nhỏ, lối sống “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác đã thấm vào chúng tôi. Lớn lên, nghe theo tiếng gọi của Đảng, lời dạy của Bác Hồ, lớp thanh niên chúng tôi hăng hái nhận bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
Nhiệt tình cách mạng được thể hiện khi ông khoác ba lô từ Đại Lịch (Văn Chấn), đi bộ qua Vần Dọc, đi tầu hỏa từ Đoan Thượng đến Bảo Hà, tiếp tục đi bộ hai ngày theo đường mòn qua Minh Lương - Dương Quỳ - Khau Co để đến nhận công tác tại huyện Than Uyên (thuộc tỉnh Lai Châu bây giờ). Lúc đó, việc học chưa được quan tâm như bây giờ, học sinh thường xuyên bỏ học. Vì vậy, thầy giáo có dáng người mảnh khảnh, nhỏ bé, "Sáy giáo nòi nọi" nghĩa là thầy giáo be bé đã quen thuộc với phụ huynh học sinh.
Việc vận động không phải dễ dàng, đến nhà học sinh rồi có khi mà phải chờ đến tối mới gặp, nhiều em biết thầy giáo đến không về nhà mà ở lán trên nương, hôm sau thầy lại phải lên tận nương tìm mọi cách để đưa các em đến lớp. Ngược xuôi vận động các em đến lớp, trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, thầy Thanh đã đi mười lăm trên mười bảy xã của huyện Than Uyên. Bước chân của thầy đã đến nhiều địa danh xa xôi như: Nậm Cần, Nậm Sỏ, Hua Nà, Ta Gia - những nơi mà bây giờ sau bốn mươi năm vẫn là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Đất nước những ngày khói lửa, như bao thanh niên khác cùng thế hệ giã từ cây bút, viên phấn, thầy Thanh lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng), tham gia các chiến dịch tại Xẩm Thông Noong Chẹng, ở Phu Mộc bên nước bạn Lào, bị thương, phải rời quân ngũ, thầy lại tiếp tục đứng trên bục giảng. Một điều như là duyên trời định, đó là sự nghiệp của thầy luôn gắn với các em học sinh người dân tộc, với vùng cao, dù trong khoảng thời gian đó không ít lần cơ hội đến với thầy để có thể thay đổi số phận!
Hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao tại các trường Sơn A, Hạnh Sơn, năm 1990, thầy Thanh được điều về Trường phổ thông dân tộc nội trú Văn Chấn - ngôi trường đào tạo học sinh dân tộc vùng cao. Đây là khoảng thời gian thầy Thanh có nhiều kỷ niệm vui, buồn, thậm chí bị điều tiếng, bị bôi nhọ, tính mạng bị đe dọa. "Làm giáo viên của trường nội trú phải xác định cùng việc giảng dạy kiến thức cho học sinh, người thầy còn là người cha, người mẹ dạy dỗ nuôi dưỡng các em" - thầy Thanh tâm sự.
Ngày về giữ cương vị mới là thời điểm khó khăn. Trường lớp thiếu thốn cơ sở vật chất trăm bề, lại lạm phát, giá cả thì đắt đỏ khủng khiếp mà mức học bổng của mỗi em chỉ vẻn vẹn 55.000 đồng/tháng. "Đói không thể học" - biện pháp duy nhất đó là làm thế nào để giảm tỷ lệ lãng phí, thất thoát thấp nhất, học sinh được sử dụng khẩu phần ở mức cao nhất. Xuất phát từ những suy nghĩ đó, thầy Thanh bắt tay vào thực hiện công việc "cải tổ", mà việc đầu tiên bắt đầu từ "nhà bếp".
Nói về chuyện nhà bếp thì thật nan giải. Vì quản lý lỏng lẻo và do đời sống khó khăn nên khi đó nhân viên nhà bếp hay lợi dụng để bớt khẩu phần của học sinh như: lấy nước rác về chăn nuôi, đốt nhiều củi lấy than đem bán... Những việc vụn vặt đó không xử lý thì không được, nó cứ tái diễn và cuối cùng hiệu quả các em học sinh phải gánh chịu. Vì vậy, để tránh lãng phí, bảo đảm bữa ăn cho học sinh, phải siết chặt quản lý, phải thường xuyên kiểm tra. Có lần trong khi đi kiểm tra bắt gặp một nữ nhân viên trên đường về một bên túi phồng to, thầy đã gọi và mời lên phòng làm việc nhưng nhân viên đó không dừng lại mà tiếp tục về nhà. Vì là nhân viên nữ nên không dám kiểm tra, lúc sau người đó quay lại, "tang vật" đã bị tẩu tán. Khi đang trao đổi với nữ nhân viên đó thì anh chồng chị ta cầm đoạn gậy dài gần 2 mét đến chửi bới, lăng mạ, dọa đánh. Để người chồng " hạ nhiệt", thầy phải đấu tranh, giải thích cặn kẽ anh chồng mới chịu về. Thật hú vía!
Từ việc "chống tiêu cực" ở "nhà bếp" mà thầy Thanh bị điều tiếng ghê gớm. Thậm chí uy tín trong trường bị giảm sút nghiêm trọng. Năm đó, bầu chiến sỹ thi đua thầy chỉ được 50% số phiếu. Bù lại, nhà trường đã xây dựng được nội quy quy định người phục vụ, có việc Hội đồng kỷ luật nhà trường có mức kỷ luật thích đáng. Từ việc làm tận tụy, tâm huyết, không ngại điều tiếng nên tình trạng bớt khẩu phần của học sinh đã giảm hẳn, các em được "no cái bụng" để yên tâm học hành. Để giải quyết triệt để vấn đề, thầy Thanh đã cho nhân viên nhà bếp tận dụng nước rác, cơm thừa để chăn nuôi, mỗi đợt bán lợn hay mổ lợn cho học sinh ăn nhà trường trích lại cho nhà bếp 25% số kg tăng trọng, từng đợt thi đua có xét thưởng. Đời sống bớt đi phần khó khăn, từ đó, nhiều nhân viên đã hiểu và cảm thông với những việc làm của thầy.
Sau đận "cải tổ nhà bếp", lần khác thầy Thanh cũng bị một phen đứng tim. Đó là vào năm 1994, ở địa bàn Văn Chấn xuất hiện một loại bệnh nguy hiểm, đó là bệnh não mô cầu, nhiều người phải nằm viện, có người chết. Vậy là phụ huynh học sinh lo sợ ùn ùn rủ nhau đến trường để xin con về. Để trấn an phụ huynh, với tư cách là người đứng đầu, thầy Thanh đã "liều mạng" tuyên bố: “Nếu để con ở lại trường tôi xin cam đoan là tôi sẽ chịu hoàn toàn chịu trách nhiệm!". Nói cứng như vậy nhưng trong tâm mình cũng lo sợ. Lúc đó khoa học còn hạn chế, mình có biết gì đâu. Nhưng nếu không cứng rắn, một người đưa con về, người này truyền người kia thì nhà trường phải đóng cửa!".
Thầy Thanh (người mặc áo sẫm) với các em học sinh Trường Tiểu học
xã Suối Giàng.
40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, với nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, nhất là khoảng thời gian 18 năm trở lại đây khi gắn bó với Trường PTDT Nội trú Văn Chấn. Từ cơ sở vật chất lạc hậu, tranh tre nứa lá, với sự đóng góp của thầy, đến nay, Trường đã có một bộ mặt mới khang trang, to đẹp đáp ứng nhu cầu giáo dục vùng cao. Đó là 6 phòng học và 20 phòng ở xây kiên cố khép kín; nhà bếp rộng 230 mét vuông, nhà thi đấu thể thao đa năng... Cùng với cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo cũng được nâng lên năm sau cao hơn năm trước. Và thầy, người "cầm lái" cũng được hưởng trái ngọt. Ghi nhận đóng góp của thầy, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo, của UBND tỉnh. Bảng thành tích này, nhiều người phấn đấu, nỗ lực cả đời cũng không dễ có được!
Vinh dự lớn nhưng những hy sinh thầm lặng dễ ai hay. Giờ gần sáu mươi rồi vẫn phải chịu cảnh " cơm niêu nước lọ". Học sinh Trường nội trú Văn Chấn đã quen hình ảnh người thầy ngày ngày đều đặn đi kiểm tra từng lớp học, chỗ ở, miếng ăn của học sinh, xem các em học có tốt, ăn có ngon, mặc có ấm, xa nhà có nhớ gia đình. "Nhà mình ở thị xã Nghĩa Lộ, muốn về nhưng không yên tâm vì đã là giáo viên trường nội trú, người thầy phải làm việc quản lý, nuôi dưỡng dạy dỗ thay bố mẹ học sinh ". Bù lại sự hy sinh, vất vả của bố, các con của thầy Thanh đều ngoan ngoãn, học hành tấn tới. Ba người con thì đã có hai người đi theo nghề cao quí của bố mẹ, là nghề dạy học.
Là mái trường có bề dày truyền thống, bốn mươi năm qua, Trường PTDT nội trú huyện Văn Chấn đã đào tạo gần 1000 học sinh vùng cao, nhiều học sinh đã thành đạt trở thành người có ích cho xã hội. Rút từ máy vi tính cho chúng tôi xem một danh sách dài những học sinh đã thành đạt, chúng tôi thấy trong đó có những cán bộ cốt cán của Huyện ủy, UBND, các phòng ban của các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ, Phù Yên (Sơn La), Than Uyên (Lai Châu); của các xã vùng cao như: Suối Giàng, Nậm Mười, Tú Lệ... Đặc biệt, có học sinh của Trường đã là Phó chủ nhiệm một ban của Quốc hội. Hiện nay với 166 học sinh người dân tộc thiểu số, các em đang được đào tạo cơ bản cả văn hóa, thể chất và đạo đức. Một kinh nghiệm mà thầy Thanh trao đổi với chúng tôi, đó là, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, để công tác đào tạo trường dân tộc nội trú đạt kết quả thì người giáo viên phải nắm chắc chính sách dân tộc, chính sách đối với đồng bào miền núi mà vận dụng.
Chia tay thầy Thanh, trong tôi luôn văng vẳng lời tâm sự: "Còn ít thời gian nữa là mình được nghỉ chế độ, nhưng mình sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, không có thái độ "chờ" nghỉ việc, trước đây thế nào thì sau vẫn sẽ như vậy!".
Vâng! Những tâm sự rất thật của thầy có lẽ chính là nỗi lòng của biết bao thầy, cô - những người ngày đêm miệt mài trên bục giảng, những người không quản khó khăn, gian khổ, hết lòng, hết sức vì học sinh thân yêu. Ngoài kia, hoa phượng nở đỏ thắm, mỗi cánh phượng như một trái tim của người thầy, người cô mãi rực lửa đầy nhiệt huyết, cứ cháy mãi!
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Sinh năm 1977 tại bản Nả Háng B, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Thào A Tồng có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói dễ nghe, đặc biệt, là nụ cười tươi tắn, cởi mở của anh.
YBĐT - Câu chuyện xoay quanh việc 43,8 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất và Trồng rừng 327 Yên Bình là rừng tự nhiên nghèo kiệt, thoái hoá như hiện trạng hồ sơ dự án nêu hay trong số đó có cả những khu rừng đang tái sinh tốt?
YBĐT - Đứng ở trụ sở UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đặt tại bản Trống Là, nhìn tứ bề chỉ thấy núi. Núi như tường thành, khiến mắt lúc nào cũng phải ngước lên mới thấy đỉnh. Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Sùng A Nhà chỉ tay lên những đỉnh ngọn núi xa xa trong mây trắng và nói: “Muốn lên Háng Á, Trống Chở, Háng Đề Chu, Chống Gầu Bua… thì phải vượt lên trên dãy núi mù xa kia!”...
YBĐT - Nuôi ba ba - đó không phải là một nghề mới, song để có hơn trăm hộ nuôi gắn bó với nghề và trở thành triệu phú thì là cả một câu chuyện dài mà chúng tôi được "mục sở thị". Và biết bao bài học đã rút ra từ đó.