Văn hóa tộc người: Đừng để mất "hương đồng, gió nội"!

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Các bản mường vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đó có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng lên nhờ hoạt động du lịch, tư duy kinh tế có phần thay đổi, các giá trị văn hóa bước đầu được bảo tồn và phát huy. Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, những giá trị văn hóa cổ truyền ít nhiều bị lệch lạc, gây ra những tác hại không nhỏ cho công cuộc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc và thu hút du khách.

Sinh hoạt văn hóa tại nhà sàn văn hóa xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Thu Hạnh)
Sinh hoạt văn hóa tại nhà sàn văn hóa xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thu Hạnh)

Từ bao đời, các thế hệ người Thái Đen Tây Bắc đều coi biểu tượng “khau cút” gồm hai thanh gỗ đóng chéo nhau, trên đó trang trí nhiều hoa văn, họa tiết như một trong những nét đẹp văn hóa của cha ông truyền lại, nó không chỉ làm cho ngôi nhà thêm đẹp, chắn gió cho mái tranh nơi đầu hồi nhà, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Vậy mà bây giờ đi khắp vùng Mường Lò chỉ có nhà ông mo Phong ở bản Cại, xã Hạnh Sơn, Văn Chấn là còn biểu tượng này.

Bây giờ những chuyến du lịch sinh thái, văn hóa dân tộc đang ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước, bởi khi được đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ, trong không khí độc đáo của văn hóa đa sắc tộc, mỗi người như tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn trước những ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống thời hiện đại. Các bản mường vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đó có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng lên nhờ hoạt động du lịch, tư duy kinh tế có phần thay đổi, các giá trị văn hóa bước đầu được bảo tồn và phát huy. Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, những giá trị văn hóa cổ truyền ít nhiều bị lệch lạc, gây ra những tác hại không nhỏ cho công cuộc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc và thu hút du khách.

Người viết bài này vốn là người chuyên nghiên cứu, sưu tầm văn hóa một số dân tộc ở Tây Bắc, có nhiều dịp đến với các bản mường Tây Bắc, đặc biệt là ở Mường Lò - Yên Bái, nơi được coi là đất tổ của người Thái Đen Tây Bắc, nên mỗi khi có dịp đến một bản mường nào cũng luôn tự đặt một câu hỏi: Chúng ta làm như vậy đã đúng chưa? Có thể làm tốt hơn không? Làm thế nào để có hiệu quả cao nhất?...

Riêng ở Mường Lò, một trong những điểm đến trong những tua du lịch về nguồn, đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo tồn và phát triển vốn văn hóa dân tộc. Cả 7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ đều có nhà văn hóa, có các đội văn nghệ thông thạo các điệu xòe và khắp Thái... Nhưng nếu đến tất cả các nhà văn hóa, người ta cứ thấy thiếu một cái gì đặc trưng để có thể phân biệt với nhà sàn của đồng bào Tày, Mường, Khơ Mú... Đó chính là các “khau cút” trên đầu hồi các nhà sàn. Từ bao đời, các thế hệ người Thái Đen Tây Bắc đều coi biểu tượng “khau cút” gồm hai thanh gỗ đóng chéo nhau, trên đó trang trí nhiều hoa văn, họa tiết như một trong những nét đẹp văn hóa của cha ông truyền lại, nó không chỉ làm cho ngôi nhà thêm đẹp, chắn gió cho mái tranh nơi đầu hồi nhà, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Vậy mà bây giờ đi khắp vùng Mường Lò chỉ có nhà ông mo Phong ở bản Cại, xã Hạnh Sơn, Văn Chấn là còn biểu tượng này.

Tháng 2/2008, tôi được dự bữa cơm thân mật và giao lưu văn hóa ở nhà sàn văn hóa Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cùng với Phòng Phục vụ khách hàng khu vực Nghĩa Lộ thuộc Công ty Bảo việt nhân thọ Yên Bái với tư cách là cộng tác viên của Tạp chí Bảo việt nhân thọ. Cuộc gặp gỡ có đủ các món ăn dân tộc, có “khắp mơi lảu” - tức là hát mời rượu, một điệu hát đầy tình mến khách của người Thái Tây Bắc, có giao lưu văn nghệ, có múa xòe... Vậy mà khi chia tay cứ không khỏi day dứt, băn khoăn.

Khi ô tô dừng bánh trước sân, các cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp trong trang phục truyền thống như những bông hoa rừng ra tận nơi đón khách. Các em đẹp quá, cái đẹp nhuần nhị như ánh ban mai khiến du khách có cảm giác thanh thản trong lòng. Bữa ăn với đủ các đặc sản như xôi ngũ sắc, rau rừng, cá nướng, cá xôi, măng rừng, thịt trâu sấy... rất lạ miệng và ngon. Nhưng khi các em cất tiếng hát mời rượu: “Đừng sợ say, đây tay ngà, chén em dâng đầy...” bằng tiếng phổ thông, tôi chợt giật mình. Bài hát ấy hay lắm, nhưng không phải là bài hát mời rượu của người Thái, mà của nhạc sỹ Thanh Bình phổ thơ Vũ Quý trong khi người Thái có những bài hát mời rượu tuyệt hay.

Người viết bài này đã hơn một lần dự cơm thân mật với người Thái, chủ nhà hát mời rượu bằng tiếng Thái rồi dịch ý cho khách là người dân tộc khác, ai cũng vui vẻ, cảm phục và không nỡ chối từ chén tình chén nghĩa. Tôi nhắc vui mấy thanh niên trong đoàn: “Các anh bỏ phí mất quyền lợi uống rượu chéo tay đấy”. Được lời, mấy thanh niên không bỏ lỡ dịp vui. Một bạn tinh nghịch hỏi tôi: “Chú ơi, cháu còn nghe nói có cách uống rượu một chấm, một phẩy phải không ạ”. Tôi đùa: “Thì anh cứ đứng lên uống rượu chéo tay khắc biết”. Thế là bạn trẻ thử nghiệm luôn rồi chợt đỏ mặt lúng túng. Các cô gái ép uống đến mức thật khó chối từ, có người đã bắt đầu say, còn chính các cô gái dù đã được tôi luyện nhiều, khuôn mặt vẫn đỏ hồng như trái đào chín, bớt đi phần nào sự e lệ lúc đầu.

Tôi cứ băn khoăn tự hỏi có nhất thiết phải ép khách uống như thế không và mới thông cảm được với những người muốn lên Tây Bắc nhưng lại sợ bị ép rượu. Còn khi tiếp xúc với những người Thái cao tuổi, các cụ cho biết: “Ngày trước chúng tôi uống rượu lịch sự lắm, ai say làm điều không phải sẽ bị bản mường phạt nặng. Người Thái có câu “Téo lảu tan bấu maư” có nghĩa là: Trốn rượu không ai phạt...”.

Khi cuộc rượu tàn, chủ và khách đều ngấm men, mâm bát được dọn nhanh nhường chỗ cho các điệu xòe. Chủ và khách cùng nồng say trong điệu xòe vòng sôi nổi, rồi các cô gái Thái trình diễn những điệu xòe truyền thống. Tăng âm, loa đài được mở hết cỡ, tiếng nhạc thúc giục, các cô gái cũng nhấc chân cao hơn, hông lắc mạnh hơn, nhà sàn cũng rung rinh cùng bước vũ.

Những người am hiểu văn hóa Thái chỉ còn biết lắc đầu tiếc nuối, bởi nói tới xòe Thái Tây Bắc ngoài sự sôi nổi của các điệu xòe vòng, thì du khách trong và ngoài nước đều thực sự khâm phục sự tinh tế, uyển chuyển của các bài xòe điệu. Mỗi vùng âm nhạc làm nền cũng khác nhau, nếu như ở Quỳnh Nhai - Sơn La, các điệu xòe rộn ràng thướt tha trong nhịp đàn tính, thì ở Mường Lò, khèn, pí... lại là nhạc cụ chủ đạo... Còn bây giờ các em múa các điệu dân vũ của dân tộc mình mà mang bóng dáng các điệu múa hiện đại trên sân khấu. Nhân phút giải lao, khi mời mấy cô gái ra sân chụp ảnh, tôi tò mò hỏi các cô ý nghĩa của hàng cúc bạc hình bướm trên áo cỏm của các cô, các thiếu nữ Thái nhìn nhau lắc đầu. Khi tôi nói sơ qua ý nghĩa âm dương và qui định của con gái chưa chồng cúc phải mang số hàng lẻ, con gái có chồng cúc mang hàng chẵn của người Thái Đen, các cô đều nói chưa được nghe ai nói bao giờ.

Phút chia tay, các cô gái cầm mi-crô ngọng nghịu hát câu quan họ: “Người ơi người ở lừng (đừng) về...” khiến lòng tôi chạnh buồn nao nao tự hỏi: Sao các cô không hát bài hát của dân tộc mình? Tôi không phải là người Thái mà cũng còn biết mấy câu hát chia tay của người Thái: “Bát tâư é haử dú dam a/ Bát má é haử dú dien dam nọong/Hặc căn chua đảy chua đeo văn/ Khong bấu sự chí bấu hên lâng/ Chí pay coi pay đi nha sảy/Tốc tin khảm pá mạy nha sảy nưới nao...” - có nghĩa là: “Đã đến chơi sao không ở lại thăm/ Đến rồi em muốn ở lại luôn cùng bầu bạn/ Thương nhau chưa được nửa ngày trò chuyện/ Như của không mua không bền chặt mãi/ Không ở được mong ra về gặp điều tốt lành/ Như ve kêu mãi không bao giờ đau ốm/ Cất bước qua rừng qua núi vững vàng...”.

Ra về, chúng tôi ai cũng như lây niềm vui hồn nhiên của các cô gái Thái. Khung cảnh thanh bình nên thơ quá, các cô gái Thái trong sáng và nhiệt tình quá, văn hóa Thái có nhiều nét độc đáo và đặc sắc quá. Nhưng trong tôi vẫn phảng phất nỗi niềm: Em không “đi tỉnh về” nhưng cuộc sống thời hội nhập đã khiến các em tôi “hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều”. Bởi thế càng băn khoăn: Sao chưa có những người am hiểu về hoạt động du lịch với một tầm nhìn xa trông rộng, chưa có những người am hiểu và tâm huyết với văn hóa Thái chỉ bảo cho các cô gái những nét đẹp đáng tự hào của văn hóa dân tộc mình và phải làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy mà vẫn ngày càng thu hút được du khách.

Trần Đình

Các tin khác
Nuôi cá anh vũ trong ao hồ.

YBĐT - Có một loài cá chỉ ăn rong rêu và lục tảo ở trong những sông suối trong xanh, chúng là “hàn thử biểu” của môi trường nước sạch. Đó là loài cá Anh vũ, một loài cá quí hiếm chỉ có ở một số sông suối miền núi phía Bắc, từ lâu người dân gọi là loài cá tiến vua. Trước nguy cơ loài cá bị tuyệt chủng, có một nơi đã nuôi thành công và đang chuẩn bị nhân giống trong môi trường nhân tạo...

Thầy Thanh trao đổi kinh nghiệm học tập với 
các em học sinh sau giờ học.

YBĐT - Trong căn phòng nhỏ vừa để ở, vừa để làm việc tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi ngồi đây nghe ông say sưa kể bao kỷ niệm vui, buồn về chuyện đời, chuyện nghề, của những ngày tháng cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Ngoài kia, hạ về, một năm học đã kết thúc.

YBĐT - Sinh năm 1977 tại bản Nả Háng B, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Thào A Tồng có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói dễ nghe, đặc biệt, là nụ cười tươi tắn, cởi mở của anh.

YBĐT - Câu chuyện xoay quanh việc 43,8 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ sản xuất và Trồng rừng 327 Yên Bình là rừng tự nhiên nghèo kiệt, thoái hoá như hiện trạng hồ sơ dự án nêu hay trong số đó có cả những khu rừng đang tái sinh tốt?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục