Lên ngàn "Gieo chữ"
- Cập nhật: Thứ hai, 23/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những đứa trẻ người Mông mắt xoe tròn đến lạ, tan học, chúng về những căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu, năm sáu đứa một nhóm, quây quần bên niêu cơm gạo giã tay, đỏ như xôi gấc. Thức ăn mặn là những con cá khô nghiền nhỏ mà chúng vẫn gọi là ruốc, vài ngọn măng sặt ngâm ớt. Canh là món mì tôm cũng bóp nhỏ, nấu chỉ cốt lấy nước. Chúng ăn ngon lành. Chúng xuống núi học bằng được cái chữ, để sau này về phục vụ bản làng. Thầy cô chúng từ vùng thấp, xung phong lên đây để nhận lấy cái “khổ” về mình-dạy chữ cho con em đồng bào...
|
Nhọc nhằn chuyện học
Đường lên Mù Cang Chải(Yên Bái) gian truân lắm. Vực sâu hun hút, núi cao vời vợi, xe lượn vòng vo, nghiêng ngả. Từ huyện lỵ vào Nậm Khắt phải chầy trật mãi. Trung tâm xã là những mái nhà cũ kĩ. Ở đây chỉ có trường học là uy nghi, có mái tôn đỏ chói. Trước khi vào Nậm Khắt, thầy Phạm Thế Hào - Phó phòng Giáo dục huyện đã cho tôi biết, tất cả các trường xã của Mù Cang Chải đều đã có phòng học kiên cố hai tầng, nhưng trước vẻ đồ sộ, kiên cố của trường Nậm Khắt thì tôi thực sự thấy bất ngờ.
Không ngạc nhiên sao được, bởi đưa ngần ấy xi măng, sắt thép, gạch ngói băng đèo, vượt núi toàn bằng sức người vào đây để xây dựng cũng đã thấy toát mồ hôi. Cách đây 6-7 năm, Nậm Khắt là điểm "trắng" về giáo dục. Trước kia, người Mông ở tít trên những dãy núi cao, cái chữ với họ vẫn là thứ gì trừu tượng và rất xa vời. Họ vẫn thường bảo, họ cần cây lúa trên nương sai hạt, cây thảo quả trĩu cành là ấm cái bụng rồi. Còn cái chữ thì chẳng giải quyết gì, đi mỏi cái chân, ngồi ê cái người, nghĩ buốt cái đầu mà vẫn thấy cái bụng cồn cào...
Nhưng ý nghĩ đó bây giờ đã không còn nữa, thầy Phạm Trung Hiếu - Hiệu phó Trường cấp 1-2 Nậm Khắt cho biết, đến thời điểm này, cả xã có gần 1.000 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 7. Nói như lời các thầy cô ở ngoài Phòng Giáo dục thì đó là "kỳ tích có một không hai" ở vùng cao này. Thầy Hiếu bảo, đưa được con chữ lên vùng đất này cũng rơi nước mắt, vã mồ hôi chẳng khác người Mông trồng cây ngô trên đá dốc. Miền xuôi, đến trường, học sinh phải gồng trên lưng đủ khoản đóng góp, còn ở đất này thì không.
Chẳng những thế, mỗi học sinh còn được trợ cấp một khoản tiền đủ để trang trải sách vở, dầu đèn. Vậy mà, nếu không sát sao, không tích cực vận động, thì không đứa trẻ nào buồn đến lớp. Còn đối với các thầy cô giáo ở chốn cùng cực này, mọi khó khăn họ đành gạt đi, quyết tâm "găm" bằng được con chữ vào đầu lũ trẻ. Thầy Nông Đức Viễn, quê ở Nghĩa Lộ kể, lúc mới lên đây, còn bỡ ngỡ nên nhiều hôm lên lớp phát hoảng bởi đã vào giờ học mà chẳng thấy học sinh đâu. Thế là, lại xắn quần xắn áo, tá hoả đi tìm... Bây giờ, tuy đã quy củ hơn nhưng hôm nào thầy cũng phải đến lớp trước giờ dạy cả tiếng đồng hồ để kiểm tra "quân số", thiếu trò nào là thầy lại phải vất vả chạy bộ đến nhà tìm cho kỳ được.
Những "hoa thơm" của đất
Thầy Nông Đức Viễn năm nay mới 27 tuổi, đã có hơn 5 năm gắn bó với với nghề và với con em người dân Nậm Khắt. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Lộ, thầy xung phong lên đây công tác ngay. Năm ngoái, thầy vừa xây dựng gia đình cũng với một cô giáo cũng đang dạy ở đây. Thầy tâm sự, theo quy định thì năm nay thầy được chuyển công tác về xuôi nhưng vợ chồng thầy sẽ không về mà ở lại luôn.
Hôm tôi đến thăm trường, thì thầy giáo trẻ Hoàng Minh Tiến mới lên đây nhân công tác được hơn 1 năm. Mới ra trường, 22 tuổi, đầy nhiệt huyết, thầy tạm biệt thành phố Yên Bái xung phong lên đây để biết thế nào là khổ cực. Cũng có lúc thầy cũng nhớ nhà, đỏ hoe cả mắt. Các thầy cô ở đây đều bảo, ban đầu lên đây, lạ nước lạ cái, không có nhiệt huyết thì khó mà chịu được bám trụ được ở vùng đất này!
Tôi thiết tha muốn vào Nả Khắt, bản xa nhất của xã Nậm Khắt bởi phân hiệu trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Bích Thảo, theo lời giới thiệu của thầy Phó phòng Giáo dục Phạm Thế Hào, thì cô là một tấm gương sáng để toàn ngành giáo dục Mù Cang Chải noi theo. Trước đây, cô Thảo dạy học ở thị xã Nghĩa Lộ, nhưng nghe theo tiếng gọi của ngành, cô đã làm đơn xin chuyển lên đây.
Không giống như cơ sở chính, trường lớp ở Phân hiệu Nả Khắt tuềnh toàng, xiêu vẹo. Nơi ở của cô giáo Thảo cũng vậy, gió có thể lùa, mưa có thể hắt vào bất cứ chỗ nào. Cô Thảo là người không may mắn về chuyện gia đình. Đứa con gái duy nhất hiện đang nhờ bà ngoại nuôi lại bị bệnh tim từ nhỏ. Lúc 5 tuổi, cô đã phải đưa cháu về Hà Nội mổ cấp cứu, còn chuyện đưa con đi viện thì liên tục, mỗi lần như vậy gia đình cô phải tốn cả chục triệu bạc. Cũng may, giữa lúc khó khăn ấy, cô còn có các đồng nghiệp, họ đã ít nhiều giúp cô kinh phí để mẹ con cô thoát khỏi tai ương...
Với người Mông ở Nậm Khắt, các thầy cô giáo dưới xuôi lên đây "gieo" chữ là những bông hoa đẹp nhất ở đại ngàn. Học và làm theo cái chữ của Đảng, cái chữ mà những thầy cô giáo đã gieo trên đất này, họ đã phá bỏ cây thuốc phiện, cấy lúa ruộng, không thả rông gia súc, bà con đã thấy cái chữ rất cần cho họ, cho con em họ để vùng đất này vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Các bản mường vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đó có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng lên nhờ hoạt động du lịch, tư duy kinh tế có phần thay đổi, các giá trị văn hóa bước đầu được bảo tồn và phát huy. Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, những giá trị văn hóa cổ truyền ít nhiều bị lệch lạc, gây ra những tác hại không nhỏ cho công cuộc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc và thu hút du khách.
YBĐT - Có một loài cá chỉ ăn rong rêu và lục tảo ở trong những sông suối trong xanh, chúng là “hàn thử biểu” của môi trường nước sạch. Đó là loài cá Anh vũ, một loài cá quí hiếm chỉ có ở một số sông suối miền núi phía Bắc, từ lâu người dân gọi là loài cá tiến vua. Trước nguy cơ loài cá bị tuyệt chủng, có một nơi đã nuôi thành công và đang chuẩn bị nhân giống trong môi trường nhân tạo...
YBĐT - Trong căn phòng nhỏ vừa để ở, vừa để làm việc tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi ngồi đây nghe ông say sưa kể bao kỷ niệm vui, buồn về chuyện đời, chuyện nghề, của những ngày tháng cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Ngoài kia, hạ về, một năm học đã kết thúc.
YBĐT - Sinh năm 1977 tại bản Nả Háng B, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Thào A Tồng có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói dễ nghe, đặc biệt, là nụ cười tươi tắn, cởi mở của anh.