Việc khai thác quặng sắt ở Hưng Thịnh - Trấn Yên: Dan lo "tan nguồn nước nát môi trường"

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thiên nhiên thật là ưu ái với xã vùng cao Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây trái bốn mùa xum xuê ra hoa, đơm trái; đặc biệt trong lòng đất, tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó đáng kể nhất là quặng sắt với trữ lượng khá, hàm lượng cao, lại dễ khai thác (nhiều nơi quặng lộ thiên ngay trên mặt đất hoặc ven suối).

Với đồng bào Tày bản địa hay người Kinh xây dựng kinh tế mới ở Hưng Thịnh thì quặng sắt thật không có ý nghĩa gì ngoại trừ một số gia đình cạy lên vài ba chục khối dùng làm kè bờ ao hay san tạo mặt bằng để làm nhà. Thời gian gần đây, khi phong trào đào mỏ phát triển mạnh Hưng Thịnh bỗng trở thành địa chỉ đỏ cho các doanh nghiệp khai khoáng.

Nói như Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Hồng thì: "Không thể nhớ hết tên những doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kéo nhau về. Người trình giấy phép, người trình giấy giới thiệu, người đến xin thăm quan này nọ. Và cuối cùng các công ty Lộc Phát, Hưng Thắng và Molibden có quyết tâm cao, quyết định mở mỏ khai thác quặng sắt trên địa bàn xã với các tấm giấy phép của các cấp, các ngành phê duyệt. Tài nguyên khoáng sản quý giá ở các thôn: Kim Bình, Yên Định, Yên Phú lại được các “tên tuổi” kể trên vào đầu tư khai thác thì đúng là tuyệt vời. Nhưng với người dân Hưng Thịnh thì chả có gì là hay. Họ đến họ khoan, đào, san, gạt... rồi phá đá, nổ mìn ngay trên địa bàn xã, sát với khu dân cư hay đồng ruộng, nương đồi. Hơn nữa, những điểm khai thác đều là nơi sinh thủy, bảo đảm nguồn nước ăn và sản xuất cho bà con; mất nguồn sinh thủy, không khéo cả trăm nhà chết khát".

Chúng tôi đến Hưng Thịnh một ngày cuối tháng 6, để làm việc với cán bộ xã và nghe người dân phát biểu về "đề tài" khai thác quặng sắt và nhận thấy sự lo lắng của bà con là có cơ sở. Theo báo cáo của lãnh đạo xã Hưng Thịnh thì 3 doanh nghiệp đã có giấy phép khai thác quặng sắt ở Hưng Thịnh gồm: Công ty Lộc Phát được phép khai thác ở thôn Yên Phú với diện tích 40 ha; Công ty Hưng Thắng cũng khai thác ở Yên Phú 60 ha; Công ty Molibden được phép khai thác tại thôn Yên Định 40 ha và thôn Kim Bình với  khoảng 60 ha.

Đến thời điểm này, Công ty Lộc Phát đã hoàn thành xong bước một công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đang tiến hành làm thủ tục thuê đất; Công ty Molibden đang cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát diện tích thực tế tổng diện tích khu mỏ và diện tích từng hộ gia đình thuộc diện bồi thường, giải tỏa (riêng thôn Yên Định đã khảo sát xong). Như vậy, có thể thấy một xã nhỏ như Hưng Thịnh mà sắp có hàng trăm ha đất bị thu hồi, giải tỏa, hàng chục hộ dân phải di chuyển, sắp sửa có hàng vạn, hàng triệu mét khối đất đá bị đào bới, san ủi... thì chuyện biến động dân cư là rõ ràng, biến đổi môi trường là khó tránh khỏi. Đó là chưa kể đến sẽ có hàng trăm ô tô trọng tải lớn sẽ nghiền nát những con đường phẳng phiu mà người dân mới được hưởng sau biết bao nhiêu năm đi mô tô chồm chồm như phi ngựa!

Ông Nguyễn Văn Miêu - Trưởng làng Yên Định lại có nỗi lo lắng khác: "Làng này là làng văn hóa, bà con đều có cuộc sống khá nhờ chè, nhờ rừng và các xưởng chế biến chè, chế biến gỗ. Khi mỏ đi vào khai thác, hàng trăm lao động bên ngoài sẽ vào đây, nó sẽ nảy sinh biết bao vấn đề xã hội phức tạp thì làng này không còn bình yên nữa".

 Vấn đề môi trường và xã hội cũng đáng lo nhưng với người Hưng Thịnh thì lo nhất là nguồn nước. Tại điểm mỏ do Công ty Molibden khai thác là khu đồi Cây Đa. Đây là mỏ nước quan trọng và duy nhất của 114/140 hộ dân thôn Yên Định, nên khai thác mỏ này nguồn nước sẽ hết và các công trình nước tự chảy giá trị bạc tỷ do các nguồn dự án đầu tư sẽ trở nên mất tác dụng và dân sẽ "khát". Tại thôn Kim Bình, điểm khai thác mỏ cũng là nguồn sinh thủy, là mỏ nước sinh hoạt của hơn 100 hộ dân trong thôn, nó còn là nguồn nước tưới cho 16 mẫu lúa của đồng bào. Ngoài ra, các khu mỏ này đều nằm một phần trong diện tích rừng đầu nguồn đã được khoanh nuôi, bảo vệ từ nhiều năm nay.

Việc khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng đến môi trường và kéo theo những vấn đề xã hội, bà con Hưng Thịnh lo lắng cũng không thừa như vấn đề này đã có nhiều cơ quan, ban ngành cũng như chính quyền quan tâm, giải quyết. Hơn nữa, đánh thức tiềm năng khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên làm giầu cho quê hương đất nước, phục vụ cho sự phát triển thì đều phải có sự hy sinh dẫu đó là lợi ích chung hay riêng từng cá nhân. Riêng vấn đề nước sinh hoạt và nước sản xuất, bà con Hưng Thịnh bức xúc là có cơ sở vì không chỉ nước cực kỳ cần thiết cho cuộc sống và sản xuất mà nước ở đây đang rất khan hiếm.

Được biết, đại diện một số công ty khai khoáng khi gặp dân đã cam kết "sẽ bảo đảm nguồn nước cho dân" nhưng bà con vẫn chưa yên cái bụng vì ý tưởng sẽ bơm nước suối lên cho dân ăn không thể lâu dài được. "Họ còn ở đây họ còn lo máy, còn lo cho tiền điện, khi họ đi rồi, ai lo?" - phát biểu của ông Nguyễn Văn Ân - Bí thư Chi bộ Yên Định. Ý tưởng đưa nước bằng đường ống dẫn từ Km 23 (cách 2,5 km) về cũng không xong vì theo ông Phan Văn Đề - Trưởng thôn Yên Định thì: "Nguồn nước ở đó cạn từ lâu rồi, mấy thửa ruộng ở đó còn bị hạn thì lấy đâu ra nguồn cho hàng trăm hộ dùng. Hơn thế, nguồn đó ở làng khác, thôn khác, không phải rừng đầu nguồn phòng hộ, nay mai người ta khai thác cây đi rồi thì hạn là cái chắc".

Khai thác khoáng sản vốn đã rất phức tạp và đầy nhạy cảm, ở Hưng Thịnh lại càng trở nên phức tạp khi mà liền một lúc có 4 điểm mỏ được cấp phép khai thác và việc khai thác sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Phải bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, phải có nguồn nước bảo đảm ổn định, lâu dài cho dân Hưng Thịnh trước khi tiến hành khai thác; không nên ồ ạt khai thác khoáng sản tại một địa phương mà chưa nghiên cứu, giải quyết những vấn đề phát sinh! Đó là tâm tư nguyện vọng, là đòi hỏi chính đáng của người dân cần được quan tâm xem xét.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Những đứa trẻ người Mông mắt xoe tròn đến lạ, tan học, chúng về những căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu, năm sáu đứa một nhóm, quây quần bên niêu cơm gạo giã tay, đỏ như xôi gấc. Thức ăn mặn là những con cá khô nghiền nhỏ mà chúng vẫn gọi là ruốc, vài ngọn măng sặt ngâm ớt. Canh là món mì tôm cũng bóp nhỏ, nấu chỉ cốt lấy nước. Chúng ăn ngon lành. Chúng xuống núi học bằng được cái chữ, để sau này về phục vụ bản làng. Thầy cô chúng từ vùng thấp, xung phong lên đây để nhận lấy cái “khổ” về mình-dạy chữ cho con em đồng bào...

Sinh hoạt văn hóa tại nhà sàn văn hóa xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT - Các bản mường vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đó có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng lên nhờ hoạt động du lịch, tư duy kinh tế có phần thay đổi, các giá trị văn hóa bước đầu được bảo tồn và phát huy. Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, những giá trị văn hóa cổ truyền ít nhiều bị lệch lạc, gây ra những tác hại không nhỏ cho công cuộc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc và thu hút du khách.

Nuôi cá anh vũ trong ao hồ.

YBĐT - Có một loài cá chỉ ăn rong rêu và lục tảo ở trong những sông suối trong xanh, chúng là “hàn thử biểu” của môi trường nước sạch. Đó là loài cá Anh vũ, một loài cá quí hiếm chỉ có ở một số sông suối miền núi phía Bắc, từ lâu người dân gọi là loài cá tiến vua. Trước nguy cơ loài cá bị tuyệt chủng, có một nơi đã nuôi thành công và đang chuẩn bị nhân giống trong môi trường nhân tạo...

Thầy Thanh trao đổi kinh nghiệm học tập với 
các em học sinh sau giờ học.

YBĐT - Trong căn phòng nhỏ vừa để ở, vừa để làm việc tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi ngồi đây nghe ông say sưa kể bao kỷ niệm vui, buồn về chuyện đời, chuyện nghề, của những ngày tháng cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Ngoài kia, hạ về, một năm học đã kết thúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục