Già nua một ngôi trường
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 1976, Trường trung học cơ sở Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Yên Bình(Yên Bái) khi đó là Trường phổ thông cơ sở được xây dựng những phòng học cấp 4 bằng những viên gạch mới và mái ngói đỏ tươi. Thời điểm bấy giờ, đó là một ngôi trường mới khang trang và là sự cố gắng hết mình cho giáo dục của nhân dân trong xã. 32 năm trôi qua, ngôi trường chứng kiến bao lớp học trò lớn lên, trưởng thành, còn cô, trò lại xót xa chứng kiến sự xuống cấp, già cỗi của mái trường thân yêu.
Nền lớp học lồi lõm.
|
Độ tuổi 30 đối với một con người thì đương độ sung sức, nhưng đối với một ngôi trường thì đó là sự cũ kĩ, già nua!
Ngôi trường và những cuộc “tiểu phẫu”
Năm 1976, Trường trung học cơ sở Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Yên Bình khi đó là Trường phổ thông cơ sở được xây dựng những phòng học cấp 4 bằng những viên gạch mới và mái ngói đỏ tươi. Thời điểm bấy giờ, đó là một ngôi trường mới khang trang và là sự cố gắng hết mình cho giáo dục của nhân dân trong xã. 32 năm trôi qua, ngôi trường chứng kiến bao lớp học trò lớn lên, trưởng thành, còn cô, trò lại xót xa chứng kiến sự xuống cấp, già cỗi của mái trường thân yêu.
Cho đến khoảng những năm 1995, 1996, những phòng học đã trở thành phòng không cửa chính, không cửa sổ, thậm chí không cả chấn song cửa sổ bởi những cánh cửa gỗ năm nào đã không còn trụ lại được với thời gian. Các lớp học cứ trống tuềnh, trống toàng. Những mái ngói đỏ ngày trước cũng đã phong rêu, tàn tạ, mặc mưa, mặc nắng len lỏi, luồn lách. Những mảnh tường vôi vữa tróc lở, sứt sẹo, những nền lớp lồi lõm...Để trụ lại đến ngày hôm nay, đã từng phải có những cuộc "tiểu phẫu", chắp vá, sửa sang ít nhiều.
Năm 1995, nhà trường được cấp trên đầu tư 55 triệu đồng để 4 phòng học được làm lại nền xi măng, mái lớp học với những xà gỗ mọt ruỗng và viên ngói cũ nát được bóc ra, những tấm lợp phi brôximăng được thay thế, những bức tường được vôi ve lại. 55 triệu đồng cũng là sự đầu tư duy nhất mà nhà trường nhận được từ các cấp, ngành trong suốt 32 năm qua. Còn lại là những cuộc “tiểu phẫu” tự lực cánh sinh của tập thể nhà trường và phụ huynh học sinh bằng vốn xây dựng đóng góp. Nhờ đó, năm 1998, 1999, các lớp học còn lại được lắp lại cửa chính, cửa sổ và thay mái. Thế nhưng, đây cũng chỉ là những cuộc chắp vá tạm thời, là những giải pháp tình thế để rồi những chắp vá, sửa sang nhỏ lẻ này cũng chẳng đủ để ngôi trường kháng cự lại với thời gian.
Một mảng tường ngoài bị nứt có thể sập xuống bất cứ lúc nào. |
Vẫn cứ già nua
Với vài ba cuộc sửa sang, chắp vá trong suốt 32 năm qua sao có thể chống lại sự bào mòn của thời gian. Ngôi trường xập xệ bước vào tuổi ba mươi hai. 8 lớp học càng nhỏ bé, cô đơn giữa một khuôn viên cao ráo, bằng phẳng, thoáng mát. Không có một phòng chức năng nào ngoài tám phòng học. Cũng có phòng thí nghiệm nhưng trên thực tế đó đúng thực là phòng chứa đồ dùng dạy học bởi chỉ riêng việc cất giữ đồ dùng thôi cũng đã hết cả diện tích. 50% hàng cột hiên và tường nhà bị rạn nứt.
Mùa hè cái nóng hầm hập từ trên tấm lợp phi brôximăng đã chục, hơn chục năm tuổi dội xuống; những ngày mưa bão, gió theo luồng từ phía cánh đồng thổi giật lên làm tốc cả mái nhà, lớp học rùng mình như muốn đổ sập xuống đầu những cô cậu trò nhỏ bất cứ lúc nào. Dưới lớp gạch, đất nhiều chỗ đã bị mối ăn rỗng, khiến nhiều hàng cột ngoài hiên có hiện tượng sụt lún, kéo theo những thanh giằng trên mái nhà chỉ chực bửa ra. Trên tường, vữa rơi trơ gạch đỏ. Những bức tường sứt sẹo này có muốn vôi ve lại cũng không thể vì tường đã quá “nhờn”.
Dưới nền phòng học, những viên gạch hàng mấy chục năm tuổi bạc phơ phếch bị bào mòn, nền lớp gồ ghề, lồi lõm. Muốn kê bàn ghế cho ngay ngắn, không cập kênh thực là khó. Chưa kể chuyện thầy cô trong lúc giảng bài đi lại lên xuống trong lớp cũng phải vừa đi vừa nhìn xuống chân kẻo lại bước thấp bước cao. Chuyện cả trò và thầy ngã trong lớp cũng không phải là chuyện chưa từng xảy ra.
Nhà vệ sinh trống hốc và không có chỗ thoát nước. |
Khu vệ sinh của trên 250 học sinh của Trường thì càng phiền muộn. Chỉ tính riêng năm nay, nó đã được làm lại 3 lần: từ lợp lá cọ, sang quây bằng bạt và bao tải dứa, bây giờ là đan bằng tranh tre nứa lá và không có hệ thống dẫn nước. "Mỗi lần đi vệ sinh chúng em luôn cảm thấy bất ổn, vì thiếu kín đáo, mất vệ sinh" - đó là tâm sự không của riêng học sinh nào trong trường. Khoảng 3 năm trước nhà trường phát động phong trào “ Kế hoạch nhỏ” ủng hộ gạch làm nhà vệ sinh, một nhà vệ sinh được xây tạm, song số lượng học sinh nhiều, nước thải dẫn xuống con mương cạn cạnh trường thì hỏi làm sao bầu không khí không khó chịu, không ô nhiễm.
Đau đáu niềm mong mỏi
Khi tất cả các môn học đều gói trọn trong khoảng không gian nhỏ bé, chật hẹp, không an toàn đó thì các em có thể học tập tốt được không? Mong muốn có một nơi vệ sinh sạch sẽ, kín đáo để giải toả nhu cầu sau mỗi giờ học của các em có là chính đáng không?...Dù yêu trường đến mấy nhưng khi nhìn thấy trường bạn khang trang, to đẹp, đàng hoàng các em không khỏi xót xa, ngậm ngùi cho ngôi trường của mình.
Mặc dù biết rằng ở đâu đó nơi vùng cao các bạn còn phải học ở những nơi trường không ra trường, lớp không ra lớp và cũng có trường đã được kiên cố hoá mà chẳng có chỗ để vệ sinh, các em vẫn mong mỏi rằng trong tương lai gần nhất, trường em sẽ được xây dựng, để mỗi lớp học sinh được ngồi trong những lớp học an toàn, bình yên như cái tên ngôi trường các em mang.
Đây là những niềm mong mỏi của các em học sinh Trường THCS Yên Bình gửi gắm tới các ngành, các cấp của huyện Yên Bình và là nỗi khát khao, chờ đợi của lớp lớp cô, trò nơi mái trường già nua bao năm qua.
Thu Hạnh - Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Thiên nhiên thật là ưu ái với xã vùng cao Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây trái bốn mùa xum xuê ra hoa, đơm trái; đặc biệt trong lòng đất, tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó đáng kể nhất là quặng sắt với trữ lượng khá, hàm lượng cao, lại dễ khai thác (nhiều nơi quặng lộ thiên ngay trên mặt đất hoặc ven suối).
YBĐT - Những đứa trẻ người Mông mắt xoe tròn đến lạ, tan học, chúng về những căn nhà lợp bằng gỗ pơ mu, năm sáu đứa một nhóm, quây quần bên niêu cơm gạo giã tay, đỏ như xôi gấc. Thức ăn mặn là những con cá khô nghiền nhỏ mà chúng vẫn gọi là ruốc, vài ngọn măng sặt ngâm ớt. Canh là món mì tôm cũng bóp nhỏ, nấu chỉ cốt lấy nước. Chúng ăn ngon lành. Chúng xuống núi học bằng được cái chữ, để sau này về phục vụ bản làng. Thầy cô chúng từ vùng thấp, xung phong lên đây để nhận lấy cái “khổ” về mình-dạy chữ cho con em đồng bào...
YBĐT - Các bản mường vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhờ đó có nhiều khởi sắc, thu nhập tăng lên nhờ hoạt động du lịch, tư duy kinh tế có phần thay đổi, các giá trị văn hóa bước đầu được bảo tồn và phát huy. Song do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, những giá trị văn hóa cổ truyền ít nhiều bị lệch lạc, gây ra những tác hại không nhỏ cho công cuộc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc và thu hút du khách.
YBĐT - Có một loài cá chỉ ăn rong rêu và lục tảo ở trong những sông suối trong xanh, chúng là “hàn thử biểu” của môi trường nước sạch. Đó là loài cá Anh vũ, một loài cá quí hiếm chỉ có ở một số sông suối miền núi phía Bắc, từ lâu người dân gọi là loài cá tiến vua. Trước nguy cơ loài cá bị tuyệt chủng, có một nơi đã nuôi thành công và đang chuẩn bị nhân giống trong môi trường nhân tạo...