Sản xuất kinh doanh chè ở Yên Bái:

Sau cơn "mưa" trời có sáng?

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chúng tôi trở về vùng chè Văn Chấn (Yên Bái) - vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái cả về diện tích, sản lượng đến các cơ sở chế biến. Không khí sôi động nơi đây đã không còn như những năm về trước, mà chỉ thấy sự buồn bã, thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt những người làm chè...

Sản phẩm chè Ô Long đã được nhiều khách hàng ưa dùng.
Sản phẩm chè Ô Long đã được nhiều khách hàng ưa dùng.

Sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, bà con nông dân, doanh nghiệp cứ tưởng đã đến lúc sản xuất kinh doanh  chè hưng thịnh! Nhưng ngay trong những ngày chính vụ này, người làm chè lại rất ngao ngán, nhiều hộ dân, doanh nghiệp không còn mặn mà với chè nữa. Giá chè nguyên liệu ngày một xuống thấp, từ 3.500 đồng/kg nay giảm còn 2.400 đồng, trong khi giá vật tư phân bón tăng cao chóng mặt, càng đầu tư càng lỗ. Doanh nghiệp thu mua chè của dân không bằng tiền mà viết phiếu. “Phiếu” là một phương tiện trao đổi mua bán với không ít hộ dân làm chè(!?)...

Để hiểu thêm những nỗi vất vả, nhọc nhằn của người làm chè, những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đã về vùng chè Văn Chấn - vùng chè lớn nhất tỉnh cả về diện tích, sản lượng đến các cơ sở chế biến. Không khí sôi động của vùng chè đã không còn như những năm về trước, mà chỉ thấy sự buồn bã, thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt những người làm chè. Đã từ lâu, chè là cây trồng thế mạnh của Văn Chấn, toàn huyện có trên 4.000 ha, sản lượng thu hái đạt trên 30 ngàn tấn, giá trị thu từ chè cũng đạt trên 10 tỷ đồng. Nhưng việc sản xuất kinh doanh chè năm nay gặp rất nhiều bất lợi, đầu năm thì rét đậm, rét hại, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sinh trưởng và phát triển, giữa vụ giá vật tư phân bón tăng cao, nhiều loại phân tăng gấp hai, thậm chí gấp ba so cùng kỳ, giá nhân công cũng tăng đáng kể, trong khi giá chè thấp hơn cùng kỳ, dao động từ 2.200-3000 đồng/kg.

Tính đến hết tháng 6, toàn huyện mới thu hái được trên 11.000 tấn búp tươi, giảm trên 1.000 tấn so cùng kỳ. Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện lý giải: “Sản lượng chè của Văn Chấn năm nay giảm hơn so cùng kỳ có nhiều nguyên nhân: đầu vụ cây chè bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, nhưng nguyên nhân chính là do giá chè búp chỉ còn 2.400 đồng/kg (thời điểm cuối tháng 6 đầu tháng 7), trong khi giá phân bón tăng cao gấp đôi, gấp ba, do vậy, người dân không đầu tư chăm sóc. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp chế biến chè không vay được vốn ngân hàng dẫn đến mua chè giá đã thấp lại còn mua chịu, viết phiếu ghi nợ với dân. Biết được tồn tại, bất cập trong sản xuất chè thời gian vừa qua, nhưng những vấn đề đó vượt quá tầm của huyện”.

Trên các đồi chè người dân vẫn thu hái chè, nhưng chè cằn cỗi quá, chè với cỏ mọc ngang nhau. Có nhiều diện tích, cỏ mọc cao, dày hơn cả chè, người dân phải rẽ từng ngọn cỏ để thu hái. Thấy vậy, anh bạn đồng nghiệp đi cùng hỏi một người dân đang thu hái chè:

-Các chị để cỏ mọc thế này làm sao chè phát triển được?

-Các anh ơi! Chè giá thấp, phân bón tăng cao, đầu tư nhiều để lỗ à, nếu cứ đà này kéo dài chúng tôi phải bỏ chè mất! Nhìn cỏ mọc, chè cằn cỗi cũng xót xa lắm chứ nhưng biết làm thế nào được?

Chị Hà Thị Bích, ở thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết, giá phân bón năm nay tăng cao quá, đạm tăng lên 9.000 đồng/kg, NPK cũng 4.500 đồng/kg. Giá phân thì tăng trong khi giá nguyên liệu búp chè tươi lại xuống thấp, đầu vụ còn bán được hơn 3.000đ/kg nay giảm xuống 2.200 đồng, giá đã thấp doanh nghiệp thu mua chè lại không có tiền trả cho dân mà chủ yếu viết bằng phiếu. Phiếu ghi nợ mua chè của dân giờ đã trở thành một phương tiện trao đổi, mua bán hàng hoá ở nhiều vùng chè trong tỉnh. Và dĩ nhiên, mua bằng phiếu ghi nợ thì giá trị ắt phải thấp hơn tiền mặt, người nông dân vốn thiệt thòi nay lại càng thiệt hơn.

Rời vùng chè, chúng tôi đến các doanh nghiệp sản xuất chè, đến đâu cũng nghe các giám đốc kêu trời vì không vay được vốn ngân hàng, trong khi doanh nghiệp sản xuất chè ra đâu có phải lúc nào cũng bán được ngay, hoặc có bán được thì cũng phải hàng tháng sau mới thu được vốn. Bức xúc vì không vay được vốn ngân hàng, nhưng khi kết thúc câu chuyện, đa số các doanh nghiệp đều đề nghị chúng tôi được giấu tên bởi “sợ" ngân hàng làm khó sau này. 6 tháng đầu năm 2008, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Văn Chấn cho vay sản xuất, kinh doanh chè chỉ đạt 50% so với cùng kỳ.

Rõ ràng việc sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của cơ chế, chiến lược và thị trường, doanh nghiệp yếu về tiềm lực tài chính. Người làm chè dẫu có tâm huyết nhưng "cái khó bó cái khôn", muốn đầu tư thâm canh tăng năng suất, giá trị, sản lượng chè nhưng lại thiếu vốn. Để vực dậy sản xuất kinh doanh chè hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp, các cấp, các ngành, bà con nông dân cần thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/TV của Ban thường vụ Tỉnh ủy và Đề án phát triển chè giai đoạn 2007-2010 của UBND tỉnh.

Người làm chè vì điều kiện khó khăn trước mắt, giá vật tư phân bón tăng cao không thể đầu tư thâm canh tốt được cũng cần phải làm cỏ cho chè, thu hái đúng phẩm cấp chứ đừng bi quan mà bỏ chè hoang hoá. Thị trường tiêu thụ chè năm 2008 này được đánh giá là tốt, song do bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, chỉ số lạm phát tăng cao..., Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp kiềm chế tích cực.

Trước mắt tỉnh, ngành ngân hàng phải vào cuộc tích cực, dành một nguồn vốn nào đó cho các doanh nghiệp chè chủ lực vay vốn với lãi suất thấp để mua hết nguyên liệu cho dân, trang trải nợ nần với dân. Thị trường tiêu thụ chè tốt doanh nghiệp có vốn rồi phải mua nguyên liệu với giá cao hơn để người trồng chè sống được bằng chè. Khi người dân bán được chè, có tiền “tươi” sẽ tiếp tục đầu tư thâm canh, cải tạo chè nâng cao năng suất, sản lượng. Các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè trên địa bàn hãy kề vai sát cánh với nhau và cùng tỉnh, huyện tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cùng người nông dân. Các doanh nghiệp có vốn hãy vì trách nhiệm và lương tâm của mình thu mua chè ổn định với giá cả phải chăng để đôi bên cùng có lợi, chứ đừng giảm giá thu mua bắt chẹt nông dân như thời gian qua. Vẫn biết, "thương trường như chiến trường", nhưng sản xuất kinh doanh có lợi nhờ "ăn" vào nối khốn khó của nông dân – những người một nắng hai sương” cũng chẳng oanh liệt gì.

Những cách làm đó không phải của doanh nghiệp, doanh nhân chân chính, mà muốn có lãi cao, kinh doanh hiệu quả, bền vững thì doanh nghiệp phải thực sự có trách nhiệm với người dân vùng nguyên liệu và có một chiến lược sản xuất kinh doanh lâu dài, đổi mới công nghệ, giảm chi phí, xuất khẩu hàng hoá. Một vấn đề nữa, là bà con nông dân vùng chè hãy tự tin, khó khăn rồi sẽ qua đi, cây chè còn gắn bó với cả cuộc đời người dân vùng chè. Do vậy, hãy khắc phục khó khăn, tích cực đầu tư chăm sóc chè, đừng bỏ chè!

Hiền Lương

Các tin khác
Lớp 1A của thầy giáo Sùng A Dình luôn duy trì đủ sĩ số  và thầy Dình đang uốn từng nét chữ cho học sinh.

YBĐT - Chế Tạo! Cái tên mà chỉ mới nghe đến thôi thì kể cả là cán bộ đang công tác tại huyện nếu không vì công việc cũng chẳng ai muốn đến, cho dù đến một lần rồi đi. Chế Tạo! Cái xã xa tít nơi vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) hễ bất cứ ai đến rồi cũng phải rùng mình khi nghĩ tới một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Cả tôi cũng vậy. Nhưng những người thầy ở đây lại không thế…

Khách du lịch Yên Bái thăm gốc cây cổ thụ hóa thạch - triệu năm.

YBĐT - Gia Lai đây rồi! Nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển. Gia Lai với những mái nhà rông, những tượng nhà mồ, lễ hội đâm trâu cùng các trường ca dân gian kể suốt đêm này qua đêm khác. Vùng đất này có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Cựu chiến binh thôn 5 xã Đào Thịnh khai thác quế.

YBĐT - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, đã có hàng trăm thanh niên ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên) không ngại hy sinh, gian khổ khoác súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, họ trở về, tiếp tục là người lính đi đầu trên trận tuyến mới, xây dựng quê hương Đào Thịnh ngày càng giàu đẹp.

Sau khi thu hội đất, người dân thôn Hồng Xuân lo lắng
sẽ chẳng còn được những vụ mùa bội thu như thế này nữa.

YBĐT - Dự án xây dựng Trại sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình tại thôn Hồng Xuân, Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) và chuyện thu hồi đất của 26 hộ dân trong phạm vi qui hoạch đang là vấn đề thời sự của người dân nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục