Mãi là người lính đi đầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, đã có hàng trăm thanh niên ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên) không ngại hy sinh, gian khổ khoác súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, họ trở về, tiếp tục là người lính đi đầu trên trận tuyến mới, xây dựng quê hương Đào Thịnh ngày càng giàu đẹp.

Cựu chiến binh thôn 5 xã Đào Thịnh khai thác quế.
Cựu chiến binh thôn 5 xã Đào Thịnh khai thác quế.

Trên đường “hành quân” đưa chúng tôi vào thăm trang trại của anh em hội viên Chi hội Cựu chiến binh thôn 5, ông Vũ Mạnh Thế- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã vui vẻ cho biết: “Hội CCB xã Đào Thịnh có 131 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội, trong đó có 8 người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, 72 người tham gia chống Mỹ, còn lại chiến đấu trên các mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam. Trở về địa phương, hầu hết anh em đều rất khó khăn về kinh tế, không có điều kiện cho con em ăn học.

Năm 1992, sau khi Hội CCB xã thành lập, được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất, giúp đỡ, hướng dẫn mở các tổ khai thác vật liệu xây dựng, làm dịch vụ... để phát triển kinh tế gia đình, anh em hội viên rất vui mừng cùng bắt tay vào bàn bạc, thống nhất các phương án làm ăn, phát triển kinh tế theo đặc thù, thế mạnh của từng chi hội, ví dụ như: Chi hội thôn 5 phát triển kinh tế trang trại- kinh tế hộ gia đình; Chi hội thôn 6 và 7 tập trung phát triển cây chè, quế; Chi hội thôn 1,2,3,4 sản xuất vật liệu xây dựng, làm dịch vụ, chăn nuôi... Mỗi chi hội đều thành lập các tổ cùng hợp tác, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển kinh tế’’.

Câu chuyện của ông Chủ tịch Hội CCB xã vẫn còn dang dở thì chúng tôi đã đặt chân đến trang trại của các CCB thôn 5. Một sự bất ngờ thú vị! Cách hơn 3 năm khi chúng tôi lên đây, xe máy chỉ đi được khoảng trên 3 km, còn gần 4km phải lội suối đi bộ mất hàng giờ đồng hồ, vậy mà hôm nay vượt qua 7 km lên đến ‘’đại bản doanh’’ của trang trại chỉ mất chưa đầy 20 phút. Cho xe vào nhà “đại bản doanh”, bốn phía nhìn ra: quế một màu xanh ngắt! Anh Nguyễn Văn Thắng- Chủ nhiệm Hợp tác xã 6/12, Chi hội trưởng CCB thôn 5, đưa tay khoát một vòng quanh trang trại: “Năm 1992, rừng đầu nguồn Khe Sấu thuộc thôn 5 và thôn 6 của xã bị người dân từ các xã khác xâm canh trái phép, phát rừng, đốt nương, làm rẫy gây hậu quả khá nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND, Hội CCB xã đã giao cho Chi hội CCB thôn 5 trồng lại diện tích rừng bị phá và bảo vệ rừng khoanh nuôi tái sinh đầu nguồn Khe Sấu. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Chi hội đã vận động 100% anh em CCB tham gia, phân công mỗi người một việc. Người thì đi tìm mua hạt quế về gieo ươm, người thì chỉ huy anh em, dọn dẹp diện tích rừng bị chặt phá, đốt làm nương rẫy để chuẩn bị trồng lại rừng. Bình quân mỗi năm, anh em trồng được từ 5- 7 ha quế. Đến năm 1995, Chi hội tách ra thành 2 tổ trang trại để tiện cho việc quản lý, bảo vệ. Hiện nay cả 2 tổ đều đã thành lập HTX’’.

- Diện tích quế của các anh hiện có bao nhiêu? Tôi hỏi.

- Khoảng 35 ha quế, 3 ha tre măng Bát Độ, 1 ha chè Bát Tiên. Ngoài ra, anh em Chi hội còn nhận bảo vệ 22 ha rừng đầu nguồn, khoanh nuôi tái sinh 15 ha rừng - Anh Thắng cho biết.

- Thế còn HTX 3/2 do anh Nguyễn Văn Nam làm Chủ nhiệm thì sao?

- Cũng có khoảng 20 ha quế, 1 ha chè Bát Tiên và bảo vệ 15 ha rừng trồng phòng hộ, 44 ha rừng đầu nguồn Khe Sấu. ‘’Vạn sự khởi đầu nan’’ đến thành công hôm nay đã phải đổi bằng biết bao mồ hôi, công sức của những người lính. Hiện nay, HTX 6/12 do anh Nguyễn Văn Thắng- Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 5 làm Chủ nhiệm có 24 hội viên là xã viên đang làm ăn tiến triển. Ngoài việc trồng, bảo vệ rừng, HTX đầu tư thêm 1 lò chưng cất dầu quế, đầu tư 1 xưởng chế biến chè Bát Tiên, 1 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, nuôi hươu lấy nhung và mua 1 xe tải làm dịch vụ vận tải cho HTX và nhân dân trong xã.

Trong năm 2007, cùng với việc đầu tư xây dựng, đưa xưởng chè vào sản xuất, HTX đã xúc tiến việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè Bát Tiên của mình tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, vì thế, sản phẩm của HTX sản xuất ra tiêu thụ khá thuận lợi: năm 2006, doanh thu đạt 430 triệu đồng, thu nhập xã viên đạt 17 triệu đồng/người/năm; năm 2007, doanh thu đạt 610 triệu đồng, thu nhập bình quân 23 triệu đồng/người/năm. Năm nay, HTX phấn đấu đạt doanh thu 650 triệu đồng, thu nhập của xã viên đạt 24 triệu đồng/người/năm.

Từ khi tham gia làm trang trại, đời sống của anh em hội viên đã được cải thiện đáng kể. Anh Phạm Văn Tình- hội viên Chi hội 5 tâm sự: “Trước đây, tài sản gia đình chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp cũ. Tham gia làm trang trại cùng anh em trong Chi hội, đến nay, gia đình đã có tiền dành dụm mua được xe máy, ti vi, điện thoại và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho gia đình. Song cái được lớn nhất là gia đình tôi có điều kiện để nuôi hai cháu ăn học hết THPT và học lên cao đẳng chuyên nghiệp’’. Điều đáng mừng là tất cả 24 CCB của HTX 6/12 và 12 xã viên CCB của HTX 3/2, năm 2007 đều đạt mức thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người, không gia đình nào thuộc diện nghèo; 60% hội viên CCB có nhà xây, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn và điện thoại. Có được kết quả như vậy là nhờ sự đoàn kết, thống nhất của anh em hội viên, xã viên trong việc bàn bạc tìm ra các phương làm ăn để HTX ngày càng phát triển.

Nhìn cơ ngơi của các anh càng cảm phục ý chí và nghị lực của những người lính đi đầu: 2 trang trại quế của 2 HTX Chi hội CCB thôn 5 với trên 55 ha từ 1đến trên 20 năm tuổi, trị giá phải vài tỷ đồng. Trong các CCB ở đây nhiều người là thương binh, bệnh binh, nhưng tất cả đều đã làm đúng lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho 30 CCB ở Chi hội 5 và từ 50- 60 lao động là con em CCB có việc làm trong những lúc nông nhàn, các CCB nơi đây còn là những người góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn Khe Sấu, giữ nguồn sinh thủy cho nhân dân ba thôn 3, 5, 6 trong xã sinh hoạt, sản xuất. Xưa, các anh chung một chiến hào cầm súng giết giặc thù bảo vệ quê hương thì nay quê hương lớn mạnh cũng nhờ một phần công lao đóng góp của những người đồng đội chung vai trên mặt trận phát triển kinh tế.

Nguyễn Giang

Các tin khác
Sau khi thu hội đất, người dân thôn Hồng Xuân lo lắng
sẽ chẳng còn được những vụ mùa bội thu như thế này nữa.

YBĐT - Dự án xây dựng Trại sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình tại thôn Hồng Xuân, Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) và chuyện thu hồi đất của 26 hộ dân trong phạm vi qui hoạch đang là vấn đề thời sự của người dân nơi đây.

Nhân dân xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) nhận phân bón phục vụ thâm canh lúa. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Giàng La Pán là thôn khó khăn nhất của xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), 100% là đồng bào công giáo. Vào năm 2005-2006, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây còn nghèo lắm, cuộc sống khó khăn thiếu thốn cộng với trình độ nhận thức còn hạn chế đã làm cho tình hình xã hội trở nên bất ổn, mong ước tìm một "miền đất hứa" đã len lỏi vào từng hộ gia đình.

Phụ nữ các dân tộc Mông ở Yên Bái đã tích cực học tập nâng cao kiến thức. (Ảnh: T.L)

YBĐT - Từ trước đến nay, tôi đã được nghe và gặp nhiều người phụ nữ Mông công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đối với chị Giàng Thị Sông, người dân tộc Mông ở xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) là một trường hợp đặc biệt vì chị là nữ trưởng bản đầu tiên và duy nhất của huyện.

Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Tu hú vừa mới cất tiếng gọi bầy, những chùm vải đỏ vít cong cành, tôi đã vội đi Mường Lò. Chao ơi là nhớ! Chẳng hiểu ra làm sao nữa, vì tôi đã từng qua Mường Thanh - Mường Than - Mường Tấc nhưng chẳng mường nào để thương để nhớ thật nhiều trong tôi như Mường Lò.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục