Ấn tượng Gia Lai
- Cập nhật: Thứ tư, 9/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gia Lai đây rồi! Nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển. Gia Lai với những mái nhà rông, những tượng nhà mồ, lễ hội đâm trâu cùng các trường ca dân gian kể suốt đêm này qua đêm khác. Vùng đất này có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
Khách du lịch Yên Bái thăm gốc cây cổ thụ hóa thạch - triệu năm.
|
Vùng quê đất đỏ, biển hồ
Con đường từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh ĐăkLăk) đi Gia Lai cứ theo núi Đông Trường Sơn mà mở. Hơn hai trăm cây số, qua những cánh rừng cao su, nương cà phê, hồ tiêu mùa này xanh mướt lá. Lần đầu lên với Tây Nguyên, được nhìn tận mắt màu đất bazan lại càng thấm sâu thêm bài địa lý học tự thuở thiếu thời. Đất mới đỏ làm sao! Qua hàng triệu năm rồi vẫn rưng rức như màu gạch mới ra lò. Không hiểu đất thương cây, thương người Gia Jai, Ba Na, Xơ Đăng.. đời sống còn nghèo khó mà chẳng nỡ bạc màu hay chính là máu của các thế hệ cha anh ngã xuống nơi đây để giữ dân, giữ đất. Và ở đây, tôi đã nhìn tận mắt cây cổ thụ hóa thạch hơn 1 triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam tìm thấy tại miệng núi lửa xã Chư A Thai, huyện Ayun Pa. Gốc cây dễ đến vài vòng tay người ôm mới xuể, dù thành đá mà thớ cây vẫn thẳng như lòng người Tây Nguyên vậy. Và trong tâm trí tôi hiện về hình bóng Anh hùng Núp với cái bẫy đá trên núi Chư Lây mà nhà văn Nguyên Ngọc từng miêu tả trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”.
Gia Lai đây rồi! Nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển. Gia Lai với những mái nhà rông, những tượng nhà mồ, lễ hội đâm trâu cùng các trường ca dân gian kể suốt đêm này qua đêm khác. Vùng đất này có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Đó là rừng nhiệt đới Kon Ka Kinh và Kon Cha Rang - nơi có nhiều động vật quí hiếm; thác Xung Khoeng hoang dã ở huyện Chư Prông; thác Phú Cường thơ mộng ở huyện Chư Sê. Nhiều con suối đẹp như suối Đá Trắng, suối Mơ và các danh thắng như bến đò "Mộng" trên sông Pa, Biển Hồ (hồ Tơ Nưng) trên núi...
Đưa chúng tôi đi thăm hồ, nữ thi sĩ xinh đẹp Bảo Vân của Hội Văn học - Nghệ thuật Gia Lai ríu ran kể: “Biển hồ Tơ Nưng, nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng triệu năm. Hồ có hình bầu dục, diện tích 230ha, độ sâu từ 20 đến 40m. Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội. Đây là nguồn dự trữ nước sạch và hàng năm còn cung cấp cho thành phố Pleiku dư trăm tấn cá. Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục, các loài hoa đua nhau khoe sắc, ong bướm dập dìu, tiếng chim hót lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Rồi những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi trập trùng uốn lượn...Giữa mùa hè nắng nóng oi nồng mà ở đây không khí trong lành và mát rượi. Đứng trước gương nước mênh mông không khỏi nhớ đến câu thơ: “Ngọn gió nóng qua sông thành ngọn gió mát”.
Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh ngắt. Cuối con đường, leo lên theo các bậc tam cấp bằng đá du khách sẽ đặt chân vào ngôi nhà lồng thơ mộng xây trên ngọn đồi cao ăn ra lòng hồ, người địa phương quen gọi là “Nghinh phong lầu”. Phía xa xa về hướng nam là núi Hàm Rồng có độ cao 1.092m mà đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt.
Theo phong thuỷ, Hàm Rồng là dương, dương từ khí núi, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, Biển Hồ cũng là miệng một núi lửa nhưng khác là âm sâu xuống lòng đất. Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleiku, của cả Tây Nguyên và là một điểm du lịch quan trọng của tỉnh.
Cùng với hồ Tơ Nưng, ngày nay người Gia Lai bằng tài trí của mình còn tạo ra một số hồ nhân tạo để khai thác thuỷ nông, thuỷ điện và du lịch. Hồ thuỷ điện Yaly với diện tích bề mặt hồ rộng 7.000ha và dung tích 1,03 tỷ m³; hồ Ayun Hạ rộng 3.700ha.. Hồ trên núi, nước hồ đang làm đẹp cảnh sắc Gia Lai. Đứng trước Biển Hồ mà lòng thi nhân muốn ru cùng ngọn gió cao nguyên lồng lộng, phóng khoáng “Gió ru hồn cồng chiêng/ Gió ngã nghiêng rừng chiều/ Gió gọi sáo diều ngân nga”...
Thức dậy tiềm năng Gia Lai
Người đầu tiên chúng tôi gặp trên mảnh đất này không phải cư dân bản địa mà là một chiến sĩ của Binh đoàn 15 - anh Nguyễn Xuân Quốc. Quê gốc tỉnh Hà Tây, vào Nam chiến đấu và tham gia giải phóng Tây Nguyên, bây giờ, anh cùng đơn vị ở lại làm kinh tế. Địa bàn hoạt động của Binh đoàn hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên, sang cả nước bạn Lào và Cam Pu Chia. Họ tham gia làm đường giao thông, làm thuỷ điện, trồng cây cao su, cà phê... và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Sau chiến tranh, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đang đòi hỏi người chiến sĩ phải dốc sức lực và tài trí trên trận tuyến mới. Màu xanh áo lính đang làm đẹp thêm, giàu thêm mảnh đất Tây Nguyên - Gia Lai vốn đậm chất sử thi huyền thoại. Anh Quốc đã đưa cả gia đình vào định cư tại Gia Lai, nhiều cán bộ và chiến sĩ của Binh đoàn 15 cũng vậy. Với họ, Gia Lai là quê hương thứ hai, song đâu cũng là đất mẹ Việt Nam.
Còn ông Trần Anh Kiệt - người xứ trầm hương Khánh Hoà lại đến Gia Lai để thoả cái chí làm giàu bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản. Là người lính, từng chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế và ra quân năm 1977, dám bỏ việc Nhà nước thời kỳ bao cấp, đồng thời bán ngôi nhà ở thành phố Nha Trang lấy 6 cây vàng để đầu tư vào nuôi cá trên hồ Đá Bàn. Năm 1994, tỉnh Gia Lai ngăn dòng sông Ayun và khánh thành hồ Ayun hạ là ông tìm đến. Gặp đúng thời điểm tỉnh đang có dự án thành lập Xí nghiệp quốc doanh nuôi trồng thuỷ sản nhưng không thành. Ông đứng ra thuê lại mặt nước để quyết một phen "đánh bạc" với trời. Đầu tư hàng tỷ đồng làm nhà trại, đóng thuyền máy và mua lưới. Mỗi năm thả xuống cái hồ mênh mông ấy 5 - 10 tấn cá giống, chỉ hy vọng thu lại 3 - 4%.
Khởi đầu thành công, những con cá trắm, cá trôi, cá mè hoa nặng vài chục kg được đánh bắt lên trước sự ngỡ ngàng của những người dân quê núi. Giờ đây, ông Kiệt có thể thu được 500 tấn cá/năm và dư vốn để đầu tư làm du lịch cùng giúp đồng bào người Ba Na ở làng DLâm ổn định cuộc sống với nghề nuôi trồng thuỷ sản. Dám nghĩ, dám làm giúp cho không chỉ ông Kiệt mà còn bao người nữa đến sinh cư lập nghiệp tại Gia Lai thành công. Đúng ngày chúng tôi đến đây cũng được nghe câu chuyện một ông chủ doanh nghiệp tư nhân mua máy bay riêng với giá 7 triệu đô la Mỹ. Mà người đó không xa lạ với giới hâm mộ bóng đá nước nhà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của đội bóng mang tên Tập đoàn. Cũng tay trắng làm nên, sau 10 năm mà cái tên Hoàng Anh - Gia Lai đã nổi như cồn khắp trong và ngoài nước.
Từ phố núi cao nguyên hạ sơn xuống cả đồng bằng với gỗ và bóng đá, rồi mở rộng liên doanh, liên kết để thành tập đoàn mạnh, có mặt ở nhiều nơi như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, ĐăkLăk, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Định, Cần Thơ... Hiện tại, Hoàng Anh - Gia Lai có 3 công ty cao su, trong đó có 2 công ty liên kết với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để phát huy thế mạnh của họ là kinh nghiệm. Vốn điều lệ của Tập đoàn là 1.037 tỷ đồng, sở hữu 22 dự án bất động sản với tổng diện tích 2 triệu m2 xây dựng; có 4 nhà máy chế biến gỗ và chế tác đá granite; 4 khách sạn lớn hàng 3 - 4 sao, 1 câu lạc bộ bóng đá. Phát huy thế mạnh nơi Công ty mẹ đặt trụ sở chính, Hoàng Anh - Gia Lai đã tiến hành khảo sát thăm dò và được Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai, Kon Tum ra quyết định giao cho Công ty thực hiện 6 dự án thủy điện qui mô vừa, có công suất tổng cộng 143MW. Chỉ tính kết quả hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm 2008, Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai đạt lợi nhuận trước thuế 780 tỉ đồng; phấn đấu đạt được kế hoạch trong năm 2008 là 2.500 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Nhà nước cũng đầu tư khá nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Anh hùng Núp. Chương trình 134,135 góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Ba Na, Gia Jai.. Quốc lộ 14 và những tuyến đường xuôi về biển đã nâng cấp, mở rộng giao lưu kinh tế giữa Gia Lai với đồng bằng. Chưa đến thủy điện Yaly, nhưng tôi biết đây là công trình trọng điểm quốc gia lớn thứ 2 sau thủy điện Hòa Bình. Thác Yaly trên sông Sê San nổi tiếng dữ dằn ngày xưa, nay được thay bằng cảnh đẹp của đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên. Thủy điện Yaly với công suất lắp đặt 720Mw và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ kwh/ năm.
Quá trình xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện Yaly đã tác động to lớn đến đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội… của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Đặc biệt, nguồn điện đã đem lại ánh sáng văn minh cho bao buôn làng, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào trong vùng. Tương lai, trên dòng Sê San này dự kiến sẽ xây dựng thêm 4 nhà máy thủy điện khác: Sê San 3, Sê San 4, Plei Krông và Thượng Kon Tum. Lúc đó và ngay bây giờ, điện từ nguồn nước Gia Lai theo đường dây 500 KV chảy ngược ra Bắc, xuôi vào Nam Bộ thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Vĩ thanh
Một sự tình cờ đã dẫn đến sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn đồng điệu, nhạc sĩ Lê Văn Hoan - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Gia Lai vừa viết xong bản nhạc phổ bài thơ “Cơn mưa bất chợt” của nhà thơ Dương Soái - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Không biết có phải “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà chúng tôi quyết định dừng chân lại thành phố Pleiku trên hành trình Bắc Nam. Khỏi phải nói niềm vui đêm hội ngộ, bên tách cà phê đậm hương vị cao nguyên là những câu chuyện tâm tình về quê hương và sáng tạo nghệ thuật. Ca sĩ Y Ngoan được mời trình bày tác phẩm. Cái chất giọng Tây Nguyên trầm hùng vút lên trong không gian tĩnh lặng sử thi “..Mưa vô tình mưa cứ bình thường/ Hồn nhiên gieo từ trời xuống đất/ Người yêu muốn cho người yêu khỏi ướt/ Hoá nửa người chịu ướt cùng mưa”.
Nghe hát mà lòng tôi cứ xốn xang. Mưa từ lời ca đang gieo vào lòng niềm thương, nỗi nhớ. Gia Lai ơi, hẹn ngày gặp lại!
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, đã có hàng trăm thanh niên ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên) không ngại hy sinh, gian khổ khoác súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, họ trở về, tiếp tục là người lính đi đầu trên trận tuyến mới, xây dựng quê hương Đào Thịnh ngày càng giàu đẹp.
YBĐT - Dự án xây dựng Trại sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình tại thôn Hồng Xuân, Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) và chuyện thu hồi đất của 26 hộ dân trong phạm vi qui hoạch đang là vấn đề thời sự của người dân nơi đây.
YBĐT - Giàng La Pán là thôn khó khăn nhất của xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), 100% là đồng bào công giáo. Vào năm 2005-2006, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây còn nghèo lắm, cuộc sống khó khăn thiếu thốn cộng với trình độ nhận thức còn hạn chế đã làm cho tình hình xã hội trở nên bất ổn, mong ước tìm một "miền đất hứa" đã len lỏi vào từng hộ gia đình.
YBĐT - Từ trước đến nay, tôi đã được nghe và gặp nhiều người phụ nữ Mông công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đối với chị Giàng Thị Sông, người dân tộc Mông ở xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) là một trường hợp đặc biệt vì chị là nữ trưởng bản đầu tiên và duy nhất của huyện.