Dự án Trại sản xuất giống thủy sản Yên Bình:

Cần sự hỗ trợ tạo việc làm cho người dân sau thu hồi đất

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dự án xây dựng Trại sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình tại thôn Hồng Xuân, Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) và chuyện thu hồi đất của 26 hộ dân trong phạm vi qui hoạch đang là vấn đề thời sự của người dân nơi đây.

Sau khi thu hội đất, người dân thôn Hồng Xuân lo lắng
sẽ chẳng còn được những vụ mùa bội thu như thế này nữa.
Sau khi thu hội đất, người dân thôn Hồng Xuân lo lắng sẽ chẳng còn được những vụ mùa bội thu như thế này nữa.

Mong muốn của người nuôi trồng thuỷ sản

Kế hoạch xây dựng Trại sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình bắt nguồn từ nhu cầu thay thế Trại sản xuất giống thuỷ sản Đông Lý tại Km10, huyện Yên Bình. Toàn tỉnh hiện có 24.000 ha diện tích mặt nuớc đang được sử dụng nuôi trồng thuỷ sản. Vì vậy, cùng với Trại cá giống Nghĩa Lộ, Trại sản xuất giống thuỷ sản Đông Lý là nơi cung cấp giống thuỷ sản cho một nhu cầu lớn nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh hiện nay.

Ngày 11/7/2007, UBND tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 1258/UBND-TNMT chấp thuận địa điểm xây dựng Trại Sản xuất giống thuỷ sản tại khu vực thôn Hồng Xuân. Ngày 30/10/2007, UBND tỉnh có Quyết định số 1900/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình Trại giống thủy sản Yên Bình.

Đến ngày 27/3/2008, UBND tỉnh Yên Bái có Quyết định số 479/QĐ-UBND thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do UBND xã Đại Đồng và các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng tại thôn Hồng Xuân trong phạm vi qui hoạch giao có thời hạn cho Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái thực hiện bồi thường, hỗ trợ sản xuất để đầu tư xây dựng công trình này.

Năm 2004, việc xây dựng Nhà máy xi măng Yên Bình đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của Trại Đông Lý: 2 ha bị san lấp hoàn toàn và 8ha không đủ lưu lượng nước làm cho việc sản xuất giống thuỷ sản tại đây đã không còn bảo đảm yêu cầu. Xây dựng một trại sản xuất giống thuỷ sản mới để thay thế Trại  Theo Dự án được phê duyệt, Trại Sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình được xây dựng trên diện tích gần 3ha với tổng số gồm 29 ao; tổng kinh phí đầu tư trên 9 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, Trại sẽ sản xuất cá bột, cá hương, cá giống với sản lượng mỗi năm 80 đến 100 triệu con cá bột, 30 đến 40 triệu con cá hương, 15 đến 20 triệu cá giống, cung ứng giống cho khu vực Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Theo kế hoạch đặt ra, trong quý II năm 2008 sẽ hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng.

Nhưng theo ông Định Ngọc Thường- Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện thì khâu giải phóng mặt bằng đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch do người dân chưa nhất trí với giá đền bù. Ông Tạ Công Lập - Phó giám đốc Trung tâm Thuỷ sản Yên Bái cho biết: "Việc chậm tiến độ xây dựng Trại sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, cung ứng giống trên thị trường. Trong phạm vi cung ứng giống, khi chưa thể lấy cá giống từ Trại thì người nuôi trồng thuỷ sản phải lấy giống từ dưới xuôi lên với giá cao hơn và chất lượng cá thấp hơn. Trại được đưa vào sử dụng sớm ngày nào thì thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản của nhiều địa phương ngày đó".

Khi những người nuôi trồng thuỷ sản mong muốn việc xây dựng Trại Sản xuất giống thuỷ sản được thuận buồm xuôi gió theo đúng tiến độ đặt ra thì những người dân trong diện thu hồi đất thôn Hồng Xuân lại đang như “đứng ngồi trên lửa”!

Nỗi niềm người dân thu hồi đất

Trong phạm vi qui hoạch của Dự án, có 26/93 hộ dân thôn Hồng Xuân có diện tích đất phải thu hồi. Ông Đinh Văn Lâm, Trưởng thôn Hồng Xuân cho biết: "Đối với những nông dân như chúng tôi, mất đất sản xuất quả thực sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy, chúng tôi mong nhận được nhiều sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền để vơi bớt khó khăn". 

Hiện Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng  huyện Yên Bình đã thực hiện áp giá bồi thường đất đai theo đúng Quyết định số 2455/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2007 của UBND tỉnh Yên Bái, theo đó đất nông nghiệp của 26 hộ dân được áp giá đền bù là 18.000đ/m2. Tổng số tiền đền bù khoảng trên 750 triệu đồng. Các hộ dân ở đây có ý kiến mong rằng, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện và các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đơn giá đền bù cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay. Nếu không điều chỉnh được đơn giá thì đề nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi lại một phần đất rừng sản xuất của Lâm trường Yên Bình tại thôn Hồng Xuân giao cho mỗi hộ 1 ha và không nhận tiền bồi thường. Những ý kiến này của người dân đã được UBND huyện Yên Bình trình lên UBND tỉnh xem xét.

Đồng thời, người dân nơi đây cũng cho rằng, việc kết hợp giữa đất trồng lúa và đất rừng để chia tỷ lệ để hỗ trợ sản xuất là không hợp lý với thực tế. Theo qui định, những hộ bị thu hồi 30% đến 50% diện tích đất nông nghiệp bao gồm cả đất rừng và đất trồng lúa thì 50% số nhân khẩu sẽ được hỗ trợ với mức với mức 30kg gạo/nhân khẩu/tháng trong 3 tháng, thu hồi từ 50% đến 70% diện tích được hỗ trợ 70% nhân khẩu, từ 70% trở lên được hỗ trợ 100% nhân khẩu. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động cũng ở mức tương tự.

Ông Đinh Văn Lâm cho biết: "Thực tế canh tác tại địa phương thì giá trị kinh tế của đất ruộng gấp nhiều lần đất rừng. Đất rừng ở đây được chúng tôi trồng keo là chính. So sánh 1 sào (tức 360m2 ruộng) trung bình mỗi năm chúng tôi thu được 4 tạ lúa, với giá 6.000đ/kg như hiện nay thì được 2.400.000 đồng. Trong khi đó với 360m2 rừng, chúng tôi trồng được khoảng 50 cây keo và 7 năm tuổi mới được thu hoạch khoảng 5 khối, sẽ được khoảng trên 2.000.000 đồng, như vậy rõ ràng là không bằng một năm trồng lúa. Biết rằng, theo qui định đất nông nghiệp bao gồm cả đất trồng lúa và đất rừng nhưng xét thực tế sử dụng thì giá trị kinh tế có sự chênh nhau nhiều, thiết nghĩ như vậy quả có sự thiệt thòi cho chúng tôi. Trong số 26 hộ dân diện thu hồi thì có 14 hộ bị mất trên 50% diện tích đất trồng lúa nhưng chỉ có 9 hộ thuộc diện được hỗ trợ".

Song, nỗi lo lớn nhất của 26 hộ dân là làm thế nào để cuộc sống của họ sau khi thu hồi đất vẫn ổn định lâu dài. Trước nay, nguồn thu nhập hàng ngày chủ yếu của họ từ hạt thóc, nay đất trồng lúa bị co lại hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong số 14 gia đình phải thu hồi trên 50% diện tích ruộng thì có 2 gia đình thu hồi 100%. Bà Phạm Thị Phúng cho biết: "Gia đình tôi có trên 1000m2 ruộng đều trong diện thu hồi, lại không có rừng. Với số tiền đền bù được hơn 18 triệu đồng, tôi không biết làm gì ngoài việc gửi tiết kiệm để duy trì cuộc sống". Hộ ông Lương Minh Hảo cũng phải thu hồi 100% diện tích đất trồng lúa với 1.800m2, hiện gia đình còn 1.800m2 vườn tạp nhưng số keo 3 năm tuổi trồng trên đó nay đã bị chết.

Ông Lương Minh Hảo: "Gia đình có 4 nhân khẩu thì 3 trong độ tuổi lao động. Xưa nay, chúng tôi chỉ quen với việc làm ruộng. Nay với số tiền đền bù và hỗ trợ khoảng trên 40 triệu đồng chúng tôi thực sự chưa biết làm gì để bảo đảm, có hiệu quả lâu dài . Hai vợ chồng tôi vẫn mong muốn nhất là có ruộng để làm, vì vậy, dự định duy nhất lúc này là tìm mua một vài sào ruộng, giá hiện nay cũng phải chục triệu đồng/sào nhưng tìm được ruộng để mua cũng không dễ dàng".

Với các hộ còn lại  số ruộng còn cũng không là bao, trong khi diện tích rừng của họ chẳng có nhiều. Theo ông Lâm, có 12/26 hộ gia đình vừa ít rừng vừa ít ruộng, hộ còn lại nhiều ruộng nhất chỉ trên 700m2. Đồng thời việc chưa biết sử dụng số tiền đền bù để đầu tư vào việc gì là tình trạng chung của các hộ. Trong khi nhiều hộ lại đang còn nợ ngân hàng, thì việc số tiền đền bù có trong tay có thể được mang đi trả nợ để rồi cũng không còn nhiều vốn làm ăn là điều đã nhìn thấy trước.

Việc giải phóng mặt bằng, xây dựng và đưa vào sử dụng Trại Sản xuất giống thuỷ sản Yên Bình theo đúng tiến độ là điều cần thiết, là một nhu cầu tất yếu. Việc bảo đảm nhu cầu cuộc sống cho người dân đã hy sinh ruộng vườn để phục vụ các công trình của Nhà nước cũng càng khẩn thiết hơn. Vấn đề đặt ra là các cấp chính quyền và Trung tâm Thủy sản Yên Bái cần có sự hỗ trợ, giải pháp thiết thực để tạo việc làm lâu dài cho người dân sau khi thu hồi đất như chuyển giao khoa học kĩ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng nghiệp, dạy nghề hay xuất khẩu lao động...đặc biệt là tư vấn sử dụng hiệu quả nguồn vốn được đền bù để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân nơi đây.

 Huyền My

Các tin khác
Nhân dân xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) nhận phân bón phục vụ thâm canh lúa. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Giàng La Pán là thôn khó khăn nhất của xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), 100% là đồng bào công giáo. Vào năm 2005-2006, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây còn nghèo lắm, cuộc sống khó khăn thiếu thốn cộng với trình độ nhận thức còn hạn chế đã làm cho tình hình xã hội trở nên bất ổn, mong ước tìm một "miền đất hứa" đã len lỏi vào từng hộ gia đình.

Phụ nữ các dân tộc Mông ở Yên Bái đã tích cực học tập nâng cao kiến thức. (Ảnh: T.L)

YBĐT - Từ trước đến nay, tôi đã được nghe và gặp nhiều người phụ nữ Mông công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đối với chị Giàng Thị Sông, người dân tộc Mông ở xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) là một trường hợp đặc biệt vì chị là nữ trưởng bản đầu tiên và duy nhất của huyện.

Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Tu hú vừa mới cất tiếng gọi bầy, những chùm vải đỏ vít cong cành, tôi đã vội đi Mường Lò. Chao ơi là nhớ! Chẳng hiểu ra làm sao nữa, vì tôi đã từng qua Mường Thanh - Mường Than - Mường Tấc nhưng chẳng mường nào để thương để nhớ thật nhiều trong tôi như Mường Lò.

Nền lớp học lồi lõm.

YBĐT - Năm 1976, Trường trung học cơ sở Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Yên Bình(Yên Bái) khi đó là Trường phổ thông cơ sở được xây dựng những phòng học cấp 4 bằng những viên gạch mới và mái ngói đỏ tươi. Thời điểm bấy giờ, đó là một ngôi trường mới khang trang và là sự cố gắng hết mình cho giáo dục của nhân dân trong xã. 32 năm trôi qua, ngôi trường chứng kiến bao lớp học trò lớn lên, trưởng thành, còn cô, trò lại xót xa chứng kiến sự xuống cấp, già cỗi của mái trường thân yêu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục