Vẫn rực cháy một thời hoa đỏ
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - 2.000 cựu thanh niên xung phong (TNXP) Yên Bái đã cùng TNXP cả nước đổ biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ, xương máu để mở những tuyến đường giao thông, những cung đường, những trọng điểm và lặng lẽ nhận về mình những thiệt thòi mất mát, không dễ gì bù đắp nổi. Xin được nhắc về họ một thời máu lửa, “một thời để nhớ”!
Trung đoàn 174, Sư 316, Quân khu 2 dã ngoại về thị xã Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Văn Tuấn)
|
Một Yên Bái là cửa ngõ vùng Tây Bắc có vị trí chiến lược đã được Trung ương Đoàn xác định và điều động 44 đại đội, với 9 đại đội TNXP các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội lên tham gia kháng chiến và khắc phục hậu quả chiến tranh, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, xây dựng kinh tế. Riêng Yên Bái có tới 53 đại đội với 6000 đồng chí. Họ có nhiệm vụ xây dựng các tuyến đường, công trình giao thông, thuỷ lợi, vận chuyển hàng hoá lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội, tải thương, cáng thương, tải đạn, san lấp hố bom …
Những TNXP Yên Bái tuổi mười tám, đôi mươi ấy đã vận chuyển 10 ngàn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men và vũ khí cho bộ đội, cứu chữa 535 bệnh binh, phối hợp với nhân dân đưa 60.000 bộ đội qua sông Hồng an toàn. Không ngại hiểm nguy, lực lượng TNXP các đại đội 85,87,97 bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch an toàn. Các tuyến đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ (đường 13-A, đường Mậu A- Khe Vác) đội TNXP N603-P41 được biên chế thành 5 đại đội làm nhiệm vụ tại huyện Văn Yên. Họ vận chuyển tới 47.390 tấn hàng hoá, lương thực đạn dược qua sông Hồng dưới làn bom đạn địch, nhiều tấm gương tiêu biểu đã không sợ hy sinh gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ đã huy động sức mạnh tổng lực của quân, dân cả nước. Cuối năm 1952, Đảng và Chính phủ giao cho tỉnh Yên Bái mở đường từ chợ Hiên (Tuyên Quang đi Ba Khe đến đường 4K Sơn La). Với kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng tham gia các phong trào những năm kháng chiến, chỉ trong vòng 3 tháng lực lượng TNXP trong tỉnh đã huy động 638.000 ngày công, sửa và làm mới 188 km đường, đảm bảo xe ô tô có thể chạy giữa căn cứ địa Việt Bắc và Tây Bắc. Họ còn làm 2700 công thuyền máy, 650 công xe đạp thồ phục vụ chiến dịch. TNXP Yên Bái đã vận chuyển trực tiếp ra mặt trận Điện Biên Phủ 1.840 tấn gạo, 1200 con trâu bò, 489 con lợn và hàng chục tấn rau xanh. Đại đội TNXP 238 với 45 người có nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông từ Mỵ ra bến phà Âu Lâu, cùng với đại đội TNXP 405 tập trung vận chuyển xe qua bến phà Âu Lâu. Bình thường chỉ có thể cho 30 - 40 xe qua một đêm, mỗi chuyến mất 30 phút, nhưng với quyết tâm "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" ta đã rút ngắn thời gian vượt sông xuống còn 15 phút và bố trí thêm hàng chục xe vượt sông mỗi đêm. Có đêm đưa tới 93 xe vượt sông an toàn. Dù bom rơi, đạn nổ họ vẫn bám trụ, bảo đảm an toàn thông suốt trên con đường huyết mạch Yên Bái - Ba Khe - Sơn La, từ căn cứ địa Việt Bắc tới mặt trận Điện Biên Phủ. Từ cách mạng tháng 8 đến chiến thắng Điện Biên Phủ, TNXP tỉnh Yên Bái cùng tuổi trẻ và nhân dân cả nước trải qua 10 năm chiến đấu và xây dựng đầy hy sinh gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang. Hoà chung khí thế "Ba sẵn sàng" do Trung ương Đoàn phát động, hàng vạn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Năm 1966, Yên Bái đã thành lập được 129 đội TNXP và tiễn đưa 1500 thanh niên nhập ngũ, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chỉ tính riêng trong hai cuộc kháng chiến, TNXP Yên Bái đã xây dựng được 72 Km đường sắt Yên Bái - Lào Cai, quốc lộ 70 Yên Bái - Lào Cai dài 115 km, đường 13-A từ chợ Hiên - Tuyên Quang đến đèo Lũng Lô dài 100 km, đường Trái Hút - Phong Dụ dài 20 km, sân bay Yên Bái, đường Lâm Sinh dài 100 Km, các bến phà Âu Lâu, Trái Hút, Tô Mậu, Tân An, Khe Trấn, Mậu A, Bắc Cuông, đường 13-A từ Ba Khe đi Sơn La dài 180 km. Họ đã đào đắp 8.100.000m3 đất đá, rải và làm mới 1.760.000 m2 mặt đường, xây dựng 200 cầu, 1800 công trình thoát nước, khai thác 1500 m3 gỗ, xẻ 82.000 tà vẹt gỗ, vớt dưới sông 21.000 thanh ray để làm đường sắt Yên Bái - Lào Cai, vận chuyển 19.657 tấn thóc gạo, 6000 con trâu, 172 tấn muối cung cấp cho bộ đội. |
Khắc phục hậu quả chiến tranh, TNXP tạo lập các vùng kinh tế mới, sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển đàn gia súc. TNXP đã đi đầu trong việc củng cố các vùng chuyên canh lớn như: chè Văn Chấn, Trấn Yên, quế ở Văn Yên, Văn Bàn…Hoà bình lập lại, Đảng bộ đã lãnh đạo TNXP phát triển lực lượng sản xuất, tập trung cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, trong đó có Thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam. Nhiều gương sáng về nghị lực của cựu TNXP từ tay trắng sau chiến tranh, đã vươn lên xoá đói nghèo cho gia đình, làm giàu cho quê hương đất nước. Vượt khó khăn, họ nuôi dạy con cháu tiến bộ, thành đạt. Không ít người được tín nhiệm giao giữ trọng trách như: cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, quân sự, công an…
Nhưng còn đó những thương binh, gia đình liệt sỹ, người bị sức ép bom mìn, chất độc màu da cam. Nhiều nữ cựu TNXP cống hiến tuổi thanh xuân ở các chiến trường không có điều kiện xây dựng gia đình, nay già yếu, ốm đau; và cả các bà, các chị ở vùng sâu, vùng xa không nơi nương tựa. Phần lớn cựu TNXP tuổi cao, sức yếu, đời sống khó khăn. Tháng 5/2006, Hội Cựu TNXP Yên Bái thành lập đã khơi dậy truyền thống, làm chỗ dựa tinh thần, động viên giúp đỡ hội viên, con em cựu TNXP nỗ lực vượt lên đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no. Hội là chỗ dựa cho các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm tồn đọng chính sách đối với cựu TNXP; nơi tiến hành hiệu quả hoạt động "nghĩa tình đồng đội", nêu cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa", góp phần giáo dục thế hệ trẻ.
Giờ thì họ người mất, người còn và cái “thời hoa đỏ” của các cựu TNXP Yên Bái năm xưa hôm nay vẫn đang rực cháy, để tuổi trẻ soi vào và tự vấn “ta đã làm gì cho tổ quốc” hôm nay?
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi trở về vùng chè Văn Chấn (Yên Bái) - vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái cả về diện tích, sản lượng đến các cơ sở chế biến. Không khí sôi động nơi đây đã không còn như những năm về trước, mà chỉ thấy sự buồn bã, thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt những người làm chè...
YBĐT - Chế Tạo! Cái tên mà chỉ mới nghe đến thôi thì kể cả là cán bộ đang công tác tại huyện nếu không vì công việc cũng chẳng ai muốn đến, cho dù đến một lần rồi đi. Chế Tạo! Cái xã xa tít nơi vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) hễ bất cứ ai đến rồi cũng phải rùng mình khi nghĩ tới một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Cả tôi cũng vậy. Nhưng những người thầy ở đây lại không thế…
YBĐT - Gia Lai đây rồi! Nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển. Gia Lai với những mái nhà rông, những tượng nhà mồ, lễ hội đâm trâu cùng các trường ca dân gian kể suốt đêm này qua đêm khác. Vùng đất này có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
YBĐT - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, đã có hàng trăm thanh niên ở xã Đào Thịnh (Trấn Yên) không ngại hy sinh, gian khổ khoác súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, họ trở về, tiếp tục là người lính đi đầu trên trận tuyến mới, xây dựng quê hương Đào Thịnh ngày càng giàu đẹp.