Đội mưa, lên núi nghe người Mông nói chuyện nuôi bò

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong điều kiện người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn..., làm thế nào để đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo luôn là một câu hỏi lớn và đó cũng là mục đích của chuyến công tác lên vùng cao Trạm Tấu của đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái vừa qua.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng, bên trái) và đoàn công tác kiểm tra việc nuôi bò tập trung ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng, bên trái) và đoàn công tác kiểm tra việc nuôi bò tập trung ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu.

Cùng đi với đồng chí có lãnh đạo các ngành: nông nghiệp - PTNT, khoa học - công nghệ, Văn phòng Tỉnh ủy và Báo Yên Bái để kiểm tra kết quả thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình canh tác trên đất nương rẫy của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu theo hướng bền vững, kết hợp nông lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc". Địa điểm thực hiện Dự án là thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu. Thời gian thực hiện Dự án từ tháng 1/2006 đến tháng 12/2007. Quy mô của Dự án trên diện tích 8 ha đất dốc, 8 hộ gia đình trồng 1 ha cây lâm nghiệp, gieo 3,5 ha lúa nương, trồng 2 ha cỏ, làm hai chuồng trại và chăn thả bán công nghiệp 35 bò cái sinh sản giống địa phương, 2 bò đực lai Sind F1.

6 giờ sáng 17/7, đoàn công tác rời Yên Bái khi trời mưa nặng hạt. Mưa thế này đi vùng cao rất vất vả nên ai cũng mong qua đèo Ách trời sẽ tạnh nhưng điều mong đợi ấy đã không đến. Cả Văn Chấn, Mường Lò đều mưa. Lên đến Km 14, Trạm Tấu mưa càng lớn hơn. Lúc này là 8 giờ sáng. Đoàn cán bộ huyện Trạm Tấu do Bí thư Huyện ủy Hà Chí Họp cùng cán bộ kỹ thuật chỉ đạo Dự án và lãnh đạo xã Trạm Tấu đã đứng đợi ở bên đường.

Sau cái bắt tay nồng ấm, thân tình của người vùng cao, anh Họp thông tin nhanh: "Địa điểm thực hiện dự án trên lưng núi kia, leo ngược dốc khoảng hơn một tiếng sẽ đến ". Nói rồi, anh chỉ tay lên ngọn núi bên đường đã mờ khuất trong màn mưa. Phó bí thư Thường trực Nguyễn Văn Ngọc hỏi lại: "Chắc đường khó đi lắm hả?". Không đợi trả lời, anh nói luôn: "Đã quyết là đi!". Mọi người cùng cởi bỏ giày da, thay dép quai hậu, hoặc ủng cao su, rồi mặc áo mưa, che ô, không có ô thì đội nón. Một số người cẩn thận kiếm thêm đoạn gậy chống với mong muốn "đi ba chân" cho chắc và tất cả như cố gắng cho mình khỏi ướt. Chỉ có kỹ sư Trần Văn Xuề - Chủ nhiệm Dự án thì cười hóm hỉnh: "Lên tới đó không ướt vì nước mưa cũng đẫm áo vì mồ hôi. Tôi đánh cuộc, ít nhất 5 người bị ngã". Và chúng tôi bắt đầu hành trình vượt núi trong mưa.

Mưa quất vào mặt, mưa rơi trên đầu, mưa làm tán lá cây rừng run rẩy. Nước mưa thành dòng chảy xiết trên lối mòn. Ở chỗ đất nhão, nước mưa khiến đường lầy thụt; nước ở chỗ đất cứng hay mỏm đá khiến đường trơn tuột. Đi một đoạn không ai là không lấm bê, lấm bết và chỉ nửa đoạn đường "định mức", “chỉ tiêu” 5 người ngã đã gần hoàn thành, cả trưởng đoàn, cả cán bộ huyện và cả anh người Mông thạo đường, giỏi leo đồi, leo núi đều "mài" quần xuống đất. May là chỉ bẩn áo, quần. Đi mãi rồi mô hình canh tác, chăn nuôi bền vững đã hiện ra trước mắt với hai khu chuồng bò lợp phi brôximăng, đứng giữa những dải băng lúa nương và vệt cỏ voi xanh tốt.

Ông Giàng Sung Tu - trưởng nhóm (8 hộ) tham gia Dự án đã đợi sẵn ở chuồng bò thứ nhất, nơi ở của hơn 20 con bò mẹ béo tốt, lông mượt, ngoan ngoãn và những chú bò con hiếu động; chỉ có anh bò đực lai Sind cường tráng là lấc láo nhìn người lạ, nó hực lên mấy tiếng rồi cào bộ móng guốc to sụ xuống nền xi măng. Bản tóm tắt kết quả thực hiện Dự án được cán bộ phát cho từng người, tôi lướt nhanh rồi vội ghi vào sổ: Tháng 3/2007 - Dự án chính thức triển khai, 3/6/2007 - kết thúc trồng cỏ voi, 4/6 tiến hành gieo lúa nương (giống Chí chủa), 17/8 - trồng xong cây lâm nghiệp, 11/9 - trồng xong 400 cây vải Thanh Hà,  5/11 - làm xong chuồng trại; 13/12 - chuyển giao bò đực lai Sind cho tổ trưởng, 15/3/2008 - các hộ tham gia Dự án đã mua đủ 35 bò cái sinh sản với sự hỗ trợ của Nhà nước 3 triệu đồng/con.

Anh Đinh Đăng Luận – Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích với mọi người: “Quy trình của Dự án phải là có cỏ, có chuồng mới mang bò về thả và bò phải được nghiệm thu chặt chẽ”. Sau hơn một năm triển khai Dự án, bà con đã thu hoạch được một vụ lúa nương với năng suất 22,86 tạ/ha (cao hơn năng suất bình quân chung toàn huyện 10,94 tạ), cỏ voi lứa thứ hai năng suất 65 tấn/ha, cỏ Decumben lứa thứ hai năng suất 25 tấn/ha, cây lâm nghiệp và cây ăn quả mỗi loại 1 ha. Đặc biệt, đàn bò phát triển khá, trong đó 7 bò cái đã sinh được 7 bê con, 10 bò mẹ khác sẽ sinh trong vòng một tháng nữa. Riêng đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm đàn bò trong Dự án không con nào bị chết rét.

Đứng ngay bên khu chuồng trại, hàng loạt câu chuyện về chăn nuôi bò giữa đoàn cán bộ của tỉnh và người Mông thôn Tấu Dưới đã được trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Ông Giàng Sung Tu phấn khởi: “Bò lớn và đẹp lắm, hơn hẳn cách nuôi trước đây, tốt nhất là có chuồng cẩn thận và đủ thức ăn nên đợt rét vừa qua cả trăm trâu bò trong xã chết mà bò tham gia Dự án không những không chết mà vẫn đẻ con”. Ông Giàng A Sinh thì còn băn khoăn: “Nuôi tập trung như thế này có nhiều cái chưa thuận lắm, ví như không gần nhà nên không tiện bảo vệ, tình trạng mất cắp trâu bò ở xã này diễn ra rồi. Nếu chuồng ngay gần nhà thì chỉ cần tranh thủ ra cắt ôm cỏ cho nó ăn là được, không phải đi xa nữa”.

Ông Giàng Sông Dia thì lo lắng: “Cỏ voi lên rất mạnh nhưng bò kém ăn lắm, nó chỉ chịu ăn khi không còn cỏ gì thôi”. Ngay cả Chủ tịch UBND xã Giàng Vảng Hành và Chủ tịch UBMTTQ xã  Giàng Nỏ Chua vẫn còn rất áy náy về chuyện bò kém ăn cỏ voi và cho rằng, không nên nuôi tập trung với số lượng lớn mà nên phát triển chăn nuôi theo quy mô gia đình.

Sau khi tham khảo ý kiến của các cán bộ, ngành nông nghiệp - PTNT cũng như lắng nghe ý kiến của cán bộ và bà con người Mông thôn Tấu Dưới, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc nhận xét: Trong điều kiện diện tích ruộng ít, canh tác khó, đồi rừng là chủ yếu, đại đa số hộ dân trong xã còn nghèo... thì chăn nuôi đại gia súc là một hướng đi đúng trên con đường xoá đói, giảm nghèo.

Kết quả mà Dự án mang lại là rất khả quan nhưng khả năng nhân rộng chưa cao; cần đa dạng hoá giống cỏ trong phát triển chăn nuôi và cần hướng dẫn bà con cách chế biến trước khi cho trâu bò ăn, nhất là khi cỏ nhiều ăn không hết cần phơi khô làm thức ăn dự trữ cho mùa đông. Quá trình chăn nuôi, tỉnh sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ như giống, vốn, kỹ thuật trồng chế biến cỏ và chăm sóc bò. Dự án nuôi bò cần được tiếp tục triển khai nhưng không nên rộng khắp ở tất cả các hộ gia đình cũng như không nên gượng ép phải nuôi nhiều, nuôi tập trung, chỉ lựa chọn những gia đình nào có điều kiện đất đai, nhiệt tình tham gia mới đưa vào Dự án và khi bà con thấy được lợi ích của việc nuôi bò, mạnh dạn trong làm ăn, có ý thức sản xuất hàng hoá thì tự họ sẽ nâng dần quy mô.

Mưa vẫn không ngớt, khe nước bên sườn núi trở nên hung dữ hơn, mọi người lại đánh vật với con đường xuống núi. Rất cực nhọc và cả nguy hiểm nữa nhưng cuối cùng đoàn vẫn xuống đến đường nhựa an toàn khi trời đã quá trưa. Mệt nhưng vui vì buổi làm việc rất hiệu quả, cán bộ đã được nghe những lời nói thật lòng của người dân để có những quyết sách đúng.

Lê Phiên

Các tin khác
Trung đoàn 174, Sư 316, Quân khu 2 dã ngoại về thị xã Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Văn Tuấn)

YBĐT - 2.000 cựu thanh niên xung phong (TNXP) Yên Bái đã cùng TNXP cả nước đổ biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ, xương máu để mở những tuyến đường giao thông, những cung đường, những trọng điểm và lặng lẽ nhận về mình những thiệt thòi mất mát, không dễ gì bù đắp nổi. Xin được nhắc về họ một thời máu lửa, “một thời để nhớ”!

Sản phẩm chè Ô Long đã được nhiều khách hàng ưa dùng.

YBĐT - Chúng tôi trở về vùng chè Văn Chấn (Yên Bái) - vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái cả về diện tích, sản lượng đến các cơ sở chế biến. Không khí sôi động nơi đây đã không còn như những năm về trước, mà chỉ thấy sự buồn bã, thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt những người làm chè...

Lớp 1A của thầy giáo Sùng A Dình luôn duy trì đủ sĩ số  và thầy Dình đang uốn từng nét chữ cho học sinh.

YBĐT - Chế Tạo! Cái tên mà chỉ mới nghe đến thôi thì kể cả là cán bộ đang công tác tại huyện nếu không vì công việc cũng chẳng ai muốn đến, cho dù đến một lần rồi đi. Chế Tạo! Cái xã xa tít nơi vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) hễ bất cứ ai đến rồi cũng phải rùng mình khi nghĩ tới một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Cả tôi cũng vậy. Nhưng những người thầy ở đây lại không thế…

Khách du lịch Yên Bái thăm gốc cây cổ thụ hóa thạch - triệu năm.

YBĐT - Gia Lai đây rồi! Nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển. Gia Lai với những mái nhà rông, những tượng nhà mồ, lễ hội đâm trâu cùng các trường ca dân gian kể suốt đêm này qua đêm khác. Vùng đất này có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục